Phạm Nguyên Trường dịch
Cách đây 5 năm, Chủ tịch Cuba, Raul Castro, tuyên bố rằng năm 2018 ông sẽ từ bỏ tất cả các vị trí lãnh đạo. Theo dự kiến, Raul, 85 tuổi, sẽ từ bỏ chức vụ cao nhất vào tháng 2 năm 2018, và lần đầu tiên sao 60 năm, thế hệ mới sẽ thay thế ông ta. Xuất hiện câu hỏi: Ai sẽ là người kế nhiệm di sản chính trị của Fidel - vừa qua đời vào tháng 11 năm ngoái - và theo các chuyên gia, cũng là người ngăn cản những cuộc cải cách do Raul Castro tiến hành ở Cuba?
Năm cuối cùng của triều đại Raul Castro có thể trở thành điểm khởi đầu thời kì quá độ.
Năm cuối cùng của triều đại Raul Castro có thể trở thành điểm khởi đầu thời kì quá độ.
Nếu năm 2015 là năm “tan băng” trong quan hệ với Mĩ, thì năm 2016 là năm mà cánh bảo thủ của đội cận vệ cũ của đảng tìm cách chống lại những cuộc cải cách do Raul tiến hành.
Năm 2017, sau tang lễ Fidel Castro, có thể coi là năm của sự bất định.
“Rõ ràng là, các cuộc cải cách đang giẫm chân tại chỗ trong hai năm qua. Raul Castro chỉ còn một năm để tiếp tục những cuộc cải cách đó và cải thiện tình hình kinh tế”, - một chuyên gia về Cuba tại Đại học quốc tế ở Florida, Michael J. Bustamante, nói như thế.
Theo ông này, trong năm nay Cuba gặp hai thách thức lớn. Một mặt, việc Donald Trump được bầu làm tổng thống làm gia tăng nguy cơ thụt lùi trong quan hệ giữa Mĩ và Cuba. Mặt khác, Nhà Trắng đã hủy bỏ quy định, gọi là “chính sách chân ướt và chân khô”, cho phép người dân Cuba đến được bờ biển Mĩ xin phép cư trú trong vòng một năm, trong khi những người di cư bất hợp pháp từ những nước khác bị trục xuất ngay lập tức. Việc hủy bỏ quy định này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa những người Cuba, đã đến được nước Mĩ bằng cách này.
“Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một năm quan trọng đối với Cuba” – Bustamante tuyên bố với tòa soạn báo như thế.
Khó có khả năng là năm 2017 kinh tế Cuba sẽ có bước đột phá.
“Chính phủ Cuba hi vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ là 2% do giá dầu của Venezuela tăng. Tôi nghĩ rằng đó là dự báo quá lạc quan. Không có dấu hiệu nào cho thấy Venezuela sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng”, - nhà kinh tế học Carmelo Mesa-Lago của Đại học Pittsburgh nói.
Theo số liệu chính thức, buôn bán với Venezuela chiếm tới 10% GDP của Cuba.
Các nguồn ngoại tệ quan trọng nhất của nước này là kiều hối do người Cuba sống ở nước ngoài gửi về (2,5 tỷ USD một năm) và du lịch quốc tế. Năm 2016 được coi là năm kỉ lục. Cuba đã nhận tới bốn triệu du khách nước ngoài, trong đó có 270.000 người Mĩ lần đầu tiên tới, sau khi Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm người Mĩ đến hòn đảo này.
Năm ngoái, các hãng hàng không Mĩ đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay thường kì tới Cuba. Nhưng, giai đoạn “tan băng” trong quan hệ với Mĩ có thể bị lu mờ cùng với việc Donald Trump được bầu làm tổng thống.
“Hàng không – lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất”, - nhà ngoại giao Cuba, Carlos Alzugaray, nói. “Cho đến nay, chưa làm được gì theo hướng này, và nếu xảy ra chuyện đó thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty lớn. Không ai biết Trump sẽ làm gì. Ông ta là một người điên, không thể dự đoán được. Giới tinh hóa chính trị ở Cuba đang rất sốt ruột”, Alsugaray cho biết thêm.
Xã hội Cuba đang ở trong tình trạng chờ đợi. Khi tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, ảo tưởng về sự xích lại gần nhau giữa Mĩ và Cuba đã mờ nhạt dần. Quan tâm đặc biệt hiện nay là không có đủ nhu yếu phẩm và lương thấp. Những người lái xe taxi tư nhân đe dọa đình công vì nhà nước áp đặt giá trần vận tải.
Nhưng người Cuba cảm thấy đau xót nhất trước tin tức về việc chấm dứt “chính sách chân ướt và chân khô”. Khả năng đào thoát khỏi Cuba gần như không còn và hiện này, cần phải có những biện pháp tự do hóa nội bộ ngay lập tức.
Theo nhà kinh tế học Omar Everleny Pérez, cần phải phân cấp quản lí các công ty quốc doanh, cho người dân quyền tự do kinh doanh, mở rộng danh sách hoạt động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không được giới hạn quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải và ăn uống. Ở Cuba, có hàng ngàn kiến trúc sư và luật sư muốn tham gia hoạt động trong lĩnh vực tư nhân.
Theo Carmelo, muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cuba ít nhất cũng phải là 5% một năm. Nhưng, ông không tin rằng Cuba có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế, trong khi vẫn giữ “các luật chơi hiện nay” cho đến năm 2020.
“Không thành lập được thị trường hàng hóa và dịch vụ, không cho các hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động xuất – nhập khẩu, không thu hút được đầu tư nước ngoài – thì đây là nhiệm vụ bất khả thi” - Mesa-Lago nói với tòa soạn báo như thế.
Đồng thời, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế này, khi Raul Castro còn cầm quyền, không thể nào có thay đổi lớn được.
Carlos Alsugaray cho rằng điều này chỉ có thể xảy ra sau khi thế hệ trẻ nắm được chính quyền. Không nghi ngờ rằng Raul Castro sẽ giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba sẽ là Miguel Díaz-Canel, 56 tuổi, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Trước đó, Raul Castro nói rằng cần bầu Diaz Canela để bảo vệ sự thống nhất, tính liên tục và ổn định ở trong nước.
Diaz-Kanel được coi là nhà cải cách, thời thanh niên ông từng thích nhạc rock, và nó có đặc điểm là kín đáo và thận trọng.
Trong số các nhà lãnh đạo trẻ mới còn có thể kể thêm Ngoại trưởng Bruno Rodríguez, cựu Bộ trưởng Kinh tế Marino Murillo và người đứng đầu Văn phòng Mĩ trong Bộ ngoại giao, Josefina Vidal.
Cũng cần lưu ý rằng trong khi Raul còn nắm quyền, không hi vọng vào việc thông qua luật về doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách bầu cử, Carlos Alsugaray nói. Theo ông này, bãi bỏ dần việc lưu thông hai đồng tiền (peso và đồng peso chuyển đổi được) là khó có thể xảy ra. Điều này gây ra khó khăn và bất tiện cho cả du khách lẫn thương mại quốc tế.
Chuyển đổi từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường là không thể tránh được.
Có tin đồn rằng con trai của Raul, Alejandro Castro, 52 tuổi, cũng có thể tham gia “ban lãnh đạo tối cao” của chính quyền mới ở Cuba. Hiện nay, ông này là cánh tay phải của bố mình và chịu trách nhiệm về những cuộc đàm phán bí mật nhằm khơi thông quan hệ với Mĩ. Ngoài ra, đại tá Alejandro Castro còn theo dõi Bộ nội vụ và các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba.
Khẳng định rằng gia tộc Castro, cầm quyền trong hơn 60 năm, sẽ không bao giờ cho phép người ngoài tham gia chấp chính dường như là chính xác hơn cả.
--------------------
Nguồn
http://internacional.elpais.com/internacional/2017/02/27/america/1488155861_497853.html
Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ http://inosmi.ru/social/20170305/238824203.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét