Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Chiếc điện thoại Note 8 và tiền nuôi tiến sĩ



ĐÀO TUẤN






















LĐO - Mua Note 8 là yêu nước, là đóng thuế, là góp tiền nuôi tiến sĩ sau khi Đề án 911 được thông qua. Chỉ hiềm một nỗi, “hàm lượng chất xám Việt” nhiệm vụ của 24.000 tiến sĩ, trong chính chiếc điện thoại ấy- ví như "y phục không xứng kỳ đức".

Câu chuyện Note 8 trở thành một trong những động lực tạo ra “cú tăng tốc ngoạn mục”, tạo ra kỷ lục 10 năm khi GDP tăng trưởng tới 6,41% sau 10 tháng đầu năm là không có gì phải bàn cãi. Số liệu từ chính Tổng cục Thống kê: Chỉ tính riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8 đã góp phần làm cho ngành công nghiệp điện tử đạt tốc độ tăng trưởng tới 45%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 36,5 tỷ USD, tăng 28,8% so (số liệu của Bộ Công Thương).

Trở lại với chiếc điện thoại Samsung, thật ngạc nhiên, được coi là hàng “made in Vietnam”, hàm lượng chất xám Việt sau 5-7 năm qua vẫn đóng đinh ở vạch xuất phát: Chiếc vỏ hộp, cái dây nghe và 20% trong “cánh tay robot”.

Lấy chiếc vỏ hộp điện thoại làm ví dụ. Nếu tính bình quân “giá rẻ” 1.000 USD/ chiếc điện thoại và mỗi vỏ hộp có giá 2 USD thì chiếc vỏ hộp chỉ chiếm 0,2% giá trị. Đau một nỗi, lại cũng chỉ có đúng 2 doanh nghiệp VN có khả năng, có cơ hội cung cấp vỏ hộp trong hoàn cảnh bị hất cẳng bất cứ lúc nào.

Cả 5 bộ phận cốt lõi nhất của một chiếc điện thoại Samsung bao gồm: CPU, chip, màn hình, camera và pin thì 100% đều được nhập khẩu và sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI là công ty thành viên của Samsung.

Cho nên, ngay cả trong những con số, chẳng hạn 36,5 tỷ USD xuất khẩu kia, cũng không còn lại bao nhiêu % "made in Vietnam" khi mà tỷ trọng lớn trong các linh kiện chính đều là từ... nhập khẩu. Chưa kể đến những mối nợ khác. Ví dụ: Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều đang tụt giảm không nhỏ. Chẳng hạn, ở nhóm ngành công nghiệp, tỷ lệ này giảm từ 34,7% năm 2007 xuống chỉ còn 21,7% năm 2015.

Chúng ta đang góp tiền đào tạo tiến sĩ từ những giọt mồ hôi công nhân. Nhưng tác động ngược trở lại thật khó để lượng hóa.

Chúng ta đã có 24 ngàn tiến sĩ, dù gì thì gì, đó là một nguồn nhân lực chất lượng cao không thể phủ nhận. Và logic đáng lẽ phải là dồn nguồn tiền bạc còn chưa dư giả cho những đề tài gia tăng hàm lượng chất xám, ứng dụng thực tiễn sản xuất, thay vì lại tiếp tục làm phép cộng số lượng học vị.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: