Dọc các con phố Hà Nội lúc về khuya dễ dàng bắt gặp những bóng dáng của người vô gia cư. Cuộc sống của họ tạm bợ với những công việc có nguồn thu nhập bếp bênh: đồng nát, vá xe, đánh giày…
Người vô gia cư sống tại ven các con đường, tuyến phố.
Những mảnh đời “rơi tự do”Trên con đường Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đoạn gần công viên cây xanh, hình ảnh một người đàn ông trung niên nhặt đồng nát, tối đến mắc màn ngủ trên hành lang của một tiệm cắt tóc đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Khi hỏi chuyện, ông Nguyễn Quang Hợp (quê ở thị trấn Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên) cho biết: “Tôi bỏ nhà đi năm 12 tuổi. Ngày đó bố đánh tôi, ông thường so sánh tôi với con cái gia đình nhà khác, bị đánh nhiều nên tôi bỏ nhà đi, lúc đó mẹ đang đi làm ruộng. Tôi đến Hà Nội từ lúc đó, lượm lặt ve chai để sống qua ngày”.
Với những người vô gia cư như ông Hợp, có lẽ chiếc xe đạp là tài sản lớn nhất.
Ngủ ngoài đường cũng có những rình rập đe dọa, họ phải tự học lấy cách cứu lấy bản thân. Ông Hợp cho biết thêm: “Có hôm, lúc mưa gió, mấy đứa nghiện thò tay qua màn, rờ sờ vào túi quần của tôi để xem có tiền không. Cũng có lần có thằng nhảy vào xin tôi cho ngủ nhờ, nhưng không tin được, tôi dùng cái bổ rác tôi đuổi đi, bây giờ cũng ít rồi, các chú công an dẹp bọn nó đi hết rồi”.
Cũng bởi vì không có chứng minh thư nên ông Hợp chẳng thuê cho mình một căn nhà, cộng với giá cả thuê phòng ở thành phố cao nên ông chẳng mơ đến một mái nhà lợp đàng hoàng.
Cuộc sống tạm bợ của những người vô gia cư.
Tại các thành phố lớn, không khó để bắt gặp những trường hợp như ông Hợp, bởi cuộc sống của những người vô gia cư là vậy. Những người vô gia cư này không còn là dân nông thôn, bởi xung quanh chẳng có làng xóm, chẳng có gia đình để làm việc gì cũng phải “rào trước đón sau”. Mà họ cũng chưa trở thành một công dân đô thị, bởi cuộc sống nay đây, mai đó, không có lấy mái nhà để đi về lúc tối lửa, tắt đèn.
Cuộc sống “tạm”
Theo bà Nguyễn Tuyết Nhung, cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội: Những người không có nhà cửa, ban ngày làm việc, đêm đến ngủ ở vỉa hè cũng được xếp vào người vô gia cư. Bản thân họ nay đây mai đó, vẫn đang có những “nghề nghiệp” riêng nên rất khó quản lí. Nếu bản thân họ thực hiện hành vi ăn trộm, ăn cắp hay đó là những người già neo đơn đã được chính quyền xác minh và báo cáo lên thì sẽ đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Khi thành phố lên đèn, khi những cửa tiệm đã bắt đầu đóng cửa thì cũng là lúc những người vô gia cư có “địa bàn” để ngủ hoặc làm việc. Họ chẳng theo một lịch trình cố định do ai đó ban hành, mà bản thân họ tự lập một thói quen sinh hoạt riêng.
Những giấc ngủ chẳng có giường, chỉ cần vỉa hè rộng rãi và có một chiếc chăn ấm là đủ.
Ông Hùng (Bắc Ninh) năm nay đã 70 tuổi, đến Hà Nội làm nghề bơm xe cũng đã ngót chục năm nay. Đường Nguyễn Đình Chiểu là chỗ ông “mở tiệm” bơm xe. Ông đóng chốt ở đây lúc 9h tối cho đến 1-2h sáng, hoặc có lúc ông ở đây đến 5h sáng mới về chỗ ngủ. Khi được hỏi ông ngủ, sinh hoạt tắm rửa như thế nào, ông Hùng trả lời: “Tôi ngủ ở dưới hiên của cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô, các chú bảo vệ ở đấy quen mặt rồi nên thường cho tôi dùng nước máy ở phòng của họ luôn”.
Tận dụng đường để “xây nhà”, bà cụ ngủ ở đây cũng đã quen thuộc với người dân sống trên đường Nguyễn Hữu Huân.
Những người vô gia cư tranh thủ cửa hàng đóng cửa là bắt tay vào việc mắc màn, căng bạt. Có những cửa hàng 10-11h mới đóng cửa, 5h sáng đã mở cửa nên bắt buộc họ cũng dậy dọn “chiếc giường” và bắt tay vào công việc. Đồ đạc không có nhiều, chỉ là 1 cái màn, một cái chăn và hai ba chiếc áo, tất cả được gói gém theo suốt hành trình kiếm ăn.
Công việc của họ là những chuyến đi lang bạt, không có điểm dừng. Nơi ngóc ngách là nơi có nhiều bóng dáng của những người lượm ve chai, nơi nào đông người đều có bóng hình của đánh giày, bán vé số…Công việc với nguồn thu nhập bấp bênh thì bữa ăn của họ cũng chỉ dừng lại ở mưới 10-15 nghìn đồng cho mỗi bữa.
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cuoc-song-tam-cua-nhung-manh-doi-roi-tu-do-644446.bld
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét