Sáng nay (4/3), nhận được một tin vui: hai tác phẩm “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” và “Mekong dòng sông nghẽn mạch” của Nhà văn Ngô Thế Vinh được trao Giải thưởng Văn Việt Đặc Biệt (1). Đây là một phần thưởng rất xứng đáng cho hai tác phẩm tầm cỡ và tâm huyết của tác giả.
Ngoài Giải Đặc Biệt, Văn Việt còn trao giải thưởng về thơ cho tác phẩm phê bình văn học "40 năm Thơ Việt Hải Ngoại" của Nhà thơNguyễn Đức Tùng; chùm thơ của Nhà thơ Ngu Yên; chùm thơ của Nhà thơ Vũ Thành Sơn; tiểu thuyết "Hỗn Độn" của Nhà vănNguyễn Khắc Phục; và tiểu thuyết "Nhảy múa để chết" của Nhà vănNguyễn Viện.
Đây là một sinh hoạt văn học rất có ý nghĩa của Văn Việt. Tôi nghĩ có thể xem Văn Việt như là một văn đoàn độc lập, hiểu theo nghĩa không chịu sự kiểm soát của đảng và nhà cầm quyền. Nhà văn Nguyên Ngọc và đồng nghiệp của ông đã có sáng kiến cùng sự dũng cảm để duy trì Văn Việt cho đến ngày hôm nay. Văn Việt, ngoài việc quảng bá các tác phẩm và sáng tác ngoài dòng "chính ngạch", còn có công làm sống lại nền văn học miền Nam trước 1975 vốn đã và đang bị vùi dập. Giải thưởng Văn Việt hàng năm là một cách ghi nhận và vinh danh những tác phẩm văn học có giá trị của những tác giả độc lập (hiểu theo nghĩa không nằm trong hội đoàn của Nhà nước) không phân biệt trong và ngoài nước. Văn Việt quả thật là một cầu nối cho giới văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại và trong nước, và ý nghĩa "cầu nối" này đã đi trước chủ trương của Hội Nhà Văn Việt Nam khá xa. Văn Việt đã đi trước thời cuộc, cũng như những tác phẩm mà Văn Việt trao giải cũng thuộc loại đi trước thời cuộc.
Một trong những tác phẩm đó là “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” của Nhà văn Ngô Thế Vinh, một người bạn vong viên của tôi. Tôi đã có dịp đọc và viết lời giới thiệu tác phẩm này từ hơn 15 năm trước. Tôi gọi đó là một công trình historicity (sử thuyết), chứ không phải đơn thuần là một tác phẩm văn học. Để hoàn thành tác phẩm này, anh đã dày công khảo sát sử liệu liên quan đến các đế chế vùng Đông Nam Á, về nguồn gốc con sông Mekong, và lồng các sử liệu đó trong bối cảnh hiện tại. Về bối cảnh hiện tại, anh cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi thực địa (do anh bỏ tiền túi tài trợ) đến tận những con đập Tàu đang xây dựng để chứng kiến tận mắt và thu thập thông tin, và những bức ảnh rất độc đáo mà tôi đoán anh phải bỏ nhiều công sức (và tiền bạc) để có được. Kết quả là một tác phẩm đồ sộ mà Văn Việt đã chọn để trao Giải Đặc Biệt.
Qua tác phẩm này, anh muốn gửi lời cảnh cảnh báo về tai hoạ môi sinh và những việc làm nguy hiểm của nhà cầm quyền Tàu cộng. Anh viết trong lời nói đầu “Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết”. Trong phần cuối sách, anh cảnh báo: “Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa – tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền – chain reactions trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.” Anh tiên đoán rằng khi dòng sông Mekong bị nghẽn mạch là khi hàng trăm triệu dân cư thiếu nguồn sống, và họ sẽ ra biển và lúc đó Biển Đông sẽ dậy sóng. Bây giờ thì những cảnh báo này đang dần dần trở thành hiện thực.
Những dự báo đó được viết trước những sự kiện tranh chấp nghiêm trọng trên sông Mekong và Biển Đông khá lâu. Nói về đi trước thời cuộc, anh còn có một tác phẩm "Vòng đai xanh" , đã xuất bản ~50 năm trước, nhưng nhiều cảnh báo về những xung độ giữa người Thượng và người Kinh cho đến nay vẫn là đề tài thời sự. Tác phẩm đó đã gây không ít phiền nhiễu cho anh, nhưng cuối cùng thì vẫn được trao Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971. Đến ngay, tác phẩm "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" tuy chưa được xuất bản chính thức ở trong nước, nhưng đã được Văn Việt ghi nhận.
Đằng sau những tác phẩm đi trước thời cuộc đó là một thân phận trí thức gian nan. Cũng như bao nhiêu người cầm bút khác vào thời tao loạn, anh đã từng trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Tốt nghiệp bác sĩ từ trường y Sài Gòn vào năm khói lửa 1968; nhập ngũ và phục vụ như là y sĩ trưởng Liên đoàn 81 biệt cách dù một thời gian; sau 1975 đi tù để “học tập cải tạo” 3 năm; sau khi ra tù cải tạo anh phục vụ trong trường y Sài Gòn một thời gian. Anh tiết lộ là sau khi ra tù anh từng làm việc chung với ông Nguyễn Thiện Thành (thân phụ ông Nguyễn Thiện Nhân) ở trường y. Năm 1983, anh đi đoàn tụ gia đình và định cư ở Mĩ. Nay anh là bác sĩ nội khoa và giáo sư (assistant clinical professor) ở trường y UC Irvine (California). Trong giới y sĩ, ít ai cầm bút lâu năm và xem viết văn như là một nghề song hành. Người trí thức đích thực là kẻ đi trước thời cuộc, và Ngô Thế Vinh là người như thế.
Không phải ngẫu nhiên mà anh viết trong bài diễn từ (2) nhận giải Văn Việt rằng: "Là người cầm bút ở Miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ đang phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi vẫn lạc quan để thấy rằng từ trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vực dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000, đem tới cho chúng ta niềm hy vọng." (2)
Tôi có cơ duyên quen biết anh từ những 20 năm về trước. Năm nào đi công tác bên Mĩ tôi cũng ghé qua California trước là thăm anh em, bà con, sau là thăm bạn bè như anh Ngô Thế Vinh và các anh chị trong Nhóm bạn Cửu Long (tức là những người quan tâm đến sông Cửu Long). Lần nào cũng có những trò chuyện thú vị với anh và các bạn Cửu Long (tôi gọi vậy cho gọn). Có lần chúng tôi tiêu ra gần nửa ngày trời ở cái quán ven biển vùng Los Angeles. Hôm đó chúng tôi trò chuyện rất nhiều chuyện nhân tình thế thái, nhưng cuối cùng thì cũng quay về "câu chuyện dòng sông" Cửu Long. Vậy đó, những người dân Việt dù sống ở đâu thì vẫn quan tâm đến quê nhà.
Gặp mặt hôm tháng 9/2016 tại quán Sapporo Sushi, gần bệnh viện UC Irvine. Từ trái qua phải: Giáo sư Lê Xuân Khoa (cựu phó viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn), Nhà văn Bác sĩ Ngô Thế Vinh, Kĩ sư Phạm Phan Long, và tôi.
Anh là một người nho nhã, lịch sự, nói năng chừng mực. Nhưng đằng sau những biểu hiện đó là một đức tính kiên định và dứt khoát rất ... Trung kì. Bằng một chất giọng xứ Thanh, pha chút Bắc kì và Nam kì, anh nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, có đầu có đuôi. Chưa bao giờ tôi thấy anh lớn tiếng, dù trong tình huống rất dễ nóng. Nếu có nhấn mạnh điều gì thì anh chỉ lên giọng một chút. Ngay cả những người chỉ trích tác phẩm của anh, anh cũng chỉ im lặng, mà không hề lên tiếng. Hình như ở anh có một triết lí làm việc “đường ta, ta cứ đi”, kiên trì hướng đi mà anh đã định trước: đấu tranh cho dòng sông Mekong. Trái với những người không thể quên những năm tháng bị vùi dập trong trại cải tạo, tôi chưa hề thấy anh nhắc đến những năm tháng đau khổ đó, có lẽ anh muốn để nó vào một góc nào đó trong kí ức để tập trung nghiên cứu và viết về sông Mekong. Biết tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, anh [nói theo ngôn ngữ thời nay] “bức xúc” kể lại chuyện anh làm thủ tục cho mấy ông cựu quân nhân Mĩ đi lãnh trợ cấp do bị phơi nhiễm chất độc da cam. (Anh làm việc trong một bệnh viện của cựu chiến binh, nên rất am hiểu vấn đề và qui định của Mĩ). Anh lên giọng nói tại sao lính Mĩ họ được hưởng quyền đó, còn hàng triệu nhiêu người Việt Nam thì không, rồi anh đặt câu hỏi phải làm gì để gióng tiếng nói cho chính phủ Mĩ biết.
Hôm nay, nhân đọc tin anh được trao Văn Việt Giải Đặc Biệt, tôi xin có lời chúc mừng anh. Lần nào giở các tác phẩm của anh ra đọc lại, tôi đều tìm thấy một vài thông tin mới. Nếu kiến thức về lịch sử sẽ góp phần giải thích cho sự kiện hiện tại, tôi nghĩ những ai quan tâm đến sông Cửu Long cần phải đọc tác phẩm đồ sộ “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” và “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của tác giả Ngô Thế Vinh.
----
(1) http://vanviet.info/so-dac-biet/bo-co-ket-qua-giai-van-viet-lan-thu-hai/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét