Đây là phần 3 của tác phẩm "Vị ngọt không lừa dối".
Phần 1: "Ở đây có bán mật ong!"
Phần 2: "Về những ước mơ".
Vì có những người thắc mắc sau khi đọc phần hai, cho nên mở đầu bài viết này tôi cho bạn đọc hay rằng tác phẩm “Vị ngọt không lừa dối” không gánh trách nhiệm mang thông điệp truyền thông của thương hiệu Eatuhoney. Câu chuyện được kể ở đây là câu chuyện của tôi, nhưng nếu như không có Nguyễn và Eatuhoney thì nó đã không xảy ra. Khi viết bài “Về những ước mơ”, tôi nhận ra tác phẩm chỉ có thể hoàn thành với điều kiện tôi phải rời khỏi Eatuhoney. Vì thế, vào ngày mùng 5 tháng 1 vừa qua tôi và Eatuhoney đã chấm dứt sự hợp tác, rồi ngày 6 tháng 1 phần hai của tác phẩm mới được đăng lên.
Như vậy, phần thứ ba này những người cả lo có thể đọc một cách yên tâm thong thả.
*
Lại kể tiếp câu chuyện tôi đang ốm nằm bẹp và chẳng làm gì ngoài việc cầu nguyện Đấng Tối Cao.
Nguyễn đến thăm tôi mang theo một túi cam tươi. Tôi chưa từng gặp người nào chu đáo hơn Nguyễn. Khi nghe nói tôi cần tìm phòng trọ mới, Nguyễn nhận giúp tôi việc đó.
“Nguyễn bận như vậy thì làm sao có thời gian để tìm?” Tôi e ngại.
“Chị cứ yên tâm.” Nguyễn sốt sắng.
Tôi đâu dễ yên tâm như thế, vì không đơn giản chỉ là chỗ ở của tôi, tôi cần chỗ mà Khiêm có thể từ nơi ở đến nơi làm việc một cách tiện lợi. Nhưng lúc này tôi đành phó thác cho Nguyễn, vì tôi không đi ra ngoài được, một lần tôi đã gắng ra đến chợ rồi suýt nữa không thể tự về. Cả tuần tôi hầu như không ăn được, chỉ uống nước. Thậm chí tôi không đủ sức giặt quần áo. Thôi cứ để xem Nguyễn “thần thông quảng đại” đến đâu.
Tôi được Oanh gia hạn cho vài ngày, đúng đến cái ngày mà tròn tháng chúng tôi dọn đến thuê chỗ chúng tôi đang ở. Nàng sợ tôi hẹn dối rồi cứ nằm lỳ ở đó không đi, cho nên mỗi ngày nàng lại dọn ra cho tôi lúc thì cái chén cái tô, lúc thì đôi đũa, lúc thì hũ muối, thay cho lời nhắc nhở. Chúng tôi mới ở cùng nhau được hai tháng, chưa kịp xích mích gì, nhưng giờ nàng nhìn thấy tôi có lẽ cũng như nhìn thấy Khiêm vậy.
Trước hạn của Oanh hai ngày, tôi nhắn tin cho Nguyễn, bảo Nguyễn nếu không tìm được nhà trọ thì đừng tìm nữa, để tôi tự lo lấy.
“Chị cho em thêm vài ngày nữa được không? Em đã nhờ mấy nhân viên của em đi tìm rồi mà chưa tìm được, chỗ thì mắc quá, chỗ thì không đảm bảo an toàn.” Nguyễn trả lời tôi.
Thì ra sự “thần thông quảng đại” của Nguyễn là thế. Nguyễn chẳng hiểu là người nào việc ấy sao? Tôi không thể bảo Oanh cho tôi thêm vài ngày nữa, nàng đã chịu quá nhiều căng thẳng rồi, còn tôi thì sắp hồi phục. Tôi đã tìm sẵn vài địa chỉ trên mạng ở gần tôi nhất, mặc dù không gần chỗ làm của Khiêm, vì tôi chưa đủ sức để chuyển đồ đi xa trong khi chỗ ở như vậy phần nhiều là tạm bợ. Tôi sẽ rời khỏi chỗ của Oanh đúng lúc.
Buổi tối hôm cuối cùng trước hạn, Nguyễn tìm được phòng trọ đúng theo yêu cầu của tôi, ở chỗ một người quen của Nguyễn. Ngày tôi xem phòng và chuyển đồ cũng đúng là ngày đầu tiên tôi hồi phục và có thể đi lại được bình thường. Tôi không còn thấy quá lạ lùng vì từ gần mười năm nay tôi chọn sống trong sự sắp đặt của Thượng Đế và đã quen với sự chính xác tỉ mỉ của Ngài. Tôi hiểu là tôi không thể tránh khỏi Nguyễn.
“Thời gian đầu hai chị em ở trong này còn khó khăn, nên em sẽ trả tiền nhà cho chị. Chị đừng ngại, và đừng nghĩ em làm thế là vì cần chị làm việc cho em.” Nguyễn nói với tôi như vậy. Nguyễn chỉ nghe tôi nói qua về Khiêm chứ chưa bao giờ nhìn thấy cậu ấy.
Tôi im lặng cầm tiền của Nguyễn. Tiền ấy nhẹ nhõm. Tôi có kinh nghiệm với việc cầm tiền từ tay người khác. Tiền “nhẹ” là loại tiền hanh thông. Tiền “nặng” là tiền đi cùng với năng lượng u ám, dễ gây trắc trở. Tiền qua tay Nguyễn là tiền nhẹ. Tôi biết Nguyễn là người may mắn.
Nguyễn trắng trẻo, mập tròn, gương mặt hồng hào rạng rỡ, đôi bàn tay búp măng với những ngón tay cũng trắng nuột, tròn trịa. Một người dễ gặp những vận may tài chính. Ở bên Nguyễn tôi thấy vui vui và trong lòng cảm thấy ấm áp. Tôi không thấy lo lắng cho Nguyễn mà chỉ thấy bối rối về phần tôi. Nguyễn muốn tôi đem lại cho Eatuhoney một cái gì đó độc đáo. Nhưng đó là cái gì nhỉ? Cả tôi và Nguyễn đều không biết. Khi tôi nói ra sự hoang mang của mình thì chính Nguyễn đã trấn an tôi. Ở Nguyễn có một vẻ đẹp tinh thần và có sức mạnh của linh tính.
*
Khu nhà mà Nguyễn đưa tôi đến ở thì “nặng”. Một vùng năng lượng tù đọng, báo trước những bất an. Tôi được may mắn lúc đầu khi kịp chuyển hết đồ bằng xe máy mà không bị dính mưa.
“Chị ơi, em không tìm được đường về nhà mình.” Tôi nhớ mãi cuộc gọi của Khiêm vào ngày đầu tiên, khi Khiêm từ chỗ làm về, cậu ấy chẳng nhận ra đường nào với đường nào nữa. Chỗ mới của chúng tôi ở trong một khu công nghiệp, nhiều đường dọc ngang với tên là những chữ cái kèm theo số.
Tôi rất lo Khiêm bị ốm. Kiến trúc những căn phòng trọ ở đây không có lợi gì cho sức khỏe, nó chỉ là những cái hộp đựng người. Việc đầu tiên trong ngày đầu tiên tôi phải làm vội vã là đi mua ngay chăn đệm cho Khiêm. Những ngày vừa qua, Khiêm thường xuyên phải ngủ trên nền gạch men lạnh lẽo. Công cuộc mua sắm của tôi không thuận lợi vì mưa triền miên, tôi đi vào những khoảng tạnh hay mưa nhỏ, rồi lại dừng chờ mưa tạnh, chạy xe lòng vòng khắp chốn mới tìm thấy chỗ bán chăn đệm.
Tôi cho Khiêm biết ai đã trả tiền phòng trọ cho chúng tôi.
“Nhưng sau rồi mình vẫn phải trả họ chứ!” Khiêm nói.
“Cái này không trả bằng tiền được.” Tôi trả lời.
Thượng Đế đã đưa tôi và Khiêm đến đây. Chính là Ngài. Tôi nhận lời với Nguyễn mà đầu óc tôi trống rỗng, không có một kế hoạch nào cho công việc của Nguyễn.
“Hoàn toàn trống trơn.” Tôi vừa chỉ vào cái đầu đang lắc quầy quậy của mình vừa nói với Khiêm. “Chỗ này chính là của Khiêm đấy. Mình đã cầu nguyện và được sắp đặt như vậy.”
Tôi không muốn Khiêm phải chịu thêm áp lực tiền bạc vào lúc này, vì tôi cảm nhận được cậu ấy đang phải chống chọi với những vấn đề nguy nan khác về tinh thần, hoàn cảnh bên ngoài chỉ là lớp vỏ giả tạo.
Hy vọng Khiêm đừng có ốm. Chỗ ở này thật đáng ngại, nó u ám quá. Nhưng chúng tôi đã nhận sự trợ giúp từ ai thì tất nhiên phải đi vào “nút thắt” vũ trụ liên quan đến người ấy. Nếu Thượng Đế đã sắp đặt thì đây là thử thách mà Ngài dành cho chúng tôi. Thông qua tôi mà Khiêm và Nguyễn liên quan đến nhau. Nhưng họ sẽ không phải bận tâm về điều đó.
*
Chúng tôi không tránh khỏi liên quan đến người chủ nhà trọ nữa. Chị Hồng vốn có quan hệ công việc tiền bạc với Nguyễn trước kia. Chị nhỏ nhắn, khô gầy, nước da vàng và phảng phất ánh xám. Một người tháo vát đảm đang, mưu sự nhanh nhẹn, tưởng như làm việc gì cũng thông, nhưng thực ra gặp nhiều trắc trở. Chính chị cũng biết và đồng ý với tôi là khu nhà trọ năm lầu này của chị rất “nặng”. Chị giống như người lính gác bị đày ải, muốn đi đâu cũng không đi được, một mình chị phải kiêm quá nhiều việc.
Chị Hồng nói chị rất muốn đi thăm một người quen, một người quan trọng với chị. Người thanh niên này trước kia ở trọ tại đây, là người đầu tiên làm cho chị tin vào tâm linh. Người đó nói được chính xác các sự kiện, biết những điều mà người khác không biết, đều do những linh hồn mách bảo. Người đó nhìn thấy và giao tiếp được với các linh hồn, rất nhiều linh hồn đi theo người ấy.
“Sức khỏe của người này bị ảnh hưởng rất xấu phải không chị?” Tôi buột miệng hỏi.
“Đúng rồi, đau ốm triền miên.” Chị Hồng đáp. “Vì thấy cô là người đặc biệt, có lẽ cũng liên quan đến những chuyện như thế, nên tôi mới kể với cô.”
Tin tức gần đây nhất mà chị Hồng biết về người thanh niên nọ là họ đang hôn mê và được đưa vào một bệnh viện ở miền Trung. Chị đã từng gọi điện nói chuyện với một cô y tá ở đó, nhưng rồi không liên lạc được nữa. Đáng lẽ chị có thể làm một chuyến bay đến đó xem tình hình ra sao và cung cấp thêm thông tin cho y bác sĩ, nhưng chị không sao rời công việc ở đây mà đi được, vắng chị mọi việc sẽ lộn xộn hết. Chị muốn cho bệnh viện đó biết nên để cho bệnh nhân đó được tự nhiên, vì có những lần họ mê man như vậy mấy ngày liền rồi lại tỉnh dậy như thường, một hiện tượng lạ nhưng người thanh niên ấy đã quen.
Theo như chị Hồng nói thì người thanh niên kia “bị đày”. Họ theo đạo Phật. Một vị “Phật Bà” nào đó đã chọn họ làm việc tâm linh giúp người đời, họ thấy khổ sở quá nên nhiều lần xin thôi mà không được. Chị Hồng cũng đã quy y. Trước kia chị sẵn sàng làm nhiều chuyện để bảo vệ công việc làm ăn của chị, nhưng từ khi theo đạo Phật thì chị chấp nhận từ bỏ, cho dù bị ấm ức thiệt thòi. Có lẽ với chị, tu là phải chịu đựng.
Chị hỏi có phải tôi giúp Nguyễn việc tâm linh không. Tôi lắc đầu. Với chị Hồng thì tâm linh là những chuyện kỳ bí như chị chứng kiến ở người thanh niên nọ. Tôi cho chị biết rằng tôi không nói chuyện với các linh hồn, không xem bói hay giải hạn cho ai. Tôi sống như những người bình thường khác.
Tôi biết Đấng Tối Cao không đày ải ai, và sự lựa chọn nào cũng phải từ hai phía. Thượng Đế luôn cho con người được tự do lựa chọn, không bắt ép con người phải tuân theo sự sắp đặt của Ngài.
*
Người bị ốm không phải là Khiêm. Là tôi.
Sau hai ngày loay hoay, tôi đã sắm gần đủ những đồ dùng sinh hoạt tối thiểu, chỉ còn thiếu một con dao nhỏ mà thôi. Không thể thiếu dao. Tôi đã dành ngày thứ ba để đi mua nó, chẳng cửa hàng nào quanh đây bán dao cả, mà tôi còn chưa biết chợ ở đâu.
Từ chỗ làm việc, Khiêm gọi điện thoại cho tôi:
“Hôm nay chị có phải đi đâu làm gì không? Em có thể nhờ chị đem cho em một quyển sách được không?”
“Mình phải đi chợ.”
“Nếu chị bận quá thì thôi, nhưng nếu có thể thì chị đem cho em nhé!”
Tôi không hứa với Khiêm, vì tôi còn chưa biết chợ xa gần ra sao, mà tôi mệt nên ngủ dậy muộn. Khi tôi dậy được thì đã gần trưa, và Khiêm lại gọi cho tôi. Lần này thì cậu ấy không nhờ tôi “nếu có thể” nữa, mà tôi phải hiểu là cậu ấy dứt khoát cần đọc cuốn sách đó vào ngày hôm nay.
Tôi lục tìm cuốn sách trong ba lô theo chỉ dẫn của Khiêm. Sách cậu ấy đọc toàn là những cuốn về cách xử thế, về đạo đức, về chủ đề tôn giáo... Khiêm là người có đầu óc cởi mở, không câu nệ. Cậu ấy sẵn sàng tham khảo sách của tôn giáo khác.
…
Tôi không theo tôn giáo như Khiêm, như Oanh, như chị Hồng hay như người thanh niên nọ. Từ nhỏ tôi được giáo dục ở trường theo đường lối vô thần. Ở nhà thì bố mẹ tôi có thờ tổ tiên theo kiểu đơn giản nhất, nhưng bố mẹ tôi chưa chiêm nghiệm về sự linh ứng của các cụ đời trước, họ chỉ thắp hương theo tập quán mà thôi. Còn tôi, không mảy may để ý gì đến Đấng Tối Cao trước khi nhận ra mình đã cùng đường và hoàn toàn bất lực. Mọi chuyện đều không nằm trong tầm kiểm soát của tôi. Tôi chấp nhận là Trời thực sự tồn tại và tôi phải trực tiếp trao đổi thẳng thắn với Ngài: “Tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm trước cuộc đời khi mà tôi không hề có năng lực để chịu trách nhiệm? Trách nhiệm đó hoàn toàn chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi, đúng vậy không? Rõ ràng Ngài đã cho tôi một đặc ân, đó là không cần phải làm gì cả. Vì thế từ nay tôi sẽ không việc gì phải vùng vẫy, không phải làm gì hết ngoài những việc quấy quá che mắt người đời. Tôi nhìn cuộc đời chỉ để xem kịch giải trí. Vậy nhé!”
Một khi ai đó đã đặt vấn đề nghiêm túc với Thượng Đế thì ắt sẽ được Ngài cứu xét. Điều đó đã xảy ra với tôi. Các sứ giả của Ngài lần lượt xuất hiện để cho tôi biết quyền năng của Đấng Tối Linh, không thông qua tôn giáo nào cả. Luật của Vũ Trụ vĩnh hằng, Thượng Đế không thể phản bội chính Ngài. Tôi được lựa chọn có tiếp nhận lấy năng lực từ Ngài hay không. Một kẻ bất lực như tôi có thể từ chối Ngài ư? Tôi muốn biết sự thật về cuộc đời mình và cần đủ sức để chấp nhận sự thật ấy.
…
Chưa biết đường trên thực tế, lần đầu tôi đã đi chệch, vì thế lòng vòng mãi mới đến được chỗ Khiêm. Cậu ấy làm bảo vệ ở trên một tòa nhà lớn, đồng phục mang tên công ty Toàn Cầu. Nhan đề trên bìa cuốn sách mà tôi đem đến cho Khiêm: “Thấy Phật”.
Xong được việc mà Khiêm phó thác thì đã quá trưa, tôi mệt phờ và đói. Khi tôi dùng bữa trong quán xong, chờ mãi người trông xe mới quay lại để nhận vé cho tôi. Dường như mọi thứ đều trì trệ và nặng trĩu. Ngay cả cái nắng cũng u ám làm sao! Không biết Khiêm có thấy được Phật không, nhưng tôi phải tìm thấy con dao của mình.
Tôi tìm thấy chợ trên đường về nhờ chỉ dẫn của bản đồ trên mạng. Con dao tôi tìm chờ tôi ở đó. Bà chủ hàng gợi ý tôi nên chọn một con dao khác, đắt hơn nhưng theo bà ấy là bén hơn. Bà ấy không hiểu gì cả, bà ấy không nhận ra sự khác nhau cơ bản giữa hai con dao đó sao? Con dao mà bà ấy gợi ý tôi mua chỉ dùng được lưỡi thôi, còn con dao tôi chọn thì dùng được cả mũi của nó.
…
Thế là xong việc của ngày. Nhưng tôi làm sao thế này? Bước chân của tôi rất nặng nề. Tôi phải bám vào tay vịn cầu thang để leo lên lầu hai về phòng mình một cách khó nhọc. Cả hai chân tôi đã phù lên. Tôi cảm thấy không nên ở trong căn phòng ảm đạm nên lại quay xuống. Gần chỗ tôi ở có công viên xanh tươi thoáng đãng, tôi đến đó nhưng không phải bằng cách đi bộ. Đi bộ và leo cầu thang vốn là việc mà tôi thích biết bao.
Tôi ngồi xuống ghế đá, mong có được chút thư giãn. Nhưng không, sự nặng nề không chỉ ở đôi chân, nó lan đến ngực tôi, lan đến mặt tôi. Trong đời tôi chưa từng lâm vào tình trạng tương tự, dù có ốm nặng đến mấy thì cơ thể tôi vẫn nhẹ nhõm chứ không như bây giờ. Bọn trẻ đang chạy nhảy ở kia có làm không khí vui tươi, nhưng sự vui tươi ấy không phải của tôi.
Nhưng hôm nay tôi đã hoàn thành công việc. Hôm nay là ngày Mười Ba, con số định mệnh của đời tôi. Hãy giữ đầu óc tỉnh táo! Tôi phải viết cái gì đó chứ! Lôi từ trong túi ra quyển vở và cây bút chì, tôi bắt đầu phác lên đó một bài thơ.
Lâu nay tôi luôn viết bằng bàn phím, giấy bút hiếm khi dùng đến. Mỗi khi tôi soạn một bài thơ từ giấy bút, y như rằng bài thơ đó người ta than khó hiểu, và đặc biệt là ít người đọc. Ông Khang chẳng bao giờ bình luận về những bài thơ đó.
Mỗi khi tôi kể chuyện bằng thơ, người ta không nhận ra được câu chuyện nữa. Như là “bài ca mua sắm” này của tôi. Ông Khang ngạc nhiên về phát hiện của ông khi chứng kiến một lần tôi chuyển nhà chuyển đồ, ông không ngờ tôi cẩn thận tỉ mỉ không kém gì ông vậy. Ông không biết rằng với tôi, trong mỗi đồ vật đều chứa một bài thơ.
“Hôm nay tôi đi tìm chợ lớn
Tìm chợ lớn để mua một con dao nhỏ
Một con dao nhỏ cán vàng.
…
Em tôi ngây thơ, một chàng trai ngây ngô
Chuyện đời không biết nhiều
Tìm trong sách vở học bao điều.
…
Người không thông minh thì nói ít
Như mũi dao kia dùng trúng đích
Nói đúng như làm, như dao cán vàng không long…”
Ông Khang không hiểu gì, nhưng mọi bà nội trợ đều nhận ra con dao trong bài thơ của tôi. “Chính xác. Dao cán vàng không long.” Họ nói thế.
*
Sáng hôm sau Khiêm mới từ chỗ làm về. Tôi ra mở cửa. Khiêm sửng sốt nhìn mặt tôi hỏi: “Chị sao vậy?” Mặt tôi cũng phù như chân.
“Không sao.” Tôi trả lời. “Nếu mình sống sót ra được khỏi chỗ này thì là một kỳ tích.”
Thế là chấm dứt mọi trao đổi giữa tôi và Khiêm về tình trạng của tôi. Khiêm kiệm lời, chẳng bao giờ chịu mất thời gian với những ngôn từ xã giao. Tôi thích điều đó.
Những dải năng lượng “nặng” đã bó chụp lấy thể xác của tôi. Vùng gan và lách của tôi đầy lên, tiểu tiện ít, phù toàn thân. Giải thích rất dễ: Tôi đã làm những việc tối kỵ với bệnh sốt xuất huyết: đi mưa, mang vác nặng leo cầu thang. Và bây giờ là biến chứng. Tôi đang suy tim, suy thận. Nếu ở trong bệnh viện, người ta sẽ truyền nước muối cho tôi gắn với một cái máy đếm giọt đo tốc độ dịch truyền, gắn vào người tôi những thứ dây rợ để đo các chỉ số sống. Không tốn thuốc đâu, nhưng rất tốn công theo dõi và làm khối người căng thẳng. Bởi vì luôn có một tỉ lệ tử vong nhất định.
Tôi chỉ làm một việc duy nhất: nhắn tin báo cho Nguyễn biết là tôi chưa thể làm việc được. Dù không muốn nhưng tôi bắt buộc phải nằm yên trên gác trong căn phòng nhỏ chỉ có hai lỗ thông hơi hình chữ nhật này. Bên ngoài, tiếng búa tiếng đục gõ từng hồi triền miên. Tôi hình dung mình đang nằm trong quan tài và nghe người ta đóng đinh, chuẩn bị đi vào huyệt mộ.
Đó là tiếng đục phá tường. Chị Hồng xây nhà này từ hai năm trước, khi ấy chưa có thang máy. Bây giờ thì chị cho người đục thủng một số căn phòng từ dưới lên trên để lắp thang máy. Mỗi lầu đều có nhiều phòng với nhiều kích cỡ và giá cả khác nhau, nhưng phòng nào cũng có gác với hai lỗ thông hơi như vậy.
Người thanh niên thuê phòng của chị Hồng trước kia đã ở phòng nào nhỉ? Không lẽ tôi phải học lại bài học của anh ta? Nghe nói anh ta còn tự đoán trước mình sẽ bị mù vào năm nào, chỉ vài năm nữa thôi, khi vẫn còn rất trẻ. Nếu tiên đoán đó là đúng thì anh ta không thể chết trong bệnh viện lần này.
Nhưng tôi và anh ta là hai người khác nhau. Anh ta “bị chọn”, còn tôi “được chọn”. Anh ta nghe theo thông tin của những linh hồn chưa siêu thoát, còn tôi chỉ nghe theo chỉ dẫn của Đấng Tối Linh. Anh ta biết việc của những người khác và can thiệp vào việc của họ, còn tôi chỉ biết việc của mình và cũng chỉ làm việc của mình. Khi “bị chọn” anh ta dễ đau ốm. Khi “được chọn” tôi trở nên mạnh khỏe.
Vậy mà khi Nguyễn đặt vấn đề công việc với tôi, tôi lại lăn ra ốm. Việc của Nguyễn là việc của tôi hay không phải việc của tôi? Tôi không biết, tôi chỉ biết là tôi cần ở bên Nguyễn lúc này, khi mọi việc còn rối ren lộn xộn trong những buổi đầu mới mẻ. Ở bên Nguyễn tôi cảm thấy bình yên. Ngay cả khi thể xác tôi ở trong tình trạng tệ hại nhất từ trước đến nay, tôi cũng không cảm thấy lo sợ. Khi Thượng Đế đã sắp đặt thì Ngài sẽ giúp tôi vượt qua.
Một điều lạ lùng là trong lúc cơ thể nặng nhọc như vậy tôi lại ăn được rất khỏe, bù lại cho những ngày không ăn được trước đó. Mười ngày sau thì tôi hồi phục hoàn toàn, lên cầu thang không cần phải vịn nữa. Bệnh sốt xuất huyết ấy mà, nếu không chết vì nó thì nó sẽ biến mất hoàn toàn không để lại di chứng gì. Có thể nói là rắc rối này của tôi không ảnh hưởng đến ai, trừ công việc của Nguyễn. Nhưng thực ra cũng không ảnh hưởng gì, vì sau đó tôi biết là nếu tôi không ốm mà làm cái gì đó, thì rồi cũng sai bét.
Khiêm không may mắn bằng tôi. Rắc rối của Khiêm ảnh hưởng đến nhiều người, vì Khiêm không giấu mình trong phòng như tôi được. Nhưng đó là chuyện xảy ra một tháng sau.
*
…
Tại sao câu chuyện lúc nào cũng như mới bắt đầu vậy nhỉ? Tôi vẫn chưa kịp kể được gì nhiều thì bài viết đã dài rồi. Lại phải có thêm phần thứ tư.
Hôm nay ngày Mười Ba. Tôi nhớ vừa mới tháng trước, Văn mời mọi người tham dự tiệc cưới của cậu ấy ở Tây Nguyên vào ngày hôm nay, lúc ấy Văn còn là nhân viên của Eatuhoney. Ai ngờ cậu ấy chỉ đùa thôi. Không nhân viên nào của Eatuhoney sợ hay kiêng kỵ số 13 cả. Họ đều xem đó là con số vui vẻ may mắn. Một nửa trong số họ theo Công Giáo, một nửa theo Phật Giáo.
Tôi không biết số 13 may mắn hay xui xẻo, tôi chỉ biết nó là con số biến ảo. Nếu như ngày Mười Ba cách đây ba tháng cơ thể tôi nặng nề khó chịu nhất thì ngày hôm nay nó lại nhẹ nhõm thanh thoát nhất. Vừa hôm qua tôi còn băn khoăn chưa biết đích xác là ngày nào tôi sẽ chuyển ra khỏi khu nhà năm lầu này, thì ngày hôm nay việc đó đã được quyết định. Ngày mai tôi sẽ rời khỏi đây, chỗ ở thứ bẩy của tôi ở Sài Gòn trong ba năm.
Lúc đến đây tôi chuyển đồ bằng xe máy, còn lần này đi khỏi, có một cái xe tải sẽ đảm nhiệm việc đó. Cái xe có vẻ quá lớn, nhưng người lái xe cùng là khách trọ trong khu nhà này.
Dù sao thì đó cũng là việc của ngày mai.
Hôm nay là một ngày đặc biệt, vì không chỉ là ngày Mười Ba mà còn là Thứ Sáu. Sau khi đăng bài viết này tôi sẽ đến một nơi để nghe đàn hát. Đêm nay tôi sẽ về muộn, người canh cửa khu nhà đã hứa sẽ dậy mở cửa cho tôi như một sự ưu tiên.
Viết xong ngày 13-01-2017.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét