Truyện
vừa của HG
Tôi đang thất nghiệp, cuộc sống khó khăn
thế nào khỏi cần phải nói !Lúc nào trong đầu óc bí bẫn của tôi cũng chờ mong một
cơ hội, một việc làm. Chờ mong một Mạnh Thường Quân nào đó ra tay giúp mình
trong lúc khó khăn.
Mỏi chân đi gõ các cửa , mà cánh cửa trước
mặt tôi vẫn đóng im ỉm. --Vừng mốc rồi , có gọi khản cổ thì cửa cũng không nhúc
nhích. Tôi tự ghét tôi và hận mình vô cùng!
Tôi
không phải đứa "ăn chọn miếng, làm chọn việc", không quá cầu kỳ đường
công danh, sao cuộc sống lại cứ xuay lưng lại với tôi mãi nhỉ?
Giữa lúc ấy, tôi gặp bạn!
Giời đất ơi! tôi mừng như vớ được vàng!
Bạn tôi vừa giàu, lại sang trọng, nó hứa
sẽ tìm cách giúp tôi vượt qua bước khó khăn này.
Hai đứa gặp nhau giữa đường , nó bảo tôi
kiếm chỗ nào uống với nhau chén rượu vì lâu quá rồi không gặp. Nó lái cái xe
con của nó đi trước, tôi chạy cái xe máy tàng của tôi theo sau. Cứ như thằng hầu
theo đuôi ông chủ. Nhưng mà lúc đó mừng, chẳng thèm để ý đến sĩ diện, phải khi
khác tôi đã không làm như vậy . Người
sang trọng tôi thường giữ cách xa họ một quãng. Không phải tôi tự ty, hay xấu hổ
với họ về cảnh ngộ của mình, chỉ sợ người ta
nghĩ mình thấy người ta sang, bắt quàng làm họ! Xưa nay nhân thế đã đủ
biết làm trò ấy cũng chẳng ích gì!
Người sang có cách chơi của họ, người nghèo
trông mong khác nào trạch đẻ ngọn đa? Mơ hão làm gì! Chỉ mãi sau này tôi mới
nghĩ ra điều đó, còn lúc ấy không hiểu vì sao lại quên biến đi mất?
Chúng tôi vào một nhà hàng có thịt thú rừng
( Là biển treo thế , chưa chắc đã phải , thời nay treo đầu dê , bán thịt chó là
chuyện quá thường mà ). Bạn tôi lâu nay sống ở thành phố, gì chứ chuyện ăn chơi
không ai qua được mặt nó. Món bày lên, nó bảo thịt rừng chính cống, chỉ tội cách
gia giảm của nhà hàng chưa chuẩn. Tôi bảo nó :" Tỉnh lẻ mà , làm sao sánh được
như ở chỗ ông!" .
Nó có vẻ sướng, nhưng không tỏ ra vẻ dương
dương tự đắc, lại thông cảm : " Ở đâu
âu đấy thôi ông ạ, tôi cũng không quá cầu kỳ, gốc gác mình cũng con nhà nông dân,
tôi chúa ghét mấy tay có một tý quyền, có một tý tiền là ra cái điều ..".
Nó
nói một câu rất tục, đến như tôi kẻ ít cười cũng phải phì cười , cảm thấy nó gần
gụi, thân thiện quá!
Ăn uống xong người thu ngân đến để thanh
toán, nó rút ví ra trả, nhưng tôi một mực không nghe! Tôi vừa vay nóng được vài
triệu bạc tính chuyện mua lấy bộ đồ nghề đóng gạch bê tông trong khi chưa có việc
làm. Gặp bạn tốt rồi, kế hoạch ấy cần phải thay đổi. Sẵn tiền đây mình thanh toán
mới ra người đàng hoàng. Bạn thân thì bạn thân, người ta đang có thiện chí muốn
giúp mình cơ mà!
Nó chỉ cười cười, chả nói gì nữa, lên xe,
còi to một cái chào nhau.
Tôi quên luôn chuyện hỏi cụ thể nó giúp tôi
bằng cách nào, bao giờ giúp? Thì xe nó đã
bon xa mất rồi. Ai lại phóng xe chạy theo hỏi ?
May mà còn có số điện thoại nó vừa ghi cho, thôi
thì hỏi nó sau vậy! Hôm nay là ngày hăm ba , trước khi đi mình còn có phần ngần
ngại vì ngày không đẹp, hoá ra tốt cực kỳ, gặp được bạn hiền ..
Đã lâu tôi không huýt sáo miệng, rượu vào,
mừng đến, tôi nhảy lên xe huýt vang. Đám
con gái quanh đấy nhìn tôi lúc ấy bấm nhau bảo tôi là thằng rồ , rúc rích chỉ
chỏ cười, đang vui.. Tôi không chấp!
**
Tôi sinh ra từ làng, nhưng cha mẹ tôi không
phải là nông dân. Không nhất thiết ai sinh ra từ làng cũng là nông dân cả. Có
người làm quan, lại có người đi buôn, làm các loại thầy.. v v.
Cha tôi người Hà Nội gốc, nằm trong số chín
mươi phần trăm người Hà Nội cũ đã tứ tán bốn phương, tám hướng như cục thống kê dân số vừa công bố.
( Hà nội bây giờ nghe nói chỉ còn mươi phần trăm người Hà Nội gốc mà thôi, phần lớn là người ngụ cư từ các tỉnh lẻ về ). Mẹ tôi người
Thành Nam, sát con sông Vị Hà.
Thế kỷ trước từng có chuyện xáo trộn dân
cư toàn quốc, “cho phù hợp với hiện tình đất nước” . Bởi thế trong phần khai lý
lịch của mình, tôi có cái may mắn khai thành phần gia đình là nông dân. Thật là
xiết bao tự hào, bởi nông dân thời nào chả là "Quân chủ lực " ?
Bố mẹ tôi từng là công nhân lâm trường. Một
thời các lâm trường còn làm ăn phát đạt nhờ kinh doanh dựa hẳn vào rừng nguyên
sinh. Nhưng hạnh phúc không phải là niêu cơm Thạch Sanh. Rừng ăn mãi cũng phải
hết. Ngày chúng tôi sinh ra, rừng đã điêu tàn, trơ trụi. Trồng mới không kịp với
nạn phá rừng.
Tất nhiên làm thứ gì hưởng thứ ấy, rừng
như vậy hiển nhiên đời sống công nhân như cha mẹ tôi gặp khó khăn ..
Cha tôi không chịu bó tay trước “ nghèo nàn,
lạc hậu” . Ông mày mò trở về đất thủ đô học nghề thợ may, lại lên rừng với chiếc
sanhze cũ của ông nội tôi để lại. Phải công nhận bọn thực dân thối nát nhưng đồ
chúng làm ra không thể chê được! Cái sanhze này chế tạo từ hồi ông nội tôi chưa
ra đời, vậy mà đến đời bố tôi vẫn còn dùng tốt.
Bố tôi mang máy về nhà, hàng triệu mét vải
đã từng lăn lộn dưới tay ông! Nhờ thế mà anh em chúng tôi có điều kiện ăn học.
Nếu ông cứ kiên trì nghề cũ không biết tình hình sẽ như thế nào? Thêm vào nữa,
mẹ tôi buôn chợ trước, bán chợ sau phụ thêm vào. Cả hai người hàng tháng vẫn đóng
tiền đều đều cho lâm trường chờ sau này hưởng bảo hiểm xã hội.
Nơi tôi ở là một thị tứ nhỏ, chỉ hơn trăm
nóc nhà, chưa đủ số dân để thành thị trấn. Thực ra nó là một làng, may mắn được
là khu trung tâm của một vùng cực bắc của huyện. Nhưng có trường, có trạm đầy đủ, đặc biệt hơn là có
chợ nên cuộc sống tuy khó khăn , nhưng chưa đến nỗi nào!
**
Tôi học ngoại
thương, cám cảnh nhà mình nghèo nên ra sức học, nên ra trường tốt nghiệp hạng ưu,
có bằng đỏ hẳn hoi.
Khánh ( Tên bạn
kể trên) học với tôi cùng khoá.
Nhà nó còn khó
khăn hơn nhà tôi. Nó thường tự nấu cơm ăn, nấu một bữa ăn cả ngày. Bữa ăn chủ yếu
là cơm nắm, muối vừng như kiểu ăn chay. Suốt mấy năm đại học, người nó xanh veo,
xanh vắt. Ngay cả cắt tóc nó cũng phải hà tiện, luôn nịnh tôi là khéo tay để tôi
cắt hộ cho đỡ tốn tiền. Tôi biết thừa tính toán của nó, nhưng không nói gì , chỉ
thấy cay cay lỗ mũi, cố gắng cắt thật khéo cho nó vừa lòng. Chúng tôi hợp tính
nhau và thân lắm!
Chúng tôi ra trường,
chia tay nhau mỗi người một ngả, tự vận động để
tiến thân.
Đến thời này nhà
nước không còn bao cấp nữa, vào đại học không mấy khó khăn, nhưng không ai xếp
việc khi ra trường như bấy lâu nhà nước vẫn làm .
Những khoá trước
sinh viên được nhà nước nuôi cho ăn học , ra trường là có sẵn việc làm ngay, có
anh chị còn ỉ eo chọn chỗ, không muốn lên miền núi, không muốn đi xa . . Thời
chúng tôi đi đâu cũng được thì lại chẳng chỗ nào có việc làm!
Kinh tế thị trường
đã lan toả mọi ngõ ngách cuộc sốn , cái gì cũng đã có giá của nó, không thể xin không! Chẳng còn
bụng dạ nào để nghĩ đến bạn bè, chỉ đôi khi chợt nghĩ, xong lại quên luôn.
Việc làm là cái
gì bức thiết, khẳng định giá trị bản thân. Không công ăn việc làm, có tài giỏi
bằng giời nói cũng chẳng ai tin!
Nhưng cái đó cũng
chưa quan trọng bằng cuộc sống hàng ngày. Chẳng lẽ gần ba mươi tuổi rồi lại cứ để
cha mẹ nuôi mãi sao?
Khánh tạm thời
về quê chờ việc. Không biết nó xuay sở bằng cách nào để sau này có nhà lầu, xe
hơi như tôi đã gặp vừa rồi? Tôi biết nó đẹp mã, nhưng cao to đẹp trai chắc đã ích
gì?
Riêng tôi, ra
trường khá thuận lợi ..
Cụ nội tôi ngày
xưa ở phố Hàng Phèn, chuyên mua đường tỉnh bắc, bán vào tỉnh nam nên khá giàu có,
suýt nữa thành nhà tư sản. (Đấy là một trong những nguyên nhân mà sau này bố tôi
cất bước lên rừng ). Cụ ngoài việc doanh thương còn là một ông lang nổi tiếng
chữa bệnh bằng thuốc nam. Khắp trung,
nam, bắc nhiều người biết danh tiếng của cụ.
Chốc đầu, tổ đỉa,
lang ben thời ấy còn là ca bệnh khó. Một toa hoàn tán của cụ là khỏi như không.
Một bà người Huế mê cụ theo ra Hà Nội. Bà này còn trẻ, chỉ ngang tuổi mẹ tôi. Bà
đẻ độc nhất người con trai mà bây giờ bố tôi gọi là chú, còn tôi phải gọi bằng ông
trẻ.
Bao nhiêu phúc
lộc của dòng họ Nguyễn nhà tôi hình như giành cả cho ông trẻ tôi.
Bố tôi chẳng được
nhờ ông trẻ vì lớn tuổi hơn, nhưng đến tôi thì có phận.
Ông trẻ tôi làm
việc trên bộ, nên được nhiều người kính trọng. Ông có hai căn nhà ngay trong lòng
Hà Nội. Còn xây thêm khu nghỉ mát trên núi Ba Vì.
Mấy năm trước bố
tôi không hiểu cứ phàn nàn:" Chả biết ông trẻ chán sống ở thủ đô rồi hay
sao mà lên núi, mình không may lên rừng đã đành rồi, chứ ông lên làm gì ?"
Sau này bố tôi
mới biết là mình nhầm! Ông trẻ có tầm nhìn xa trông rộng. Ba Vì thành khu du lịch
sinh thái, đất đắt như vàng. Ông có khu trang trại vài mẫu đất, thuê người trồng
cây ăn quả cho vui, chứ tôi biết ông chả màng gì đến chuyện thu hoạch. Mới đây
Ba Vì được cái vinh hạnh khoanh vào Hà Nội, nghiễm nhiên nó thành đất thủ đô!
Khu nhà nghỉ của ông trẻ tôi càng có giá. Ông đang tính chuyện mở sân gôn để
thu hút tây, tàu lên với núi Tản, sông Đà, góp phần làm giàu cho đất nước!
Từ ngày cán bộ đảng
viên được khuyến khích làm giàu, ông trẻ tôi liên doanh với nước ngoài, mở công
ty.
Đây chính là mấu chốt của hạnh phúc và bất hạnh
của cuộc đời tôi ..
**
Một hôm ông trẻ
tôi bảo :
- Học hành xong
rồi, để tao lo việc cho. Mai ngày, trong
cũng như ngoài, đừng có bận tâm lắm việc biên chế nhà nước hay không biên chế.
Làm nhà nước lương ba cọc ba đồng, công ty bên ngoài khá hơn, ý mày thế nào?
Tôi lễ phép thưa:
-Dạ, cháu trẻ
người non dạ chưa biết thế nào, bố cháu bảo trăm sự cậy ông, ông xếp đâu cháu
theo đấy ạ!
Ông nhìn tôi một
lượt như chưa thấy tôi lần nào, rồi bảo:
- Vậy thì được,
mai về nói cho bố mẹ mày biết, rồi xuống làm chỗ công ty ông. Nhớ là giấy rách
phải giữ lấy lề. Dòng họ nhà ta xưa nay gia giáo, cốt nhất phải ngoan ngoãn, chỉn
chu công việc. Đâm ngang, đâm trái là không
có được , nghe không?
Tôi còn có phần
áy náy nên hỏi thêm :
- Dạ vâng ạ, nhưng
còn thủ tục giấy tờ thế nào ạ?
Ông trẻ tôi gắt:
- Mày ở đất thủ
đô ngần ấy năm mà chuyện này chưa biết hay sao? Làm ăn lớn phải có tác phong công
nghiệp và đầu óc khoa học, không như mẹ mày buôn thúng, bán bưng luộm thuộm được.
Vẫn phải có hồ sơ giấy tờ cho đủ bộ lệ. Còn thủ tục như ý mày nói thì thôi, chả
nhẽ mày là con cháu, tao lại lấy tiền của nhà mày hả? Người khác vào công ty phải
góp cổ phần, thông thường là thế, nếu không công ty lấy đâu ra vốn để lo cho tất
cả mọi người có công ăn việc làm? Còn mày lại khác, có ông đây kia mà? Tao biết
hoàn cảnh bố mẹ mày trên ấy. Bố mày cứ sĩ diện ra cái điều không cần, nhưng tao
biết chứ! Thôi về mà chuẩn bị đi!
Bước đầu thế là
tôi đã gặp may mắn hơn thằng Khánh. Nó có ý định nhờ tôi hỏi giúp cho. Tôi hứa
với nó, nhưng thấy ông trẻ tôi nghiêm quá, sợ chưa dám hỏi.
Định bụng hôm nào
ông cháu vui vẻ, tôi sẽ lựa lời hỏi giúp nó.
Nhưng cách một
tuần thấy nói nó bỏ vào nam kiếm việc rồi, hai đứa từ đó mất liên lạc.
**
Gọi là công ty
liên doanh với nước ngoài, thực ra vốn điều lệ phía ta chỉ có ý nghĩa tượng trưng của mấy ông bà
người Việt đại loại như ông trẻ tôi góp vào. Phần nữa là quỹ đất góp thành vốn,
còn đâu là của người Hàn .
Giám đốc là lão
Kim, mặt lúc nào cũng giá như băng. Lão rất khó tính, ít khi thấy lão cười nói,
nét mặt đăm chiêu như lúc nào cũng lo lắng điều gì.
Tôi được giao làm
kế tóan, ghi chép theo dõi sản phẩm hàng ngày, ngày công của một phân xưởng may
mặc. Máy tính đã có sẵn phần mềm thống kê, tôi chỉ việc nhập số liệu vào. Việc
tuy không khó đối với một cử nhân mới ra trường như tôi, nhưng trái ngành vì tôi
học ngoại thương .
Thấy tôi không
phấn khởi lắm, ông trẻ tôi bảo:
- Đấy là tình
trạng chung của nước mình, nói một đằng, làm một nẻo.
Học nghề này, làm
nghề kia. Bác sĩ đi trông trẻ, kỹ sư hoá phụ trách cầu đường, có gì là lạ? Làm
gì không quan trọng, miễn là có tiền ..
Tôi thấy ông trẻ
có cái lý của ông, không thế làm sao cáng đáng được công to việc lớn nhà nước
giao cho? Tuy ông trẻ tôi có chân trong hội đồng quản trị, nhưng ông vẫn làm việc
cơ quan, có việc cần thiết lắm mới đến công ty chốc nhát rồi về ngay.
Tôi làm việc ở
công ty nhưng ăn ở vẫn ở nhà của ông trẻ tôi. Ngôi nhà hai tầng ông mua cách đây
ít lâu xây theo kiểu cổ lắm rồi. Có công ty muốn thuê để làm văn phòng đại diện
nhưng ông không nghe. Ông bảo phức tạp lắm( Khi mua lại đứng tên người em họ đằng
vợ ông ở dưới quê). Nếu bây giờ cho thuê nay mai xây lại làm khách sạn hay nhà
hàng mình không chủ động được. Ông trẻ tôi bảo:" Chả đâu như đất nước mình,
đất cho mượn, nhà cho thuê có khi lại biến thành của người khác
chớ có dại
!" Tôi nghe thì biết vậy chứ chẳng
hiểu ra làm sao vì tôi chưa từng thấy như vậy bao giờ!
Tôi được ông trẻ
cho một chiếc xe máy cũ, cònchạy khá tốt. Cũ người mới ta mà!
Vậy là bước đầu
tương đối thuận lợi, lại nghĩ thương thằng Khánh đang vất vưởng nơi đất khách
quê người. Không biết nó giờ làm gì để sống ?
Quê nó nghèo,
việc làm không có chắc không muốn quay đầu. Với lại bao năm ăn học, công cha,
nghĩa mẹ, ơn thầy chưa ngày báo đáp, ai lại xách túi về không?
Tôi làm ở công
ty được hơn năm thì xảy ra sự cố.
Một việc bất ngờ ngoài ý muốn của tôi, nhưng ông
trẻ tôi có chủ trương về lâu về dài, nên ông sắp xếp tôi vào ban chấp hành công
đoàn của công ty. Công việc hàng ngày vẫn như cũ, chỉ lâu lâu mới đến dự buổi họp
có tính tượng trưng.
Nói thế sẽ có
người nói tôi nói láo vì vai trò của công đoàn làm sao lại mờ nhạt thế được? Chính tôi cũng cảm thấy có điều
gì không ổn so với những gì đã học ở trường. Năm năm trời ngoài kiến thức chuyên
môn chúng tôi được nhà trường dành hẳn quỹ thời gian cho học môn chính trị kinh
tế học, triết học , lịch sử giai cấp công nhân Việt nam và thế giới. . Nói
chung đủ kiến thức để nắm được vai trò của công đoàn và những hoạt động của nó.
Nhưng ở công ty
cán bộ công đoàn được chủ trả lương, y
như trọng tài của đội nhà, kiểu như ngồi
thúng cất cạp vậy!
Có hoạt động công
đoàn mới biết việc làm này không đơn giản, đúng là trên đe dưới búa, được lòng đất,
mất lòng đò. Nhưng mà tôi nghĩ nếu tổ chức công đoàn sinh ra không phải để bảo
vệ lợi ích của người lao động thì nó sinh ra để làm gì? Cộng với mớ kiến thức học
ở nhà trường, tôi hăng hái lao vào cuộc sống như cách người ta nói. Sau này tôi
mới biết là mình nông nổi, kiến thức mới chỉ là gạo cần chế biến hay nấu thành
cơm mới có thể ăn được, có ai ăn gạo sống bao giờ? Có chăng là những kẻ tâm thần, hay những người điên mới làm như vậy!
**
Bây giờ thì tôi
ngồi đây chầu chực như chó thủ công, vô tích sự. Chó thủ công không dùng vào việc
gì được. Giữ nhà không nổi mà làm cảnh không xong. Tôi ngồi trên một ghế đá lạnh
giá, kê sát ngay bờ sông Tô Lịc , gần nơi trước đây có công trường nạo vét lòng
sông. Người ta đồn chỗ này âm khí nặng nề, chủ thầu trước đây đang từ một tỷ phú
bỗng nhiên tay trắng vì vớ phải nơi ngày xưa Cao Biền trấn trạch, yểm bùa. Rất
nhiều người thiệt mạng vì tham gia vào dự án cải tạo lòng sông này. Trong số đó
có một vị giáo sư sử học, vì ông có liên quan ..Thông tin này một dạo xôn xao dư
luận , báo chí nói khá nhiều, mỗi tờ một phách. Người ta càng tìm hiểu lại càng
không biết đâu mà lần. Đến bây giờ mọi sự vẫn chưa ngã ngũ, còn rất mù mờ ..
Hồi còn làm cho
ông trẻ tôi, tôi thường ngày qua đây, vì nó nằm dọc con đường ngắn nhất dẫn đến
công ty. Tôi thường tìm cách qua thật nhanh để tránh một rủi ro nào đó.
Nhưng lúc này thì không cần, vì bây giờ chỉ có
ở đây mới dễ tìm được việc. Tất nhiên là việc trợ thời, lao động chân tay.
Một bà nào đó cần
người dọn dẹp ngôi nhà vừa xây xong, một ông tìm người móc cống, thông một cái
rãnh nước. Hôm nào may mắn có vị cai thầu nhận làm vài hôm đào cáp đi dưới lòng
đường. Việc này chủ yếu làm về đêm để tránh người qua lại đông, thường vất vả,
nhưng tiền công cũng khá. Nói chung toàn việc vớ vẩn, lem luốc, vặt vãnh mà một
trí thức trẻ như tôi bất đắc dĩ phải làm.
Tôi ngồi lơ đãng
nhìn xung quanh. Hà Nội đang mùa lễ hội, người người đẹp như vừa từ trong tranh bước ra. Đàn ông đàn bà thơm
nức. Người ta dạo qua mặt tôi, thản nhiên như không có tôi ở đấy.
Thế giới này thật
vô tình, người ta hạnh phúc ngay trước mũi mình, trong khi túi mình chỉ có dăm
chục bạc, đất cát lem luốc.
Bạn đừng hỏi vì
sao tôi ra nông nỗi này! Khi người ta thất vọng, khổ đau, tốt nhất đừng ai động
đến họ !
Sáng nay có hai
cô gái nhìn tôi cười cười, không biết các cô thiện cảm mà cười, hay vì coi thường,
khinh rẻ? Lúc đó không hiểu tại sao tôi lại lập tức quay mặt đi, nhổ nước bọt
xuống đất. Hai cô tái mặt, giục nhau nhảy lên xe, đi thật nhanh. Tôi chợt thấy mình vô lý quá! Đã
biết người ta nghĩ thế nào về mình mà xử sự như vậy? Tôi thật là hồ đồ như ông trẻ tôi từng nói .
Không cần bạn hỏi,
tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của tôi, nếu bạn tò mò muốn biết: Vì sao tôi
ra nông nỗi này?
Gía như tôi cứ yên phận mình, bảo sao làm vậy thì
đã không có chuyện.
Đằng này tôi lại
sốt sắng đề cao vai trò công đoàn nên mới ra nông nỗi. Tôi ngu xuẩn nghĩ rằng mình
có chân trong ban chấp hành công đoàn mình phải có ý kiến của mình, những đòi hỏi
chính đáng của công nhân trong công ty mình
phải ủng hộ họ.
Mâu thuẫn giữa chủ và thợ là mâu thuẫn muôn đời,
có lẽ chẳng bao giờ thay đổi được. Nhất là những khi suy giảm hay khủng hoảng
kinh tế, nó lại càng trầm trọng.
Đã là sản xuất, kinh doanh ai chả muốn lợi tức
nhiều hơn?
Người lao động, ý nghĩ được tăng lương, giảm
giờ làm, cải thiện đời sống, là ý nghĩ lúc nào cũng thường trực trong đầu óc họ.
Đó là mớ bòng bong không bao giờ gỡ nổi. Đáng lẽ tôi không nên dây vào.
Đằng này tôi lại
đồng ý ký vào đơn kiến nghị của công nhân, chủ quan nghĩ mình làm một việc chính
đáng tốt đẹp!
Chủ xí nghiệp
không chấp thuận tăng lương, giảm giờ làm như công nhân mong mỏi trong lúc vật
giá leo thang, đời sống khó khăn. Công nhân bảo nhau đồng loạt bỏ việc, xí nghiệp
hàng trăm cỗ máy trùm chăn. Xưởng vắng người như chùa bà Đanh. Ban giám đốc căng
thẳng, chạy cuống lên như đang hoả hoạn.
Ông trẻ tôi hay
tin vội chạy xe đến. Ông nghe đầu đuôi mọi sự rồi bảo tôi lên xe của ông để về
nhà. Tôi chột dạ nhưng vẫn theo ông cùng về. Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi
lên chiếc xe của ông, mặc dù tôi là cháu, ở nhà ông khá lâu rồi. Người như ông
tôi, cẩn thận như vậy cũng là phải. Biết đâu kẻ gian lợi dụng cài con bọ điện tử
nghe lén hay khủng bố thì sao? Người lạ chỉ cần đến gần nó đã hú lên như sắp bị
chọc tiết rồi!
Ông trẻ tôi là
một trong những người tốt còn sót lại của thế kỷ hai mươi, nhưng ông lại là một
vị quan toà nghiêm khắc. Trong vụ án nhân nghĩa này, chỉ có ông là người có quyền
buộc tội và tôi không có quyền mướn luật sư. Tôi bị buộc cho cái tội vong ơn bội
nghĩa "ăn cây táo, rào cây xoan". Chính ông là nạn nhân bởi "Nuôi
ong tay áo, nuôi cáo hại gà".
Ông không nói
nhiều, chỉ bấy nhiêu câu đã khiến tôi tan nát cõi lòng. Tôi được lệnh lập tức rời
khỏi công ty và ra khỏi nhà ông. Ân huệ cuối cùng là ba tháng lương thay cho bảo
hiểm xã hội. Từ nay trở đi tôi có thân phải tự lo.
Tôi rớt nước mắt
mà không dám phàn nàn.
Bạn đừng cười tôi
là quá yếu đuối. Ai đã ở cảnh ngộ như tôi chắc họ sẽ thông cảm chuyện này.
Tôi lang thang
trên khắp phố phường Hà Nội. Tôi quen nhiều nơi nhưng đành lánh mặt, không dám
gặp người quen.
Ý nghĩ trở về
nhà luôn day dứt trong lòng mà tôi không
dám thực hiện. Tôi sẽ ăn nói thế nào với cha mẹ tôi? Đấy là điều tôi rất sợ hãi
mỗi khi chợt nghĩ đến chuyện này!
Tình cờ tôi gặp
một người quen.
Anh ta cho biết
trên nhà bố mẹ tôi đã biết chuyện. Bố tôi đã không chịu nổi cú sốc bất ngờ này,
ông bị tai biến não và đang nằm viện. Không còn cách nào khác, tôi vội vã trở về.
Nói gì thì nói, tôi không thể làm ngơ trước sự việc cha tôi đổ bệnh.
Bố tôi khó có
thể lành được như xưa. Bây giờ ông ăn đâu nằm đấy, không nói năng gì.
Ông đã quá mệt
mỏi cho tương lai của con cái , vậy mà ..
**
Tôi thèm việc !
Thèm như người
ta thèm tình yêu. Thèm như người giàu có thèm tiền, như người nghèo khó thèm ăn,
người bệnh thèm sống.
Như người ham hố
danh vọng, thèm danh ..
Nói tóm lại thèm
bức bối, không thể chịu thêm được nữa !
Nếu không có nó, chẳng còn gì là tôi ..
Xoay đủ kiểu,
cuối cùng tôi cũng tìm ra trong cái thế giới vừa rộng lớn, vừa chật chội này một
công việc. Một việc không cần đến bốn năm năm học đại học, thậmc chí không cần
cả đến việc học hết phổ thông trung học cũng chẳng sao, cũng làm được tuốt.
Làm ngon như
nhai cà rốt - như cách nói mượn vần của nhiều người trẻ ngày nay, ấy là nghề đóng
gạch .
Tôi định đóng gạch
bê tông, không khói, theo lời kêu gọi của nhiều nhà tranh đấu bảo vệ môi trường đang xấu dần đi khủng khiếp thời nay.
Tôi tự cảm thấy
mình thức thời và hạnh phúc lắm!
Mà suy cho cùng, làm gì cũng là hai tay vun vào
lỗ miệng, mấy khi vì những cao cả trên đời?
Đức cao, vọng trọng là những bậc trí giả ( Vừa
là trí trá ) trên đời. Cần chi đến một thằng đang thất nghiệp như tôi?
Vay nóng, vay
nguội, tôi gom được một số tiền, đi mua máy, thì vừa hay gặp bạn!
Tôi nghĩ trời có
khi quên, chưa đóng cửa mình, số mình còn có quý nhân phù trợ ..
Có cơ hội còn tính
đi đóng gạch làm gì?
Nếu tôi có ngu
cũng chưa dám ngu hết phần thiên hạ như ông trẻ tôi hay chửi như vậy. Tôi quyết
định chờ xem Khánh giúp mình bằng cách nào?
Các đại gia thường
lắm việc, không nhắc là họ lại quên ngay.
Chờ mãi không
thấy tăm hơi gì của Khánh. Cuối cùng tôi quyết định đi tìm nó theo địa chỉ Khánh
để lại cho ..
Tôi thật sự không
thể tưởng tượng được những biến cố xảy ra trong cuộc đời của nó. Nghe cứ như chuyện một người nào đó có hàm ý xấu với
nó cố tình bịa ra.
Nhưng mà hoàn
toàn có thật , Bạn đọc tin hay không , là quyền của bạn . Bởi vì bạn cũng như tôi,
chúng ta chỉ là người ngoài cuộc, nhiều khi xét đoán việc của người, thường rất
chủ quan, phiến diện!
Nói gì thì nói,
cao to đẹp trai luôn là thế mạnh của một trang nam tử hán!
Khánh còn thêm
bộ râu quai nón đẹp chỉ thua Chê ghe va ra! Đó là chỗ mạnh chết người của nó.
Nó vào Sài Gòn
theo người ta làm thợ hồ chưa đầy nửa năm thì lọt vào mắt xanh của ái nữ con một
vị có thế lực ở thành phố này.
Nàng bị bệnh
tim bẩm sinh từ nhỏ , nhưng mãi đến tuỏi
dậy thì, bệnh mới phát. Ca mổ tim thành công, cứu được nàng, nhưng để lại
dị tật . Nàng bị lệch nửa người, khèo tay và bên chân phải do tổn thương thần
kinh. Khuôn mặt nàng vẫn đầy đặn và xinh đẹp như xưa, chỉ có tinh thần giảm sút.
Có lẽ nàng cứ hồn nhiên, thơ ngây đến trọn đời bởi thiểu năng trí tuệ.
Nhưng trời lại
ban cho nàng một đặc ân mà không cô gái nào cùng trang lứa với mình có được. Đó
là quyền uy của cha nàng và cả một tài sản kếch sù sẽ thuộc về nàng. Cha nàng
chỉ có nàng là người con duy nhất trên đời. Ông thương nàng lắm!
Khánh thì như
trâu gặp cọc, buồn ngủ gặp chiếu hoa, từ đây cuộc đời nó “mở sang trang mới”!
Cha vợ tìm cho
nó một chân hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Người ta thường
bảo: " Thà một phút huy hoàng, hơn ngàn năm le lói" .
Điều này thực đúng
với người vợ Khánh.
Cũng chừng nửa
năm, vợ nó qua đời, bệnh của nàng không nên có gia đình và không tính chuyện
sinh con đẻ cái!
Khánh làm ma
cho vợ, sau đó tính đường về ..
Tất cả những
chuyện này nó giấu biệt mọi người. Chả hiểu từ đâu cuối cùng rồi ai cũng biết ?
Tôi còn là người
biết sau, khi ở nhà nó nửa tháng trời, chờ đợi công việc.. Tìm khắp mọi nơi chẳng
đậu chỗ nào, cuối cùng nó bảo tôi làm cho nó, vì thế có câu chuyện này.
Nhưng mà ..
**
Đã đến lúc phải
nói đôi lời về cái công ty của Khánh, bạn tôi.
Thực ra thì thời
buổi này công ty cũng chẳng là cái quái gì ghê gớm. Có những công ty to lớn, đàng
hoàng, danh tiếng, ảnh hưởng đến cả nền
kinh tế quốc gia. Nhưng cũng có loại công ty sống nay, chết mai, sớm nở, tối tàn.
Như thể trên đời này có đại bàng bay trên trời cao, cũng có luôn giun trong
đất, lươ rúc dưới bùn.
Nói rất thật là
tôi không mấy quan tâm đến đủ loại công ty đó từ rất lâu rồi.
Vạn bất đắc dĩ lâm vào cảnh ngộ hiện nay buộc
tôi phải quan tâm đến nó, trước hết là công ty của bạn tôi.
Gọi là công ty
nhưng tất thảy cán bộ nhân viên chỉ hơn chục người , hầu hết là người trẻ chưa
có gia đình. Không phải bạn tôi kén người , mà sau này tôi được biết là do yêu
cầu công việc. Nam
thì từ mười tám đến ba mươi tuổi. Nữ không quá hai mươi lăm. Nhân viên của Khánh
đến văn phòng nam mặc comlet, nữ áo dài y như cách ăn mặc của nhân viên lễ tân
khách sạn. Suốt ngày họ ngồi đọc báo. Lâu lâu có chiếc xe con đến
chở họ đi làm công
vụ ở tận đâu đâu. Thường là đi một người, mang theo duy nhất chiếc cặp số nhỏ,
chắc là đựng hồ sơ, giấy tờ hoặc đồ nghề gì đó mà tôi không tiện hỏi.
Trước cửa văn
phòng công ty treo tấm biển khiêm tốn mạ đồng độc nhất dòng chữ :
" Công ty
TNHH SOHPPING.."
Không nói chắc
bạn cũng đoán ra , nếu theo tên gọi này , có nghĩa nó là công ty chăm sóc sức
khoẻ . Một cơ sở đáng yêu và đáng tin cậy vào thời buổi đầy rẫy bệnh tật và nồng
nặc ô nhiễm hiện nay. Nhưng có cái lạ hầu hết nhân viên đều là sinh viên mới ra
trường, chưa có việc làm. Đặc biệt hơn, họ cũng như tôi, học toàn các ngành chẳng
liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ, không ai là bác sĩ, ngay đến hộ lý cũng
không!
Bạn tôi quả là tài ba, nó tuyển toàn người không
có chuyên môn chứ chưa nói đến giỏi nghề để cho vào làm việc.
Công ty của nó
là một công ty lạ đời nhất từ trước tới nay mà tôi từng gặp.
Tôi định không
nói gì về công việc của nó, vì cò ăn từng thung, với lại nó có quyền làm bất cứ
việc gì mà luật pháp chưa cấm cơ mà? Tôi có quyền gì mà dòm ngó vào việc làm ăn
của nó? Điều đó quả không
hay và rất không nên!
Nhưng vì có liên
quan , tôi buộc lòng phải nói. Kẻo nhỡ mai kia có người lại bảo mình là đứa vô ơn.
Bạn bè có lòng tốt giúp mình qua cơn hoạn nạn mà không biết điều!
Cái sự khốn nạn
ở trên đời là như vậy đấy.
Có sự cưu mang
giúp đỡ phải ghi nhớ suốt đời, sống để dạ, chết mang đi!
Cũng có sự
"Giúp đỡ" đáng phỉ nhổ, quên càng
sớm càng tốt!
Tôi đang thất
nghiệp, được nơi ăn trắng mặc trơn chả vất vả gì, chỗ làm như thế sao lại chê?
Một buổi sán ,
khánh đi đâu về, thấy tôi đang nằm khàn đọc báo nó bảo:
- Ông có đọc hết
các số báo trong thành phố này cũng chẳng tìm được việc nào hợp với ý của ông đâu.
Thôi mặc quần áo vào ta tìm chỗ nào bia cỏ một chút, cho thư thái đầu óc.
Phải thức thời, chưa có việc hợp với mình thì
làm tạm việc khác một thời gian .. Tích góp một số tiền bôi trơn đã, rồi muốn
xin ở đâu cũng được. Thời buổi này mà ông cứ như người ngoài hành tinh, tôi thật
không hiểu ..
Không phải tôi
không biết mà không cãi lại nó. Nếu tôi có tiền thì nói làm gì? Không thiếu gì
chỗ mở rộng cửa nếu tôi có trong tay cỡ chừng
"Ba trăm
chai” trở lên!
Tôi không muốn
nó mất lòng, vả lại tranh luận lúc này có ích gì, cần gì chứ?
Từ sau sự cố ở
chỗ ông trẻ tôi, cái tôi sợ nhất trên đời này là tranh luận, như kiểu người ta
sợ "Đấu tranh - tránh đâu ?" !
Nên tôi bảo Khánh:
- Thôi khỏi bia
rượu làm gì, công việc của ông bận bịu thế, mất thì giờ.
Có chỗ nào tôi
làm tạm thời gian cũng được.
Nó cười thật tươi,
nom đẹp trai hơn cả hồi còn là trai tân:
- Vậy thì được.
Tôi ngại nhất cái bệnh sĩ của ông đấy! Nếu không, ông đã không phải chờ đợi lâu
đến thế, có khi gặp cơ đổi đời rồi .. Bây giờ ông ngồi nhà đợi tôi một tý, tôi
về ngay.
Nó vội vàng đánh
xe ra đường, đi như có việc đang rất gấp .. Chắc là nó đi lo việc cho tôi .
Việc gì nhỉ? Cái đầu quả bí của tôi nghĩ mãi
không ra?
**
Trưa hôm đó Khánh
về, nó đưa cho tôi một sấp cạc vơ rít in màu hồng. Trên đó có in hình của tôi ,
ghi :
Lê Tuấn Hải .
Giới tính : Nam
Sinh năm:..
Cao 1.70 m
Cân nặng 60 kg
.
Cử nhân kinh tế
Chuyên viên Ma
xa, vật lý trị liệu, phục hồi sức khoẻ vv..
Đặc điểm bản thân
: Không có bệnh ngoài da hay truyền nhiễm .
DĐ : O9...
Tôi hỏi nó để làm
gì với tấm cạc này?
Nó hỏi lại:
- Ông thực sự
không biết, hay giả vờ hỏi tôi đấy ?
Tôi lặng thinh
vì quá giận.
Tôi chưa bao giờ
thấy có tấm cạc nào ghi số cân và tình trạng sức khoẻ bao giờ.
Đây đúng là một
sự nhạo báng!
Nó lại thêm:
- Đây là công
việc dễ kiếm tiền nhất hiện nay. Ông tính hiện giờ có bao nhiêu đại gia, quan chức có bồ bịch? Các vị ấy để ở nhà
bao nhiêu các bà, các cô cả đống tiền cùng với sự héo hon, sầu muộn?
Chừng ấy con người đang hàng ngày giũa móng
tay, làm đẹp rồi thở ngắn than dài . . Các bà các cô ấy đều có nhu cầu tâm sự với
một ai đó. Tất nhiên không phải là với bất kỳ ai cũng được!
Phải là người có
ăn có học, điển trai như ..
Tôi không chịu
nổi nghe nó nói thêm một lời nào nữa.
Chân tay tôi ngứa
ngáy chỉ muốn tông vào vào cái bản mặt của thằng người đã một thời gọi là bạn mình!
Nó biến sắc mặt
vội lủi đi ngay.
Một lúc sau, hai tên to cao không nói, không rằng
đứng túc trực bên tôi, làm như tôi đã chết rồi, hoặc chuẩn bị sinh sự!
Tôi vớ vội cái
cặp da cũ của mình, rồi bước ra cửa. Tôi bước đi như vô định trên đường phố nườm
nượp người qua, kẻ lại ..
Một chiếc xe
con bất ngờ dừng trước mặt tôi. Tôi nhận ra đó là xe của ông trẻ tôi ..
Ông tình cờ gặp
tôi ở đây hay là có chủ định?
Không biết nữa,
với tôi lúc này chẳng có gì là quan trọng
cả.
Tất cả như vậy
là quá đủ rồi, có xảy ra điều gì nữa thì có sao??
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét