Là nhà thơ, Y Phương có biệt tài đặt tên mỗi chân dung khá ấn tượng, như: "Ông Hải Triều đã đến nhà tôi", "Lim dim ngọn lửa Bàn Tài Đoàn", "Nhà thơ thần đồng chín chén chưa say", "Rượu. Ớt. Mác khén và Pờ Sảo Mìn", "Chỉ cần trong xe có một trái tim" (về Phạm Tiến Duật), "Muôn năm số kiếp con người" (về nhà văn Vi Hồng), "Lễ báo hiếu bằng cái đẹp trong văn chương" (về nhà văn Cao Duy Sơn), "Đạp xe lên dốc còn phải phanh" (về nhà thơ Bế Thành Long), "Người ăn cơm nguội, viết tiểu thuyết (về nhà văn Phạm Ngọc Chiểu), "Chàng trai đẹp trai ở phố Háng Vài" (về nhà thơ Từ Ngàn Phố), "Giấc mơ tràn màu sáng…" Khi viết chân dung các nhà thơ văn lớn, những bạn văn chương, như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cao Duy Sơn, Châu La Việt, Pờ Sảo Mìn,… Y Phương thường chọn được những chi tiết rất đắt. Anh cho rằng một trong những thành công của việc phê bình thơ chính là phải chọn ra được các câu thơ hay, những câu thơ tài hoa hay nói theo cách của anh là "câu có nhan sắc nhất”
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Với quan niệm, "Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình", hơn 30 năm qua, nhà thơ Hứa Vĩnh Sước - Y Phương miệt mài viết, lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng sáng tạo để là chủ sở hữu số tác phẩm không hề "khiêm tốn", gồm chín tập thơ - trường ca: "Tiếng hát tháng Giêng", "Lời chúc", "Đàn then", "Chín tháng" (trường ca), "Thơ Y Phương", Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt), "Đò trăng", "Bài hát cho Sa", "Tủng Tày" (Vũ khúc Tày, song ngữ Tày-Việt), "Chín tháng", "Tiếng hát tháng Giêng", "Lời chúc" (Tác phẩm văn học được giải thưởng Nhà nước); ba tập tản văn "Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm", "Kungfu người Co Xàu", "Fừn nèn" (Củi Tết); một tập kịch "Người núi Hoa" (1982).
Nhìn vào gia tài trên điều dễ nhận thấy thi ca làm nên tên tuổi Y Phương. Và cũng chính sự nghiệp thi ca đã mang đến cho "Người con làng Hiếu Lễ" Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (2007). Nhưng nhà thơ Tày sinh ra ở chân núi Bo Păn vùng biên viễn (Trùng Khánh, Cao Bằng) không ngừng khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ.
Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, anh vịn câu nói của cổ nhân người Tày: "Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy". Thế là con tằm ấy lại "rút ruột nhả tơ" để tìm một cách thể hiện mới. Từ thơ, đến trường ca, thử sức với tản văn - loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tuỳ ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả và bây giờ ông tiếp tục lấn sân để trình làng tập lý luận phê bình đầu tiên với cái tên khá ấn tượng "Từ từ ngẫm. Từ từ nghĩ".
Vâng, lần đầu tiên Y Phương viết phê bình. Một cách viết mới, có nhiều nét khác biệt - khác biệt kiểu nhà thơ viết lý luận một mặt vừa tuân thủ theo yêu cầu thể loại chỉn chu, mực mạ, lại vừa có độ tung tẩy, bay bay chữ nghĩa một cách hồn vía…
Đây là cuốn phê bình đầu tiên của nhà thơ Tày vốn thành danh ở lĩnh vực thơ. Cuốn sách gồm 17 bài chân dung văn học, được tập hợp từ năm 2007 đến nay từ nhiều nguồn sáng tác, hội thảo, tọa đàm… Chân dung 16 nhà văn, nhà thơ có mặt trong cuốn sách này gồm: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Pờ Sảo Mìn, Bế Thành Long, Phạm Ngọc Chiểu, Châu La Việt, Hữu Tiến, Hoàng Quảng Uyên...
Là nhà thơ, Y Phương có biệt tài đặt tên mỗi chân dung khá ấn tượng, như: "Ông Hải Triều đã đến nhà tôi", "Lim dim ngọn lửa Bàn Tài Đoàn", "Nhà thơ thần đồng chín chén chưa say", "Rượu. Ớt. Mác khén và Pờ Sảo Mìn", "Chỉ cần trong xe có một trái tim" (về Phạm Tiến Duật), "Muôn năm số kiếp con người" (về nhà văn Vi Hồng), "Lễ báo hiếu bằng cái đẹp trong văn chương" (về nhà văn Cao Duy Sơn), "Đạp xe lên dốc còn phải phanh" (về nhà thơ Bế Thành Long), "Người ăn cơm nguội, viết tiểu thuyết (về nhà văn Phạm Ngọc Chiểu), "Chàng trai đẹp trai ở phố Háng Vài" (về nhà thơ Từ Ngàn Phố), "Giấc mơ tràn màu sáng…"
Khi viết chân dung các nhà thơ văn lớn, những bạn văn chương, như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cao Duy Sơn, Châu La Việt, Pờ Sảo Mìn,… Y Phương thường chọn được những chi tiết rất đắt. Anh cho rằng một trong những thành công của việc phê bình thơ chính là phải chọn ra được các câu thơ hay, những câu thơ tài hoa hay nói theo cách của anh là "câu có nhan sắc nhất".
Trong bài "Ông Hải Triều đã ở nhà tôi", Y Phương đã khiến không ít người "giật mình" vì cái "sự lạ"về "cuộc gặp gỡ" khi "Ông Hải Triều đã ở nhà tôi". Nhà thơ lý giải "những ngày đầu thập niên 30 - 45 của thế kỷ trước, ở tận một nơi "khỉ ho cò gáy" (Trùng Khánh, Cao Bằng) dân dã đến man dại, sao lại có khá nhiều sách báo, tạp chí xuất bản từ thời Pháp thuộc xuất hiện…
Cha tôi là một nông dân thuần túy, cụ đã thâu lượm và rinh những ấn phẩm "xa xỉ" ấy về. Chỉ trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Huế, Y Phương đã nhận ra ngay tiếng cười giòn tan như "Ngọc xô trong lọ" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 10 năm đã hoàn thành cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông có tài hài hước miêu tả thần đồng Trần Đăng Khoa nhân cuộc giao lưu với văn nghệ sĩ Cao Bằng "Nhà thơ Trần Đăng Khoa cuộn người lại như một con phjẳm (sâu đá)…Hắn cực tinh".
Y Phương dành bao sự trân quý nhận xét nhà thơ Bế Thành Long "là con người có tâm hồn thực sự trong trẻo và trẻ trung. Tình yêu con người ở trong anh luôn chúm chím nở nang và cất cao tiếng hát". Chân dung Từ Ngàn Phố được xây dựng bên những câu thơ nao nao: "Con thuyền ngủ thiếp trong tranh - Hình như nó cũng chòng chành lao đi".
Y Phương gọi Pờ Sảo Mìn là một chiếc lá xanh ngon ngật ngưỡng, giữa muôn vàn lá trên đỉnh Hoàng Liên vời vợi: "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Như cái cây hai ngàn chiếc lá". Chân dung người bạn văn đồng hương Trùng Khánh được Y Phương trân quý vẻ đẹp khiêm nhường "Nhà văn Cao Duy Sơn không thích nói về mình. Đây là một nét cá tính nổi trội nhất ở ông.
Y Phương phác họa chân dung Phạm Tiến Duật theo bài thơ "Tiểu đội xe không kính", đó là "tiểu đội xe thương tật. Những chiếc xe bộ phận nào cũng kêu, trừ còi. Bằng một lối thể hiện không giống ai. Thơ viết như nói. Ông bê nguyên xi lời thường ngày trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ anh như lời nói thường, hiện thực tới 100/100.
Qua ngòi bút Y Phương, chân dung Châu La Việt được vẽ qua hồi ức, kỷ niệm gắn với ngôi đền văn chương của ông cách đây trên 40 năm: "khi đó chúng tôi đang là lính, huấn luyện ở hai đơn vị khác nhau. Tôi và Việt cùng được cấp trên gọi về học lớp chiếu bóng, do Tổng cục chính trị mở…Đọc Châu La Việt như ta được bơi trong một dòng sông chở nặng phù sa, đầy ắp tình người, tình đời…
Những kiến giải của Y Phương xuất phát từ sự chiêm nghiệm và hiểu biết. Rất có lý mà cũng rất có tình, chắc chắn. Anh có cách giới thiệu sách bằng những câu văn trong trẻo, run rẩy, tung tẩy "Tôi bỗng thấy Vệ đê trong đêm trăng mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương. Ta hãy nhắm mắt lại mà đọc. Trên từng con chữ bỗng nghe có tiếng tôm búng càng và tiếng hôn nhau… rất ngọt" (Vệ đê trong đêm trăng).
Nói về thể tản văn, trong cuốn sách chân dung văn học đầu tiên này, Y Phương giãi bày "Mọi người gọi là tản văn. Ừ thì tản văn. Nó khộng giống tùy bút. Càng không như phóng sự. Nó là nó. Vậy thôi. Nhưng tôi "lén" coi tản văn với thơ như hai anh em con dì con già. Viết tản văn phải có chất thơ. Nghĩa là nó biêng biêng trên nền tảng hiện thực. Nó bám hiện thực, nhưng rồi đến khi có đà, nó bay lên trên hiện thực"...
Anh chân thành nói về "ngôi đền văn chương" và rất có ý thức xây dựng đoàn kết các dân tộc, trong đó anh nhấn mạnh "Tình bạn giữa các nhà văn chỉ có thể rót thêm vào như rượu. Chúng ta hãy làm say mê nhau, chứ đừng bao giờ tạo ra những vết trầy xước. Điều đó đau lòng lắm. Tàn ác dã man lắm.
Với hội Nhà văn, chỉ có quan hệ bạn bè. Chứ không có cấp trên với cấp dưới. Văn hóa tự nó không hơn thua. Văn hóa là bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt. Nếu chúng ta làm mất nhau, nghĩa là nỗi buồn dài mãi. Thậm chí, vết đau này làm lây sang cả đời con nhức buốt. Không một người bình thường nào trên đời này muốn thế. Rạn nứt trong tình cảm, là điều tệ hại nhất. Vì sẽ không có bất cứ một chất liệu nào trên đời này hàn gắn nổi" .
Bức chân dung tự họa được Y Phương thể hiện trong "Tôi đến đây và tôi ở lại" bằng lời tự bạch về con người mình, về dân tộc và niềm mong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc "Tôi là người mang vía con ngựa. Một con ngựa trán dô. Nên tôi chẳng ý tứ gì hết. Giống như cái thùng tôn nhẵn gạo, tôi cứ bô lô ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết.
Ngoài thành tựu trên con đường văn chương đã thấy, Y Phương góp thêm vào cuốn phê bình chân dung văn học đầu tiên của mình những quan điểm, cách nhìn, vấn đề tư tưởng, tìm tòi cái mới trong nội dung và nghệ thuật, nhất là làm ngôn ngữ quậy cựa, sinh nở rất tài tình, rất có duyên... mình tâm đắc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét