Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Mỹ chuẩn bị xài “luật rừng” trong thương mại với Trung Quốc?


THẢO MAI

BizLIVE - Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa đệ trình dự thảo chiến lược thương mại lên Quốc hội, tiết lộ về công cụ mà Mỹ có thể dùng để đấu với Trung Quốc, The Economist phân tích.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa đệ trình dự thảo chiến lược thương mại lên Quốc hội vào đầu tháng Ba này.
Tài liệu cung cấp những chi tiết đầu tiên về chính sách thương mại mà ông Trump hùng biện mạnh mẽ trong đợt tranh cử.

Tài liệu này chịu ảnh hưởng lớn từ nhà cố vấn thương mại Peter Navarro của ông Trump, cũng là tác giả cuốn sách “Chết vì Trung Quốc” đã được dựng thành phim tài liệu.

Mặc dù hướng đến những “thỏa thuận thương mại mới và tốt hơn cho Mỹ”, đồng thời thắt chặt luật thương mại, tài liệu không có nhiều điểm mới.

Đáng chú ý nhất là thiên hướng ưu tiên thương mại song phương hơn đa phương, và giọng điệu chủ chiến.

Dự thảo cũng tiết lộ về công cụ mà Mỹ có thể dùng để đấu về thương mại với Trung Quốc, đó là viện dẫn Mục 201 và 301 trong Luật thương mại năm 1974.

Vũ khí đầu tiên là mục 201, cho phép Mỹ áp thuế để bảo vệ nhà sản xuất Mỹ trước việc kim ngạch nhập khẩu đột ngột tăng vọt.

Các công ty Mỹ bị ảnh hưởng chỉ cần chứng minh được họ đã phải chịu “thiệt hại nghiêm trọng”, không cần chứng minh doanh nghiệp ngoại cạnh tranh không lành mạnh.

Chính quyền của ông Trump có thể đang đi lại con đường của chính quyền Tổng thống Reagan vào năm 1983.

Mỹ đã đánh thuế thêm 45% vào mặt hàng xe máy nhập khẩu theo đơn thỉnh nguyện của nhà sản xuất Mỹ Harley-Davidson. Ông Trump cho rằng mục này có “tác động lớn”.

Tuy nhiên Mục 201 cũng có điểm yếu. Để chứng minh nguồn gốc khoản thiệt hại của công ty không phải điều dễ.

Cơ quan trọng tài là Ủy ban thương mại quốc tế cũng là một đơn vị nổi tiếng về sự độc lập, trái với Bộ Thương mại thường ưu ái doanh nghiệp Mỹ trong các vụ chống bán phá hơn.

Hơn nữa, nếu mục này được áp dụng một cách đại trà, Mỹ sẽ phải hứng trả đũa từ nhiều nước. Năm 2002, Mỹ định áp thuế 30% vào mặt hàng thép nhập khẩu, nhưng bất thành vì các nước khác đe dọa tăng thuế đồng loạt đánh vào hàng Mỹ, từ kính mắt đến nước cam, với tổng thiệt hại có thể lên đến 2,2 tỷ USD.

Vũ khí thứ hai là mục 301, được cho là “đáng sợ” hơn mục 201, vì không đòi hỏi phải có lý do rõ ràng để được kích hoạt. Nó cho phép Mỹ phản ứng trước các chiêu cạnh tranh không lành mạnh, thường được viện dẫn trước khi Thỏa thuận chung về thuế và thương mại của WTO ra đời năm 1995.

Sau năm 1995, mục này không được sử dụng nữa. Nên việc nó được đề cập trong dự thảo lần này khiến nhiều người lo ngại chính quyền của ông Trump có thể sẽ “xé rào” khuôn khổ luật pháp của quốc tế và WTO.  

Ngoài ra, tài liệu cũng phàn nàn về sự lỏng lẻo của quy định WTO, ám chỉ nhân tố Trung Quốc.

Một trong những vụ khiếu nại quan trọng mà WTO đang xử lý là đơn kiện của Trung Quốc chống lại việc Mỹ từ chối xem đây là một “nền kinh tế thị trường”.

Nếu WTO nâng hạng thị trường Trung Quốc, Mỹ sẽ bị hạn chế trong việc sử dụng các công cụ thuế và hạn ngạch đánh vào hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Thế giới đã thay đổi nhiều so với thời những năm 1980. Khi đó, đối thủ cạnh tranh thương mại chính của Mỹ là Nhật Bản, cũng là một nước đồng minh. Nhật Bản nhỏ hơn, và cũng mềm mỏng hơn nhiều so với Trung Quốc hiện tại. Bắc Kinh hùng mạnh hơn về quy mô, và không ngại phản đòn nếu cần.

Mặc dù còn nhiều thiếu sót, WTO vẫn được xem là cơ chế hiệu quả nhất để ngăn chặn chiến tranh thương mại, như cựu đại diện thương mại Mỹ Carla Hills từng nói vào năm 1990, “không có WTO thì chỉ còn luật rừng”. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: