Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Lý Quang Diệu



Tối thứ bảy, mình nằm trong nhà, đọc một cuốn sách của G. Allison, R.D.Blackwill, A. Wyne viết về Lý Quang Diệu, thoảng trong đêm, mùi dạ hương dìu dịu từ cửa sổ bay vào, át đi mùi ẩm mốc của đất, của lá mục trong vườn. Đêm, hoá ra cũng có vẻ đẹp riêng của nó.

Kể chuyện về việc đọc sách về một chính khách ở đây nghe có vẻ to tát quá. Nhưng thực ra cũng đáng để chỉ ra những điều mình thích và chia sẻ ở cuốn sách này.

Bỏ qua những vấn đề ông Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, trong một chương khác, trước câu hỏi "Một nhà lãnh đạo cần phải phản ứng thế nào trước công luận?", ông đã nói:


"Tôi học cách tảng lờ những ý kiến chỉ trích và lời khuyên của các chuyên gia và những người có vẻ là chuyên gia... Điều mà thế giới phương Tây không hiểu là cuối cùng, tôi không lo lắng chuyện người ta đánh giá tôi thế nào, tôi lo lắng về sự đánh giá của người dân do tôi quản trị đưa ra với tôi kia.

Tôi không tiếp nhận bất kỳ điều gì một cách quá nghiêm trọng. Nếu tôi làm như vậy tôi sẽ phát ốm ngay. Người ta sẽ nói về bạn với rất nhiều chuyện ngớ ngẩn. Nếu bạn tiếp nhận những chuyện này quá nghiêm túc thì bạn sẽ phát điên mất.

Con người phải biết vượt qua cám dỗ của các phương tiện truyền thông thời sự chuyên lấy lòng người ta. Đừng bao giờ bận tâm với các phương tiện truyền thông thời sự nói. (?!)
...
Ý tưởng của tôi về một chính phủ của dân là bạn không phải lúc nào cũng phải vì dân khi bạn thực hiện quyền quản trị. Có những lúc bạn phải không thuộc về nhân dân. Nhưng đến cuối nhiệm kỳ của mình, bạn cần mang lại những lợi ích lớn để nhân dân nhận ra những gì bạn mang lại là cần thiết và tiếp tục bỏ phiếu cho bạn.
...
Tôi không bao giờ quá lo ngại hoặc bị ám ảnh bởi những cuộc thăm dò dư luận hoặc lấy ý kiến cử tri. Tôi nghĩ một nhà lãnh đạo như vậy là một nhà lãnh đạo kém. Nếu bạn bận tâm về chuyện xếp hạng của bạn lên hay xuống, khi đó bạn không còn là một nhà lãnh đạo nữa... Nếu chẳng có ai sợ tôi thì tôi vô nghĩa..."

Trong một câu hỏi khác, "Sự cân bằng giữa luật pháp và trật tự là gì?", ông nói:

"Cái ngày ông Mikhail Gorbachev nói với quần chúng tại Moscow: không việc gì phải sợ KGB, tôi đã hít một hơi thật sâu. Con người này là một thiên tài thực sự, tôi nói. Ông ấy ngồi trên đỉnh một cỗ máy khủng bố và tuyên bố: không có gì phải sợ. Chắc chắn ông ấy phải có một kế hoạch dân chủ hoá rất ghê gớm. Cho tới khi tôi gặp ông ấy, và tôi thấy ông ấy hoàn toàn lúng túng trước những gì đang xảy ra quanh mình. Ông ấy đã nhảy xuống phần rất sâu của bể nước mà không hề biết cách bơi.

Tôi hiểu Đặng Tiểu Bình khi ông ấy nói, nếu phải bắn, hãy bắn ngay... Bởi vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đại loạn trong 100 năm tới. Đặng hiểu, ông ấy thả lỏng dần dần. Không có Đặng, Trung Quốc đã vỡ tan.
...
Trong một xã hội ổn định và vững chắc, luật pháp thường là tiền thân cho trật tự. Nhưng thực tiễn nhọc nhằn của công tác duy trì hoà bình giữa người với người, giữa chính quyền với cá nhân có thể được miêu tả chính xác hơn, nếu, cụm từ đó được thay đổi thành "trật tự và luật pháp". Vì không có trật tự thì luật pháp không thể phát huy...

Và khi không kiểm soát nổi tình hình mất trật tự ngày càng tăng và công khai thách thức chính quyền thì khi đó, những quy định mạnh mẽ phải được hình thành để duy trì trật tự sao cho luật pháp có thể tiếp tục quản lý các mối quan hệ con người... Chính quyền giỏi không lệ thuộc vào việc có thiếu vắng những sức mạnh này hay không. Điều đó phụ thuộc vào việc sử dụng sức mạnh ấy một cách khôn ngoan, đúng đắn và có sự phân biệt bởi những đại diện cho nhân dân bầu ra và trả lời trước nhân dân".

Lý Quang Diệu được đánh giá là một chính khách đặc biệt, độc nhất vô nhị trong nửa thế kỷ qua. Từ chỗ tiếp quản một thành bang nghèo nàn, tham nhũng, ông đã xây dựng lên một quốc gia hiện đại lớn mạnh với thu nhập của người dân cao hơn cả phần lớn người dân Mỹ. Ông cũng là một chính khách được cả một thế hệ các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc "săn lùng" và thường xuyên tham khảo ý kiến.

Cuối cùng, trong một ý kiến của ông mà mình chú ý. Đó là với câu hỏi, Lịch sử đóng vai trò gì trong tư duy và lập chính sách mang tính chiến lược?

Mình chỉ trích một đoạn trong đó ông có nhắc đến chiến tranh Việt Nam:

"Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ thấy rằng sự thiếu hiểu biết đủ sâu của họ về lịch sử dân tộc và đất nước là một bất lợi nghiêm trọng. Các trường đại học Mỹ như Yale, Cornell, Stanford và những nhóm chuyên gia cố vấn như RAND Corporation nhanh chóng tập hợp những bộ óc hàng đầu thuộc những ngành tương đương nhau để phát triển kiến thức chuyên môn. Giá như họ làm điều này trước khi họ bị cuốn vào Chiến tranh Việt Nam thì có thể họ đã chọn cách không tham gia vào trận chiến ở Việt Nam mà là ở Campuchia". (!!!)

Còn rất nhiều điều hay ở cuốn sách này, nếu ai thấy hứng thú có thể tìm đọc.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: