Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

CUỐN SÁCH DẪN TỚI VIỆC VIẾT LẠI LỊCH SỬ





HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CỘI NGUỒN *


Điều làm tôi ngạc nhiên trước tiên, là trong vòng hai năm, nhà văn Hà Văn Thùy cho ra hai cuốn sách cùng một đề tài. Liệu có gì mới hay chỉ là sự lặp lại mình? Tôi tự hỏi.

Nhưng rồi cuốn sách nói với tôi, đó là công trình nghiên cứu độc đáo. Thật không ngờ, người viết những trang văn trữ tình đằm thắm trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ lại là tác giả của những khảo cứu khoa học nghiêm túc.
Trước hết, như một nhà khoa học thực thụ, Hà Văn Thùy xác định phương pháp luận cho nghiên cứu của mình. Ông biện giải: trong quá khứ, các khoa khảo cổ học, cổ nhân chủng và ngôn ngữ học từng là công cụ hữu hiệu để khám phá thời tiền sử. Nhưng ở những vấn đề mấu chốt nhất như nguồn gốc loài người, quá trình hình thành các cộng đồng dân cư… các khoa học này đành bất lực. Đến thập niên cuối của thế kỷ trước, di truyền học phân tử được áp dụng vào lĩnh vực này. Khoa học đi theo hành trình khác: nếu trước đây, truy tìm vết tích con người qua những hòn đá, những mảnh xương hóa thạch thì nay, từ những giọt máu của người đang sống, khoa học đi ngược thời gian, tìm lại tổ tiên con người hàng trăm nghìn năm trước sinh ra ở đâu, theo hành trình nào tới ta hôm nay? Từ đó tác giả định ra phương pháp luận mới: dủng dữ liệu di truyền học làm kim chỉ nam và cũng là cây gậy thần gõ vào những hòn đá, những mảnh xương, những tử ngữ, những huyền thoại để buộc chúng khai ra thân phận thực của mình!(Phương pháp luận mới nghiên cứu tiền sử người Việt)
Áp dụng phương pháp luận đó giải mã truyền thuyết Hùng Vương, tác giả cho rằng, khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ đánh chiếm đất của người Bách Việt ở phía nam Hoàng Hà, Lạc Long Quân đã dẫn đoàn người Việt di tản trở lại Rào Rum, Ngàn Hống dựng nước Văn Lang. Gen Mongoloid phương Nam trong đoàn di tản hòa huyết với đồng bào tại chỗ sinh ra tổ tiên người Việt hiện đại là thế hệ Vua Hùng. Ý tưởng này phù hợp với những kết luận khảo cố học từ di chỉ Mán Bạc, Ninh Bình cùng nhiều tài liệu khác. (Truyền thuyết Hùng Vương dưới ánh sáng mới của khoa học)
Về tổ tiên người Trung Hoa, tác giả cho biết: người Hán tự nhận mình là Viêm Hoàng tử tôn nhưng thực sự ai là Viêm, ai là Hoàng, qua “nhị thập tứ sử”, họ chưa phân định được. Theo tác giả, khoảng 2600 năm TCN, khi xâm lăng Bách Việt, người Mông Cổ phương Bắc hòa huyết với người Bách Việt chủng Australoid sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Đó chính là người Hoa Hạ, tổ tiên người Trung Hoa hiện đại. Và kết luận: tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có trên đất Trung Hoa từ 2600 năm TCN về trước là sản phẩm của Việt tộc. (Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu)
Trong khi giới khoa học khẳng định cây kê là sáng tạo của chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều thì tác giả cho rằng, ngay cây kê cũng do người Việt từ Đông Nam Á đưa lên. Dựa vào con đường thiên di lên phía Bắc của người Việt cổ, dựa vào truyền thuyết Ngôi sao bầu trời bú sữa con heo của thổ dân Đài Loan và đồng bào Bana ở Tây Nguyên, tác giả đưa ra ý tưởng “động trời” trên. Trong câu chuyện này có chi tiết: sau nạn lụt lớn, con người được cây kê cuối cùng còn sót lại cứu sống. Đại hống thủy xảy ra 7500 năm trước. Như vậy chí ít thì cây kê đã nuôi sống người Đông Nam Á 500 năm, trước khi chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều ra đời.
Vào thập niên 70 thế kỷ XX, những phát kiến của triết gia Kim Định về Văn Hóa của tộc Việt trở thành niềm đam mê của học sinh, sinh viên miền Nam. Nhưng rồi do những ý tưởng quá táo bạo của ông không được chứng minh bằng chứng từ khoa học, bị một số nhà khoa bảng chống đối, đã bị chìm đi. Nay, trong sách của mình, Hà Văn Thùy đã Xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định bằng những chứng cứ không thể phủ nhận.
Viết lại lịch sử hình thành kinh Dịch là bài viết sâu sắc, công phu và thuyết phục. Từ sự tham khảo nhiều nguồn tài liệu về cuốn kinh vĩ đại này, kết hợp với những tri thức mới về văn hóa Việt, tác giả khẳng định: kinh Dịch là sáng tạo của cộng đồng Việt từ sông Hồng, sông Mã tới Hoàng Hà, Trường Giang. Trong khi khẳng định nguồn cội Việt, tác giả cũng công bằng cảm ơn người anh em Hán tộc đã phát triển kinh Dịch tới trình độ hiện nay. Tuy nhiên, tác giả cũng nêu ý tưởng đáng suy nghĩ: Bản kinh hiện có mắc những hạn chế là không dựa trên Bát quái chuẩn đồng thời dựa trên vị trí địa lý của người Trung Hoa nên không hoàn toàn phù hợp cho người Việt. Vì vậy, người Việt cần làm ra bản Dịch mới phù hơp với mình. Tác giả đưa ra đề xuất đáng lưu ý: do kinh Dịch là sáng tạo của tổ tiên, có ý nghĩa văn hóa nhân sinh, vũ trụ lớn như vậy, nên cần cho học sinh tiếp xúc với Dịch ngay từ bậc phổ thông…
Bên cạnh phần nghiên cứu, tác giả dành nửa cuốn sách đối thoại với học giả trong và ngoài nước.
Dựa trên những phát hiện khảo cổ, cổ nhân học đầu thế kỷ trước và cổ thư Trung Hoa, học giả người Pháp L. Aurousseau cho rằng, vào khoảng năm 330 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt của Câu Tiễn chạy xuống Việt Nam, trở thành tổ tiên của người Việt hiện nay. Viết“Lời cáo chung cho thuyết Aurousseau về nguồn gốc người Việt” tác giả Hà Văn Thùy đưa ra những chứng cứ xác đáng chứng mình rằng 2000 năm trước khi Câu Tiễn ra đời, người Việt đã có mã di truyền như hôm nay! Cố nhiên, Sở Hùng Cừ và Câu Tiễn chỉ là con cháu 2000 năm sau của Vua Hùng!
Một vấn đề đang gây tranh cãi của lịch sử nước ta là vai trò của Triệu Đà. Từ nhiều nguồn tư liệu, tác giả nhiệt thành ủng hộ quan điểm cho rằng Triệu Vũ đế là ông vua đầu tiên sáng lập nước Việt Nam.
Khi cuốn tiểu thuyết Tôtem Sói gây sóng gió trên văn đàn, tác giả nhanh nhạy phản bác ảo tưởng phát xít của tác giả này và khẳng định: “Để cứu thế gian trong tình trạng chuông treo chỉ mành hôm nay, không có cách nào khác là trở về với văn hóa phương Đông cội nguồn. Có nghĩa là phải đưa thế giới trở lại sự cân bằng giữa Âm và Dương trên nền tảng Đất Mẹ, của quẻ Khôn nhu thuận, cưu mang, nuôi nấng.”
Đọc trong sách ta còn gặp những phát hiện bất ngờ: thành Cổ Loa không hề có hình xoăn ốc; hòn đá có hình người cụt đầu đang thờ ở am Mỵ Châu cần được vứt bỏ vì nó không đúng với sự kiện lịch sử và xuyên tạc văn hóa Việt…
Năm 2007 với cuốn “Tìm Lại Cội Nguồn Văn Hóa Việt”, tác giả đưa ra những ý tưởng rất mới mẻ về cội nguồn sinh học và văn hóa của Việt tộc. HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CỘI NGUỒN , cuốn sách thứ hai , là sự khẳng định mạnh mẽ những đề xuất trước đó và nâng cao độ tin cậy khoa học. Cuốn sách này có sinh mệnh riêng, buộc người ta phải nói tới nó. Và từ đây nhiều cuốn sử phải được viết lại.

* Nhà xuất bản Văn Học, tháng 8 năm 2008.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: