Chiều chủ nhật ngày 5/2/2017, tại trường mầm non Pathway quận 2 TP.HCM, giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ trở về đã giới thiệu với độc giả Việt Nam cuốn sách Sử tính và ý thức- Một triết học cho sử Việt.
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm là tiến sĩ triết học, hiện là giảng viên chính thức khoa triết tại trường San Jose City College, Hoa Kỳ. Ông giảng dạy về nhiều trường phái triết học, trong đó chuyên sâu về triết học Heghel ( Heghel là triết gia Đức khai sinh phép biện chứng mà học trò của ông là Karl Marx sử dụng để làm nên phép duy vật biện chứng). Nhân dịp năm nay là năm sabath ( cứ 7 năm đại học Mỹ lại cho giáo sư nghỉ ngơi 1 năm và hưởng nguyên lương theo lệ năm sabath trong Thánh kinh cựu ước), giáo sư Nguyễn Hữu Liêm lại về nước và giao lưu cùng các sinh viên Việt Nam.
Cuốn sách Sử tính và ý thức- Một triết học cho sử Việt ngay từ khi mới xuất bản cách đây 3 tháng ở Mỹ đã gây được tiếng vang trong cả giới trí thức gạo cội Việt Nam trong nước. Lịch sử Việt Nam đã được giải thích một cách gọn ghẽ và rất ngạc nhiên. Các sử gia Việt Nam suốt dòng lịch sử đã chìm đắm trong sử kiện, chìm đắm trong mặc cảm thua trận/thắng trận mà đã nhìn nhận lịch sử thiếu khách quan. Để viết nên cuốn sách này, tác giả đã đọc 20 cuốn sách về lịch sử Việt Nam, bắt tay viết ngày 3 tháng 9 và kêt thúc ngày 6 tháng 10 năm 2016. Những chuyện huyền sử Hồng Bàng- vua Hùng có thật hay không không còn quan trọng, tác giả phân biệt sử kiện và sử tính. Phải có sai lầm thì mới có chân lý, dùng “thời tính” để nói về chân lý bởi chân lý chỉ đúng trong một thời gian mà thôi.
Theo tác giả, hành trình của dân tộc Việt Nam là hành trình sử lý, khai mở ý thức. Tác giả lý giải khá thành công việc vì sao Việt Nam không thần phục Trung Quốc: Trung Quốc chỉ sản sinh ra thánh nhân, nhưng Ấn Độ và Do Thái có thiên nhân. Vì Trung Quốc không có thiên nhân nên cho dù có bao nhiêu thánh nhân như Khổng Từ thì dân Việt Nam vẫn không phục, thậm chí có phần coi khinh. Trong khi đó, lặng lẽ âm thầm không cần thuốc súng, tư tưởng Ấn Độ và Do Thái đã thuyết phục được lương tâm nhiều dân tộc. Đó là bởi Ấn Độ có Phật thích ca, Do Thái có Đức Giê-su, đều là những bậc thiên nhân, mà về lâu dài con người chỉ mến phục và đi theo thiên nhân mà thôi.
Cuốn Sử tính và ý thức- Một triết học cho sử Việt lý giải lịch sử Việt Nam cổ kim. Bằng những lập luận hữu lý, giáo sư Nguyễn Hữu Liêm chứng minh được rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện tượng cuối cùng trong giá trị tập thể Việt Nam. Ở một khía cạnh tích cực, đảng Cộng sản Việt Nam là một bước tiến hóa cho lý tưởng của người Việt, bởi người Việt trước kia chết cho người Việt thì khi có đảng người Việt đã biết chết cho nhân loại. Ở một khía cạnh tiêu cực khác, tác giả phân tích rằng dân tộc Việt Nam chỉ mới như anh nông dân bắt đầu làm công nghệ. Việc đảng Cộng sản cho Formosa vào rồi hủy hoại môi trường tại Hà Tĩnh chính là việc quê hương cách mạng ăn đủ thành quả cách mạng. Dân tộc Việt Nam đang trong quá trình trưởng thành. Thời nội chiến Hà Nội- Sài Gòn thì dân tộc đang trong giai đoạn 14-15 tuổi, tràn dầy lý tưởng nhưng không biết làm gì, ai gọi là đi theo. Vào thời đại này, theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, dân tộc Việt Nam ngơ ngác đi tìm lý tưởng như người thanh thiếu niên 16 tuổi, nhưng chẳng bao lâu nữa bắt buộc sẽ đi vào quy củ như trào lưu tiến hóa của nhân loại, điều mà ông gọi là “Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về”.
Buổi giới thiệu sách do câu lạc bộ học thuật Lan Tỏa ( tên tiếng Anh là Spread out) tổ chức. Câu lạc bộ này đã mời được nhiều học giả đến thuyết trình cùng sinh viên Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều sinh hoạt học thuật có vẻ được tự do và cởi mở hơn, kể cả từ phía chính quyền.
Mua cuốn sách này trên Amazone tại địa chỉ:https://www.amazon.com/Su-Tinh-Va-Thuc-Vietnamese/dp/1539838366/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1487727436&sr=1-1&keywords=nguyen+huu+liem
Nguồn: Việt Nam Thời Báo (Ijavn.org)
Link bài gốc: http://www.ijavn.org/2017/02/vntb-giao-su-nguyen-huu-liem-va-mot-ly.html
Nguồn: Việt Nam Thời Báo (Ijavn.org)
Link bài gốc: http://www.ijavn.org/2017/02/vntb-giao-su-nguyen-huu-liem-va-mot-ly.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét