Nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ảnh từ FB của Lê Thiếu Nhơn.
NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN ĐỂ LẠI GÌ CHO ĐỘC GIẢ?
Lê Thiếu Nhơn
Sáng nay 7-3-2017, linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Thân được hỏa táng tại Phúc An Viên, quận 9, TPHCM. Cuộc đời 82 năm của ông đã khép lại, nhưng những trang văn của ông mở ra trước mặt bạn đọc như thế nào?
Sinh ra ở vùng đất Hương Sơn – Hà Tĩnh, 14 tuổi Nguyễn Quang Thân đã tham gia thiếu sinh quân. Năm 1957, khi đang theo học Trường trung cấp Thủy lợi, Nguyễn Quang Thân đã có tác phẩm đầu tay là truyện vừa “Nước về” lấy chất liệu từ ngành nghề mình được đào tạo. Nguyễn Quang Thân có 13 năm công tác ở Sở Thủy lợi Hải Phòng, trước khi chuyển sang tạp chí văn nghệ Cửa Biển của thành phố cảng!
Cuộc đời Nguyễn Quang Thân nếm trải không ít thăng trầm và ruổi rong. Tuổi 60 ông rời Hải Phòng lên Hà Nội lưu trú hơn 10 năm, rồi lại chuyển vào Sài Gòn cư ngụ gần 10 năm nay. Ở đâu, Nguyễn Quang Thân vẫn giữ cốt cách mình, mạnh mẽ và hào sảng. Trong nghề văn, có người sống nhạt viết hay và cũng có người sống hay viết nhạt, nhưng Nguyễn Quang Thân không hề tách bạch giữa sống và viết. Trang văn của Nguyễn Quang Thân luôn phản ánh đúng con người Nguyễn Quang Thân: chân thành, sâu sắc và thường pha chút hóm hỉnh chua cay!
Từ cuốn sách khởi nghiệp “Nước về” đến lúc buông tay vào cõi khác, Nguyễn Quang Thân viết liên tục và bền bỉ suốt 60 năm. Không ngày nào ông ngơi nghỉ quan sát và suy tư, không viết văn thì viết báo. Nguyễn Quang Thân luôn sốt ruột trình bày thao thức của mình với thời cuộc, với lương tri, với nhân quần. Dĩ nhiên, không ít người dị ứng với những câu chữ của Nguyễn Quang Thân, nhưng ông chọn lựa phương pháp sống đúng tư cách một văn sĩ! Nguyễn Quang Thân không cầu cạnh ai, không luồn cúi ai và cũng không đố kỵ ai. Ông đối mặt với chính mình, đối mặt với bản thảo, để làm một con người đứng đắn và gan góc!
Ngoài tập truyện thiếu nhi “Chú bé có tài mở khóa”, Nguyễn Quang Thân chú trọng hai đối tượng để khai thác là người nông dân và người trí thức. Trong hàng trăm truyện ngắn Nguyễn Quang Thân để lại, dù khắt khe chừng nào cũng có thể làm được một tuyển tập ấn tượng về đề tài nông thôn. Những truyện ngắn như “Cánh đồng mới gặt”, “Bờ hoang”, “Búi cỏ trên đường làng”, “Gió heo may” hoặc “Vạt áo đời người” giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo hơn về số phận những con người sau lũy tre xanh, họ vật lộn với mưa nắng, họ vật lộn với hủ tục, họ vật lộn với định kiến để tồn tại lầm lũi và kiêu hãnh!
Viết về người nông dân, điều Nguyễn Quang Thân luôn nhấn mạnh là ý thức nguồn cội. Dù thoát ly chiếc nôi vườn tược, thì người nông dân vẫn day dứt khôn nguôi về vùng trời thơ ấu. Ví dụ, truyện ngắn “Cây đắng cay” có đoạn viết về tâm trạng của nhân vật chính: “Sau bốn mươi năm trời phiêu bạt, ông Giáo tém miếng nhút vào giữa chiếc lá đắng cay và ông lặng lẽ nhai, một mùi vị chan chát tràn qua lưỡi rồi dâng lên óc. Ông chợt thấy mình đang bơi giữa sông Phố, ông lên bờ, trần như nhộng, chạy trên bãi cát bên cạnh mấy đứa trẻ trâu rồi cả bọn leo ngược bờ sông dựng đứng lên đồi sim. Gió Lào thổi qua da thịt, những giọt nước đang chảy long tong trên ngực không kịp rơi xuống chân đã bốc hơi mất. Lát sau mồm miệng đứa nào đứa nấy đã đen kịt nhựa sim. Một khoảng trời rộng mênh mông hiện ra phía sau đồi có chiếc cầu vồng thật sặc sỡ, những chiếc cầu vồng thường chỉ hiện ra sau cơn mưa, nhưng ba tháng nay trời không mưa mà vẫn có cầu vồng, ông nhìn thấy mẹ ông đang ngồi đập lụa bên bờ cầu vồng ấy…”.
Dẫu truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đạt không ít thành tựu, nhưng đánh giá một nhà văn chuyên nghiệp, thì bút lực của Nguyễn Quang Thân nằm ở tiểu thuyết. Trong 5 tiểu thuyết mà Nguyễn Quang Thân đã xuất bản từ 1977 đến nay, có hai cuốn ghi đậm cá tính sáng tạo của Nguyễn Quang Thân là “Một thời hoa mẫu đơn” in lần đầu năm 1988 và “Ngoài khơi miền đất hứa” in lần đầu năm 1990. Cũng giống như truyện ngắn “Vũ điệu cái bô” nổi tiếng của Nguyễn Quang Thân, cả hai tiểu thuyết trên đều bung phá từ cảm hứng đổi mới, lý giải thân phận người trí thức giằng co với kinh tế thị trường để nhận diện lại nhiều giá trị bị lung lay. Nguyễn Quang Thân rút tỉa sự thay đổi “thành phố tằn tiện vào ban ngày, xa xỉ vào ban đêm, thứ ăn chơi làm lương tâm áy náy thì cần bóng tối” và Nguyễn Quang Thân cồn cào nỗi âu lo “nếu coi con người không ra gì, thì cả sự nghiệp này vứt đi hết”.
Qua 21 chương của “Một thời hoa mẫu đơn”, Nguyễn Quang Thân nghiêm khắc cảnh tỉnh: “Những người có quyền thực sự thường muốn dùng quyền lực một cách tối đa mà không nghĩ là quyền lực chỉ là một tài khoản ủy thác chứ không phải họ tự có, họ chỉ có quyền tiêu pha theo luật lệ cho phép mà thôi. Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật và kỷ cương cho một xã hội ổn định. Nhưng lòng say mê quyền lực và sự oai vệ là chuyện khác. Nó làm tha hóa con người, làm con người lầm lạc về những cái mình không có và tạo ra chủ nghĩa quan liêu”.
Còn qua 28 chương của “Ngoài khơi miền đất hứa”, Nguyễn Quang Thân đau đáu làm sao tránh khỏi một “xã hội không cần nhà phát minh, không cần nghệ sĩ. Vàng có khắp nơi.. . Bóp họng người khác là ra vàng. Hèn mạt, phản trắc, lừa lọc, ngậm miệng lại như hến cũng ra vàng, cái thân phận chỉ lo sao chường ra một bản mặt khiêm tốn, chín chắn và biết kính trên nhường dưới.. . chẳng thà không làm việc gì hết còn hơn hùng hục làm mà thất lễ với cấp trên”.
Bây giờ nhà văn Nguyễn Quang Thân đã đi xa, để lại cho chúng ta những lời tâm huyết trên từng trang viết lặng thầm!
Sinh ra ở vùng đất Hương Sơn – Hà Tĩnh, 14 tuổi Nguyễn Quang Thân đã tham gia thiếu sinh quân. Năm 1957, khi đang theo học Trường trung cấp Thủy lợi, Nguyễn Quang Thân đã có tác phẩm đầu tay là truyện vừa “Nước về” lấy chất liệu từ ngành nghề mình được đào tạo. Nguyễn Quang Thân có 13 năm công tác ở Sở Thủy lợi Hải Phòng, trước khi chuyển sang tạp chí văn nghệ Cửa Biển của thành phố cảng!
Cuộc đời Nguyễn Quang Thân nếm trải không ít thăng trầm và ruổi rong. Tuổi 60 ông rời Hải Phòng lên Hà Nội lưu trú hơn 10 năm, rồi lại chuyển vào Sài Gòn cư ngụ gần 10 năm nay. Ở đâu, Nguyễn Quang Thân vẫn giữ cốt cách mình, mạnh mẽ và hào sảng. Trong nghề văn, có người sống nhạt viết hay và cũng có người sống hay viết nhạt, nhưng Nguyễn Quang Thân không hề tách bạch giữa sống và viết. Trang văn của Nguyễn Quang Thân luôn phản ánh đúng con người Nguyễn Quang Thân: chân thành, sâu sắc và thường pha chút hóm hỉnh chua cay!
Từ cuốn sách khởi nghiệp “Nước về” đến lúc buông tay vào cõi khác, Nguyễn Quang Thân viết liên tục và bền bỉ suốt 60 năm. Không ngày nào ông ngơi nghỉ quan sát và suy tư, không viết văn thì viết báo. Nguyễn Quang Thân luôn sốt ruột trình bày thao thức của mình với thời cuộc, với lương tri, với nhân quần. Dĩ nhiên, không ít người dị ứng với những câu chữ của Nguyễn Quang Thân, nhưng ông chọn lựa phương pháp sống đúng tư cách một văn sĩ! Nguyễn Quang Thân không cầu cạnh ai, không luồn cúi ai và cũng không đố kỵ ai. Ông đối mặt với chính mình, đối mặt với bản thảo, để làm một con người đứng đắn và gan góc!
Ngoài tập truyện thiếu nhi “Chú bé có tài mở khóa”, Nguyễn Quang Thân chú trọng hai đối tượng để khai thác là người nông dân và người trí thức. Trong hàng trăm truyện ngắn Nguyễn Quang Thân để lại, dù khắt khe chừng nào cũng có thể làm được một tuyển tập ấn tượng về đề tài nông thôn. Những truyện ngắn như “Cánh đồng mới gặt”, “Bờ hoang”, “Búi cỏ trên đường làng”, “Gió heo may” hoặc “Vạt áo đời người” giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo hơn về số phận những con người sau lũy tre xanh, họ vật lộn với mưa nắng, họ vật lộn với hủ tục, họ vật lộn với định kiến để tồn tại lầm lũi và kiêu hãnh!
Viết về người nông dân, điều Nguyễn Quang Thân luôn nhấn mạnh là ý thức nguồn cội. Dù thoát ly chiếc nôi vườn tược, thì người nông dân vẫn day dứt khôn nguôi về vùng trời thơ ấu. Ví dụ, truyện ngắn “Cây đắng cay” có đoạn viết về tâm trạng của nhân vật chính: “Sau bốn mươi năm trời phiêu bạt, ông Giáo tém miếng nhút vào giữa chiếc lá đắng cay và ông lặng lẽ nhai, một mùi vị chan chát tràn qua lưỡi rồi dâng lên óc. Ông chợt thấy mình đang bơi giữa sông Phố, ông lên bờ, trần như nhộng, chạy trên bãi cát bên cạnh mấy đứa trẻ trâu rồi cả bọn leo ngược bờ sông dựng đứng lên đồi sim. Gió Lào thổi qua da thịt, những giọt nước đang chảy long tong trên ngực không kịp rơi xuống chân đã bốc hơi mất. Lát sau mồm miệng đứa nào đứa nấy đã đen kịt nhựa sim. Một khoảng trời rộng mênh mông hiện ra phía sau đồi có chiếc cầu vồng thật sặc sỡ, những chiếc cầu vồng thường chỉ hiện ra sau cơn mưa, nhưng ba tháng nay trời không mưa mà vẫn có cầu vồng, ông nhìn thấy mẹ ông đang ngồi đập lụa bên bờ cầu vồng ấy…”.
Dẫu truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đạt không ít thành tựu, nhưng đánh giá một nhà văn chuyên nghiệp, thì bút lực của Nguyễn Quang Thân nằm ở tiểu thuyết. Trong 5 tiểu thuyết mà Nguyễn Quang Thân đã xuất bản từ 1977 đến nay, có hai cuốn ghi đậm cá tính sáng tạo của Nguyễn Quang Thân là “Một thời hoa mẫu đơn” in lần đầu năm 1988 và “Ngoài khơi miền đất hứa” in lần đầu năm 1990. Cũng giống như truyện ngắn “Vũ điệu cái bô” nổi tiếng của Nguyễn Quang Thân, cả hai tiểu thuyết trên đều bung phá từ cảm hứng đổi mới, lý giải thân phận người trí thức giằng co với kinh tế thị trường để nhận diện lại nhiều giá trị bị lung lay. Nguyễn Quang Thân rút tỉa sự thay đổi “thành phố tằn tiện vào ban ngày, xa xỉ vào ban đêm, thứ ăn chơi làm lương tâm áy náy thì cần bóng tối” và Nguyễn Quang Thân cồn cào nỗi âu lo “nếu coi con người không ra gì, thì cả sự nghiệp này vứt đi hết”.
Qua 21 chương của “Một thời hoa mẫu đơn”, Nguyễn Quang Thân nghiêm khắc cảnh tỉnh: “Những người có quyền thực sự thường muốn dùng quyền lực một cách tối đa mà không nghĩ là quyền lực chỉ là một tài khoản ủy thác chứ không phải họ tự có, họ chỉ có quyền tiêu pha theo luật lệ cho phép mà thôi. Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật và kỷ cương cho một xã hội ổn định. Nhưng lòng say mê quyền lực và sự oai vệ là chuyện khác. Nó làm tha hóa con người, làm con người lầm lạc về những cái mình không có và tạo ra chủ nghĩa quan liêu”.
Còn qua 28 chương của “Ngoài khơi miền đất hứa”, Nguyễn Quang Thân đau đáu làm sao tránh khỏi một “xã hội không cần nhà phát minh, không cần nghệ sĩ. Vàng có khắp nơi.. . Bóp họng người khác là ra vàng. Hèn mạt, phản trắc, lừa lọc, ngậm miệng lại như hến cũng ra vàng, cái thân phận chỉ lo sao chường ra một bản mặt khiêm tốn, chín chắn và biết kính trên nhường dưới.. . chẳng thà không làm việc gì hết còn hơn hùng hục làm mà thất lễ với cấp trên”.
Bây giờ nhà văn Nguyễn Quang Thân đã đi xa, để lại cho chúng ta những lời tâm huyết trên từng trang viết lặng thầm!
L.T.N
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét