Bố tôi
Xa cha mẹ từ khi còn trứng nước, hơn nữa, người mà tôi gọi bằng bố vốn không sinh không dưỡng tôi ngày nào, nên việc tôi không biết gì về ông cũng là đương nhiên. Nhưng sẽ không công bằng nếu tôi chẳng kể gì về ông bố đó.
Lần đầu về Bắc tìm gia đình sau ngày đất nước thống nhất, cũng là lần đầu tôi biết mặt cha mẹ và chị em mình. Tôi rất đau buồn khi biết mình có một gia đình khác gia đình ông chú. Không bao giờ tôi nguôi trông ngóng có ngày được gặp mặt những người thân yêu. Và tôi càng đau buồn hơn khi cả gần một năm sau hai miền thông thương mà không một ai trong gia đình đi tìm tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi nguôi mong chờ ngày đoàn tụ. Tôi đã xin được giấy giới thiệu đi đường của hãng phim để ra Bắc. Dù thế nào, tôi cũng muốn gặp họ ít nhất một lần. Và tôi lên đường.
Ông bố, không tỏ ra úy kỵ gì tôi, chỉ có vẻ đãi bôi. Ít nhất ông cũng hồ hởi phấn khởi với đôi giày tôi lột từ chân ra biếu ông. Ông nói: “Chúng tôi vẫn có ý chờ anh ra. Chúng tôi thật sự không biết anh ở đâu để tìm. Mong anh hiểu cho, không phải chúng tôi tệ bạc với anh. Cứ hỏi mẹ anh xem, bà ấy đứt ruột vì anh đấy.”
Trong bữa ăn, ông rót rượu cho tôi. Ông nói: “Trong ấy, chắc các anh chỉ uống rượu Tây thôi nhỉ.”
Tôi cười: “Thật ra, rượu nào cũng uống. Riêng thịt cầy thì cũng uống rượu đế thôi.”
Ông nói nhỏ: “Mẹ nó, cứ thịt cầy rượu đế với nhau thì chiến tranh làm gì cho phí xương máu nhỉ.”
Tôi nhìn ông: “Nói thế, bố không sợ à?”
Ông bố cười: “Sợ chứ. Nhưng tôi tin anh. Người miền Nam thì không sợ.”
Ái chà. Tôi thấy ông bố này được. Tôi cầm ly rượu lên bảo: “Cốc này con mời bố. Bố thật xứng đáng là bố con.”
Ông quay sang mẹ tôi: “Bà nghe con bà nói chưa? Nó khen bố xứng đáng như thể nó là ông nội bố vậy.”
Mẹ tôi đỡ lời: “Ấy là nó thành thật mới nói thế. Ông bắt bẻ nó làm gì.”
Ông nâng ly bảo: “Tôi cũng mong anh coi tôi là bố.”
Tôi nói: “Cám ơn bố. Con lúc nào cũng coi bố là bố của con.”
Kiếm cơm
Kịch bản hoàn tất sau ba tháng lao động miệt mài, tôi giao cho gã đạo diễn đã đặt hàng tôi.
“Hy vọng ông sẽ chào hàng được”, tôi nói.
“Tôi cũng mong vậy.” Hắn nói. “Về số tiền nhuận bút còn lại, ông ráng chờ khi tôi bán được kịch bản cho nhà sản xuất.”
Tôi nhảy nhổm: “Làm sao tôi sống?”
Gã đạo diễn bình thản bảo:”Đấy là việc của ông. Không lẽ ông viết gì tôi cũng phải trả tiền ông sao? Ứng trước cho ông như thế là tôi đã tử tế quá rồi.”
Gã nói cũng có lý. Tôi chưa phải là tác giả đáng tin cậy.
Quả đúng như gã nói, không một hãng phim nào trong nước chịu mua kịch bản của tôi. Nhưng gã không chịu thất bại, vì tiếc số tiền đã bỏ ra. Gã giới thiệu dự án làm phim cho các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm văn hóa nước ngoài để xin tài trợ.
Cuối cùng một tổ chức chuyên giới thiệu các tác giả mới của Pháp đồng ý tài trợ. Việc ấy kéo dài gần ba năm. Phải mất hai năm nữa, tác phẩm điện ảnh mới ra đời. Tuy nhiên, nó cũng không được phép công chiếu ở trong nước cho đến khi đã tạo được ít tiếng vang ở nước ngoài.
Trong suốt thời gian ấy, tôi và cô vừa viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập vừa mua bán hầm bà lằng mọi thứ trên mạng để kiếm cơm. Ơn trời, chúng tôi vẫn chưa chết đói.
Chị tôi
Không biết bằng cách nào chị tôi đã trở thành một đại gia. Tất nhiên, tôi không tin một cán bộ quản lý thị trường dù tham nhũng cướp bóc đến đâu có thể trở thành đại gia được. Có thể chị đã gặp may. Miếng đất được nhà nước cấp của chị đột nhiên có giá, nhưng đấy cũng chưa phải là cách chị ăn may, nhưng nó đã có giá trị như một cơn thức tỉnh.
Người miền Bắc tràn vào miền Nam ngày càng đông, và họ dễ dàng tìm kiếm cho mình những khu đất đắc địa. Cũng như họ, chị nhìn ra ngay những vùng đất tiềm năng. Có hai khu vực mà quĩ đất có thể nói là mênh mông mà giá cả thì rẻ mạt. Một là quĩ đất nông nghiệp, hai là quĩ đất quốc phòng. Công nghiệp hóa hoặc thành thị hóa đất nông nghiệp là tiếng gọi của thời đại. Các căn cứ quân sự trong nội thành cần được giải tỏa để kiến tạo một bộ mặt hòa bình đáp ứng cho sự phát triển. Chưa bao giờ cái từ “dự án” lại trở nên đẹp đẽ thơm tho đến thế trong thời kỳ lịch sử được gọi là “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, nó là chìa khóa vạn năng mở ra những điều kỳ diệu, biến tấc đất thành tấc vàng, thay ngôi đổi chủ, kẻ khóc người cười. Dự án nào cũng hoành tráng và góp phần phát triển đất nước. Chị tôi lúc nào cũng có công với cách mạng.
Như mọi đại gia khác, chị tôi cũng có một chút ngông cuồng rất thời thượng. Một ít, chị làm cái quĩ từ thiện để tích đức. Nhiều hơn, chị phóng tay tài trợ cho thú vui của muôn nhà, xây dựng nền bóng đá xã hội chủ nghĩa. Mỗi năm gần trăm tỉ. Đẹp lòng Đảng, hợp lòng dân.
Tôi nói với chị: “Chỉ cần chị giao em 1% cái thú vui của chị, em sẽ làm cho chị sáng danh đến muôn đời sau.”
Chị cười: “Cậu muốn làm gì?”
Tôi nói nghiêm túc: “Một giải văn học nghệ thuật mang tên chị. Cả Đông Nam Á sẽ phải ngước nhìn.”
Chị cười lớn: “Cậu tấu hài được đấy.”
Hồi đó
Là tất cả những thăng trầm trong một khoảng thời gian rất ngắn, chưa tới một thế kỷ, những biến chuyển thời cuộc và cuộc sống xã hội điên đảo đến từng thân phận người dân. Những biến chuyển ấy dường như có một gia tốc từ những năm đầu thế kỷ 20 vắt qua thế kỷ 21, càng lúc càng dồn dập. Lẫn lộn bạn – thù. Giai đoạn lịch sử đặc biệt sinh ra những con người đặc biệt, hoặc ngược lại. Bạn có thể bị dốc ngược hay dựng đứng. Dù trong tư thế nào, thực phẩm bạn ăn vào hay được tháo đáy vẫn luôn luôn được định vị theo đúng qui luật của nó. Trọng lực của cuộc sống hay ý nghĩa sinh tồn. Và bạn sẽ không ngừng truy vấn về tự do cũng như tính đạo đức của con người. Thật ra điều ấy cũng chẳng để làm gì ngoài việc bạn muốn được quyết định tự dốc ngược hay dựng đứng. Tuy nhiên, có một ý lực bên ngoài bạn, sẵn sàng treo bạn lên. Bạn có thể gọi đó là thánh giá hay cái xích đu. Lúc nào bạn cũng là người thua cuộc. Vì thế, bạn tha hồ ca cẩm hay chửi thề. Đó là khe hở của sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ dân tộc này có một niềm vui lớn vì tất cả sinh lực và sinh mệnh của các bạn chỉ dành để đấu đá nhau.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét