Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Ngày 19 tháng Chạp năm 1946



Trái ngược với rất nhiều "nhà phân kỳ học", tôi nghĩ rằng 1945 không phải là mốc nên dùng để xác định các khoảng trong văn học sử, mà phải là 1946 (về năm 1946, xem ở kia). Gần đây, dường như nhiều nhà nghiên cứu cũng đã thấy rằng năm 1954 không thực sự là mốc chuẩn xác: 1956, hoặc 1958 thì đúng hơn nhiều. 1956 là thời điểm của Nhân Văn-Giai Phẩm ở miền Bắc, của Sáng Tạo ở miền Nam, còn 1958 là thời điểm hoàn toàn chấm dứt báo chí và xuất bản tư nhân trên miền Bắc.

Đúng ngày hôm nay cách đây bảy mươi năm, một sự kiện lớn đã nổ ra, nó vừa mở ra một thời kỳ vừa hoàn toàn khép lại một thời kỳ khác.

Về cuộc chiến tranh ngay tiếp sau ấy, gần đây tôi đã thử một "diễn giải" (xem ở kia). Ngày 19 tháng Chạp năm 1946 đương nhiên là một sự kiện lớn, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: nếu nhìn nhận lại thật cẩn thận, chính quãng 1945-1946 là một quãng đặc biệt khó nhìn nhận, và cho đến 19/12/1946, chứ không phải 19/8/1945, nhiều "phương thức tồn tại" mới thực sự mất đi. Đồng thời, nếu nhìn nhận như vậy, quãng 19/8/1945-19/12/1946 trở thành một vấn đề vô cùng khó giải quyết. Đương nhiên, điều này thì ai cũng thấy, và cũng không phải chưa từng có ai từng tìm cách nghiên cứu quãng thời gian này. Chỉ có điều: dường như chúng ta vẫn chưa biết gì cả.

19/8/1945-19/12/1946 là đoạn kịch tính nhất, cho thấy rõ nhất rằng: mọi mô hình nghiên cứu quá thiên về sách mà bỏ qua phần báo (đây là thói quen theo tôi là khó chịu nhất của giới nghiên cứu văn học Việt Nam) sẽ phá sản. Thời tiền chiến (tạm quy ước đó là tính từ tháng Tám-tháng Chín năm 1945 trở về trước) đã không thể hiểu nổi nếu thiếu báo (cách vận hành của văn chương Việt Nam là vận hành dựa trên báo và tạp chí: chính nhờ báo và tạp chí mà nhịp đi của văn chương Việt Nam đột xuất trở nên nhanh khủng khiếp; nhiều người đã biết sử dụng ưu thế cơ động của báo chí để đẩy nhanh mọi thứ lên, để những gì lẽ ra cần cả trăm năm hay hơn nữa mới xong được thì chỉ cần tầm hai mươi, ba mươi năm - tất nhiên điều này cũng gây ra một tác hại rất lớn, là khiến người đời sau không dễ nhìn cho chính xác nữa, cùng nhiều "tác dụng phụ" khác, ở đây chưa nói đến).

Thời tiền chiến đã như vậy, giai đoạn 19/8/1945-19/12/1946 càng rõ hơn (tất nhiên, nhiều giai đoạn khác cũng vậy, nhưng ở đây tạm bỏ qua). Chuyển động của văn chương thời tiên khởi ở Việt Nam là chuyển động theo lối "không kịp thở lấy hơi".

Tóm lại, từ 19/8/1945 đến 19/12/1946 thực sự cần được tìm hiểu, nhất là trong báo chí. Tôi muốn nói, được tìm hiểu một cách bình tĩnh, từ nhiều chiều - gần đây có những nỗ lực trong mảng này, nhưng rất một chiều là một, rất không bình tĩnh là hai. Đã thế, những nghiên cứu ấy, nếu nhìn thật nghiêm khắc, còn gây ra những hiểu biết rất tai hại.

Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, người ta nhắc đến tờ báo Tự do của Khái Hưng trong quãng thời gian này. Chi tiết này khiến tôi thấy rất nghi hoặc: tôi biết đây là đoạn rất khó, nhưng bản thân tôi cũng từng tìm hiểu nhiều, tôi không nghĩ có tờ Tự do nào liên quan đến Khái Hưng hết. Chứng minh không có thì khó hơn là chứng minh có, nên tôi sẵn sàng rút lại điều vừa nói nếu thấy bằng chứng về tờ Tự do, nhưng cho tới giờ phút này, tôi nghĩ nói rằng trong quãng thời gian nói trên có một tờ báo tên là Tự do với Khái Hưng là yếu nhân, là một điều không thể tin được.

Ta quay trở lại với Khái Hưng.

Đề tài "Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay" thực sự là một đề tài rất khó. Nó lại còn khó hơn nữa bởi vì trong đường link vừa xong là Khái Hưng "ngoài" hai tờ báo trên, nhưng mới chỉ là trước chúng. Nhưng vậy còn chưa đủ: còn có Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay, nhưng là sauchúng. Mà Khái Hưng ở phương diện này lại chính là Khái Hưng của đoạn, về cơ bản, 19/8/1945-19/12/1946, mà chúng ta đang nói đây. Nếu không giải quyết được vấn đề này, nếu không làm sáng tỏ được đoạn này, theo tôi vĩnh viễn Khái Hưng sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.

Theo hồi ký của Vũ Bằng, Khái Hưng có liên quan đến tờ Bình minh (yếu nhân là Nguyễn Giang), nhưng có vẻ không thực sự quan trọng. Theo hồi ký của Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng có liên quan đến Việt Nam thời báo và Việt Nam, trong đó Việt Nam thời báo là tiền thân của Việt Nam. Dường như, lần duy nhất Khái Hưng xuất hiện chính thức trên manchette một tờ báo (với tư cách chủ bút) chính là Việt Nam thời báo, một tờ có tuổi thọ hết sức ngắn ngủi (chắp nối rất nhiều nguồn tài liệu với nhau, tôi tin tờ này không thể quá 24 số).

Trong cuốn sách nơi thông báo là có tờ Tự do liên quan đến Khái Hưng, rất may mắn là có ảnh chụp một số Việt Nam, góc trên cùng bên tay phải đăng quảng cáo về một tờ báo khác, Chính nghĩa. Tờ Chính nghĩa bắt đầu ra sau tờ Việt Nam chừng sáu tháng (tờ này là tuần báo, trong khi Việt Nam là nhật báo, chỉ gồm hai mặt một tờ giấy), cả hai đều kết thúc rất sát trước 19/12/1946.

Tại Sài Gòn trước 1975, Nguyễn Thạch Kiên in tập truyện ngắn Lời nguyền, trong đó có cả kịch (xem ở đường link này, trong đó cũng có các chi tiết hết sức quan trọng về Khái Hưng trong liên quan với tờ Ngày nay Kỷ nguyên mới). Tập Lời nguyền in truyện và kịch Khái Hưng từng cho đăng trên Chính nghĩa. Rất tiếc là tập sách ấy thiếu vở kịch Đoàn kết.

May mắn là gần đây vở kịch Đoàn kết đã xuất hiện trở lại, trên tờ Khởi hành (Viên Linh và Nguyễn Tà Cúc), phát hành tại Mỹ. Như vậy tác phẩm Khái Hưng trên Chính nghĩa coi như đã được tìm lại đầy đủ, sau gần bảy mươi năm tròn.

Tại miền Bắc, người ta vẫn có thể đọc được tờ Chính nghĩa và một số tờ báo khác "cùng khuynh hướng", ít nhất là một phần, nếu chịu khó, rất chịu khó tìm kiếm. Gần đây, trong một bài viết về Tự Lực văn đoàn, tác giả (tên là Lê Phong Sừ), cũng nhắc một cách rất cụ thể đến tờ Chính nghĩa.

Tôi nghĩ rằng một hiểu biết đầy đủ về Khái Hưng, nhất là liên quan đến vấn đề "Khái Hưng đã viết gì từ 19/8/1945 đến 19/12/1946" - đây là đoạn ngay trước cái chết của Khái Hưng - đã sắp có thể đạt được. Mốc 1946 càng quan trọng hơn nữa trong văn chương Việt Nam, vì thời điểm này liên quan máu thịt đến cả Khái Hưng lẫn Nguyễn Tuân, hai nhân vật đồ sộ nhất của thời tiền chiến Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: