Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Nhiều khi mồ cha không khóc nhưng cả làng có khi lại đi khóc một đống mối

NAM GIAO HỌC TỔ.
(Cái nước Việt mình rất lạ lùng. Nhiều khi mồ cha không khóc nhưng cả làng có khi lại đi khóc một đống mối. Một nhân vật đã ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, được lập đền thờ, cho đến triều Nguyễn gần đây hàng năm vẫn có quan nhận mệnh vua về làm lễ tế. Ngài chính là SĨ NHIẾP- Sĩ Vương.- NAM GIAO HỌC TỔ. Nhân có đoàn nhà văn trong Sài Gòn ra thăm, nhân dịp toàn dân đang nô nức... xin giới thiệu lại bài viết, bạn nào có quan tâm thì đọc.)
********
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) bản dịch in của Viện Khoa Học Xã Hội năm 1998, tập 1, trang 161, kỷ Sĩ Vương chép: “ Họ Sĩ tên húy là Nhiếp, tổ tiên người Vấn Dương nước Lỗ, tránh sang nước Việt ta đến vương là đời thứ 6.”
Theo như thế thì Sĩ Nhiếp gọi là người Việt rồi, chứ đâu còn là người Tàu nữa. Ở bên đất ta đến đời thứ sáu, ăn cơm uống nước hít khí trời Việt, thành người Việt. Thời hiện đại, theo luật quốc tế, chả cần biết anh là bố mẹ dòng giống da đỏ hay đen, ta hay Thổ Nhĩ Kỳ... hễ cứ sinh ra trên vùng trời, vùng biển, vùng đất thuộc nước nào là đương nhiên được cấp quốc tịch và coi là người nước đó. Đằng này khi ông Nhiếp đẻ trên đất Việt đã là đời thứ sáu thì, thôi, gọi là người Việt gốc rồi!
Thời Sĩ Nhiếp làm thái thú, đóng ở thành Luy Lâu (thuộc đất Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Hồi bấy giờ sông Dâu chưa bị cạn dòng, đô thành Luy Lâu uy nghi soi bóng bên chùa Dâu do các nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn sang lập nên. Lịch sử một đô thành từ xưa luôn gắn sự thịnh vượng với một dòng sông. Hầu như ít đô thành nào trên thế giới mà lại không ở bên một con sông. Con sông là đường thủy vận chuyển hàng hóa chủ yếu lúc đó. Và nó cung cấp nước sinh hoạt, nước cày cấy ruộng đồng.
ĐVSKTT trong kỷ Sĩ Vương chép sơ sài về tình hình nước ta hồi ấy (Giao Châu). Nhưng dân quanh vùng thành Luy Lâu, Dâu, Thuận Thành còn lưu truyền khá nhiều câu chuyện về Sĩ Vương.
Chuyện Sĩ Vương cho lập trường dạy học đầu tiên của nước ở chỗ làng Tam Á ngày nay. Học trò từ xa về theo học rất đông, đến học phải nắm cơm mang theo ăn trưa. Một hôm trò đến thì Sĩ Vương ốm chết, thế là đám học trò ném bỏ các nắm cơm vào cánh đồng gần trường để tới cùng nhau làm ma tế thày. Những chỗ nắm cơm do học trò ném, nay thành 100 cái gò rải rác quanh cánh đồng tổng Dâu. Sĩ Vương được học trò táng ngay tại trường học cũ, đến nay mộ vẫn còn ở xóm Đền, làng Tam Á. Ngày xưa đền to lắm. Cả tòa ngang dãy dọc uy nghi trong rừng cổ thụ toàn lim. Cái cổng đền lớn có cây gạo rất to. Trên cái cổng còn sót lại sau thời tao loạn vẫn còn mấy chữ nho rõ nét: “NAM GIAO HỌC TỔ” bên mặt ngoài, và “ HỮU CÔNG NHO HỌC” bên mặt trong. Các triều vua nước ta từ lâu đã phong Sĩ Nhiếp là tổ của sự học, hàng năm cho người về tế lễ khói hương cẩn thận.
Chuyện thờ tứ pháp: PHÁP VÂN, PHÁP VŨ, PHÁP LÔI, PHÁP ĐIỆN ở các chùa quanh vùng Dâu cũng liên quan đến Sĩ Vương. Tứ pháp (thần mây, thần gió, thần sấm, thần sét) có nhiều nơi thờ. Thực chất đó là một tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước xưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Bắt đầu là câu chuyện tình của nàng Man Nương với vị sư Ấn Độ trụ trì chùa Dâu. Rồi thì con đẻ ra hóa thân vào cây Dâu trên núi Phật Tích. Rồi thì thần nhân báo mộng cho Sĩ Vương ra kéo cây dâu trôi trên sông vào bến. Rồi thì nàng Man Nương cởi dải yếm kéo cây dâu lên. Rồi Sĩ Vương sai bổ cây dâu ra tạc tứ pháp thấy trong đó có Phật Thạch Quang, mà sau này Giáo sư Sử học nổi tiếng Trần Quốc Vượng về nghiên cứu đã đưa ra kết luận, chính là cái linga huyền thoại! Nay vẫn để trong cái khán nhỏ trước tượng bà Pháp Vân. Tại chùa Dâu bây giờ, tượng thờ ngài Thích Ca Mâu Ni rất nhỏ bé khiêm nhường, nhưng tượng bà Pháp Vân (chị cả trong tứ pháp) cùng tiên đồng, ngọc nữ đứng hầu hai bên thì rất to lớn đường bệ trên ngôi cao nhất.
Tứ pháp nay được thờ ở bốn ngôi chùa quanh thành Luy Lâu cũ.
ĐVSKTT chép lời bình của Ngô Sĩ Liên: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ thời Sĩ Vương, công đức ấy không những ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?”
Chuyện là hồi trẻ Sĩ Vương du học rồi làm quan ở kinh đô nhà Hán, sau về làm thái thú Giao Châu. Nhà Hán loạn Tam Quốc. Ngụy, Thục, Ngô chia ba thiên hạ đánh nhau liên miên, xương chất thành núi máu chảy thành sông mà Sĩ Vương giữ cho bờ cõi nước Việt khi ấy yên ổn thái bình không bị nạn binh đao suốt bốn mươi năm trị vì chẳng phải là công đức quá lớn còn gì. Dân thờ vương như vua. Các triều sau này đều coi vương như vua. Triều Trần truy phong là “Thiên Cẩm Gia Ứng Linh Vũ Đại Vương.”
Giờ đây sau gần hai ngàn năm chúng ta soi lại sử sách và các truyền thuyết, cùng các chứng tích lịch sử thì thấy rằng, có lẽ, Sĩ Vương thực sự đã muốn xây nền tự chủ cho nước ta từ đó. Dân tộc Việt ngày nay ở trên mảnh đất hình chữ ét có mối quan hệ trực tiếp với Bách Việt xưa. Từ Bách Việt bên này dãy núi Ngũ Lĩnh đến dân Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau là một con đường thiên di lịch sử đầy máu và nước mắt. Dải đất hình chữ ét này chắc hồn thiêng của muôn kiếp cha ông chúng ta tích tụ nên hầu như đời nào cũng muốn độc lập tự chủ với phương Bắc.
Sĩ Vương chắc đã muốn dựng một vương triều hùng mạnh sánh ngang với bên kia.
ĐVSKTT chép khá nhiều về điều này: “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường... người đương thời ai cũng quý trọng. Các man di đều sợ phục.”
Lễ nhạc thi thư trong triều đủ rồi thì để cho ra một vương quốc hùng mạnh, cần phải phát triển kinh tế. Đất đai phì nhiêu màu mỡ, rừng biển nhiều sản vật. Dân no đủ nhưng còn cần nhiều vật dụng khác cho nước nên phải buôn bán giao thương. Hồi ấy thành Luy Lâu là trung tâm nước ta, sông Dâu trên bến dưới thuyền tấp nập khách buôn. Người Hồ (Ấn Độ) đưa thuyền đến buôn bán, các vị sư đi theo thuyền buôn đến đất Giao Châu từ hồi ấy. Và họ đã lập nên chùa Dâu, ngôi chùa đầu tiên trên đất Việt. Thế nhưng Sĩ Vương chắc cho thế là chưa đủ, dân một nước ngoài được no ấm về vật chất còn phải có đạo để thờ. Đạo Phật lúc ấy mới từ Ấn Độ truyền sang, lại bị pha tạp bởi Ấn Độ giáo nên chưa thâm nhập vào trong dân ta. Sĩ Vương chắc đã nghĩ ra “Tứ Pháp” cho dân thờ. Thời xa xưa, khoa học chưa phát triển, con người bất lực trước thiên nhiên nên cần phải có một cái gọi là “Đạo” cho linh hồn con người ta neo vào. Chắc chắn là Sĩ Vương hiểu điều đó, thế nên việc ra đời của “Tứ Pháp” vùng Dâu mới gắn liền với Sĩ Vương là vậy.
Nhưng Sĩ Vương là người đọc thông sử sách, vốn chuyên về sách Tả Thị Xuân Thu , ngài hiểu thuật trị nước. Chắc thế. Nên ngài đã cho mở trường học để giáo hóa dân chúng. Thật ra dân Việt mình học chữ nho từ bao giờ thì nay không còn tài liệu nào xác quyết, cơ mà sử Tàu còn ghi, vào triều nhà Tần đã có ông Khương Công Phụ, người trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) đến kinh đô Tràng An thi đỗ trạng nguyên rồi... Nhưng có lẽ hồi ấy việc học chữ của nước ta như là việc riêng của các nhà giàu và các nhà quyền quý, thường đón thày về ăn ngủ tại gia để dạy cho con em mình. Sĩ Vương chắc là người đầu tiên cho tổ chức hệ thống các trường dạy chữ trong nước để dạy dỗ con em Việt một cách quy củ bài bản và rộng khắp. Như thế mới chọn được người hiền tài dựng nước và giáo hóa rộng khắp dân chúng. Bởi thế nên các triều sau này mới thờ ngài là “NAM GIAO HỌC TỔ” chứ? Truyền thuyết về một trăm cái gò trên cánh đồng Dâu chỉ là cách dân gian ghi công một vị vương đã mở nền học vấn trường lớp cho nước nhà mà thôi.
Từ kinh đô Tràng An xưa đến Giao Châu theo sử ghi là hơn 7 ngàn dặm. Nói theo kiểu tâm linh, mình gọi là linh khí núi sông, nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại, ấy nó là cái vấn đề địa chính trị. Ở xa trung tâm, phong tục, tiếng nói... mọi thứ khác nhau, cái sự cống tiến nhiều lúc chỉ là giả vờ, nên hầu như cái máu độc lập tự chủ của người Việt nó có trong huyết quản, trong gien rồi. Năm 40, Hai Bà Trưng cũng mang quân về đánh thành Luy Lâu rồi lập “ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Hơn trăm năm sau chắc Sĩ Vương cũng định tự chủ, nhưng bằng con đường khác, con đường hòa bình, văn hóa, tâm linh... Tiếc là sự nghiệp của ông con cháu không kế được để cho nước ta lại phụ thuộc vào bên kia. Sau này có nhiều nhân vật cũng “âm mưu” như ông. Cao Biền là một ví dụ. Nhưng cũng không thành, để bây giờ còn truyền thuyết về thành Đại La và câu trong dân gian “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.”
Lịch sử hình thành nên nước Việt như ngày nay là lịch sử của dày đặc những võ công thần thánh. Thế nhưng cũng không thiếu những trang hay ho về những nhân vật từng mang trong lòng khát vọng độc lập tự chủ, xưng đế một phương bằng một cách khác, không chiến tranh, bằng văn hóa. Sĩ Nhiếp- Sĩ Vương- Nam Giao Học Tổ, chắc là một nhân vật như vậy.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: