Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Quyền được nói ‘về một khía cạnh khác’ của Fidel



Cao Huy Huân













 - Chuyện Fidel Castro qua đời hồi cuối tháng 11 vừa qua đang làm nóng các diễn đàn quốc tế, gây tranh cãi trong giới học giả về “công và tội” của lãnh tụ cách mạng Cuba. Có cả những câu chuyện lịch sử được kể lại bằng nhiều cách khác nhau trên nhiều kênh truyền thông quốc tế để công chúng tự đánh giá Fidel Castro, vốn được xem là biểu tượng của cách mạng Cuba.

Cá nhân tôi cũng chỉ lắng nghe và quan sát. Tôi không đánh giá vì biết mình còn quá trẻ để có thể phán xét về công – tội của một người đã trải qua rất nhiều sóng gió trên chính trường. Và dù bản thân cũng có sự kính nể Fidel Castro ở một góc độ nào đó trong vai trò của một người đã giải phóng Cuba khỏi một chế độ độc tài khét tiếng của những năm 50, tôi vẫn nghe bằng hai tai để nhìn nhận những sai lầm của ông trong con mắt của những nhà nghiên cứu lịch sử Cuba. Một lãnh đạo giỏi thì không để một đất nước trở nên nghèo nàn lạc hậu trong suốt nửa thế kỷ như Fidel Castro đã làm.

Tuy nhiên, hôm nay tôi sẽ không nói thêm về Fidel Castro. Nhưng tôi sẽ nói về “quyền được nói về” ông như một quyền tự do ngôn luận. Như đã đề cập, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những lời ca ngợi hoặc chê bai nhà lãnh đạo Cuba này trên tất cả các diễn đàn và các kênh truyền thông quốc tế. Ngay cả tại Mỹ, một quốc gia có truyền thống “thù ghét” Cuba, nhiều học giả chê ông chỗ này nhưng không lờ đi những đóng góp của ông chỗ khác. Điều này không khác mấy so với khi ông Lý Quang Diệu, người có công xây dựng nên một Singapore phồn thịnh ngày nay, qua đời hồi năm ngoái. Việc phê phán hay ca ngợi một người đã khuất rất dễ rơi vào tình trạng chủ quan, phiến diện và bất công, bởi vì dù sao họ cũng đã khuất và không thể tự bào chữa.

Tuy nhiên, với tới cả những di sản mà Fidel Castro hay Lý Quang Diệu đã tạo ra và để lại cho đất nước và nhân dân của mình thì người đời sau vẫn có quyền tạc vào “bia miệng”. Ấy thế nhưng, nhiều câu chuyện “bịt miệng” dư luận vừa qua khiến tôi cảm thấy buồn lòng. Chuyện mới nhất là về nhà báo Phùng Hiệu - Quyền phụ trách cơ quan phía Nam của Nhà báo & Công luận (Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam). Ông Phùng Hiệu đã viết một đoạn status như thế này trên trang Facebook cá nhân sau sự ra đi của Fidel Castro: “Xin thắp cho ông Fidel Castro một nén nhang, chúc cho dân tộc của ông bước sang một trang sử mới. Sau gần 50 năm cai trị đất nước Cuba với sự độc tài, bảo thủ và tôn thờ chủ nghĩa Marx một cách mê muội, ông Fidel Castro đã để lại một Cuba nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe Lada cũ kỹ thời Xô Viết và những chiếc tivi màn hình đen trắng. Mấy hôm nay báo chí và nguời dân nuớc tôi cứ ngây thơ ca ngợi, tiếc thương ông mà không xót xa cho một đất nước hơn nửa thế kỷ chìm đắm, ngủ quên trong lạc hậu và bị cô lập, cấm vận; mất cả quyền tự do, bình đẳng. Rất may người em của ông đã nhìn thấy và kịp vực dậy, đưa dân tộc thoát dần ra khỏi tối tăm. Hy vọng sau khi ông mất nguời dân Cuba sẽ hòa nhập vào thế giới tiến bộ của con người.”

Hậu quả là sau đó Phùng Hiệu bị ghép vào tội có lời lẽ phỉ báng, châm biếm, thiếu nhạy cảm chính trị và sai về lập trường quan điểm với lãnh tụ Fidel Castro trên Facebook. Ông Hiệu bị tước thẻ nhà báo và cắt chức quyền phụ trách cơ quan phía Nam của tờ Nhà Báo & Công Luận, đồng thời đình chỉ công tác và mất danh hiệu “chiến sĩ thi đua”. Theo tôi biết, ông Hiệu là trường hợp thứ hai sau vụ nhà báo Đỗ Hùng của báo Thanh Niên bị cho là phỉ báng và châm biếm các lãnh tụ cộng sản trên mạng xã hội. Nhà báo Mai Phan Lợi cũng từng bị vạ miệng trên mạng xã hội và bị tước thẻ nhà báo.

Tôi nhớ từng được nghe câu nói “Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền của anh được nói ra điều đó”. Quyền được nói là quyền căn bản của con người, tất nhiên nếu nói sai, nói càng, nói không có cơ sở gây tai họa thì anh sẽ bị kiện và tòa án sẽ luận tội anh. Theo tôi, phát ngôn của Phùng Hiệu không mang tính đại diện. Về mặt Hiến pháp Nhà nước, tôi tin ông Hiệu không sai; ông chỉ sai khi làm báo trong một hệ thống bị kiểm duyệt thông tin quá mức và không cần thiết. Ở Mỹ, sinh viên hay bất kỳ người dân nào cũng có thể chỉ trích các chính sách của tổng thống nước mình ngay trước Tòa Bạch Ốc hay trụ sở Quốc hội. Và như Tổng thống Obama từng nói khi đến thăm Việt Nam, chỉ trích sẽ giúp các nhà lãnh đạo nhìn lại và hoàn thiện hơn, đó là động lực để đưa một quốc gia đi lên.

Tôi không phản đối Việt Nam, ở góc độ ngoại giao, phát ngôn thận trọng và cảm thông với Cuba sau sự ra đi của Fidel Castro. Tôi cũng không cảm thấy phiền lòng khi nhiều người ca ngợi ông và bảo vệ hình ảnh ông bằng mọi giá, không chấp nhận tranh luận, dù tôi không cho rằng những nhận xét một chiều ấy là đúng. Tôi cũng không buộc các vị lãnh đạo báo chí thích thú những phát ngôn của nhà báo Phùng Hiệu; thậm chí các vị này cũng có quyền tức giận, căm ghét ông Phùng Hiệu vì những phát ngôn ấy. Họ có thể viết bài để phê phán, phản bác những nhận định của ông Phùng Hiệu. Nhưng việc cấm nhà báo này hay những người dân khác bày tỏ quan điểm, cảm xúc trái chiều về Fidel Castro trên Facebook là một hành động ngăn cản quyền cơ bản của con người. Điều đó tuyệt nhiên không phản ánh tinh thần của Hiến pháp Việt Nam, của sự tiến bộ của loài người.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: