Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Công vụ phản cảm là hành vi phá hoại uy tín, quyền lực nhà nước


Phạm Trung Tuyến



























Khám Phá - Ngày 27/9, một nhóm cán bộ của Chi cục thuế thành phố Hà Tĩnh đã dàn hàng ngang trước cửa một quán ăn, yêu cầu khách hàng không vào ăn tại quán này, do chủ quán chậm nộp thuế. Hình ảnh này, một lần nữa góp phần phá hoại hình ảnh của quyền lực Nhà nước.

Thu thuế là một nhiệm vụ nặng nề, rất nhiều áp lực, vì đó là công việc tác động trực tiếp tới lợi ích của đối tượng phải nộp thuế. Song, đối mặt với một doanh nghiệp, một hộ kinh doanh cá thể chậm nộp thuế thì cơ quan thuế chỉ có thể thực thi quyền lực của mình theo quy định của luật pháp. Cụ thể, theo Luật quản lý thuế, khi người nộp thuế nói chung chậm nộp thuế nợ tiền thuế quá 90 ngày thì cơ quan thuế có quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Các biện pháp cưỡng chế theo quy định có thể gồm trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, yêu cầu phong tỏa tài sản, khấu trừ lương hay thu nhập, kê biên, bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Hành vi cản trở hoạt động thường ngày của người nộp thuế như cách mà cán bộ chi cục thuế Hà Tĩnh thực hiện là không phù hợp với quy định, và chủ hộ kinh doanh hoàn toàn có thể khởi kiện đòi bồi thường những thiệt hại mà hành vi đó gây ra.

Những cán bộ thuế dàn hàng ngang trước cửa quán ăn, cản trở hoạt động kinh doanh bình thường của người dân, là sai quy định. Điều đó không cần phải bàn cãi. Nhưng điều đáng nói ở đây là hành động này không chỉ gây ra thiệt hại với người dân, mà còn tạo nên hình ảnh xấu đối với chính cơ quan của họ nói riêng, và hình ảnh quyền lực của Nhà nước nói chung.

Dưới góc nhìn của người dân, như một ca sĩ nhạc rock đã phát biểu trên VOV trưa 30/9 rằng: Tôi cảm thấy buồn cười khi nhìn hình ảnh đó, tôi nghĩ đến cảnh giang hồ đi xiết nợ, và nếu cứ thu thuế theo cách này thì nhân viên ngành thuế nên xăm trổ, và có hình thức bặm trợn như giang hồ.

Mỗi một nhân viên thu thuế đều phải chịu nhiều áp lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng áp lực công việc không bao giờ là một lý do chính đáng để biện minh cho những hành vi phi chuẩn mực, đi ngược lại các giá trị của luật pháp, và làm sai lệch hình ảnh của cơ quan, đơn vị mà nhân viên đó đại diện để giao tiếp với nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực công việc luôn là lý do để bào chữa cho những hành vi tương tự.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông đạp người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông trên đường Xã Đàn (Hà Nội) mấy tháng trước cũng do… áp lực. Hai cảnh sát hình sự có hành vi bạo lực với phóng viên trên cầu Nhật Tân tuần trước cũng vì… áp lực.

Nhưng có công việc nào không phải chịu áp lực? Nếu như mọi hành động thô bạo, xấu xa, bẩn thỉu trong cuộc sống này đều có thể được cảm thông bởi… áp lực, thì cuộc sống của chúng ta sẽ thế nào? Có lẽ, mọi thứ luật pháp, quy định, quy ước đều không còn lý do để tồn tại. Có lẽ, vai trò của những cơ quan hành pháp để đảm bảo xã hội được vận hành theo hành lang pháp lý sẽ không còn cần thiết nữa. Bởi, chúng ta sẽ sống, và hành xử theo khả năng chịu áp lực của mình. Dĩ nhiên, đó là điều không thể xảy ra.

Mỗi một công chức, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của mình, thì hành vi của họ, trong vai trò đại diện nhà nước khi giao tiếp với người dân còn phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của cơ quan, đơn vị. Và đó là hình ảnh của Nhà nước.

Khi những nhân viên công vụ, những công chức, mang đến một hình ảnh tiêu cực, được so sánh như hình ảnh của những kẻ giang hồ vô thiên vô pháp, họ không chỉ làm xấu hình ảnh của bản thân, mà trực tiếp phá hoại hình ảnh của Nhà nước trong suy nghĩ của nhân dân. Và, việc xử lý kỷ luật đối với những nhân viên công vụ kể trên, không thể chỉ xem xét trên khía cạnh đạo đức, lối sống, tác phong cá nhân. Họ, cần được trừng phạt một cách phù hợp với hậu quả mà họ gây ra, không chỉ là hậu quả về doanh thu của một nhà hàng, mà là hậu quả làm tổn hại đến uy tín và quyền lực của Nhà nước. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: