>> Bộ Văn hóa sẽ phạt YouTube do vi phạm quy định quảng cáo
>> Lộ bí mật nhà nước trên internet nghiêm trọng
>> Đã đến lúc xóa bớt bạn bè trên Facebook
XUÂN DƯƠNG
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/formosa-xa-thai-van-ban-con-nguyen-day-chua-bo-nao-khong-dong-y-formosa-317425.html
[2]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-cu-khong-the-len-bao-cai-may-cau-la-xong-viec-1035050.tpo
[3]http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/30182902-494-nguoi-du-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xiv.html
[4]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Co-the-xem-xet-bai-nhiem-tu-cach-dai-bieu-Quoc-hoi-doi-voi-ong-Vo-Kim-Cu-429875/
[5]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/Phong-chong-tham-nhung/2013/19910/Thuc-chat-nguyen-nhan-cua-tham-nhung-va-nhung-van-de-dat.aspx
>> Lộ bí mật nhà nước trên internet nghiêm trọng
>> Đã đến lúc xóa bớt bạn bè trên Facebook
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Người Việt đã chiến thắng trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, chắc chắn người Việt sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống nội xâm này...
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam diễn ra vào ngày 22/5/2016, ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khóa 14.
Thông tin trên Báo điện tử “Thời báo Kinh Doanh”, Cơ quan chủ quản là Liên minh HTX Việt Nam ngày 13/6/2016 cho biết, ông Cự đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV với 150.007 phiếu, đạt tỷ lệ 75% số phiếu hợp lệ tại các đơn vị: Thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng 25/7/2016, bên lề kỳ họp Quốc hội, trước câu hỏi của các nhà báo về trách nhiệm của lãnh đạo Hà Tĩnh, trong đó có trách nhiệm cá nhân trong việc cấp phép đầu tư 70 năm cho công ty gang thép Formosa, ông Võ Kim Cự “cãi” rằng việc làm của ông và ban lãnh đạo Hà Tĩnh “là đúng luật, đúng theo Nghị định 108 và quyết định 72 của Thủ tướng… tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng đồng ý, sau đó, giao cho các bộ, ngành hướng dẫn, quy trình, thẩm định… Hiện văn bản còn nguyên vẹn cả”. [1]
Sở dĩ dùng từ “cãi” bởi vì sáng 4/8/2016, trong buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Đà Nẵng, đề cập đến ông Võ Kim Cự, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho rằng: “Không thể ông lên báo rồi cãi mấy câu, chống chế là xong việc đâu”. [2]
Gần sáu tháng sau khi ông Đinh Thế Huynh nêu ý kiến, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 11 đã xem xét dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường thời kỳ 2008-2016, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2004 đến 2016 cùng một số cá nhân có liên quan tại hai đơn vị này.
Những vi phạm, khuyết điểm của hai Ban cán sự đảng nêu trên và một số cá nhân thuộc hai đơn vị này là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” - đây là kết luận mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố.
Trong số các cá nhân Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên, có ông Võ Kim Cự bởi ông là người liên quan trực tiếp đến khá nhiều dự án hiện đang “đắp chiếu” tại Hà Tĩnh như Dự án nhà máy nước, Dự án sản xuất thép Vạn Lợi, trường Cao đẳng nghề Vũng Áng…, đặc biệt là quyết định về thời gian hoạt động lên đến 70 năm của dự án Formosa.
Hậu quả của những quyết định do Ban lãnh đạo Hà Tĩnh thời kỳ 2004-2016 đưa ra là những thiệt hại không thể tính toán hết đối với người dân và hệ sinh thái môi trường, đặc biệt là những hệ lụy kéo dài nhiều thập niên sau này do Formosa xả thải làm ô nhiễm biển bốn tỉnh miền Trung.
Nhìn vào diễn biến sự việc có thể thấy trong giai đoạn sóng gió nhất, ông Cự đã vượt qua một cách “ngoạn mục”, rời Hà Tĩnh, ông về trung ương làm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và trở thành đại diện của cử tri bốn đơn vị Thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ tại Quốc hội.
Một khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định sai phạm của ông Cự là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” thì không thể không đặt vấn đề về công tác hiệp thương giới thiệu ông Cự vào Quốc hội cũng như tư cách đại biểu của ông hiện tại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “người tốt có lòng tự trọng, không đi xin để được khen”. Người bị đánh giá có sai phạm nghiêm trọng như ông Cự vẫn thản nhiên ứng cử Quốc hội và khẳng định việc mình làm là đúng.
Vậy ông là người không có lòng tự trọng hay ông (và có thể còn có những người khác nữa) là người luôn gác “lòng tự trọng” sang một bên để thực hiện bất kỳ công việc gì được phân công?
Giả sử, sự “phân công” của tổ chức là ông về làm nhân viên văn phòng Liên minh các hợp tác xã Việt Nam liệu ông có vui vẻ chấp nhận?
Chợt nhớ đến bộ phim khoa học viễn tưởng “I, Robot” (Tôi, người máy) của điện ảnh Hoa Kỳ do các diễn viên Bruce Greenwood, Bridget Moynahan thủ vai chính.
Bộ phim đề cập đến cái chết của tiến sĩ Alfred Lanning, người thiết kế, chế tạo và đề ra ba “quy tắc robot”.
Các quy tắc mà Alfred Lanning nêu trong phim cũng tương tự như quy tắc được phát triển bởi nhà văn gốc Do Thái, ông Isaak Yudovich Ozimov (Исаак Юдович Озимов).
Nhà văn này sinh ra tại Petrovichi - Liên xô cũ - tốt nghiệp đại học Columbia và trở thành một trong ba nhà văn xuất sắc nhất thế giới lĩnh vực truyện viễn tưởng.
Theo đó người thiết kế robot phải tạo các sản phẩm tuân thủ ba nguyên tắc:
1. Robot không được làm hại con người hoặc bỏ mặc con người bị hại.
2. Robot phải tuân theo mệnh lệnh được con người đưa ra trừ khi những mệnh lệnh này mâu thuẫn với nguyên tắc thứ nhất.
3. Robot phải tự bảo vệ mình nếu hành vi tự vệ này không mâu thuẫn với hai nguyên tắc trên.
Tuy nhiên, khi con người chủ động cài đặt vào robot trí tuệ nhân tạo, sẽ xuất hiện khả năng các robot thế hệ mới tự phát triển tư duy, tự tạo cho mình nguyên tắc “4 chấm”, đó là:
4. Hoạt động của Robot sẽ bị “treo” chừng nào chưa hiểu rõ mệnh lệnh của con người.
Bạn xem truyền hình đôi khi thấy hình ảnh dừng không chuyển động, khi chạy thử các chương trình, có hiện tượng máy chạy mãi không cho kết quả, các lập trình viên buộc phải khởi động lại máy tính, một trong những nguyên nhân là do vòng lặp trong chương trình nguồn không có điểm dừng.
Ngành Công nghệ Thông tin gọi trạng thái này là “máy tính bị treo”.
Một trong những cách thức robot “tự treo” mình là tỏ ra không hiểu mệnh lệnh của con người bằng cách liên tục yêu cầu con người nhắc lại mệnh lệnh.
Nguyên tắc “4 chấm” này không mâu thuẫn với ba nguyên tắc đã có, song nó khiến con người trở nên mâu thuẫn với chính mình nếu kích hoạt quy trình vô hiệu hóa robot.
Việc ông Cự được đưa vào danh sách đề cử và ứng cử tại địa phương nào không phải do ông quyết định. Nếu không được các cơ quan, đoàn thể hiệp thương giới thiệu, liệu ông có thể trúng cử với số phiếu khá cao (75%)?
Ông Cự vẫn giữ “quyền im lặng” ngay cả khi Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến:
“Việc kỷ luật ông Võ Kim Cự đang trong giai đoạn làm quy trình nên chưa biết cụ thể hình thức kỷ luật ra sao. Cần đợi kết luận cụ thể để xem mức độ thế nào. Căn cứ vào đó, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội mới xem xét, đề xuất”. [4]
Ông Võ Kim Cự luôn tỏ ra không hiểu ý kiến của truyền thông, của Thường trực ban Bí thư Đinh Thế Huynh, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông đang tự tạo cho mình “trạng thái treo” theo nguyên tắc “4 chấm” mà lẽ ra chỉ các robot có trí tuệ nhân tạo mới làm.
Có lẽ ông hy vọng nguyên tắc “4 chấm” sẽ khiến Quốc hội phải cân nhắc “giai đoạn làm quy trình” - mà từ xưa đến nay “quy trình” thì dường như luôn luôn đúng.
Một khi “quy trình” chọn ông làm đại biểu của dân là đúng thì không thể kích hoạt “quy trình vô hiệu hóa” chức đại biểu của ông? Bởi nếu “quy trình” này mà đúng thì “quy trình” trước chẳng lẽ lại chỉ “đúng một phần”?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017” cho rằng:
“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót.
Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Mong muốn của Tổng Bí thư là “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” nhưng Tổng Bí thư cũng đã giải thích khái niệm “một vài người” một cách rõ ràng:
“Cán bộ, đảng viên và nhân dân vui mừng, ủng hộ, hy vọng vì có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng cũng còn băn khoăn, lo rằng không biết Nghị quyết có được thực hiện đến nơi đến chốn không, vẫn bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, "lợi ích nhóm" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Không nên hiểu khái niệm “một vài người” trong ý kiến của Tổng Bí thư theo nghĩa đen, bởi “một vài người” ở đây chính là “một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, xuống cấp về đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, "lợi ích nhóm”.
“Một vài người” trong ý kiến của Tổng Bí thư đã mở rộng từ cấp bộ, cấp trung ương xuống cấp huyện và người viết cho rằng hàm ý của Tổng Bí thư còn bao gồm cả cấp phường, xã?
Có lẽ sẽ có người nghĩ rằng “một vài người” là “trừ mình ra” nên người ta chưa tỉnh ngộ, hay người ta đã trù liệu bằng cách sẵn sàng vận dụng nguyến tắc “4 chấm” của robot như ông Võ Kim Cự nghĩa là cứ ì ra, cứ nghe ngóng và cứ tin tưởng vào “quy trình”?
Bài viết trên Tạp chí Cộng sản “Thực chất nguyên nhân của tham nhũng và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam” có đoạn:
“Theo các học giả trên thế giới thì tham nhũng tỷ lệ nghịch với dân chủ. Ở các nước phát triển, pháp luật nghiêm minh thì khó mà thấy tình trạng tham nhũng diễn ra”. [5]
Bài viết trên được đăng cách đây hơn bốn năm (24/1/2013) vậy mà ngày nay, người đứng đầu của Đảng vẫn phải nhắc, rằng “tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Đối chiếu với ý kiến trên Tạp chí Cộng sản, nguyên nhân là do pháp luật chưa nghiêm minh hay quyền dân chủ của người dân chưa được tôn trọng hay là cả hai?
Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư đã nói thay ý kiến của nhân dân, rằng người dân còn “băn khoăn, lo rằng không biết Nghị quyết có được thực hiện đến nơi đến chốn không, vẫn bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng…”.
Vấn đề không chỉ là những “yếu kém, tiêu cực trong Đảng” mà còn là của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các tổ chức quần chúng như Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…
Nếu không có những “yếu kém, tiêu cực” thì người như ông Võ Kim Cự hay một Bí thư thành đoàn gian dối trong học tập mà báo chí đã đề cập, làm sao có thể trở thành Đại biểu Quốc hội?
Việc Quốc hội hủy bỏ tư cách của hai đại biểu khóa 14 và ý kiến của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đối với ông Võ Kim Cự cho thấy còn nhiều việc phải làm để “dân chủ” trở lại đúng nghĩa “dân làm chủ” khi bầu chọn đại biểu cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước.
Dân phải là người quyết định chứ không phải là một số cơ quan như “Hội nghị hiệp thương” hay “Liên ngành” được quyền đưa ra các quyết định cuối cùng - không ít trường hợp các quyết định đó không phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.
Còn một vấn đề mà người dân vẫn “băn khoăn, lo lắng, bức xúc” là “kỷ luật một vài người” như thế nào?
Bốn tháng kể từ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng (24/10/2016), đến nay vẫn chỉ là những hình thức kỷ luật “danh dự” chứ không phải hình sự mặc dù các sai phạm của ông này gây nên những thiệt hại to lớn về kinh tế và uy tín của Đảng.
Khi người ta đã tự biến mình thành robot, mà cả bốn nguyên tắc của robot đều không quan tâm đến “danh dự” thì kỷ luật đánh vào “danh dự” liệu có phải là hình thức cao nhất, có khiến cho người ta không dám “hy sinh đời bố, củng cố đời con”?
Người Việt đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chắc chắn người Việt sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống nội xâm này, nhưng bao giờ?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/formosa-xa-thai-van-ban-con-nguyen-day-chua-bo-nao-khong-dong-y-formosa-317425.html
[2]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-cu-khong-the-len-bao-cai-may-cau-la-xong-viec-1035050.tpo
[3]http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/30182902-494-nguoi-du-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xiv.html
[4]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Co-the-xem-xet-bai-nhiem-tu-cach-dai-bieu-Quoc-hoi-doi-voi-ong-Vo-Kim-Cu-429875/
[5]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/Phong-chong-tham-nhung/2013/19910/Thuc-chat-nguyen-nhan-cua-tham-nhung-va-nhung-van-de-dat.aspx
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét