Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Ông Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội mới là người vi phạm Hiến pháp và Pháp luật!


19-3-2017
Ảnh: FB Trương Thị Hà










Có lẽ điều hạnh phúc nhất của con là được học tại trường đại học Luật Hà Nội. Năm nhất, năm hai, rồi năm ba trôi qua, con luôn là một đứa sinh viên ngoan, được thầy cô và bạn bè quý mến. Tuy con lười đọc Giáo trình nhưng con rất chăm chỉ đi tham gia các sự kiện và các buổi xem án tại Tòa án. Có lẽ chẳng mấy đứa sinh viên luật đi xem án tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhiều bằng con tại thời điểm đó.
Thầy cô đã dạy con những gì? Môn Hiến pháp, môn Tố tụng dân sự, môn Tố tụng hình sự và môn Tố tụng hành chính, thầy cô đều dạy con về “nguyên tắc Tòa án xét xử công khai” mà, con nhớ mãi những bài giảng đó. Tuy nhiên, mỗi lần con dẫn bạn con đến xem án, Tòa án lại không cho bọn con vào xem. Và chính mắt con trông thấy, nhiều Luật sư, Nhà báo và các đương sự không được tham gia các phiên xử án.
Con khéo léo nên cũng không khó để xin vào, nhưng việc Tòa án nhân dân Hà Nội ngăn cản một số người vào tham dự một số phiên tòa công khai là vi hiến và vi phạm pháp luật. Con thấy Tòa án Hà Nội làm vậy là khác với những gì thầy cô dạy con. Con vô cùng búc xúc, không biết Tòa án sai hay thầy cô dạy con sai về nguyên tắc Tòa án xét xử công khai?
Ngày 31/03/2016, con đến tận trụ sở Tòa án để gửi Thư yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chấm dứt ngăn cản người dân dự các phiên tòa công khai và đề nghị Ông Chánh án tiếp công dân. Con chỉ muốn Ông Chánh án giải thích rõ tại sao, nhưng đến giờ ông ta vẫn im lặng.
Sau vài hôm, khi sự việc đó được nhiều người biết đến, thầy cô đã mời con lên trường làm việc. Con nhớ hôm đó có cô chủ nhiệm Loan, cô Tuyết dạy tiếng Nga, thầy Hiếu dạy môn Tố tụng hình sự và một số thầy cô nữa mà con không biết tên. Thầy cô nhắc đi nhắc lại câu hỏi: “Thế em đã biết em làm sai chưa?”. Con thấy thầy cô lo lắng cho con, thầy cô khuyên răn con hơn là trách mắng. Nhưng hồi đó, con giận thầy cô lắm. Con giận vì thầy cô không chỉ ra được con sai ở đâu, nhưng luôn bắt con nhận lỗi sai. Ông Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội mới là người vi hiến, vi phạm pháp luật, còn con là người giúp Ông ấy sửa lỗi sai, nhưng thầy cô vẫn nói rằng con sai.
Và hệ quả về sau là con được mời lên Phòng đào tạo mỗi tuần. Có hôm con ở cách trường 20km, thầy cô gọi lên chỉ hỏi con một câu: “Dạo này em đang làm gì? Em đang ở đâu?”. Có lần số điện thoại lạ gọi con lên trường, con cũng phải lên. Con đoán không nhầm thì anh ta chỉ là một tạp vụ ở Phòng đào tạo. Con hỏi anh ta là ai, anh ta gọi con lên làm gì. Anh ta chỉ nói là gọi con lên trường để khuyên con đừng tham gia hoạt động gì liên quan đến cây xanh, biểu tình.
Hồi đó, vừa ra trường là tháng 7 năm 2016, con đi xin thực tập tại một văn phòng Luật sư ở Hà Nội. Sau một tháng, họ nói với con là văn phòng họ không cần con đến làm nữa, khi nào cần sẽ gọi. Con biết họ không muốn con làm vì họ có lý do, chứ con tin, dù con chưa có kinh nghiệm, cũng không ai có thể từ chối một đứa sinh viên chăm chỉ như con. Nhưng đến bây giờ, con vẫn biết ơn chú Luật sư đó, đó là một Luật sư giỏi, tuyệt vời, làm việc có giới hạn và biết điểm dừng. Làm với Luật sư đó, có lẽ con sẽ không bao giờ gặp hiểm nguy, vì chú ấy biết dung hòa giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm đối với xã hội của một người Luật sư.
Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra. Con nói với mẹ con là: “Mẹ ơi! Con vào miền Nam làm nhé vì con thích đi xa để học hỏi”. Nhưng thực tế, thầy cô có biết không, con chẳng con lựa chọn nào khác, con phải đi xa, chứ người ta có phải bố mẹ con đâu mà bao bọc, bảo vệ con mãi được. Có lẽ con sẽ biết ơn sếp con suốt đời, vì cho con một công việc mà ít người có thể mang lại cho con.
Cả đời này con sẽ chẳng bao giờ quên thầy cô, con biết ơn thầy cô nhiều vì đã dạy dỗ và truyền đạt kiến thức cho con để con có được một công việc tốt như ngày hôm nay. Biết ơn thì biết ơn, nhưng con vẫn giận thầy cô lắm. Giá ngày đó, thầy cô nói với con và sinh viên cả trường Luật là việc con viết thư cho Ông Chánh án là hợp pháp nhưng rất nguy hiểm, vì có thể ảnh hưởng đến sự bình yên của con và Nhà trường thì ngày hôm nay con đâu có bị các em sinh viên chưa gặp con bao giờ, nhưng lại trách con ngày xưa lợi dụng danh nghĩa sinh viện Luật để trục lợi và tạo danh tiếng (thực ra cũng chỉ một số sinh viên trách con thôi, đa số là người xấu, không học Luật, lợi dụng việc đó để bôi nhọ danh tiếng của con).
Giá ngày đó, thầy cô đừng dọa các sinh viên đã ký vào đơn, thì ngày hôm nay, con đâu mất đi những người bạn đã tin tưởng con. Thầy cô có biết không? Các bạn ký tên vào lá thư đó, đã nói với con rằng: “Hà ơi! Tớ xin lỗi cậu. Tớ ủng hộ việc làm của cậu. Tớ biết việc đó là đúng nhưng Nhà trường gọi điện cho tớ. Tớ hối hận vì ký vào lá thư đó lắm. 12 năm ăn học của tớ. Tớ sắp chuẩn bị vào Đảng. Tớ sợ bị ảnh hưởng lắm. Tớ xin lỗi Hà”.
Và con cũng chỉ biết khuyên bạn ấy rằng: “Nếu hậu quả xảy ra thì tớ là người gánh đầu tiên. Cậu không phải sợ. Nếu trường mình xử lý tớ và mọi người thì đúng là luật rừng, vì mình có sai đâu mà phải sợ. Ông Chánh án mới là người phải sợ kia kìa.” Bạn bè con nhiều đứa ủng hộ con lắm. Hồi đó con xin tầm vài trăm chữ ký cũng được, chứ đừng nói đến chỉ xin hơn 50 chữ ký. Thầy cô có thể vào các group của sinh viên Luật, thư bản mềm của con vẫn lưu trên đó đấy.
Con biết mọi chuyện khó giải thích, ngày đó, thầy cô làm tất cả mọi thứ để bảo vệ sự an toàn cho con. Thầy cô muốn mọi thứ được chìm vào im lặng, thay vì lên tiếng ủng hộ con. Nhưng thầy cô thấy chưa, an toàn để làm gì, để rồi kẻ xấu vẫn dùng quyền lực Nhà nước để vi hiến và vi phạm pháp Luật. Để rồi một cái Thông tư vi hiến lại ra đời. Để rồi sinh viên Luật, những người sẽ hành nghề luật, sẽ đòi lại công lý cho người yếu thế. Nhưng sau khi bị Nhà trường nhắc nhở, họ sẽ chẳng bao giờ dám lên tiếng trước những cái sai của Nhà trường và trước những cái sai của Cơ quan Nhà nước. Vì họ nghĩ rằng, bị Nhà trường nhắc nhở, tức việc họ làm là sai. Họ sẽ chỉ là những sinh viên ngoan, chứ không thể trở thành những người hành nghề Luật có tâm thật sự “hết mình đấu tranh vì công bằng xã hội”…
Nếu cho con chọn lại, con vẫn làm việc đó. Nếu cho thầy cô chọn lại, thầy cô có chọn cách giải quyết khác không?
Dù thầy cô chọn cách nào thì con biết thầy cô vẫn vì sinh viên Luật, dù điều đó có thể sai.
Con yêu HLU, con yêu thầy cô.
Mãi là niềm tự hào của thầy cô.
Trương Thị Hà 370948

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: