Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Quảng Ngãi: Thạc sĩ viết văn bản không được thì lãnh đạo kiểu gì?


    (Dân Việt) “Thực tế, nhiều cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức, từ xa sau khi lấy bằng thạc sĩ và được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở các phòng ban của sở, huyện, xã. Nhưng viết văn bản không được thì lãnh đạo kiểu gì?”, ông Nguyễn Thanh Quang – Phó bí thư tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi.
    Chiều 23.11, liên quan đến việc tỉnh Quảng Ngãi ban hành và thực hiện quy định “Cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được bổ nhiệm chức danh Trưởng, Phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố” gây nhiều tranh cãi, ông Nguyễn Thanh Quang – Phó bí thư tỉnh Quảng Ngãi đã có trao đổi với PV Dân Việt.
    Theo ông Nguyễn Thanh Quang, những năm trước đó, do điều kiện nguồn cán bộ của địa phương quá khó khăn nên phải tuyển nhiều trường hợp trình độ trung cấp, cao đẳng… Trong quá trình công tác, số cán bộ này đã hoàn thiện tốt nghiệp đại học tại chức, từ xa. Đến năm 2015, để nâng dần chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đáp ứng tình hình phát triển của địa phương, tỉnh đã đề ra yêu cầu cán bộ sinh từ năm 1965 trở về sau, nếu không tốt nghiệp đại học chính quy thì phải có bằng thạc sĩ mới được bổ nhiệm.
    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tiếp thu ý kiến từ cơ sở và nhận thấy do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số người tốt nghiệp đại học tại chức, từ xa dù đã có bằng thạc sĩ nhưng trình độ, năng lực vẫn không khác trước. “Không ít trường hợp tiếng là thạc sĩ nhưng viết văn bản không được thì lãnh đạo kiểu gì?” – ông Quang bày tỏ. Vì vậy, cùng với sửa đổi độ tuổi cán bộ bổ nhiệm từ 1965 thành 1975 trở về sau, tỉnh đã đề ra tiêu chuẩn “phải tốt nghiệp đại học chính quy” mới được bổ nhiệm, bổ nhiệm cao hơn.
    quang ngai: thac si viet van ban khong duoc thi lanh dao kieu gi? hinh anh 1
    Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó bí thư tỉnh Quảng Ngãi.
    Vị phó Bí thư tỉnh ủy nói thêm: “Tước khi đề ra chủ trương trên, tập thể tỉnh ủy đã họp, cân nhắc và xem xét rất nhiều. Cùng với mục đích nâng cao dần chất lượng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mong muốn hạn chế bớt đi các trường hợp “con ông cháu cha” học hành làng nhàng cứ đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm. Trong khi đó, hàng ngàn con em khác của người dân học hành tử tế, đào tạo chính quy nhưng bằng cấp thấp hơn không được nhận, bổ nhiệm”.
    “Đại học như nhau chỉ là một cách nói, còn trên thực tế ai cũng hiểu không phải như vậy. Làm gì có chuyện năng lực của một người rất vất vả mới thi đỗ và tốt nghiệp đại học chính quy, lại ngang bằng với người học tại chức, từ xa hay thạc sĩ “9+3″ mà báo đã nêu” – ông Quang thẳng thắn.
    Theo vị lãnh đạo này, nói như vậy không phải là nói đa số tại chức, từ xa và sau đó học lên thạc sĩ. Bởi lẽ rất nhiều cán bộ dù tại chức, từ xa nhưng có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm… vẫn được xem xét và bổ nhiệm, bổ nhiệm cao hơn. Tương tự ở các huyện miền núi, dù không thể hiện trong văn bản nhưng trên thực tế, tỉnh đã nới lỏng rất nhiều trong việc bổ nhiệm cán bộ học tại chức, từ xa.
    “Tỉnh đề ra chủ trương này là để nâng chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm ngày càng cao hơn, đáp ứng tình hình ngày càng phát triển của địa phương và xu hướng chung của đất nước; loại bỏ dần số cán bộ không có năng lực đang ngồi choán chỗ ở các cấp ngành của địa phương. Vì thế, nếu thật sự là người có năng lực thì dù tại chức, từ xa… vẫn được trọng dụng và bổ nhiệm bình thường. Trong quá trình triển khai nếu yêu cầu, tiêu chuẩn bổ nhiệm nào chưa phù hợp thì tỉnh sẽ điều chỉnh sửa đổi để phù hợp hơn”, ông Quang nói thêm.
    Cũng theo ông Quang, sắp tới, tỉnh ủy sẽ chỉ đạo kiểm tra, đề ra biện pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng thạc sĩ “giấy” đi học lại đại học để được bổ nhiệm cao hơn mà báo đã đưa tin.
    Như đã phản ánh, đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975 thay cho năm 1965 trở về sau), nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được bổ nhiệm và thăng chức. Theo đó, nhiều trưởng, phó phòng ban của cấp huyện đã là thạc sĩ nhưng bằng tốt nghiệp đại học là tại chức, từ xa nên phải đăng ký học lại đại học chính quy.
    Nguồn: Dantri

    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    Không có nhận xét nào: