Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Học văn ở Mỹ, tôi thực sự thấy mình là ‘trung tâm’


Quỳnh Anh, ĐH Earlham - Hoa Kỳ 




VNN - Không thể phủ nhận rằng cách học văn ở Mỹ thực sự "lấy người học là trung tâm" - như câu khẩu hiệu tôi vẫn nghe quen khi còn học ở Việt Nam.

Chuyện học văn ở Mỹ...

Lớp Văn học Nhật Bản của chúng tôi có gần ba mươi thành viên, trong đó phân nửa là sinh viên các ngành khoa học - kĩ thuật.

Hôm nay chúng tôi sẽ thảo luận tác phẩm Maboroshi (Miyamoto Teru). Bên cạnh văn bản gốc, chúng tôi được giao đọc thêm hai bài phê bình, dài tổng cộng 50 trang. Mỗi người sẽ viết một bài cảm nhận khoảng 250 từ, đăng lên nhóm lớp trước buổi học.

Tôi ấn tượng nhất với bình luận của Daiki - học song song ngành máy tính và kinh tế - người đã "thú nhận" từ đầu rằng mình không yêu thích nghệ thuật và lại ngại viết văn. Cả bài đăng của Daiki tập trung vào những đốm tàn nhang: "Chi tiết này cứ lặp đi lặp lại và rất ám ảnh. Tôi nghĩ là nó quan trọng, nhưng tôi đã đọc lại rất nhiều lần rồi mà vẫn không hiểu nó có vai trò gì."

Phát biểu rất hồn nhiên của cậu bạn khơi mào một cuộc thảo luận sôi nổi - chúng tôi kết nối chi tiết ấy với những quan sát khác, đưa ra nhiều giả thiết khác nhau. Khi lập luận bảo vệ quan điểm của mình, không ít người "cả gan" bác bỏ cả quan điểm của nhà phê bình.

Nhiệm vụ của giảng viên chỉ là đặt các câu hỏi để đảm bảo cuộc thảo luận có trọng tâm, và giúp chúng tôi củng cố vững chắc lập luận. Cuối buổi thảo luận hai tiếng, cả lớp thống nhất được một số kết luận chung, nhưng mỗi người vẫn giữ được những quan điểm và câu hỏi riêng cho mình.

Lớp học này giới thiệu các tác phẩm rất xa lạ với giới trẻ, ở đủ thể loại khác nhau. Xuyên suốt cả kì, mỗi chúng tôi sẽ chọn ra cho mình một vài câu hỏi muốn đào sâu, và viết hai bài luận triển khai chủ đề đó. Mỗi bài luận chỉ dài khoảng 10-12 trang, nhưng cần sự đầu tư rất lớn, không chỉ đào sâu suy nghĩ, chúng tôi còn phải tra cứu các bài phê bình đã tồn tại, đối chiếu và phản biện để xây dựng hệ thống luận điểm của mình.

Từng học văn ở cả Việt Nam và Mỹ, tôi tin rằng bằng việc nhìn sâu hơn vào một lớp học kiểu seminar ở Mỹ, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học. Đó là khả năng cân bằng giữa sự thống nhất và độc lập trong quan điểm, chủ đề và phương pháp, cái cần học và cái thích học - những đặc điểm tiêu biểu của lớp học Mỹ cũng là những mục tiêu mà cải cách trong chương trình ngữ văn nên hướng tới.

Học văn ở Mỹ, trọng tâm bài học là bản thân tác phẩm: học sinh phải đọc sâu, đặt câu hỏi và thảo luận để có quan điểm riêng, ý kiến của các nhà phê bình và giáo viên không có giá trị tuyệt đối mà chỉ là một kênh tham khảo - muốn sử dụng phải trích dẫn và phản biện đàng hoàng.

Cách học này giúp học sinh phát triển mỹ cảm và trau dồi khả năng tư duy logic, diễn đạt thuyết phục. Không phải tự nhiên mà người Mỹ nhìn chung rất quan tâm tới các vấn đề xã hội. Những cuộc thảo luận về tác phẩm trong nhà trường thực chất là bước đệm cho những diễn đàn cởi mở và sôi nổi về các hiện tượng trong cuộc sống. Từ trên ghế nhà trường, họ đã hiểu được tầm quan trọng của việc xác định và bảo vệ lập trường trong tranh luận một cách chặt chẽ và khách quan.

"Học văn để làm gì?"

Việt Nam rất chú trọng môn văn, nhưng dường như càng học cao, không gian dành cho sự cảm thụ cá nhân dừng như hẹp lại. Yêu cầu kĩ năng nặng, còn lượng tác phẩm quá nhiều, nên thời gian thảo luận văn bản cũng bị cắt đi đáng kể.

Cậu em họ lớp mười của tôi kể về chuyện kiểm tra Bình Ngô Đại Cáo - cả lớp nhiều người còn chưa từng đọc văn bản gốc nhưng ai cũng bình được ít nhất chín mười trang. Cậu em tôi khi thu bài mới nhận thấy bài nào cũng kết bằng đúng câu thơ: "Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông." (Nguyễn Trãi). Câu thơ đó không phải bạn nào cũng hiểu, nhưng ai cũng ghi vào vì là câu kết trong bài bình chép ở lớp học thêm của cô chủ nhiệm!

Trong xu hướng đưa môn văn sát gần gũi với đời sống, ngày càng có nhiều đề văn về các hiện tượng xã hội như Ngọc Trinh, bà Tưng, sao Hàn,… Kể cả các đề nghị luận văn học cũng phải kết hợp với câu hỏi kiểu giáo dục công dân, như liên hệ giữa bài thơ Đất nước và trách nhiệm với Tổ quốc.

Đây là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên, tôi trộm nghĩ rằng câu hỏi "học văn để làm gì" không thể giải quyết triệt để chỉ bằng việc thay đổi chủ đề trên bề mặt. Khi nghị luận văn học, học sinh men theo các bài bình văn để viết đủ số trang, thì trong nghị luận xã hội, học sinh cũng sẽ bám vào sách giáo dục công dân để viết cho đủ ý. Kết hợp hai hình thức, chúng ta sẽ có những bài văn nghe rất hay và… rất giống nhau.

Bản thân sự giống nhau không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là: có những cách hiểu về văn bản và những quan điểm về hiện tượng mà học sinh không dám đưa ra trong bài vì sợ sai, và lại đưa lên mạng xã hội.

Bài toán cải cách giáo dục những năm gần đây thường quá tập trung vào việc làm sao để đánh giá cho công bằng, mà chưa thực sự chú ý câu hỏi thực sự quan trọng là trải nghiệm của người học và ý nghĩa cốt lõi của môn văn với sự phát triển cá nhân. Rời trường học, nhiều người sẽ không còn đọc một truyện ngắn hay một bài thơ nào, nhưng sẽ vẫn tiếp xúc với các văn bản khác nhau, sẽ vẫn cần kĩ năng đọc hiểu và diễn đạt.

Hồi học trong nước, tôi đã may mắn được học với nhiều giáo viên giỏi, rất tâm huyết, luôn khuyến khích tôi tìm tòi và thử nghiệm. Nhưng dù như vậy, khoảng trống cho sự khám phá vẫn là cực kì nhỏ hẹp - và phần lớn thời gian đi học, tôi chỉ dám rón rén men theo lối mòn của những nhà phê bình đi trước, thêm thắt vài cảm nhận cá nhân, không dám đi ngược cách hiểu văn bản đã được chính thống hóa trong barem chấm thi đại học các năm trước.

Đáp án môn ngữ văn kì thi quốc gia những năm gần đây bắt đầu bỏ barem ý cứng nhắc và thêm vào dòng "khuyến khích sáng tạo," nhưng sáng tạo dường như mới được mặc định cho những cá nhân có đủ khả năng và dũng cảm để bảo vệ ý tưởng đột phá, chứ chưa phải cho số đông.

Thực sự lắng nghe người học

Sẽ là quy chụp nếu tôi kết luận về việc học văn ở Mỹ và Việt Nam chỉ thông qua vài trải nghiệm cá nhân ít ỏi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cách học văn ở Mỹ thực sự "lấy người học là trung tâm".

Với môn ngữ văn, sự thay đổi không đến từ giáo trình tiên tiến hay thiết bị tối tân, mà đến từ bước chuyển tư duy hoàn toàn có khả năng hiện thực hóa bằng những tài nguyên sẵn có.

Đã đến lúc học sinh phải được đối thoại, phản biện các bài phê bình của những “cây đa, cây đề”. Đã đến lúc việc học văn quay về việc đọc hiểu thật sâu tác phẩm trước khi học thuộc được ý đẹp lời hay. Nhà trường cần tạo đủ không gian cho sự bộc lộ cá nhân, thảo luận tự do và mục tiêu phải là giải phóng được người đọc, nhà phê bình độc lập bên trong chính mình.

Và, đã đến lúc người làm giáo dục thực sự lắng nghe trải nghiệm của bản thân người học, thay vì áp đặt thay đổi thi cử vội vàng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: