Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Một đạo diễn lừng danh cả đời khốn đốn giữa vinh quang và cay đắng


Andrei Tarkovsky, đạo diễn lừng danh của Điện ảnh Nga và Thế giới sinh năm 1932. Tốt nghiệp Khoa đạo diễn Đại Học Điện ảnh Quốc Gia Liên Bang Nga ( gọi tắt là VGIK ). Với bộ phim đầu tay Tuổi thơ Ivan”  nhận ngay Giải Sư Tử Vàng tại LHP Venise ( Italy ) năm ông 30 tuổi. Ông bắt tay soạn thảo kịch bản và dàn dựng bộ phim sử thi 3 tập Andrei Rubliov” mang tên người họa sỹ vẽ tranh thánh cho các ngôi nhà thờ Chính thống giáo ở Nga. Phim đề cập tới mối quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật, giữa người nghệ sỹ và nhà cầm quyền… Có lẽ vì thế nên bộ phim này gặp rất nhiều trắc trở!



ANDREI TARKOVSKY: VINH QUANG VÀ CAY ĐẮNG

TÔ HOÀNG

…Andrei Tarkovsky thuộc lớp đạo diễn điện ảnh khẳng định như những nghệ sỹ vào một thời kỳ ngắn ngủi nhưng rất may mắn mà bây giờ người ta quen gọi bằng mấy chữ “ Thời kỳ ấm nóng lại”. Thuở ấy trên màn ảnh của đất nước cũng đã chiếu rộng rãi các bộ phim như “ Số phận một con người”, “ Bài ca người lính”, “ Nhà tôi ở”, “ Hai Phedo”, “ Đàn sếu bay”, “ Bài thơ biển cả”, “ Hòa bình cho người mới vào đời” và những phim khác.. Nhiều bộ phim như “ Chín ngày trong một năm”, “ Nếu đó là tình yêu” cũng sắp sửa được phát hành. Vào đầu những năm 1960, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Điện ảnh Toàn Liên bang ( VGIK) bắt tay vào dàn dựng những bộ phim mới là lớp đạo diễn còn rất trẻ: A.Kontsalovsky, E. Klimov, V.Suksin, L.Sepitko, A.Santưkov, A.Mitta, E.Senghelaia, B.Masurov, G.Danheli, I.Talankin, V.Zalakiavitsus, V.Skuibin…Đó là sự phục sinh thật sự của nghệ thuật điện ảnh.Nó biểu lộ không khí tinh thần của thời đại và trong một mức độ đáng kể tạo nên ý thức xã hội.
Vào năm 1962 trên màn ảnh đất nước công chiếu phim “ Tuổi thơ Ivan” của A.Tarkovsky. Thậm chí dù được chiếu cùng lúc với nhiều bộ phim khác của những năm tháng đó, “ Tuổi thơ Ivan” vẫn gây ấn tượng mạnh, ở cả người xem lẫn các nhà điện ảnh chuyên nghiệp. Giới điện ảnh tiếp nhận tác phẩm đầu tay của A.Tarkovsky vô điều kiện; họ hiểu rằng trong lĩnh vực điện ảnh của xứ sở vừa xuất hiện một nghệ sỹ tầm cỡ với cách cảm thụ thế giới rất riêng, với phong cách riêng.Người xem thì ngạc nhiên vì trong phim của đạo diễn trẻ này có gì đó không giống với những bộ phim họ đã xem;vì cái lạ của sự độc đáo trong hình tượng thị giác kết bện giữa chất tài liệu với chất nghệ thuật; giữa cái thực và cái mơ; giữa hồi ức và sự thật nghiệt ngã của chiến tranh. Trong bộ phim mọi điều càng đạt tới độ hài hòa hơn do công sức của nhà quay phim V.Yusov và nhà soạn V. Ovtsinhikov góp phần.Tại Venise bộ phim “ Tuổi thơ Ivan” được trao giải “ Sư tử vàng thánh Mark “.
Mọi điều diện ra dường như rất suôn sẻ, A.Tarkovsky được cổ súy bởi thành công của bộ phim đầu tay đã cùng với A.Kontsalovsky bắt tay viết kịch bản phim “ Chặng đường đầu tiên” ( về nhà danh họa Nga Andrei Rubliov ). Nhưng trong thời gian này điện ảnh đã bắt đầu chịu những đòn phản công dữ dội. Nào bị buộc tội rơi vào “ chủ nghĩa nhân đạo trìu tượng”, “căn bệnh hòa bình chủ nghĩa”, sa vào “ngõ cụt không lối thoát”, tạo ra “sự đối kháng giữa các thế hệ”, “ bắt chước chủ nghĩa hậu hiện đại tư sản” và nhiều nhiều “ kiểu mũ” khác. Trong phạm vi bài viết này không có chỗ để phân tích cho đầy đủ những nguyên do dẫn đến tình trạng vừa nói. Chỉ biết rằng hoàn cảnh ấy ảnh hưởng nặng nề tới kịch bản của A.Tarkocsky và A.Kontsalovsky. Có thể nói kịch bản ra đời trong hoàn cảnh về cơ bản là hoàn toàn không thuận lợi.Người ta kết án kịch bản xa rời thực tại, đào sâu vào quá khứ. Và không ai giơ tay tán đồng đưa kịch bản này vào sản xuất.
Hai tác giả gửi thư trần tình tới Phân ban Điện ảnh ( vừa ra đời vào năm 1963) trực thuộc Cơ quan tư tưởng của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ( đứng đầu là A.V Romanov, cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Điện ảnh của Hội đồng nhà nước ). Một cuộc thảo luận diễn ra khá kỹ càng tại Phân ban Điện ảnh xung quanh kịch bản và việc sẽ đưa nó vào sản xuất hay không.G.I Kynhitsin điều hành cuộc thảo luận này. Ông hiểu sâu sắc ý tưởng của kịch bản phim và là người nhiệt thành nhất ủng hộ việc biến kịch bản thành phim. Tôi ( 1 ) vẫn nghĩ rằng nếu không có sự ủng hộ ấy, bộ phim bây giờ vẫn còn nằm nguyên trên giấy.Trong buổi thảo luận ấy lần đầu tiên tôi làm quen với A.Tarkovsky. Tôi ngạc nhiên vì niềm tin sắt đá của anh vào sự đúng đắn trong những ý định của mình;vì khả năng đặc biệt diễn tả bằng lời những lý giải phức tạp của bộ phim tương lai.Đối với tât cả chúng tôi-những ai có mặt trong buổi thảo luận hôm ấy đều không hề hoài nghi chúng tôi đang có công việc với một tác phẩm tầm cỡ. Phân ban Điện ảnh đã phát biểu ý kiến hoàn toàn xác đáng về khả năng biến kịch bản thành phim, tuy rằng cũng đề nghị các tác giả sửa chữa một số đoạn liên quan tới sử sách. Ý kiến này được L.F Ilistsev-vào thời kỳ đó là Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô ủng hộ.
Vào năm 1966 việc dàn dựng bộ phim “Andrei Rubliov” kết thúc.Phân ban Điện ảnh thấy rằng cần phải thảo luận về bộ phim vừa xuất xưởng. Những tên tuổi của nền Điện ảnh đất nước như X.Gherasimov, X.Yutkevist, G.Chukhrai, G.Rosan, L.Arnstam, X. Rostovsky, M.Khusiev đều đánh giá cao bộ phim. Đồng thời cũng chỉ ra phim cần tước bỏ đi một số chi tiết phạm lỗi tự nhiên chủ nghĩa. Đạo diễn đồng ý sẽ sửa chữa. Ấy thế nhưng những tin đồn đại về một bộ phim không bình thường nhanh chóng truyền lan như tuyết đổ ngày đầu đông. Giữa những người hoạt động điện ảnh cũng không ít những kẻ thiếu thiện chí, căm ghét việc làm trong sạch trong công tác tư tưởng. Còn chính trong giới điện ảnh cũng không ít những kẻ hoạt đầu tỏ thái độ ghen tức với bộ phim của Andrei Tarkovsky.Vào thời điểm ấy lại xuất hiện bài viết đổ thêm dầu vào lửa trên tờ “ Moskva buổi chiều”tựa như phim bị kiểm duyệt, cắt xén ngay trong khi đang ghi hình.Tất cả những việc như vậy đương nhiên đến tai những người lãnh đạo. Trong những căn phòng nhỏ nẩy sinh ý kiến rằng “ Andrei Rubliov” là bộ phim xuyên tạc lịch sử, đối nghịch với nước Nga, thâm độc, thậm chí có hại.Ủy ban điện ảnh nhà nước buộc phải trả bộ phim về tình trạng chưa hoàn thiện.
Andrei Tarkovsky dũng cảm tiếp tục giải thích, chứng minh nhưng số người lắng nghe, hiểu anh không nhiều.Những ai đồng tình với anh thì trở về giữ thái độ im lặng.Mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Hình thành một tình thế không bình thường.Đã diễn ra một sự náo loạn trong buổi chiếu phim này ở Nhà Điện ảnh khiến tình thế càng thêm căng thẳng.Người ta yêu cầu đạo diễn phải cắt bỏ chỗ này, bổ xung chỗ kia. Vào tháng hai năm 1967 Andrei Tarkovsky gửi một bức thư cho A.V Romanov. Một bản sao của bức thư này được chuyển cho tôi với dòng chữ viết thêm: “ Đồng chí Phillip Timopheevist.Tôi gửi tới ông bản sao bức thư tôi gửi tới A.V Romanov. Để ông biết và với hy vọng ông sẽ giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh phức tạp này. Andrei Tarkovsky”.
Tôi đánh giá cao bộ phim này, nhưng vào thời điểm ấy ý kiến của cá nhân tôi không thể là đại diện cho sự đánh giá bộ phim. Ý kiến quyêt định được hình thành từ những kênh khác , lúc thế này lúc thế kia, nhưng tuyệt nhiên không có sự nhân nhượng.Tôi gặp A.V Romanov. Ông tỏ ra khá lung túng trước cả số phận của bộ phim lẫn bức thư của Andrei Tarkovsky. Ông cho rằng bộ phim cần phải được sửa chữa, bởi trong phim có nhiều tình huống dễ làm sai lạc cảm thụ toàn bộ tác phẩm.của người xem. A.V Romanov một lần nữa đề nghị đạo diễn suy nghĩ về những gì cần phải sửa chữa, bổ xung. Nếu Andrei làm được như thế người xem sẽ hiểu bộ phim đúng đắn hơn.
Hình như cũng trong hôm ấy G.Tsukhrai có việc tìm đến gặp tôi. Trong câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi có động chạm tới phim” Andrei Rubliov”. G.Tsukhrai nói như đinh đóng cột rằng bộ phim ấy hoàn toàn không cần sửa chữa, bổ xung điều gì cả.
Trong những ngày ấy tại Hội Điện ảnh diễn ra cuộc họp của Tiểu ban phim truyện.Các đạo diễn gay gắt phát biểu,tỏ ra không hài lòng về một số mặt công tác của Ủy ban điện ảnh, đặc biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá các bộ phim nghiêm túc. Tại cuộc họp này Andrei Tarkovsky cũng phát biểu. Anh nói tới sự cô lđộc tuyệt đối của giới nghệ sỹ điện ảnh. Quan hệ giữa anh và giới lãnh đạo-theo cách nghĩ của anh,đã trở thành quan hệ đối kháng khi họ đã coi anh là kẻ cứng đầu, cả anh lẫn phim của anh cũng không cần cho họ nữa.
Tình thế càng trở nên căng thẳng.Tôi lại gặp Andrei Tarkovsky. Có thể hiểu tình trạng anh bị rơi vào lúc đó: Phim không được tiếp nhận, viễn cảnh mờ mịt, cũng không bên nào chịu thương lượng với bên nào. Tôi muốn an ủi, động viên anh, nhưng an ủi như thế nào và an ủi điều gì đây? Trong thời gian này vai trò của tôi quá nhỏ bé.Tôi chỉ có thể nói với anh ta rằng tôi hiểu ý định tốt đẹp của bộ phim và sẽ trợ giúp anh.Tôi tìm tới I.T Phrolov, khi đó đang là trợ lý của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Anh ta cũng là người ủng hộ phim “ Andrei Rubliov”. Hai chúng tôi thuyết phục để P.N Demitsev xem bộ phim này và tham gia ý kiến vào việc bảo vệ nó, bởi lẽ việc không cho bộ phim chiếu trên màn ảnh không mang lại lợi lộc gì, trái lại sẽ làm ô nhiễm bầu không khí đang trong lành trở lại.Trong những ghi chép của tôi vào ngày 16 tháng 3 năm 1967 có trích những nhận xét của P.N Demitsev về phim “ Andrei Rubliov”, về thực chất, ông ta đã tỏ ý phê phán bộ phim này. Sự việc được kết thúc tại một cuộc hội nghị quan trọng của Ban Chấp hành Tư Đảng cộng sản Liên Xô diễn ra trong những ngày đầu tháng tư năm 1967. Tại cuộc hội nghị này người ta phê phán gay gắt không chỉ bộ phim “ Andrei Rubliov” mà nói chung là toàn bộ tình hình điện ảnh xứ sở lúc đó.Dự định của I.S Tsernoytsan-Phó Phân ban Văn hóa trực thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ làm cho người ta thay đổi nhận thức cũng như việc đánh giá bộ phim cũng không mang lại kết quả gì.
Phim “ Andrei Rubliov” phải nằm trên giá một thời gian khá dài. Không một kiến nghị nào, một biện minh nào được tiếp nhận.Mãi sau này tôi may mắn được nghe giải thích rằng tất cả đều xuất phát từ M.A Xuslov-người vừa trở thành nhà tư tưởng chủ yếu của đất nước.
Phải đợi mãi tới đầu năm 1969 khi sắp tới dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày Điện ảnh Xô Viết ra đời P.N Demitsev trong buổi gặp gỡ với A.V Romanov và L.A Kulitzanov khi bàn tới việc cho chiếu “ Andrei Rubliov” mới tuyên bố rằng cần phải cho chiếu, cho quảng cáo rộng rãi và có thể bán bộ phim này cho các chủ phim ở nước ngoài.
Vâng, phải đến thời điểm đó “ Andrei Rubliov” mới có những bước đi cụ thể cho việc chiếu bộ phim này rộng rãi trên màn ảnh.
Tiếp theo diễn ra những gì chưa từng thấy bao giờ. Cơ quan phát hành phim Nga-Xô Viết đã bán bộ phim này cho một hãng phim Pháp để phát hành. Người Pháp cho chiếu “ Andrei Rubliov” tại LHP Cannes thường kỳ diễn ra vào năm 1969 và nhận được giải thưởng của Ban Giám khảo báo chí. Giới báo chí nước Pháp và không chỉ báo chí Pháp phản ứng với bộ phim bằng những lời khen ngợi, cổ vũ nồng nhiệt. Sự đón nhân “ Andrei Rubliov” trở thành một ngày hội, tuy ngày hội ấy chỉ không diễn ra ở nước Nga-Xô Viết.Bản thân việc chiếu bộ phim này ở LHP Cannes và việc người ta trao giải cho nó đã khơi lên sự giận dữ. Romanov và Phân ban Văn hóa bị phê phán về việc bán phim cho nước ngoài.Cả Demitsev cũng bị phê phán vì sự “vô trách nhiệm”. Và “ Andrei Rubliov” đã khơi mở được con đường đến với người xem nay lại bị cấm. Chúng tôi vừa mới chia vui với đạo diễn nay lại như “ há miệng mắc quai”. A.Tarkovsky cay đắng kể cho tôi nghe câu chuyện một nhà thơ nổi tiếng rất muốn làm vụ cấm đoán này om xòm lên để ở nước ngoài biết tới.Bản thân A.Tarkovsky tuyệt nhiên không tán đồng kiểu phản ứng như vậy. Anh muốn làm việc và nài nỉ tôi đọc cuốn tiểu thuyết “ Soliarit” của nhà văn Ba Lan S.Lem.
 Anh kể cho tôi nghe những gì anh đã nghĩ tới nếu cuốn sách này được dựng thành phim.Tôi đã đọc và hoàn toàn ủng hộ anh. Andrei Tarkovsky bắt tay viết kịch bản. Tại Pháp “ Andrei Rubliov” bắt đầu cuộc du ngoạn qua các màn ảnh, dù về phía Xô Viết vi phạm hợp đồng đã không cung cấp cho phía Pháp những bản phim in tiếp…
 ( Từ báo “Văn hóa Xô Viết tháng 9/1989 )

Ghi Chú:
(1)Tôi: Phllip Ermas-nguyên cán bộ cao cấp phụ trách điện ảnh Nga-Xô Viết vào những năm 1960-1970.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: