Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Việt Nam đang ở đâu ?


Sau 2012, năng suất lao động Việt Nam đã thua Lào

Hai chuyên gia kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội mới đây đã ra báo cáo về tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam, trong đó có chi tiết từ sau năm 2012 đến nay năng suất lao động Việt Nam đã thua Lào.
Bản báo cáo dày hơn 60 trang của Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hoàng Ngân và Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân phân tích về năng suất lao động của Việt Nam trong hai thập kỷ từ 1996 đến 2016. Một số nội dung của báo cáo được Dân Trí và một số báo Việt Nam khác trích đăng.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 6 năm từ 1995 đến 2000 tỉ lệ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,4%. Trong 15 năm tiếp theo, từ 2000 đến 2014, tăng trưởng bình quân về năng suất lao động của Việt Nam là 4,4%, tỉ lệ này cao hơn mức trung bình là 3,3% của khối ASEAN, nhưng vẫn thấp hơn Lào.
Trong những năm gần đây, Lào có tốc độ tăng năng suất ngày càng lớn, nhờ đó đã bắt kịp năng suất lao động của Việt Nam vào năm 2012, và sau đó đã vượt lên trên Việt Nam về mặt này.
So sánh trên bình diện rộng hơn với các nước ASEAN khác, các tính toán của một số tổ chức Việt Nam và quốc tế cho thấy vào năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 đôla, chưa bằng 5% của Singapore, chưa tới 20% của Malaysia, bằng khoảng 1/3 của Thái Lan, và chưa đạt 50% của Phillippines và Indonesia.
Nói cách khác, trong cùng năm, 23 người Việt Nam mới có năng suất bằng một người Singapore, hơn 5 người Việt Nam bằng một người Malaysia, 3 người Việt hơn một người Thái Lan một chút, và hơn 2 người Việt mới bằng một người Philippines hay Indonesia.
Năng suất lao động xã hội là mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của một lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.
Báo cáo của hai nhà nghiên cứu thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng năng suất lao động Việt Nam tăng trong những năm qua chủ yếu do sự chuyển đổi kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia công. Trong khi đó, nguồn lực con người và giá trị sáng tạo chưa được khai thông.
Nêu ý kiến về cách khắc phục tình trạng năng suất lao động lẫn mức tăng năng suất của Việt Nam vẫn còn thấp, Tiến sĩ Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng ở Việt Nam, nói với VOA:
“Có một điều rất rõ là tăng trưởng của Việt Nam trong rất nhiều năm thì cơ bản là do nhân tố đầu vào, chứ chưa phải do những nhân tố liên quan đến tăng năng suất, như là năng lực quản trị, như là công nghệ, như là đổi mới sáng tạo. Như vậy vấn đề ở đây liên quan đến câu chuyện Việt Nam nói rất nhiều, tức là thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Từ chỗ dựa nhiều vào tăng trưởng vốn, tăng trưởng đầu vào thì bây giờ phải chuyển dần sang tăng trưởng nhờ các yếu tố tăng năng suất lao động, trong đó đặc biệt là các yếu tố liên quan đến năng lực quản trị, đổi mới, sáng tạo, công nghệ”.
Tiến sĩ Thành nói việc đào tạo người lao động cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh đến 3 việc lớn cần làm về phía nhà nước:
“Một tức là cải cách thể chế kinh tế Việt Nam. Mà tinh thần là thị trường cho đầy đủ, hiện đại, một nhà nước minh bạch, chuyên nghiệp, có khả năng giải trình cao, mà bây giờ ở Việt Nam nói rất nhiều là nhà nước kiến tạo. Cái thứ hai là tạo động lực mới cho khu vực tư nhân phát triển, làm sao cho khu vực tư nhân này tham gia tốt hơn vào các quá trình toàn cầu của kinh doanh. Cái thứ ba là xây dựng một hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia, và trong đây thì vai trò của doanh nghiệp là trung tâm, rồi thì cải cách hệ thống giáo dục đào tạo”.
Vị chuyên gia kinh tế lưu ý tất cả những sự cải cách này sẽ mất nhiều thời gian và không đem lại kết quả “sau một đêm”. Ông Thành cho rằng với lịch sử từng là một nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, quá trình chuyển đổi của Việt Nam sẽ “khó khăn”, “nặng nề” hơn so với các nước khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức quốc tế lớn lâu nay đã cảnh bảo rằng nếu Việt Nam không cải cách sâu rộng và nâng cao năng suất, nguy cơ đất nước bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất cao. – VOA
Na Uy hạnh phúc nhất thế giới, VN không hạnh phúc như đã tưởng
Na Uy vừa soán ngôi nước láng giềng Đan Mạch, trở thành quốc gia hạnh phúc nhất trái đất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Trong khi đó, Việt Nam bị xếp thứ 94 trong bảng xếp hạng có 155 quốc gia. Một kết quả trái ngược với suy nghĩ của nhiều người Việt cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “hạnh phúc” và “lạc quan” nhất thế giới.
Báo cáo mới nhất do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên Hiệp Quốc thực hiện.
Theo báo cáo năm 2017, với vị trí thứ 94, Việt Nam tăng hai bậc so với năm trước, đứng ngay sau Somalia.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan xếp thứ 32, Malaysia thứ 42, Philippines thứ 72, Indonesia thứ 81. Singapore được chọn là quốc gia hạnh phúc nhất trong khu vực.
Báo cáo cũng ghi nhận người Đức đang hạnh phúc hơn và người Mỹ đang buồn hơn.
4 quốc gia đứng đầu ghi điểm cao về các yếu tố được gọi là chìa khóa hạnh phúc, bao gồm: “việc chăm sóc, sự tự do, hào phóng, trung thực, sức khỏe, thu nhập và chính phủ tốt”.
Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen, Meik Wiking, nói với hãng tin AP: “Điều hiệu quả ở các nước Bắc Âu là ý thức cộng đồng và hiểu biết về công ích”.
Tác giả chính của báo cáo, John Helliwell, lưu ý phát hiện rằng để con người hạnh phúc, cần phải có nhiều thứ hơn là tiền của.
“Đó là những điều quan trọng về con người. Nếu người giàu lại khó có được những mối quan hệ thường xuyên và đáng tin hơn, thì liệu điều đó có đáng không?”, nhà kinh tế học Helliwell tại Đại học British Columbia, Canada, nói. “Vật chất có thể cản trở con người”.
Nằm cuối trong Danh sách Hạnh phúc Thế giới năm 2017 là các quốc gia nghèo, đang xảy ra xung đột.
Danh sách cho thấy mặc dù ý thức cộng đồng có thể có ích, nhưng tiền và an ninh cũng là những yếu tố cần thiết để con người cảm thấy hạnh phúc. Hầu hết các quốc gia nằm dưới cùng trong danh sách đều trong tình trạng nghèo đói cùng cực.
Đức vẫn ở cùng vị trí như năm ngoái, đứng thứ 16 trong danh sách, dưới Ireland nhưng vượt Bỉ. Báo cáo mới nhất cho biết người dân Đức tự đánh giá mình hạnh phúc hơn so với những năm trước.
Ngược lại, Hoa Kỳ đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng, giảm một bậc so với năm ngoái. Theo báo cáo, điểm số hạnh phúc của Hoa Kỳ trong thập niên qua đã giảm 5%.
Báo cáo được công bố trùng hợp vào Ngày Hạnh phúc Thế giới, dựa trên 155 quốc gia. Bảng xếp hạng đã được Liên Hiệp Quốc sử dụng từ năm 2012 khi Bhutan giành được sự ủng hộ cho đề nghị công nhận hạnh phúc là nguyên tắc chỉ đạo cho các chính sách công. – VOA

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: