“Một người không thể nâng đỡ hay cứu vãn thời gian.
Hắn chỉ có thể nói lên được là thời gian đã mất.”
(Kierkegaard)
Bi kịch của con người là không thể biết hay thậm chí không tiên đoán được tương lai của mình; điều duy nhất mà chúng ta biết chắc chắn chính là những đổ vỡ, mất mát mà mình đã từng trải qua. Chúng ta đâu chỉ là tổng cộng những tựu thành. Bởi lẽ, ngay từ nền tảng, con người đã là một yếu đuối của hữu thể, một vết chàm trên nhan sắc lộng lẫy của trần gian.
Mây bay là bay rồi
trên nền trời không nóc
ngày hôm qua mây bay
Đó là điều rõ ràng tôi biết điều
tôi biết nặng trĩu khát khao tìm
như người tự ngã sấp như
người chết úp mặt.
Nói chuyện với một người già như
em là điều tôi không muốn
Rõ ràng
tôi muốn biết gương mặt người tôi yêu
đã đi đâu
về đâu
gương mặt tự do của tôi
Khoảng không còn lại bàn tay vẫy mãi
không biết mong đợi điều gì
nói chuyện với mây là điều tốt nhất để giữ trí nhớ.
Làm sao tôi biết em thách đố bước đi
khi cây trái âm ỉ những vết nứt như biên giới nhốt kín
một người
Tôi vì sao chỉ nói mỗi một điều ai cũng biết
mây bay là bay rồi!
(“Mây bay rồi”)
Thi ca, ở đây, đã trở thành một thứ ký ức tập thể, lịch sử của những đau thương, cá nhân và đồng loại; ký sự về nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm chân trời giải thoát cho những khát vọng tự do bị bóp nghẹt bởi một hiện thực tù túng.
Từ một xứ sở không mong gì thay đổi. Cái nhìn của bạn tôi, đôi mắt đó như ánh sáng của một miếng thủy tinh mờ đục mà long lanh đến hụt hẫng. Và thơ của bạn được viết ra chỉ để là một bàn tay của người tình cũ vuốt nhẹ lên má của chính bạn.
(“Chỗ nào đó đang bị xé toạc”)
Mây Bay Là Bay Rồi là tập thơ thứ 5 do tác giả tự xuất bản năm 2010 gồm 39 bài thơ mà trong đó, đã có 19 bài nói về căn nhà. Với những bài còn lại đều thấy xuất hiện hình ảnh của những cánh cửa, bức tường, cái vườn, bữa cơm gia đình, ánh đèn, hàng xóm... Ngay cả khi thi sĩ nói về bầu trời cũng là bầu trời trong hình dáng của một mái nhà. Nostalgia, đó là mạch cảm xúc ngầm xuyên suốt trong sáng tạo thi ca của Trần Tiến Dũng. Không phải ngẫu nhiên khi những bài thơ thành công nhất của thi sĩ là những bài thơ gắn liền với căn nhà trong ký ức, gắn liền với nỗi nhớ về những cái đẹp bị tước đoạt, những vết thương chưa thành sẹo trong tâm hồn.
Hãy đọc bài thơ mở đầu “Cánh cửa im lặng” thật chậm để nghe thấy sức mạnh ám ảnh của tiếng gọi day dứt, không nguôi đó.
Bộ đồ lòe loẹt cũ ai treo trong ngày không nắng. Tôi nhớ những cánh cửa mở níu tôi về ngôi nhà im lặng trong nắng phương Nam. Ngôi nhà mỗi lần tôi ngoái lại, ngưng đọng hơi khói màu trà trong mắt tôi. Cái nhìn của giọt nước không rơi luôn im lặng treo phía trên những đoá hoa lúc nào cũng chực trào nước mắt. Để được sự im lặng tôn trọng hãy từ chối khóc! Ngôi nhà chiếm hết khoảng trống đối diện. Có ai đó nói rằng tôi đang khoác sắc long lanh tối của mái lá vách ván, khoác một màu tối xanh sâu lên mặt. Chưa bao giờ tôi ra khỏi thói quen muốn nói, muốn hát với ngôi nhà đang giữ sự im lặng cũ rích đó. Đôi khi tôi bắt gặp ngôi nhà ấy nhỏ như một món đồ chơi. Trong nắng những cái chuông giấy tròn xoe, óng ánh và đong đưa với lá cây và những viên đá nhỏ. Và lúc ngôi nhà bị chôn lấp bởi thứ ánh sáng ký ức đỏ rực, tôi chợt nghe tiếng chân trẻ con chạy phía trước.
Im lặng - cái nền nhà được đắp bằng đất phương Nam nén chặt. Tự do ở đất nước này là thứ vô nghĩa nhưng mãi mãi là thứ tôi muốn lắng nghe. Tiếng hát của những người đã khuất.
(“Cánh cửa im lặng”)
Bài “Cánh cửa im lặng” và “Mây bay rồi” là hai bài mở đầu và kết thúc của tập thơ, được trích dẫn trọn vẹn ở đây bởi vì nó tiêu biểu cho ngôn ngữ, phong cách thi ca của Trần Tiến Dũng, đồng thời cũng là hai bài thơ được nhiều người biết đến. Đi trong không gian thơ của Trần Tiến Dũng không phải là bước vào cõi thần tiên mơ mộng mà là phiêu lưu vào một thế giới bị biến dạng, méo mó, nơi mà bóng tối, tội ác, sự bất khoan dung và phi nhân tính là sức mạnh thống trị. Song, vấn đề đặt ra ở đây là trước tội ác, thi ca có thể sống sót và còn ý nghĩa? Thi sĩ giữ im lặng và lặng lẽ chết đi như những linh tượng, hay thi sĩ phải lựa chọn một thái độ, là khước từ mọi hành vi thoả hiệp và dối trá cho dù để phục vụ một lý tưởng?
Tôi sẽ quẹt nước mắt bằng bàn tay lem luốc
Tin: Thơ là cái xẻng tốt
Tự Do đẹp biết dường nào
chiếc lá xanh vừa rơi vào đôi mắt của đất
(“Trò chuyện trên đôi ống chân vướng bông cỏ”)
Với Trần Tiến Dũng, sứ mệnh của thi ca là ngợi ca tình yêu và sự thật. Ở khía cạnh đó, ngay cả khi thi sĩ chết đi, thi ca vẫn trường cửu như một phương tiện trong cuộc đấu tranh chống lại cái phi nhân tính.
Không ánh sáng của ý thức nói thật, điều đó thiệt tệ hơn cái chết.
(“Đôi chân sợ hãi, tôi chọn bước ra”)
Chúng ta nghe ở đây có một sự đồng vọng với nhà thơ Czeslaw Milosz, “Những ai thực sự sáng tạo đều cô độc... Người sáng tạo không có lựa chọn nào khác ngoài lòng tin tưởng vào sự dẫn dắt ở bên trong con người mình và thách thức tất cả mọi thứ để nói lên cái mà anh ta tin là sự thật.”
Đứng trước một thực tại méo mó, phi nhân, một “cuộc đời đách còn cái gì đáng gọi là đẹp”, tất cả những ngôn ngữ sang trọng, trau chuốt, những bài thơ hoa lệ, mỹ miều không những không bóc trần được bản chất của sự vật mà xét ở khía cạnh xã hội, chúng còn dung túng che đậy, thậm chí có thể coi là một sự phỉ báng lương tri. Trần Tiến Dũng đã chọn một thứ mỹ học khác. Với mỹ học đó, sự vật mới được gọi đúng tên nó một cách trần trụi, sống sượng; mới chuyên chở được hết sức mạnh của sự phẫn nộ và cũng qua đó, thi sĩ Trần Tiến Dũng mới cống hiến cho chúng ta một hiện thực phi thực: nền trời không nóc; giẻ rách lau chùi một chuyến đi; cái nhìn muối mặn; mọi cuộc chia tay là chuyến đi tàn tật của một cá nhân; vậy mà em vẫn là cái hũ lớn đựng ngần đó vẻ đẹp mốc meo; trăng đường phố há miệng cùng tiếng kêu hú chó, mèo; quê hương nơi hàng triệu người dung thân đang khóc lên mà như cười; thân cây nở đầy tiếng chửi tục tĩu...
Cuộc chiến tranh ở thành Troy đã làm cho Ulysses lưu lạc xa quê hương, gia đình và chàng đã phải mất 10 năm trời, vượt qua bao hiểm nguy cận kề cái chết, chiến thắng mọi cám dỗ, để tìm cách trở về Ithaca đoàn tụ với nàng Penelope yêu dấu. Odyssey đã trở thành một bản anh hùng ca. Nhưng hành trình của Trần Tiến Dũng hoàn toàn ngược chiều với Ulysses. Điều cay đắng, oan nghiệt mà định mệnh dành cho thi sĩ (hay cho tất cả chúng ta?) là phải tìm kiếm quê hương ngay trên chính quê hương của mình. Cuộc tìm kiếm đó, vì vậy, là một sầu khúc của ký ức, tang tóc, đau thương và tha hoá.
Thi sĩ Trần Tiến Dũng từ chối làm người ăn cắp lửa để đem về cho trần gian ngụp lặn trong bóng tối mù loà, bởi chính thi sĩ cũng đang mang trên mình thân phận mù loà.
Người đàn ông chỉ nhìn thấy bóng tối
hắn nói đúng là mắt hắn màu đen
hắn nói đúng là phía trước hắn chỉ toàn là bóng tối
(“Đêm qua người tình lại bỏ quên bàn tay trong quần”)
hay có phải thi sĩ từ chối gánh vác sứ mệnh của Prometheus bởi vì “Thi sĩ, anh không sinh ra để làm người can đảm”?
Trần Tiến Dũng chấp nhận làm người thi sĩ mù hát rong trên đường phố cho thế hệ mình nghe về một quê hương bị mất. Đó là tiếng hát của những người đã khuất hay, một cách siêu hình học hơn, là lời hát của khoảng trống, như đề từ của tập thơ.
-------------
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét