Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Chuyện về ông Fidel, ông Honecker và người anh họ của tôi…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện về ông Fidel, ông Honecker và người anh họ của tôi…


 Hà Hiển
Chủ tịch Erich Honecker và Chủ tịch Fidel Castro với lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Hable (Đức) năm 1971
Ông Erich Honecker và ông Fidel Castro với lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Hable (Đức) năm 1971 (Ảnh: Internet)
Cái chết của ông Fidel Castro, người mà lúc còn là thiếu niên tôi rất ngưỡng mộ, khiến tôi lại nhớ đến một nhân vật khác là ông Erich Honecker vì nhiều điểm rất tương đồng giữa hai ông, đặc biệt là tương đồng trong cả mối quan hệ của họ đối với Việt Nam. Nhưng cuộc đời của hai ông lại kết thúc rất khác nhau.
Tương đồng:
Nếu ông Fidel, là lãnh tụ của  Cuba suốt gần 50 năm trước khi truyền ngôi cho người em ruột Raul Castro thì ông Honecker là lãnh tụ của Đông Đức trong một thời gian cũng khá dài là gần 20 năm. Cả hai ông đều đã từng nắm trọn các chức vụ cao nhất cả về đảng và nhà nước ở hai nước ấy. Nếu không có sự kiện bức tường Berlin bị phá đổ vào năm 1989 thì có lẽ thời gian cầm quyền của ông Honecker cũng sẽ chẳng kém nhiều so với ông Fidel.
Nếu Cuba một thời được coi là tiền đồn của phe XHCN ở châu Mỹ Latin thì Đông Đức dưới thời ông Honecker, nước ở phía tây nhất trong số các nước XHCN Đông Âu, cũng được coi là tiền đồn phía tây của phe này ở châu Âu.
Việt Nam thời đó cũng được gọi là “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”.
Có lẽ vì đều là “tiền đồn” cả nên quan hệ giữa các vị lãnh đạo ở những “tiền đồn” này cũng thắm thiết hơn mức bình thường so với các đồng chí khác trong cùng phe.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, cả hai ông đã giành cho các đồng chí của họ ở Việt Nam sự ủng hộ rất nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Một trong các biểu hiện đó là khi các kỹ sư xây dựng Đông Đức của ông Honecker đang giúp Việt Nam xây dựng lại thành phố Vinh thì các công nhân xây dựng tình nguyện Cuba của ông Phidel cũng đang giúp Việt Nam xây dựng bệnh viện ở Đồng Hới.
Tôi cũng được xem nhều bức hình của các nhà lãnh đạo Việt Nam có mặt hai ông. Nhớ nhất là hình ông Phidel khoác tay thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Quảng Trị năm 1973 hay bức hình ông Nguyển Văn Linh chụp đứng cùng với ông Honecker và các nhà lãnh đạo của các nước XHCN khác trên lễ đài kỷ niệm 40 năm ngày thành lập “nước Cộng hòa Dân chủ Đức” vào năm 1989 trước khi “nước” này thống nhất trở lại với Tây Đức vào năm sau đó. Nghe nói Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của chúng ta lúc ấy đã đặt rất nhiều hy vọng vào số ít những nhà lãnh đạo kiên định nhất còn lại của Đông Âu không chịu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như ông Honecker của Đông Đức, ông Ceaușescu của Romania… để cùng Việt Nam xây dựng một liên minh mới nhằm “bảo vệ CNXH”.
Nếu ông Fidel có câu nói nổi tiếng “Vì Việt Nam chúng ta có thể hiến dâng cả máu của mình!” thì ông Honecker cũng đã từng huy động được hàng chục vạn quần chúng ở Đông Đức xuống đường hô vang khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” – “Lúc này” trong câu trên là giai đoạn thật là oái oăm khi “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á” là Việt Nam đang phải chống chọi với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo từ nước XHCN láng giềng vĩ đại là Trung Quốc. [*]
Vì thế, nếu Fidel được các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của nhân dân Cuba, người bạn lớn của Việt Nam thì ông Honecker một thời cũng được báo chí nhà nước hết lòng ca ngợi là người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, người bạn thủy chung của Việt Nam. Cả hai ông đều được trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam là Huân chương Sao Vàng.
Một sự tương đồng nữa giữa hai ông là sự kiên định với các “nguyên tắc cách mạng”, kiên quyết không “tự diễn biến”,không  “tự chuyển hóa” bất chấp làn sóng cải cách mạnh mẽ diễn ra ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu khác vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Khác biệt
Nhưng nếu sự “kiên định” này đã giúp cho Fidel duy trì được quyền lực tối cao cho đến cuối đời thì lại không giúp được điều tương tự cho ông Honecker.
Ông Fidel chỉ nhường lại quyền cho người em trai khi sức khỏe đã suy kém nhưng ông Honecker thì bị các đồng chí đã “tự chuyển hóa” của ông hạ bệ trước khi bị nhà nước Đức thống nhất buộc tội và đe dọa đem ra truy tố.
Nếu ông Fidel khi không còn nắm quyền tối cao nữa vẫn được coi là nhà lãnh đạo tinh thần, được gọi là “lãnh tụ cách mạng của nhân dân Cuba”, được sống trong biệt thự có lính canh tại thủ đô La Habana thì ông Honecker sau khi mất quyền đã phải sống tị nạn tại nơi đất khách quê người là Chile cho đến lúc chết để tránh nguy cơ bị truy tố.
Khi nghe tin ông Honecker chạy trốn khỏi Đức, người viết bài này khi ấy vẫn còn là một đoàn viên thanh niên cộng sản tràn đầy một bầu máu nóng cách mạng ở trong tim cứ thắc mắc vì sao đồng chí Honecker không tìm đến xin tị nạn tại Việt Nam, nơi ông có những người đồng chí cùng ý thức hệ khá thân thiết mà lại tìm đến cư ngụ ở một nước không thuộc “phe ta”.
Tôi cũng không rõ các nhà lãnh đạo của ta lúc ấy có ngỏ ý mời “người bạn thủy chung” ấy của mình sang Việt Nam định cư để thường xuyên được đàm đạo cùng nhau về CNXH hay không.
Nhưng tôi vẫn còn nhớ hồi đó có người anh họ rất hay đọc báo nghe đài nên rất có cảm tình với ông Honecker. Anh cũng có thắc mắc như tôi. Và rồi một hôm anh cho tôi xem một bức thư trong đó anh trình bày nguyện vọng muốn mời ông Honecker đến sống cùng gia đình anh ở Việt Nam.
Tôi biết vợ chồng anh cùng một mẹ già với 3 đứa con lúc ấy chỉ sống trong một căn nhà khoảng 30 mét vuông ở một góc phố chợ. Nhưng anh bảo miễn là có tấm lòng thì mọi khó khăn đều có thể khắc phục, anh sẽ giành một chỗ thuận tiện nhất trong hoàn cảnh có thể  để ông Honecker có thể ở được.
Sau đó, khi gặp lại, người anh họ ấy báo cho tôi biết là anh đã gửi bức thư ấy “lên trên”, hình như là gửi cho chủ tịch nước hay thủ tướng mà tôi không nhớ rõ, nhưng không thấy hồi âm.
Bây giờ thì ông Fidel và ông Honecker đều đã sang thế giới bên kia cả rồi.
Nhà nước Việt Nam vừa mới thông báo tổ chức quốc tang cho ông Fidel. Bà Kim Ngân, chủ tịch quốc hội cũng đã bay sang tận La Habana để dự lễ viếng ông. Còn hôm nay, tìm hiểu qua trang Wikipedia thì tôi mới biết ông Honecker đã chết vào ngày 29/5/1994 tại Chile và tất nhiên là đã không có quốc tang cho ông ở đâu cả, dù khi còn sống những tấm huân chương mà hai ông đã nhận đều chẳng khác gì nhau.
Suốt tuần qua, báo chí truyền thông trong nước nhắc đi nhắc lại câu nói nổi tiếng của Fidel: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”
Nhưng từ lâu hầu như không  ai ở Việt Nam còn nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông Honecker: “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” vào cái thời mà “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á” đang bị nước Trung Hoa XHCN tấn công, và bị Mỹ và Phương Tây cấm vận ngặt nghèo nhất.
Có lẽ chỉ có người lẩm cẩm như tôi mới hay nhớ lâu những thứ mà lúc này người ta có thể cho là không còn cần thiết nữa.
Và khi viết những dòng này, tôi lại chạnh nhớ đến người anh họ cũng lẩm cẩm mà khá tốt bụng trong câu chuyện này. Anh ấy cũng đã sang thế giới bên kia được mấy năm rồi…
HH
————————————————————————-
[*] Thời Việt Nam có chiến tranh với Mỹ, ông Honecker có những lời kêu gọi như “Đoàn kết với Việt Nam là sự nghiệp của trái tim”, “Đoàn kết với Việt Nam là nhu cầu của trái tim”, “Ủng hộ Việt Nam là quốc sách”… Sau ngày Việt Nam thống nhất ông lại kêu gọi: “Đoàn kết với Việt Nam – lúc này càng cần thiết!”. Đến thời Trung Quốc tấn công Việt Nam, ông phát triển câu trên  thành câu mới là “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” (HH)

Không có nhận xét nào: