Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Cuộc chơi mới của “Hải robot”


Cuộc chơi mới của "Hải robot"
Đưa công nghệ vào cà phê
Chàng tiến sĩ trẻ có biệt danh là "Hải robot" và được bình chọn là "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm 2012 mở đầu câu chuyện: "Thật ra không có gì bất ngờ, bởi tôi là người thích biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, và làm công việc liên quan đến kỹ thuật nên tôi lại càng đề cao tính thực tiễn trong học thuật. Có sở thích uống cà phê mỗi ngày, tìm hiểu thì được biết Việt Nam hằng năm xuất khẩu thô khoảng 2 triệu tấn cà phê nhưng với giá quá rẻ, trong khi các loại cà phê nhập ngoại được bán với giá quá cao, tôi rút ra kết luận do chúng ta quá yếu về công nghệ, dẫn đến không phản ánh đúng giá trị thực của cà phê Việt, khiến nông dân bị thiệt thòi".
Khởi nghiệp với cà phê không phải là ý tưởng mới lạ, nhưng phải chọn hướng đi nào để có sự khác biệt? Trăn trở với câu hỏi này, tìm hiểu thêm thì Hải nhận thấy với cách pha phin của Việt Nam, để có một ly cà phê phải mất đến 25g cà phê và cũng mất khá nhiều thời gian.
Trong khi đó, một chiếc máy pha cà phê của Ý chỉ cần 8g cà phê nhưng giá bán lại quá đắt. Với chuyên môn về kỹ thuật, Hải lập tức nghĩ đến một chiếc máy pha cà phê "thuần Việt" có thể mang lại hương vị đậm đà cho cà phê hệt như pha phin truyền thống, không mất nhiều thời gian, lợi gấp hai lần, thao tác đơn giản nhờ kết hợp công nghệ của Nhật Bản, Việt Nam và Ý.
Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo tại Biorobotics Lab (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), những phiên bản đầu tiên của máy pha cà phê thuần Việt ra đời. Hải tổng kết: "Chúng tôi mất 3 năm nghiên cứu, thất bại đến 6 lần và tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng thì dự án mới hoàn thành. Hiện nay máy đã ra tới phiên bản thứ 8, giá thành máy chuyên nghiệp quy mô lớn nhất là 250 triệu đồng, có thể pha được 12 ly cà phê/lần, mỗi ly chỉ tốn 10 - 12g cà phê, bằng một nửa so với pha phin truyền thống. Như vậy, một ký cà phê pha được 60 ly với tốc độ tối ưu 1 phút/ly và quy trình pha rất đơn giản: người dùng chỉ việc cho cà phê và nước vào máy rồi nhấn nút".
Định nghĩa về khởi nghiệp
Javi Coffee được vận hành như một hệ thống quán khép kín với thế mạnh là công nghệ, máy móc. Cùng với máy pha cà phê thuần Việt, Nguyễn Bá Hải còn chế tạo hoặc cải tiến các loại máy đi kèm. Nguyên liệu là cà phê hạt được tuyển chọn, thu mua tận nhà vườn, chế biến theo tiêu chuẩn Eurofin.
Sau hơn một năm, từ quán cà phê đầu tiên trong khuôn viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Javi Coffee hiện có 14 quán và hơn 40 điểm bán khác. Tất cả đều được phát triển theo mô hình nhượng quyền tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu, Tiền Giang. Theo Hải, nhờ có công nghệ máy pha quản lý được đầu vào nên giá thành cà phê ly rất rẻ, trung bình khoảng 1.660 đồng/ly.
Hải chia sẻ: "Chúng tôi không hề giấu bí quyết, mọi thao tác chế biến được công khai ngay tại quán để khách hàng tận mắt nhìn thấy và kiểm tra. "Hữu xạ tự nhiên hương", khách sẽ tìm đến và chúng tôi chuyển giao mô hình. Javi Coffee cũng không lo ngại cạnh tranh vì yếu tố quan trọng nhất và cũng là thế mạnh của chúng tôi chính là máy móc và công nghệ”.
Hiện Hải và đồng sự đang tổ chức dây chuyền sản xuất 1.000 máy pha cà phê thuần Việt với đa dạng mức giá, từ 70 - 250 triệu đồng, tùy theo nhu cầu sử dụng, đồng thời triển khai dự án "Khởi nghiệp với 1 triệu đồng" dành cho sinh viên.
Hải cũng tiết lộ: "Đã có 4 doanh nhân trong ngành và một quỹ đầu tư bên Mỹ đến Javi Coffee tìm hiểu. Tất cả đều đánh giá cao và định giá thương hiệu với con số lý tưởng. Tôi không có ý định bán nhưng thấy vui, bởi các nhà đầu tư nếu mua lại dự án ở vòng này chính là họ đã nhìn thấy và muốn mua giá trị ở thì tương lai".
Nói về lĩnh vực được cho là nhiều rủi ro như cà phê, Hải bảo: "Để một người thất bại, tôi sẽ xui họ mở quán nhậu hay quán cà phê. Và để một người thành công, tôi cũng xui họ mở... quán cà phê. Vấn đề ở chỗ nếu không biết làm thì cái gì cũng khó, khi đã biết cách và có công nghệ thì dễ vô cùng. Từ chuyên môn về kỹ thuật và những thất bại của bản thân, tôi rất hiểu sức mạnh của công nghệ”.
Đó cũng chính là lợi thế lớn nhất của Javi hiện nay khi tìm tòi và chọn đó là hướng đi khác trong một lĩnh vực đã quá quen thuộc như cà phê.
Chàng tiến sĩ trẻ hiện là Trưởng Khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu về robot sinh học của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khi nói về dự án của mình lại không nghĩ quá xa: "Tôi không có thời gian để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thế nào mới là khởi nghiệp, quy mô và cách thức ra sao để phân biệt khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh? Cứ làm cái mình thích để bản thân có được lợi ích, cộng đồng được hưởng dụng từ kết quả đó là tốt rồi".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: