Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Xuân Quỳnh tự thuật



Sau đây là mấy trang photocopy bản tự thuật Xuân Quỳnh viết và lưu lại ở bộ phận tổ chức của Hội nhà văn từ 1982. Sau khi Xuân Quỳnh qua đời, bọn tôi, mấy anh em biên tập viên ở nhà xuất bản  Tác phẩm mới  lúc đó đã  chụp về để  chuẩn bị  làm tập sách về  đời và thơ Xuân Quỳnh.

Tự thuật tiểu sử
Từ nhỏ đi học đến lớp 6
1955: Vừa học vừa làm diễn viên đoàn ca múa Trung Ương
1962: Đi học trường viết văn
1963: Về báo Văn Nghệ (vừa học vừa làm biên tập thơ của báo)
Được một thời gian thì báo Văn Nghệ cho đi thực tế Gia Lâm – Làm công tác huyện đoàn một năm.
Cuối 1964, chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Bác Văn Nghệ gọi về giữ thư viện thay cho cô Loan, cho cô ấy vào với chồng [ nhà văn Anh Đức VTN chú ]. Thời gian này báo Văn Nghệ muốn nhân cớ đó đẩy khỏi báo. Vì vậy tôi phải chạy đi xin việc tất cả các cơ quan báo chí, đài phát thanh nhưng không đâu muốn nhận. Báo Phụ Nữ nhận với điều kiện là phải thử đi xuống nông thôn một thời gian xem có viết được bài không đã.
Tôi đi được 2 tháng và viết được 7 bài. Các chú cũng khen là viết được. Nhưng không may, ngay trong thời gian đó tôi lại có thai cháu đầu tiên (năm ấy là năm 1965). Báo Phụ Nữ không muốn nhận về nữa vì lý do đó. (Lúc ấy tôi vẫn biên chế của Hội Liên hiệp) Tôi quay về. Anh Hoàng Trung Nho và anh Hoàng Trung Thông (lúc ấy đã thay vào chỗ ông Bảo Định Giang) lại nhận tôi trở lại làm biên tập báo Văn Nghệ, rồi biên tập nhà xuất bản cho đến nay.
xxx
Tôi là con một nhà giáo, bố tôi xưa kia đi dạy học nhưng người lại có nhiều khát khao về sáng tác văn học. Ông đọc nhiều sách và hay kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Có những khi ông đọc cả những truyện, kịch, thơ của ông viết cho chúng tôi nghe. Chúng tôi cũng rất mê văn học, nhất là người chị ruột tôi. Chị đã biết làm thơ từ năm 8 tuổi. Chị thuộc rất nhiều chuyện vần, thơ, ca dao. Chị thường đọc và cũng hay kể chuyện cho tôi nghe sau khi bố tôi vào Sài Gòn sinh sống.
Mẹ tôi mất từ hồi tôi còn rất bé, chúng tôi ở với bà. Bà tôi cũng là một kho chuyện cổ tích và ca dao. Khi chửi rủa, bà tôi cũng dùng những câu chửi vần của dân gian.
Khi vào Sài Gòn, bố tôi còn để lại mấy tủ sách, chúng tôi đọc ngấu nghiến hết cả, có cái hiểu, có cái chẳng hiểu, nhưng rất say mê.
Những truyện của Nam Cao, Nguyên Hồng mỗi khi đọc thì thấy sao mà giống cuộc sống xung quanh tôi thế. Tôi có cảm giác là tôi cũng có thể viết được như vậy một cách dễ dàng và tôi khao khát được viết.
Nhưng say mê hơn vẫn là thơ.
Tôi đọc thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Anh Thơ, Huy Cận, Xuân Diệu rất say sưa. Đằng sau những bài thơ bao giờ tôi cũng cảm thấy bao điều kỳ diệu. Và tôi tin rằng các nhà thơ là những vị thánh cho mãi đến bây giờ tôi vẫn thấy thơ là một nghệ thuật kỳ diệu nhưng khó mà đi tới. Mặc dầu vậy vẫn không bao giờ có thể bỏ được thơ.

 Quá trình công tác
1955:  Diễn viên múa đoàn ca múa Trung ương
1963: Biên tập viên báo Văn Nghệ
1980: Biên tập viên NXB Tác Phẩm Mới
Nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học
Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa.
Vì uất ức. Khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết.
 Tác phẩm đầu tiên được in:
Chồi biếc ( trong tập Tơ tằm – Chồi biếc in cùng với Cẩm Lai ) – NXB VH 1963
Sống chuyên nghiệp bằng nghề văn từ năm nào:
1965 cho đến nay, vừa làm biên tập báo, xuất bản của HNV, vừa viết.
Những môi trường thực tế quen thuộc nhất. Những chuyến đi thực tế quen thuộc nhất trong đời văn học
Miền nông thôn quê tôi hồi tôi còn nhỏ.
Hà Nội, nơi tôi lớn lên và sống ở đây
Những chuyến đi trong ngày chống Mỹ: Đường 559, Quảng Bình, Vĩnh Linh
Sở trường về thể loại:
Thơ người lớn
Thơ thiếu nhi
Truyện thiếu nhi
Và đôi khi viết tiểu luận, lý luận
Những chuyến đi nước ngoài:
1978: Đi Liên Xô. Có một bài tham luận đọc ở hội nghị Á Phi, đã in ở báo Văn Nghệ và một số bài thơ viết về LX.
Tình hình sức khỏe và đời sống gia đình hiện nay:
Sức khỏe bình thường
Đời sống gia đình khó khăn. Tổng cộng số lương hai vợ chồng không đủ nuôi ba đứa con cho nên sống rất chật vật.
Nguyện vọng và dự kiến sáng tác:
Nguyện vọng:
1.      Làm sao đỡ khó khăn hơn về kinh tế
2.      Có thì giờ hơn để có thể viết, học trau dồi nghề nghiệp.
3.      Muốn xin được thêm một diện tích nhỏ riêng biệt để có thể ngồi viết những lúc cần thiết (vì không thể bứt hẳn để đi Đại Lải được)
Dự kiến:
1.      Sẽ viết đều hơn nữa về thơ, truyện thiếu nhi. Mỗi năm phải có từ 1 đến 3 tập sách được xuất bản.
2.      Sẽ viết thêm truyện ngắn người lớn trong mấy năm tới.
3.      Vừa học vừa tập dịch thơ để in các báo.

                                                                                             Ngày 29 tháng 8 năm 1982
                                                                                                             Ký tên

                                                                                                         Xuân Quỳnh.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: