Nhiều người quyên góp giúp nhà Đoàn Thị Hương
Sáng 2/3, khi VOA hỏi ông Đoàn Văn Thạnh, cha đẻ của Hương, về việc đi Malaysia, ông chỉ nói ngắn gọn: “Tôi không đi đâu, không đi. Không đi được. Tôi đang bận lắm. Thông cảm nhé”. Báo chí Việt Nam cũng đưa tin ngày 2/3 rằng ông Thạnh nói ông sẽ không đi Malaysia. Ông bày tỏ rằng gia đình rất mong muốn Malaysia giảm tội trạng cho con gái ông. Các nguồn tin địa phương cho VOA biết nhà chức trách đã “dặn” gia đình ông hạn chế tiếp xúc với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài để “tránh bị lợi dụng”.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, chủ tịch HAL Group, ở tpHCM
Một số phụ nữ có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội đang vận động gây quỹ để giúp đỡ cho gia đình cô Đoàn Thị Hương, người đang trong quá trình xét xử ở Malaysia vì tham gia vụ ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên. Các hoạt động gây quỹ có mục tiêu giúp cha mẹ của Hương đi đến Malaysia thăm con và giúp họ chi trả phí tổn về luật sư bào chữa. Gia đình Hương có điều kiện kinh tế khó khăn.Những người gây quỹ nói họ thương cảm về tình cảnh cô Hương chưa nhận được sự trợ giúp pháp lý đầy đủ, nhanh chóng từ nhà chức trách Việt Nam, cũng như về hoàn cảnh gia đình của cô.
Song họ nói nỗ lực của họ không phải chỉ vì cô Hương mà vì điều lớn lao hơn, đó là thân phận người Việt ở nước ngoài cần được bảo vệ.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, chủ tịch HAL Group, ở tpHCM, chia sẻ với VOA:
“Tôi không muốn thấy một người phụ nữ Việt Nam không có một sự bảo vệ cần thiết của luật pháp và không được một sự hỗ trợ tốt của đất nước của mình, và của đại sứ quán và của chính phủ của mình. Tôi chỉ mong muốn được giúp cô ấy bảo vệ cái quyền lợi hợp pháp của cô ấy. Nếu cô ấy có tội, phải chịu tội thôi. Nhưng tôi mong muốn rằng phải có cơ hội để cô ấy nói lên được cái thực chất của việc này và phải được bảo vệ một cách hợp pháp”.
Giảng viên đại học Nguyễn Hoàng Ánh ở Hà Nội cùng chung suy nghĩ này. Bà bày tỏ về động lực khi kêu gọi quyên góp cho Hương:
“Cô ý là phụ nữ, cô ý chỉ ngang tuổi con gái tôi thôi. Kể cả gia đình cũng như chính phủ chả ai giúp gì cho cô cả. Hình như cho đến bây giờ là họ biệt giam. Hình như người duy nhất từng vào gặp cô ấy là là đại diện của đại sứ quán [Việt Nam]. Thì chắc là cô ấy rất là cô đơn và khủng hoảng. Cứ thử tưởng tượng chỉ nghĩ là mình đi đóng phim mà rồi cả một hệ thống luật pháp xông vào và bắt giam, nó rất là sốc, rất là khủng hoảng. Tôi nghĩ như vậy thì người ta khổ quá. Tôi cũng nghĩ rằng là chỉ cần cho cô ấy biết rằng là có một vài người Việt Nam vẫn quan tâm đến cô ấy, vẫn thương xót cô ấy và sẽ không bỏ rơi cô ấy thì có lẽ là cô ấy sẽ có một chút niềm vui trong cái cuộc đời mà có lẽ nó cũng không vui vẻ lắm”.
Tính đến tối 2/3, nỗ lực của bà Nguyễn Hoàng Ánh đã quyên góp được 73 triệu đồng. Bà Lê Hoài Anh cũng đã nhận được 72 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, bên cạnh đó cá nhân bà đóng góp 2.000 đôla. Số tiền dùng để trả vé máy bay và khách sạn cho cha mẹ cô Hương và một luật sư.
Hai bà Anh và Ánh cho biết họ cùng các bạn bè đã liên lạc với gia đình Đoàn Thị Hương để bàn việc đưa họ đi thăm con, cũng như bàn phương án chọn luật sư.
Tuy nhiên, vào sáng 2/3, khi VOA hỏi ông Đoàn Văn Thạnh, cha đẻ của Hương, về việc đi Malaysia, ông chỉ nói ngắn gọn:
“Tôi không đi đâu, không đi. Không đi được. Tôi đang bận lắm. Thông cảm nhé”.
Báo chí Việt Nam cũng đưa tin ngày 2/3 rằng ông Thạnh nói ông sẽ không đi Malaysia. Ông bày tỏ rằng gia đình rất mong muốn Malaysia giảm tội trạng cho con gái ông.
Các nguồn tin địa phương cho VOA biết nhà chức trách đã “dặn” gia đình ông hạn chế tiếp xúc với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài để “tránh bị lợi dụng”.
Ông Thạnh từng là quân nhân tham chiến ở mặt trận Quảng Trị năm 1972. Hiện ông hưởng chế độ thương bệnh binh của nhà nước Việt Nam.
Đoàn Thị Hương, con gái ông Thạnh, và một phụ nữ người Indonesia, Siti Aisyah, hôm 1/3 đã chính thức bị buộc tội giết người trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam.
(VOA)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét