Hiệu Minh
Thế hệ U50-70 vùng đồng bằng Bắc Bộ chắc còn nhớ thời chưa có đê quai nhiều, về mùa nước lũ, cá đủ loại trên ruộng hay vào bờ đẻ trứng từng bầy.
Chuyện bắt được cá chép dăm ký là thường. Nhà nghèo vác cái nơm hay cái giậm ra bờ sông, sáng sớm bắt được vài kg cá. Nhà không có gạo ăn thì mang ra chợ bán, vài kg cá ngon chỉ được vài bơ gạo.
Về mùa nước rút, tôm tép nhiều tới mức chỉ vài mẻ dủi đã đầy rổ. Vài lần quăng giậm đủ đầy giỏ cua. Nắng hạn cua cá trồi lên bờ trẻ con cũng bắt được. Mang ra chợ chẳng ai mua vì nhà nào cũng bắt được, dân chỉ thích gạo.
Rau cỏ cũng thế. Trồng bắp cải chỉ tưới nước tiểu là đủ tốt. Chỉ tội nhiều sâu tới mức cứ mỗi sáng có thể bắt hàng trăm con cho gà ăn. Bắp cải luộc ngọt lừ chỉ tội thiếu gạo.
Vụ đông xuân, hàng đàn chim di cư bay rợp trời. Đống rơm còn sót ít lúa hạt, lũ chim sẻ hàng trăm con thi nhau chui vào để kiếm ăn. Lũ trẻ 4-5 tuổi biết cầm cái roi, rình vụt được vài con đem nướng chả.
Một thời đất nước này có thịt sạch, cá sạch, gạo sạch, rau sạch, có lúc bán rẻ như cho. Nhưng lịch sử đã sang trang. Phát triển không gắn với môi trường là phát triển không bền vững.
Khoa học đã biến đổi
Khoa học đã biến đổi mọi thứ. Thay vì phải bắt sâu hay nhìn mùa màng bị rầy nâu phá hoại thì thuốc trừ sâu đã làm giúp. Đắp đê quai làm tăng vụ, sản lượng tăng gấp 3-4 lần so với canh tác kiểu cũ.
Nhưng phát minh khoa học có giá của nó. Từ khi thuốc sâu có trên luống rau thì rau bớt ngọt và nhiều khi trở nên nguy hiểm. Phun trên diện rộng thì mọi sinh vật trên đồng bị tiêu diệt. Cá tôm không còn, ngay cả loại sống dai như đỉa cũng không thể tồn tại.
Chưa kể công nghiệp phát triển làm ô nhiễm sông suối, khói bụi gây ra mưa axit, đến như loài vắt trong rừng cũng chết. Chất thải công nghiệp đổ xuống sông thành ra nguồn nước độc.
Dân số tăng, người khôn của khó, thay vì chỉ bắt cá tôm theo mùa, người ta dùng mìn, kích điện để tiêu diệt hàng loạt.
Chim muông, thú rừng không còn thức ăn, không còn đất sống và bị săn đuổi tới mức cùng kiệt.
Rừng bị tàn phá, thủy điện mọc lên vô tổ chức, những dòng nước mang đầy phù sa cũng không còn, đất bị bạc mầu, phân hóa học phải dùng nhiều lên.
Muốn môi trường trong sạch như xưa là không thể, chỉ còn cách sống chung với hậu quả do con người gây ra và tìm cách thay đổi từ ngày hôm nay.
Xem bài cùng tác giả TẠI ĐÂY
Làm thế nào?
Thuốc kích thích sinh trưởng, biến đổi gien trong chăn nuôi hay trồng cấy là một trong những phát minh quan trọng. Hóa chất giữ thực phẩm tươi rất cần trong bảo quản vì phải vận chuyển đi xa hàng ngàn km.
Các quốc gia phát triển đều cho phép dùng hóa chất trong cấy trồng, vật nuôi và thực phẩm nhưng có chuẩn để không hại đến sức khỏe.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chịu trách nhiệm quản lý việc xử lý và phân phối thực phẩm bao gồm kiểm soát sản phẩm nội địa, xuất/nhập khẩu, đánh giá rủi ro và hướng dẫn cho công chúng về an toàn thực phẩm.
Cơ quan kiểm soát thực phẩm phải đảm bảo đồ bán ra thị trường có nhãn dán bao gồm nguồn gốc, ngày đóng gói, ngày hết hạn và số liệu dinh dưỡng trên đó.
Một khi nhãn đã dán nhưng khi kiểm tra không đúng trong phòng thí nghiệm thì công ty cung cấp sẽ gặp rắc rối với pháp luật.
Khách hàng mua thực phẩm về nhà sử dụng mà bị ngộ độc và nếu chứng minh được nhà cung cấp có lỗi thì khỏi phải nói về tiền đổ ra mà đền cao như thế nào để trả giá cho sự bất cẩn.
Việc kiểm tra thực phẩm do các công ty tư nhân có chứng chỉ của USDA thực hiện. Họ không dễ bị mua chuộc vì nếu làm sai thì sẽ sạt nghiệp vì bị phạt, bị mất hợp đồng do kiểm tra chéo.
Chuẩn quốc gia về thực phẩm và luật pháp nghiêm minh giúp cho đồ ăn an toàn hơn.
Tại Việt Nam, môi trường đã bị hủy hoại và để trả lại như xưa chắc chắn mất hàng thế kỷ. Nhưng nếu bắt đầu từ ngày hôm nay thì vào ngày này sau 100 năm nữa Việt Nam lại có rừng vàng biển bạc, giầu như nước Mỹ.
Nông dân phải được hướng dẫn, đào tạo rất kỹ về dùng hóa chất. Thả nổi thì cái giá phải trả rất lớn vì ảnh hưởng đến sức khỏe của 90 triệu người, uy tín quốc tế, khó mà bán hàng cho TPP.
Số người giầu chiếm 1% dân số nhưng giữ 40% GDP có vai trò lớn trong việc giữ gìn môi trường. Nếu chỉ vì lợi ích riêng, họ lập dự án phá rừng, chiếm đất nông nghiệp, kinh doanh không có đạo đức, thì đó là thảm họa quốc gia, chưa nói đến lãnh đạo tham lam "ăn không trừ một thứ gì".
Những đại gia "tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn ngoài cửa" tiếp tục dùng đồ gỗ độc, vào quán gọi món lẩu nhím ăn vừa hôi vừa nhạt với giá trên trời, không mong gì rừng được bảo vệ.
Đất dành cho nông nghiệp và công nghiệp phải hài hòa. Bài học FORMOSA không cần phải viết ra đây. Kêu gọi đầu tư bằng mọi giá thì phần lãi không đáng kể so với môi trường bị hủy hoại, học hỏi chẳng được gì ngoài chuyện làm thuê với giá rẻ mạt.
Tại Bỉ có những luật về đất thải rất ngặt nghèo. Một xe đất đào lên phải chuyển ra một nơi xử lý, phân loại đất dùng cho trồng trọt thì chuyển cho cây trồng, phần đá sỏi cho mặt đường.
Mảnh đất cấy trồng được thay đổi hàng năm. Năm nay trồng lúa mỳ, năm sau trồng ngô, năm sau nữa lại trồng khoai tây để các giống làm giầu chất dinh dưỡng.
Xử lý sâu phá hoại thông qua phân bón hữu cơ có hóa chất trừ sâu hoặc dùng phương pháp sinh học để không bị ô nhiễm môi trường.
Và cuối cùng, nhân loại hãy ăn vừa đủ nhu cầu. Các nước nghèo bị bệnh do thiếu ăn, các nước giầu bị bệnh do ăn quá nhiều.
Nhiều người ăn thừa dinh dưỡng mà không biết. Người ta tính với cách ăn như hiện nay chỉ đủ cho 1/3 dân số trên hành tinh, 2/3 số còn lại đói khát.
Việc có nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm giúp mỗi người tự biết là ăn bao nhiêu là đủ một cách khoa học.
Để có thực phẩm sạch và rẻ, dễ mà khó. Dễ vì ai cũng làm được, nhưng khó là có hệ thống đồng bộ. Giải pháp có ở mỗi người trên trái đất này.
theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét