Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương


(TNO) Sau gần 30 năm, di cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - đã được người con gái đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong một ngôi chùa ở Sài Gòn. 


GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân
Ba ngày làm bộ trưởng
Trước thời điểm 30.4.1975 hai ngày, GS Nguyễn Duy Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh lập. Ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh trước đại diện quân giải phóng miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức sụp đổ.



 Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này  Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga thổ lộ

Sau 1975, qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, GS Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, GS Võ Tòng Xuân khi đó là đại biểu Quốc hội có ý định vô trại Ba Sao để thăm lại vị viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ.


GS Xuân liên hệ với ông Hoàng Xuân Sơn, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Ninh, nhờ ông Sơn giới thiệu với ban quản lý trại Ba Sao để vào thăm GS Nguyễn Duy Xuân.

GS Võ Tòng Xuân nhớ lại: Gặp lại đồng nghiệp, GS Nguyễn Duy Xuân rất mừng. Khi đó do giỏi tiếng Anh nên ngoài thời gian lao động, ông Xuân được trại giao dịch lại một số tài liệu của Mỹ cho chính quyền. Ở trong trại, hai ông GS đều tên Xuân luận bàn về chỉ thị khoán 100 đang sôi nổi trong ngành nông nghiệp lúc đó. GS Nguyễn Duy Xuân tỏ ra vui mừng khi hay tin Đại học Cần Thơ tham gia góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực, ít nhiều tác động đến chỉ thị khoán 100.

GS Nguyễn Duy Xuân cũng là người ít nhiều tác động GS Võ Tòng Xuân về nước làm việc. Năm 1972, khi đang công tác ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Philippines), GS Xuân nhận được thư của GS Nguyễn Duy Xuân gợi ý về nước làm việc.

“Anh Xuân nói đồng bằng sông Cửu Long là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp như tôi. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ”, GS Xuân kể lại.

Lần gặp gỡ ở trại Ba Sao là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng sau năm 1975 mà GS Võ Tòng Xuân gặp lại GS Nguyễn Duy Xuân. Do tuổi già và mắc bệnh hiểm nghèo, GS Nguyễn Duy Xuân đã qua đời vào năm 1986 khi đang ở trại Ba Sao.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân

Giận ba ghê gớm

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – con gái đầu của GS Nguyễn Duy Xuân – cho hay trước khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, mẹ bà đã dẫn hai người em kế là Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Như Đức di tản khỏi Sài Gòn. Ban đầu ba mẹ con sống ở đảo Guam khoảng 8-9 tháng rồi mới sang Pháp. Riêng bà Nga khi bảy tuổi đã được bà ngoại đưa sang Pháp từ năm 1968.
Sống xa gia đình từ nhỏ, lại không rành tiếng Việt nên với bà Nga, kí ức về người ba khá mờ nhạt. Số lần mà bà Nga gặp ba mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những lần GS Xuân sang Pháp công tác hay lần cô bé Nga tròn 13 tuổi lần đầu tiên về thăm Việt Nam vào năm 1974.
“Về Việt Nam lần đó, tôi có xuống Cần Thơ thăm ba. Ba dẫn tôi đi thăm đồng ruộng, thăm Viện Đại học Cần Thơ đang xây dựng. Ba giới thiệu với tôi chỗ này chỗ kia. Nhớ về ba đó là người rất ham học. Ông thường giúp đỡ những sinh viên nghèo, giúp học bổng cho họ”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thời gian GS Xuân cải tạo ở trại thi thoảng gia đình vẫn gửi thư và nhờ người thân ở Việt Nam vào thăm, gửi lương thực vào cho ba mình. Ngược lại, GS Xuân cũng viết thư cho vợ con.
“Trong thư ba động viên má đừng buồn, cố gắng giữ sức khỏe để lo cho con cái. Với ba chị em tôi, ba khuyên phải cố gắng học tập, đặc biệt là phải đọc nhiều sách và giúp đỡ người khác”, bà Nga xúc động kể.
Dù ba viết thư động viên như vây nhưng những năm sau 1975, có lúc cô bé Nga giận ba mình ghê gớm. Cô hờn trách và thấy tủi thân khi nghĩ về ba. Cô không thể lý giải và không ai lý giải cho cô biết là tại sao trước và sau ngày 30.4.1975, ba cô có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam, để mẹ con cô bơ vơ ở đất khách quê người.
Bà Nga cố kìm xúc động thổ lộ: “Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, trước ngày 30.4.1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
“Ba muốn ở lại quê hương”
Bà Nga lý giải việc tìm mộ của ba hơi muộn là do khi sang Pháp, cả gia đình phải lo ổn định cuộc sống. Và những năm ở Pháp, gia đình không hiểu chính sách Việt Nam có cho phép bốc mộ với những người từng tham gia chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và bị đưa đi cải tạo hay không.
Thêm lý do nữa, khi di tản, gia đình bà mất hết liên lạc với những người đồng nghiệp của ba ở Viện Đại học Cần Thơ trước đây.
Những năm gần đây, mỗi năm bà Nga dành ra một tháng để về Việt Nam làm từ thiện, chủ yếu giúp đỡ trẻ dị tật, có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó bà mới chủ động hỏi thông tin để tìm mộ ba mình. Năm 2014, bà Nga liên hệ với trường Đại học Cần Thơ và được giới thiệu tới gặp GS Võ Tòng Xuân. Rất tiếc là dịp bà về năm ngoái trùng với đợt GS Xuân công tác dài ngày ở Ấn Độ nên ước nguyện không thành.
Về phía GS Xuân, sau khi nghe được tâm nguyện của bà Nga, ông âm thầm nhờ một người quen là ông Lê Quang Mẫn, nhà ở Long Xuyên (An Giang) nhưng quê ở Nam Định tìm giúp. Trong một lần về quê, ông Mẫn đã lên trại cải tạo Ba Sao hỏi. Từ những thông tin mà ông Mẫn cung cấp, quản lý trại đã chỉ ông Mẫn ra nghĩa địa của trại. Ngôi mộ của GS Nguyễn Duy Xuân được đánh số thứ tự 93.
Nhận được tin, GS Xuân gửi thư điện tử báo để bà Nga về Việt Nam. Cuối tháng 3.2015, bà Nga về tới Việt Nam. Ngày 29.3, GS Xuân và bà Nga ra Nam Định, lên trại Ba Sao để làm thủ tục xin bốc mộ. Sau khi bốc lên, phần xương được hỏa táng, lấy tro bỏ trong tiểu nhỏ. Sau đó, gia đình đã đưa làm lễ cầu siêu tại một ngôi chùa ở Ninh Bình.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: Trung Hiếu

“Cái hay là khi chôn cất, để làm dấu tránh thất lạc, những người chôn cất đã đặt mấy đồng tiền trong tay anh Xuân. Khi bốc mộ, mấy đồng tiền vẫn còn nguyên”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Ngày 5.4, phần tiểu chứa tro cốt GS Nguyễn Duy Xuân đã được người con gái đưa về Sài Gòn bằng đường tàu lửa, sau đó đem gửi ở chùa Thiên Hưng trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Bà Nga kể nỗi giận hờn ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Sau này em trai mất, rồi tới mẹ mất, bà tìm đọc sách Phật, đọc lại tư liệu về ba mình, tìm đọc về những đất nước có hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt như Việt Nam, bà mới lý giải một phần lý do khi đó ba mình muốn ở lại quê hương. Vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác lại xuất phát từ giáo dục nên GS Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Khi đã hiểu được tâm nguyên của ba, nỗi giận hờn, buồn tủi khi nghĩ về ba trong bà Nga dường như tan biến. Từ đó, hàng năm bà đều dành một tháng về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo khó như thực hiện một phần tâm nguyện của ba mình. Khi hiểu ý nguyện của ba, bà Nga rất đỗi tự hào về người ba của mình.
“Sau khi tìm được mộ của ba, bà sẽ đưa di cốt ba mình sang Pháp để tiện bề chăm sóc, thờ cúng?”, người viết hỏi. “Tôi sẽ để tro cốt ba ở lại Việt Nam. Bởi cả cuộc đời ba luôn muốn ở lại quê hương mình. Ba sẽ không chịu nếu tôi đưa ổng sang Pháp đâu”, bà Nga xúc động nói.

GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). GS sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.
Trong thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, GS Xuân đã nỗ lực phát triển viện đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.
GS Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.

Trung Hiếu

Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông – Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương, thanhnien.vn, 28/04/2015

Nguyễn Duy Xuân
Bách khoa toàn thư mở WikipediaGS Nguyễn Duy Xuân (sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, mất 1986 tại trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định)) từng là Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên trong chính phủ 3 ngày của Tổng thổng Dương Văn Minh.[1]

Mục lục

1 Tiểu sử
2 Biến cố 30 tháng 4 1975
3 Thành tích
4 Chú thích
Tiểu sử
GS Nguyễn Duy Xuân là cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). Ông sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.
Sau khi về nước ông được bổ nhiệm làm tổng ủy trưởng tổng ủy nông nghiệp, tổng trưởng kinh tế và cố vấn kinh tế của tổng thống Nguyễn văn Thiệu, bên cạnh đó, ông còn dạy tại các trường đại học kinh tế và trường quốc gia hành chính. Đầu năm 1970, ông được giáo sư Phạm Hoàng Hộ mời về làm viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ.[2]

Biến cố 30 tháng 4 1975Trước ngày thống nhất vợ ông dẫn hai người con di tản khỏi Sài Gòn. Ban đầu ba mẹ con sống ở đảo Guam khoảng 8-9 tháng rồi mới sang Pháp. Riêng bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, con gái đầu khi bảy tuổi đã được bà ngoại đưa sang Pháp từ năm 1968. Theo GS Võ Tòng Xuân, trước ngày 30.4.1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
Sau 1975, qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, GS Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, GS Võ Tòng Xuân khi đó là đại biểu Quốc hội liên hệ với ông Hoàng Xuân Sơn, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Ninh, nhờ ông Sơn giới thiệu với ban quản lý trại Ba Sao để vào thăm lại vị viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ. GS Nguyễn Duy Xuân cũng là người mời GS Võ Tòng Xuân về nước giảng dạy tại trường ông vào năm 1972, khi ông Xuân đang công tác ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Philippines).
Do tuổi già và mắc bệnh hiểm nghèo, GS Nguyễn Duy Xuân đã qua đời vào năm 1986 khi đang ở trại Ba Sao.
Sau gần 30 năm, ngày 5.4. 2015, phần tiểu chứa tro cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân được người con gái, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) bằng đường tàu lửa về gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM).

Thành tíchTrong thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, GS Xuân đã nỗ lực phát triển viện đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.
Ông là người tiên phong thực hiện giáo dục đại học theo tín chỉ/ credits (thay vì chứng chỉ, certificat như trước đây); giống như mô hình hệ thống Đại học Hoa Kỳ. Ông còn gửi cả một đội ngũ giảng viên trẻ đi du học, điển hình như anh Trần Phước Đường đi Mỹ tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Michigan, sau đó họ trở về trường phục vụ ngành Sinh học, Giáo sưTrần Phước Đường sau này trở thành Viện trưởng Đại học Cần Thơ từ 1989 tới 1997. Năm 1972, ông cũng đích thân mời nhà nông học trẻ Võ Tòng Xuân khi ấy đang công tác ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Los Banos Philippines về trường giảng dạy.[3]
GS Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích

^ Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông – Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương, thanhnien.vn, 28/04/2015
^ GS Phạm Hoàng Hộ & GS Nguyễn Duy Xuân đối với việc hình thành và phát triển Viện Đại học Cần Thơ, www.cantholib.org.vn
^ Những Năm Ảo Vọng Giáo sư Phạm Hoàng Hộ Và Bộ Sách Cây Cỏ Việt Nam, vietbao.com, 10.2.2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: