Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Thăm Thẳm đường về ( 8 )


8.
 
 

T
hịnh đã nghe gã nói cuộc sống của gã còn nhiều khó khăn. Nhưng nghèo đến mức này thì không thể tưởng tượng nổi. Một túp lều ám khói nằm dưới những bụi tre um tùm. Vừa ẩm ướt vừa ảm đạm. Đồ đạc trong nhà cũng không có gì đáng giá. Duy nhất chiếc giường mới và bộ bàn ghế có thể là gã vừa mới mua xong, ngoài ra không có gì. Mọi vật đều sơ sài, cũ nát, nếu ở chỗ khác người ta đã bỏ đi rồi. Hôm gã bảo: " Tỉnh ta nghèo nhất nước, vùng tôi nghèo nhất tỉnh, nhà tôi nghèo nhất vùng "  Cô cứ tưởng gã hóm hỉnh nói chơi. Không ngờ gã nói thực.
Làng xóm xung quanh cũng còn có những hộ nghèo. Nhưng nghèo đến thế này, hầu như không có ai. Đồng rừng đất đai thừa thãi, ít ra người ta cũng có con trâu buộc ngoài đầu ngõ. Nhà chưa lợp được ngói thì cũng là lợp lá cọ, cột kèo bằng gỗ, kẻ chuyền, kẻ bẩy. Trong nhà cũng có cái tủ búp phê, bộ xa lông cải tiến.
Người ta bảo ở xa thì xem luỹ tre, lại gần nghe chó sủa. Nhà giàu tre bọc bốn bề, trong vườn cây cối ngay hàng thẳng lối xanh um. Có động, chó sủa ồm ồm vì là giống chó to. Vườn nhà gã chỉ có khóm trầu xanh um, còn cây cối thì còi cọc. Mẹ gã nghiện trầu cau, sáng nào bà cũng rửa mặt xong là bưng chậu nước tưới khóm trầu.
Thứ rẻ nhất trong vùng chưa ai mất tiền mua, nhà gã cũng thiếu, đấy là nước ăn, nước uống. Tắm giặt đành rằng ra sông rồi, nhưng nấu nướng nước phải gánh về nhà. Hồi gã chưa về, mẹ gã mỗi bận hai nửa thúng nước gánh từ sông lên. Chân bà bê bết bùn, vừa leo dốc vừa thở. Về đến nhà nguyên rửa chân, cũng hết nửa bên thùng.
Từ khi gã về, sáng nào gã cũng phải dậy sớm ra sông gánh đổ đầy vại nước dùng cho cả ngày.
Ngoài sân, trên sào phơi bộ quần áo cũ của mẹ và con gái gã. Đồ giặt thiếu xà phòng nom cứng quèo, co rúm như cái mo khô, hai chiếc khăn mặt cũ không thể nói là màu gì, nom xam xám cu cũ. Đầu sào là bộ quần áo của gã cũng không hơn, . nó đen cáu, nhằng nhịt những nhựa.
Gã không có nhà, chỉ có hai bà cháu đang hí húi làm bánh dưới bếp. Bánh làm bằng bột sắn, dây chưa kỹ còn những mảnh lổn nhổn như hột ngô xay. Thấy cô đến bà lão hỏi:
- Cô hỏi ai?
- Dạ cháu là người quen anh Khải ạ!
Bà cụ vội quýnh quáng:
- Mời cô vào nhà uống nước, nghỉ chân chút đã. Em nó vừa đi giao hàng.
Thịnh ngạc nhiên:
- Anh ấy giao hàng gì hả bác?
- A, dạo này nó cũng có làm tý hàng, vặt vãnh thôi mà. Cô uống nước đi.
Thịnh nhìn thấy có cây đàn treo trên vách. Chắc anh ta mua chuyến xuôi Hà Nội vừa rồi. Cô đã từng thấy nhiều cảnh ngộ và chính cô cũng là con nhà nghèo. Nhưng đến mức này thì ái ngại quá. Trong cảnh ngộ này con người chỉ trong hai cách:
Một là bất lực, không còn khả năng gì, cam chịu sống không ra cuộc sống con người. Hai là phải thật bền gan, tu tạo từ đầu. Mới mong có cuộc sống khả dĩ chấp nhận được.
Vậy thì gã ở trong điều kiện nào đây? Bất lực hay bền gan? Mà xem ra hoàn cảnh không lấy gì thuận lợi. Mẹ già, con nhỏ. Họ hàng thân thích đã không mấy người, lại thêm thành kiến xã hội, liệu gã có thể vượt qua giai đoạn này không?
Mẹ gã kể cho cô nghe gã theo đòi đèn sách từ nhỏ. Cho đến bây giờ gã chưa sờ tay đến cái cày. Con nhà nông dân nhưng gã chưa biết thế nào là làm cỏ bón phân, cấy hái, gieo trồng. Gã sinh thiếu tháng, lúc nhỏ chân tay như cẳng gà. Mẹ gã thương con không bắt gã phải mó tới việc gì. Chỉ mong gã học cho giỏi. Mà gã học giỏi thật. Năm cuối cấp nào gã cũng được chọn đi thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh.
Bà nghĩ rằng một ngày nào đó cái sự học giúp gã nên người. Bà đâu ngờ cuối cùng hai mẹ con lại về sống ở nơi heo hút này. Có thể tại bà, nhưng bà không oán trách ai cả. Dép giày còn có số, con người ta tại sao không? Cái số ba đào trời đày bà và con bà phải chịu. Chỉ thương nó, làm sao để sinh sống ở đất này? Ở nơi con người không cần khôn ngoan cho lắm, học hành cho nhiều, mà vẫn sống vô tư lự. Chốn sơn lâm, hoang vắng chỉ cần sức khoẻ, một chú kinh nghiệm canh nông và cần nhất phải là phải bền lòng. Con bà đã từng đi đó đi đây, nhiều năm sống nơi phố xá, liệu nó có chịu âm thầm sống chỗ này không?
Nó quen cô gái người thị xã này chắc không ngoài dự định thoát ly khỏi nơi heo hút bây giờ. Bà già rồi, nó tính sao thì tuỳ con. Ý nghĩ ấy khiến bà có cảm tình với cô ngay tự lúc Thịnh vừa bước chân vào nhà. Con gái phố thị mà xem ra cô cũng dáng vẻ con nhà lao động. Nhìn cô quẩy đôi thúng ra sông gánh hộ bà gánh nước, bà biết cô không có vẻ ngăn cách với cảnh sống gia đình bà. Có điều bà phân vân không hiểu quan hệ giữa hai người ở mức độ nào, vì đây là lần đầu bà giáp mặt cô. Bố mẹ cô là người thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao là điều bà chưa biết. Bà chỉ nghe cô nói sơ qua.
Bà bảo đứa cháu gái lấy nắm gạo nhử bắt con gà. Giá nào bà cũng sẽ giữ cô ở lại ăn cơm bữa trưa nay. Con bà cũng chỉ đi giao hàng quanh đây, gần trưa nó sẽ về.
Nghĩ thương con, đêm nào nó cũng thức đến khuya, có hôm đến hai ba giờ sáng. Nó cặm cụi bên đèn cuốn thuốc, cắt xén rồi phong bao. Từng cọc thuốc, trăm điếu một vuông vắn, sợi vàng toả mùi thơm dịu, nó sắp thành từng gói để đi giao vào sáng hôm sau. Bà chỉ đứng nhìn chứ không giúp được gì cho con. Việc nó làm cần bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh. Thuốc cuộn ra điếu nào cũng tròn trịa, đều tăm tắp. Người vụng chỉ làm rách giấy, cuộn không thành điếu. Hoặc cuốn điếu mẹ, điếu con trông không vừa mắt.
Một tuần hai lần, nó khoát kẹo. Bên kia sông, có xóm chuyên nấu đường mang về xuôi bán. Nó mua độ vài yến mang về canh lại. Từ lúc cục đường đen thui nó chế thế nào ra mầu vàng nhạt. Lúc đầu nó gửi nhờ người mua nha từ dưới xuôi lên. Về sau nó học cách nấu nha. Không ngờ cách làm nha lại đơn giản thế. Cũng từ mầm thóc ủ trộn với tinh bột sắn mà nên. Bột sắn nấu loãng như hồ, chờ cho chỉ còn ấm tay thì cho mầm thóc vào. Đợi cho nó lên men như ủ men rượu, lọc bỏ bã, rồi thắng lên. Cạn hết nước là tới lớp nha vàng óng. Nếu như có cô gái này phụ giúp nó sẽ đỡ vất vả vì nom cô cũng tháo vát nhanh nhẹn. Bà nghĩ thế và khấp khởi mừng thầm. Nếu như hôm về xuôi lúc quay lên gã ghé vào thì hôm nay cô không phải lên đây. Chiếc xe đạp anh trai mượn của gã rồi đem cắm làm cô áy náy. Cô đã phải dốc số tiền riêng để dành của mình để đi chuộc cái xe về. Số tiền cô vẫn định hôm nào đi kéo một đôi bông tai. Con gái không một chút trang sức trên người chả khác nào bông hoa không có nhị, nhưng không thể không tìm chiếc xe về. Tính cô thế. Ai không biết mình thì thôi, người đã biết cô không muốn để người ta nghĩ sai, nghĩ xấu về mình. Dù thời buổi bây giờ rất nhiều chuyện nhăng nhít ngoài đời, cô cũng không thể làm khác được. Cô biết thế nào rồi anh cô cũng đi chuộc về. Anh ta làm liều cũng chỉ vì túng bí. Bà mẹ không muốn cho con lên bãi vàng nên đã không cấp vốn cho con. Nhà tuy túng nhưng số tiền ấy không phải không lo được. Bà đã thấy từ bãi vàng trở về là những con người hư hỏng, nghiện ngập đến thân tàn ma dại. Bà muốn nó ở nhà tìm việc làm gì đó, rồi lấy vợ. Nó đã ngoài ba mươi tuổi rồi, đâu còn ít ỏi gì.
Khi Thịnh bàn với mẹ đi chuộc xe về bà đồng ý ngay. Nếu chờ Nhân mang về thì không biết đến bao giờ. Nhà anh ta như thế cố lắm mới tạo được cái xe. Con bà làm như thế có khác gì chó cắn áo rách? Xem ra anh chàng cũng là người tử tế. Tiếng là đi tù về nhưng ăn nói, cử chỉ khác hẳn với đám bạn chơi với con bà. Xem ý tứ thấy con Thịnh cũng có cảm tình với anh ta. Một lần mẹ xem số riêng cho cô, ông thầy bói nói cô cao số, vất vả đường chồng con. Phải bước thứ hai mới nên vợ nên chồng. Người chồng sau này, lúc mới lấy cô cũng còn long đong lật đật, sau này mới khá. Đúng là với người yêu cũ, cô đã có lễ ăn hỏi. Tai nạn bất ngờ nên lương duyên giữa hai người dang dở. Không lẽ lời đoán của ông thầy lại ứng với con người này sao? Ngay từ buổi gặp đầu tiên với gã trong lòng cô thức dậy cảm tình khó nói thành lời. Từ khi Thắng mất, tình cảm của cô trầm lắng gần như lạnh giá. Cô chẳng thấy cảm xúc gì đối với những người con trai đến với cô. Bạn bè bảo cô mắc bệnh trầm cảm, không còn xao xuyến với tình cảm mới của một người trai nào khác.
Vậy mà tự dưng cô cảm thấy hồi hộp mỗi lần nghĩ đến gã. Phải chăng duyên tình cũng là định mệnh từ kiếp nào, nó chỉ bùng cháy lên giữa hai người nợ duyên với nhau khi họ có dịp gần gũi? Gã chưa từng nói với cô một lời. Con người gã bề ngoài có vẻ gì đấy như là mặc cảm, tự ty. Gã e dè mỗi lúc tiếp xúc với cô và nói năng lại càng gữi gìn, ý tứ. Gã không tỏ ra suồng sã, bông đùa như nhiều người cô gặp. Chính cái vẻ ấy lại tạo cho cô lòng trắc ẩn, muốn hiểu sâu hơn về con người này.
Cô không hiểu sao, khi quay lên gã lại không vào nhà cô? Hay sự cư xử bừa bãi của anh trai cô khiến gã e ngại. Biết đâu gã lại không nghĩ gia đình cô là một nhà không ra gì. Thị xã này không thiếu những nhà trai trộm cướp, lừa đảo. Gái thì bán thân nuôi miệng không biết đến phẩm giá là gì. ở đâu không có người tốt, kẻ xấu? Không có nghĩa người phố thị chỉ biết đến đồng tiền, không biết trọng danh dự và nhân nghĩa. Một người từng trải như gã, cô nghĩ gã không đến nỗi suy nghĩ nông cạn đến như vậy. Vậy thì có lẽ gã ngại gia đình cô sẽ khó xử sau vụ vừa rồi. Dẫu sao gã cũng phải đến xem thế nào đã chứ. Hay gã còn một lý do nào khác, một việc khẩn cấp nào khiến gã phải về thẳng trên nhà ngay?
Cô quyết định đạp xe lên xem sự thể thế nào. Cũng là dịp để hiểu rõ hoàn cảnh thực tế của gã. Cô không ngờ chuyến đi vất vả đến thế, khi đến nơi, gã lại không có mặt ở nhà.
Vẫn là con đường đất chạy men theo bờ sông. Vụ lũ vừa rồi còn để lại nhiều hậu quả chưa kịp khắc phục. Con đường lâm nghiệp người ta chỉ sửa sang mỗi kỳ khai thác gỗ. Xe tải chở nặng đào sục lên từng đám. Sau chiến dịch vận chuyển chẳng ai nghĩ đến chuyện sửa sang lại. Lại thêm lũ quét sói lở từng quãng dài. Đi bộ còn khó khăn chứ đừng nói đi xe. Tre nứa lau lách  hai bên úp xuống mặt đường. Hết lên lại xuống những cái dốc cao vượt mặt. Thịnh đi xe, kỳ thực quá nửa cung đường là dắt bộ. Lên dốc đạp tức ngực mà bánh xe không chuyển lúc xuống dốc xe lao đến chóng mặt. Chỉ sợ tuột phanh là lao xầm xuống vực. Đi qua những làng người Dao vắng ngắt. Những mái nhà thấp lè tè, lụp sụp thập thò vài đứa trẻ nét mặt sợ sệt. Chúng không quen người lạ đến nhà và không biết tiếng phổ thông. Có khát nước cũng đành ra hứng ở máng lần vì không nhà nào đun sôi. Người ở đây uống nước lã từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt. Thỉnh thoảng một tốp người Mông nét mặt lầm lì, mệt mỏi mang nặng cái lù cở trên lưng. Có hỏi thăm đường chỉ thấy lắc đầu "Chi pâu è ". Từ sự biến biên giới phía bắc họ tràn trên Mèo Vạc, về đây. Bây giờ vẫn nhộn nhạo như kiến vỡ tổ. Nay chuyển chỗ này, mai đi chỗ khác chưa yên chỗ ở. Thịnh thầm phục những đôi chân đi bộ xuyên lục địa của họ. Dáng người thì thấp bé, váy áo bùng nhùng mà người ta đi bộ thật tài tình. Cứ như thể họ là tộc người sinh ra để đi bộ miên man, mãi mãi qua nhiều xứ sở.
Suýt nữa thì Thịnh tụt xuống một khe suối sâu. Nước trong vắt nhìn thấu tận đáy rải đầy sỏi mà không ngờ sâu đến thế. Cô túm được đám cành sung mới men được vào bờ. Một cậu bé từ đâu xuất hiện cứ như trong chuyện cổ tích. Cậu mò giúp cô cái xe đạp rồi vạch lối cho cô sang bờ bên kia. Cô hỏi tên, cậu chỉ cười không nói. Thì ra cậu bị câm không biết từ bao giờ. Cũng không biết cậu người kinh hay người Tày. Nhưng xem ra cậu có vẻ là dân khai hoang ở xuôi lên. Trên cái cổ đen ngấn lên, thấy đeo tòng teng một cái khánh bằng nhựa mầu đỏ. Chỉ có người vùng xuôi hay đi lễ chùa mới hay mua những thứ đó về đeo cho con trẻ lấy phước cầu mạnh khoẻ, may mắn.
Không biết đường rừng thời cụ Lan Khai, nhà văn hàng xóm nhà cô huyền ảo thế nào. Đường rừng thời cô, đi lại vất vả quá.
Mấy năm trước Thịnh cũng đã từng đi con đường này. Ngày còn làm ruộng mãi trên núi Khâu Đăm. ở thị xã nhưng nguồn sống lại trông vào núi non cách xa phố xá hàng chục cây số. Lúa nương, khoai sọ năm nào cha cô cũng đóng mảng chở về. Cuối năm cô còn rủ bạn lên tìm củ nâu, lấy đu đủ về bán chợ trung tâm lấy tiền tiêu tết. Nhưng ngày đó là một dải là rừng nguyên sinh. Ngay cả những ngày hè đi dưới tán rừng cũng thấy mát lạnh. Trên cành cây cao khỉ, voọc chuyền cành cãi nhau chí choé. Có lúc còn bắt gặp con hươu với đôi gạc mới nhú chạy ra đứng ngẩn ngơ giữa đường. Người ta còn sợ hổ, gấu vồ người. Từng quãng có mỏ nước chảy ra trong vắt.
Mới chỉ ít năm mà rừng giờ xơ xác, trông nhôm nham như vừa ốm dậy. Thế mới biết sức tàn phá của con người thực là ghê sợ. Chung quy cũng chỉ cho ngày hai bữa ăn. Những bữa ăn đạm bạc sơ sài vẫn gọi là " cho xong bữa "…
Gã ngạc nhiên thấy từ xa bóng dáng con gái trong căn nhà của mình. Chuyến hàng hôm nay giao thuận lợi, lấy được đủ tiền nên gã về sớm hơn mọi buổi. Đi qua bến đò thấy người ta bán cá, gã dừng lại mua. Gã nghĩ " Lâu lâu cũng phải có một bữa tươi. Mẹ đã yếu, con bé khảnh ăn. Mình cũng cần sức khoẻ để " chiến đấu lâu dài ". Bà bán cá cứ ép gã lấy con cá chiên to nhất. Giống cá này ngon, chỉ bắt được bằng cách câu giăng. Phải là nhà chài có kinh nghiệm mới câu được nó. Nhưng giá nó khá đắt. Người ta nài nỉ mãi cuối cùng gã đồng ý mua. Tay xách con cá, gã đi vội về nhà.
Qua nhà lão Sinh Béo thấy trong sân lố nhố người. Một người nào đó gọi tên gã, gã vờ như không nghe tiếng. Nhà lão này cùng xóm nhưng rất mực khinh người. Nghe nói lão vừa ký được hợp đồng mở trạm thu lâm sản cho nhà máy giấy Bãi chồn. Mấy ngày nay trong nhà lão kẻ ra người vào rậm rịch. Có cả mấy cái xe máy mới cóng của cán bộ Công ty lâm sản dựng cạnh cây dừa gần bờ ao ngay trước nhà. Con ngựa đen của ông Triệu Bao chủ tịch xã đang nhai ngô hạt buộc cạnh lối đi. Thấy người, con ngựa pừ pừ đe doạ. Nó xoay xoay chân sau như muốn đá vào ngực gã. Bốn năm con chó mèo đang gầm gừ tranh nhau tha lôi một bộ lòng gà. Thứ mà nhà lão Sinh moi bỏ không bao giờ làm lòng, lão bảo: " Bẩn, không đáng gì ". Lão đã giầu lại càng giầu thêm. Từ nay nguồn lâm sản của cả vùng sẽ qua tay lão. Đương nhiên tiền của cũng từ đó theo về. Thằng con trai thứ hai nhà lão về tận Hà Nội mua chiếc xe máy to dềnh dàng dựng ở đầu nhà. " Nó là xe Bốt xoa một thời chuyên dùng săn bắt cướp của công an Hà Nội ". Thằng Mai khoe thế. Đường khó đi, nó lại chưa thạo xe. Hôm mang về phải thuê người đi hộ lên. Cốt để cho oai chứ nó hay đi ngựa. Con ngựa nâu sẫm to cao gấp rưỡi con ngựa đen của ông chủ tịch. Cả xã này chỉ có mình nó mặc quần áo bò. Bò zin hẳn hoi chứ không phải hàng nhái. Nó đi tới đâu đám con gái đều nhìn nó ngưỡng mộ, thèm thuồng. Nhưng nó không thiết. Nó quyết chí lấy vợ ngoại tỉnh, nếu có điều kiện lấy được con gái Hà Nội càng hay. Nó bảo " Con gái làng bắp chân to như cây chuối hột, bàn chân bằng cái quạt nan, chỉ khổ đám gà mới nở bị dẫm chết ". Bố con nó không hợp nhau vì nó tiêu tiền phá quá. Xếp công việc cho nó ở xã nó không thèm làm. Nó bảo: "Đã làm cán bộ phải trên huỵên, trên tỉnh. Làm cái anh cán bộ xã đầu chày đít thớt". Dân người ta không cử nữa thì đi tong. Thà rằng chạy ngoài, sau này tính. Có tiền mua tiên cũng được, làm chân lèm nhèm, không làm”. Nó đang móc nối với bọn làm vàng bên Thái Nguyên. Gầu với dây cáp nó xếp đầy một chuyến thuyền vừa mới đưa về. Nó còn định mua chiếc thuyền côle chạy máy xăng là thứ cả tỉnh mới có vài chiếc. Nhưng giá cả chưa xong, nên nó chưa quyết.
Từ ngày gã về nó có đến chơi vài lần, mặt cứ vác lên, nên gã không ưa, cũng không bao giờ đến nhà nó. Nó nói bắn tin: "Cái thằng đã nghèo lại còn sĩ. Tử tế thì đây cho bám càng, không cho quên luôn". Gã chỉ cười nhạt không nói gì. Khi mới về gã cứ nghĩ đồng rừng là nơi người ta ăn ở xởi lởi trong sáng lắm. Những ngày sơ tán trên Lạng Sơn, ngay cả khi gã bị bắt ở ga Bắc Thuỷ nơi nhà Tường Vinh khiến gã nghĩ thế. Nhưng không phải. Giờ thì hang cùng ngõ hẻm ở đâu cũng có kẻ hay người dở. Thế giới loài người kể như ngày càng chật chội, đối xử với nhau khác lạ hơn. Có một cái gì đó, bắt nguồn từ những sâu xa đổ vỡ, làm cho quan hệ giữa con người với con người tệ hại hơn cả thời giặc dã, chiến tranh.
Giờ đi qua nhà nó, gã không muốn nhìn vào. Ai giàu sang mặc ai. Gã không thiết. Nhất là gần đây vài lần lão Sinh cho người đến nhân danh quản lý thị trường xét nét, vặn vẹo gã về giấy phép kinh doanh. Gã bật cười. Cuộn vài điếu thuốc, nấu mẻ kẹo mà cũng phải có giấy phép ư? Đúng là luật lệ đồng rừng. Quyền hạn trong tay họ làm thế nào nên thế ấy. Gã bực tái mặt nhưng vẫn phải lựa lời nói cho êm chuyện.

Con gái lão Chỉ tay cầm nắm lá trầu không đang đứng ngoài cửa bếp. Nó thường về thị xã nên quen Thịnh. Nhà cô cũng hay mua nứa tươi của bố nó mang về. Con bé ăn mặc học theo lối thị thành, nhưng vẫn đi chân đất. Mới chớm mùa đông mà gót chân đã nẻ như ruộng hạn lâu ngày. Hàm răng chết tuỷ có cái chân đen thẫm lại. Quanh miệng gợn chút bựa trắng như bọt cơm. Vậy mà đôi mắt rất lẳng. Đã lớn tồng ngồng mà vẫn tắm truồng ngoài bến sông. Giữa trưa nắng quàng mỗi chiếc áo quanh bụng, vú vê thỗn thện qua đường. Còn là con gái nhưng qua trạm bọn lâm tặc " đánh phá " nhiều, mông mẩy bè bẹt như cái thúng rách không còn gọn gẽ.
Nó thường kiếm cớ sang chơi với mẹ gã, mặc cho gã không tỏ ra thâm mật. Thậm chí còn tỏ ra khó chịu.
Không biết nó đã nói những gì với Thịnh từ lúc nó sang đây?
Thoáng thấy bố về, đứa con gái chạy ra đón ngõ. Nó nhìn gã mừng rỡ, rồi ghé tai bố nói nhỏ:
"Có cô gì ở thị xã lên mang xe lên cho bố, bố ạ ".
- Gã hỏi con:
- Bà cháu ở nhà đã nấu cơm chưa?
Con bé nhỏ nhẻ:
- Nấu chín hết rồi bố ạ. Bà còn bảo cô ấy thịt con gà nữa. Con mái mơ của con nhảy ổ sắp đẻ đấy!
Gã bảo con:
- ừ rồi bố mua cho con khác. Mua hẳn một đôi. Tưởng nhà không có gì ăn, bố mua con cá đây. Cũng tốt, nhà có khách mà.
Thịnh thấy gã về, cô gái đỏ mặt. Hai bên chào hỏi nhau lấy lệ. Gã nói để cô đỡ lúng túng:
- Không biết có Thịnh lên. Tôi về hơi muộn!
- Em mang trả anh cái xe. Anh Nhân bận. Ông ấy đâu đang làm vàng quãng trên đây một chút. Không thấy anh về, bà già sợ anh giận, bắt em phải mang tận nơi cho anh. Thế sao hôm xuôi anh không vào?
- Hôm lên mua đồ cồng kềnh quá, tôi không tiện vào. Cứ để đấy hôm nào tôi về lấy. Tội gì mang lên thế này. Đường đi khổ lắm. Tôi đi còn ngại, Thịnh đi được là giỏi đấy!
- Em lên cho biết nhà không được à? Không ngờ anh sống vất vả quá. Thế này là lo từ A đến Z rồi còn gì...
Gã cười ngượng nghịu:
- Nhà cửa tềnh toàng quá. Thịnh không cười tôi chứ. Mới về, tôi cũng chưa lo được gì. ở nhà bà cụ tạm bợ thôi.
Mẹ gã cười góp chuyện:
- Cũng không nghĩ nó lại về đây. Năm kia tôi cũng làm được ba gian nhà xoan. Vợ thằng em nó đáo để, cứ xoáy vào chuyện con đẻ con nuôi. Nó làm như tôi thua nó. Tôi bực nên khi nó đòi ra ở riêng, tôi cho nó dỡ mang về mà dựng. Bà cháu tôi ở chỗ này là cái bếp đấy cô ạ.
Bà ngừng lời một lúc mới nói:
- Làm người mới khó, chứ làm nhà không khó lắm. Mà cũng muộn rồi, để tôi xếp cơm ăn. Cái Liên ở đây ăn cơm với bác nhé.
Con lão Chỉ ỏn ẻn:
- Cháu phải về. Nhà đang có khách, ở lâu bố cháu chửi chết!
- ừ nhà bên ấy khách khứa luôn. Bên này lâu lắm mới lại có khách, lại là khách quý. Không ở được lát nữa sang chơi cháu nhá.
- Vâng.
Liên con cón đi ra ngõ. Gã thấy mẹ mình dạo này có phần tươi tỉnh. Vẫn là tính nết vui vẻ đơn giản gần như rông rài dễ dãi. Tính tư hữu đặc chất của người nông dân có lẽ chỉ có phần trăm rất nhỏ trong con người bà. Một con người luôn nhường nhịn, thích bao bọc người khác đến quên cả phận mình. Giá bà làm nhà sư ở chùa có lẽ hợp lý hơn là sống giữa cộng đồng chật chội nhiều bon chen. Bà luôn có câu cửa miệng: " Sống để phúc để đức cho con ". Nhưng phúc, đức bao giờ mới đến?
Bữa cơm. Gã để ý thấy Thịnh thỉnh thoảng nhìn chỗ ngón tay đeo nhẫn của mình. ánh mắt có vẻ thắc mắc, phân vân. Có lẽ cô không nghĩ gã mua chiếc nhẫn làm dáng. Điều đó không hợp với tính cách gã. Mà trong hoàn cảnh hiện tại nó không phù hợp và cần thiết. Gã còn thiếu nhiều thứ phải sắm sửa hơn là thứ đồ trang sức này. Chiếc nhẫn nhỏ có lẽ hợp với con gái vì gã phải đeo vào ngón út. Đàn ông không mấy người mang nhẫn. Người có tiền người ta chơi hẳn loại nhẫn mặt vuông to uỵch. ít ra cũng phải ba chỉ trở lên. Vậy là có cô gái nào trao cho gã làm kỷ niệm chăng? Cô không dám hỏi. Tình cảm giữa hai người chưa đến mức gần gũi để hỏi những việc như thế.
Như đoán được ý cô, gã bảo:
- à, đây là hôm về quê, tôi có ông bạn chơi với nhau từ lúc còn để chỏm. Ông ấy cũng bị oan gia, đi mất mấy năm cùng vụ với tôi. Ông ấy đưa cho tôi chiếc nhẫn này. Thực là vật của mình mà mình không nhớ! Có ai ngờ lại có ngày châu về hợp phố...
Rồi gã kể lại cho cả nhà nghe. Không ai tin là chuyện có thật. Chuyện có con cóc to bằng chiếc bồ ấm, thở khói ra xanh lè ngậm chiếc nhẫn trong miệng gần cả chục năm. Thì thật khó tin. Chỉ có con bé Hà cứ há hốc mồm ra nghe. Mẹ gã mủm mỉm cười không nói gì, còn cô thì lắc đầu.
Cô bảo:
- Anh nói cho vui, làm gì có chuyện như thế. Có cô nào tặng thì nói cho cụ mừng, việc gì phải dấu.
Gã có vẻ bực mình vì không ai tin mình, vội tháo cho cô xem chữ khắc chìm bên trong chiếc nhẫn. Xem xong cô vẫn bảo:
- Thì tên của ai đó, em làm sao biết được. Nhưng có gì mà anh phải thanh minh mãi. Thường thôi mà.
Thoáng một nét rất nhanh trong đôi mắt cô gái như buồn, như thất vọng, thất ý. Nhưng cố trấn tĩnh được ngày trong vẻ vô tư.
Gã định kể cho cô nghe đôi chút về Vân nhưng kịp dừng lại. Có cần thiết phải như thế không vào lúc này? Có khi nó lại không mang lại sự cảm thông như mình mong muốn. Mà lại là ấn tượng nặng nề vì những gì đã qua. ở đời có những việc tưởng đã chìm sâu trong dĩ vãng, đã thành vô cảm, vô hại bỗng chốc một khi nào đó lại cộm lên gai góc, xót đắng.
Không phải gã không có cảm tình với Thịnh, một cảm tình cho đến lúc này gã vẫn thấy mang mang, không cụ thể, rất khó nói ra lời. Cuộc hôn nhân vội vã, hời hợt đầu đời đã khiến gã e ngại. Không hẳn như người ta nói " Bây giờ như chim phải tên". Đó là chỗ đau gã rất ngại ai đó chạm vào. Gã sợ ai đó khinh bỉ gã đã đổ lỗi cho số phận, thương thân mình một cách ích kỷ, mù quáng. Thịnh là cô gái nhạy cảm, cô chuyển câu chuyện sang hướng khác. Cô nhìn ra sông nói với mẹ gã:
- Bến tàu bây giờ chuyển xuống đây sao bác không làm cái quán bán hàng. Khách không đông, nhưng nếu một người bán vẫn kiếm được.
Bà cụ nói:
- Bến trên cạn, họ mới chuyển xuống đây. Chẳng biết có bán được không. Ngày nào cũng có người vào xin nước uống, xin lửa. Ngày đun mấy tích nước mà không đủ cô ạ.
Gã nhìn cô như vừa phát hiện ra điều gì:
- Tôi cũng có nghĩ đến. Làm cái quán cho cụ bán hàng cũng đơn giản. Vốn liếng không bao nhiêu. Cây que ở đây cũng sẵn chỉ vài buổi là xong. Ngại là thủ tục giấy tờ nhiêu khê. Người ta quản lý chặt, có phải khi nào mình muốn làm gì cũng được đâu. Phải là gia đình chính sách, ưu tiên gì đấy mới được.
Cô làm gã khá bất ngờ:
- Bây giờ những việc đại loại như thế cũng không khó khăn như trước. Báo đài chả đang nói những chủ trương "Cần làm ngay " của ông L gì đấy. Có lẽ anh ở đây không để ý đấy thôi.
Gã thành thực:
- Đúng là ở đây thiếu thông tin thực. Cả xã có vài tờ báo, lại của mấy ông lãnh đạo. Không biết các ông ấy có đọc không. Dân thì cả năm chẳng trông thấy nó rộng hẹp thế nào. Làng này có mỗi ông Thuấn có cái đài bán dẫn. Từ hồi ngã ngựa, đài hỏng vẫn chưa kịp chữa.
Thịnh buột miệng:
- Sống thế cũng buồn anh nhỉ. Có lẽ xem văn nghệ, xem phim cũng ít khi...
- Năm cũng vài lần - là tôi nghe nói vậy, chứ từ hồi về tôi cũng không được xem. Tự nhiên cảm thấy không hứng thú lắm.
Thịnh không chớp mắt:
- Xem ra anh không thích văn hoá văn nghệ lắm?
Gã chỉ cười, không nói gì. Điều này cô gái không hiểu anh. Nói ra với cô lúc này liệu có ích gì? Thì ra cô nghĩ anh là con người giờ không còn ham muốn gì nữa, chỉ biết cặm cụi lo làm, lo ăn. Văn hoá lùn hơn cả những kẻ thất học!
Biết mình lỡ lời, cô chuyển qua chuyện khác. Cô gợi ý rằng còn nhiều cơ hội làm ăn, nếu gã cứ làm theo kiểu hiện nay vất vả mà hiệu quả không được bao nhiêu. Mất nhiều thời gian để gây dựng bước đầu. Gã vẫn lặng thinh không nói.
Bà mẹ gã đỡ lời:
- Em nó cũng muốn làm ăn to lắm chứ. Nhưng ngồi thúng cất cạp kể cũng khó. Kỳ vừa rồi về xuôi nó cũng có ý nhờ cậy anh em nhà để có vốn, có nhân lực làm ăn. Thời buổi này đầu ai chấy nấy, nên cũng không kết quả. Quay lên nó mới tính mấy việc vặt vãnh trợ thời.
Lại nói về công việc làm hiện tại của gã. Gã lảng tránh chỉ nói sơ qua. Có lẽ gã ngại cô sẽ coi thường những trò vặt vãnh của mình. Nam nhi sống ở trên đời ai lại đi lo, đi làm những việc như thế? Nhưng thử hỏi lúc này gã còn biết làm được gì hơn?
Ngoài Nhân, anh trai cô ngày ấy ra, còn vài người đến rủ gã đi làm vàng. Nghe nói ngày kiếm được mấy chỉ. Có hôm đúng " ục " được hàng cây. Nhưng gã lại không muốn đến những nơi như vậy. Nơi mà con người sống với nhau theo luật cá lớn nuốt cá bé. Nói chuyện với nhau bằng xẻng, bằng xà beng. Đã có chuyện xả AkA, tung lựu đạn để tranh chỗ cắm bè. Con nghiện, đĩ điếm lượn lờ như ma nhập tràng. Gã không sợ nhưng gã quá ngán ngẩm nơi tăm tối, xô bồ, tanh máu đàn anh đàn chị. Nơi mạng sống con người đôi khi còn nhẹ hơn vài vê thuốc phiện.
Gã cần sống thanh thản, gã còn nhiều bổn phận và những mục đích trong đời mà đến giờ gã chưa làm được.
Có thể cô gái cho là gã thiển cận, Cam chịu cuộc sống nhọc nhằn. Nghĩ sao tuỳ cô. Gã tin một ngày nào đó mọi việc sẽ khác.
Rốt cuộc hai người cũng chẳng nói được với nhau điều gì. Toàn những chuyện đâu đâu không đầu không cuối.
Ngày mùa đông, thời gian trôi đi rất nhanh. Mới quá trưa một chút mà đã nhạt nắng. Mùa thu bàn giao lại những chỏm núi cây lá đã úa vàng, khô nhạt. Chân trời phía xa mây giăng luỹ giăng thành. Không gian có một vẻ gì đấy nhạt nhẽo, đơn điệu. Thoáng buồn trong đôi mắt có làn mi cong, cô nói chiều nay cô phải về. Khi nào tàu kéo chuông cô sẽ ra bến. Ngày mai cô phải giúp đám cưới một người bạn ở gần nhà. Cô đã nói vậy gã cũng không cố giữ. Giả dụ Thịnh ở lại gã chẳng biết mình sẽ sắp xếp chỗ ăn chỗ ở như thế nào. Chả nhẽ lại để cô nằm ghép với bà cụ và đứa con gái trên chiếc giường tre đã hẹp lại bong hết giát?
Có tiếng xe máy nổ bành bành ngoài ngõ. Mai vẫn bộ quần áo bò khụng khiệng đi vào nhà. Hắn chỉ chào bà cụ qua loa làm như không nhìn thấy gã. Hắn hỏi Thịnh:
- Em lên lúc nào? Đi mua gì, sao không vào nhà?
Thịnh nói cô chỉ đi chơi, không mua bán gì. Sang nhà hắn thì cô ngại.
Hắn đon đả:
- Ngại gì? Ai ăn thịt mà em sợ. Mẹ anh nghe nói em lên, bắt anh phải sang đón em đấy. Có gì mai anh đưa về đừng ngại.
Cô nhẹ nhàng:
- Em cảm ơn. Lát nữa có tàu xuôi em phải về. Thôi để khi khác. Anh nói thế chứ mẹ anh biết em là ai mà bảo anh sang đón!
Hắn đỏ mặt lúng túng:
- Này, em đừng coi thường. Mẹ anh là tinh lắm. Người dưới tỉnh bà quen đầy. Bà già nhà em chẳng có lần vào qua nhà anh dạo có em đi theo, em quên rồi sao?
- À hồi ấy em còn trẻ con bé tý, chứ bây giờ có gặp chắc mẹ anh cũng không nhớ.
Mai cứ nài nỉ mời cô lên xe. Cô gái không định đi, sau rồi cũng miễn cưỡng phải đi. Cô bảo với mẹ gã:
- Anh ấy là chỗ quen biết, vẫn chạy hàng cho nhà cháu. Gặp đây không lẽ không sang. Có khi cháu xin phép bác luôn, lát cháu nữa ra tàu.
Quay sang anh cô nói:
- Anh thông cảm, hôm nào xuôi thì vào chơi.
Gã chỉ gật đầu. Gã cảm thấy rất khó nói câu gì vào lúc này. Cô đột ngột xuất hiện, rồi lại đột ngột ra đi, gã hoàn toàn bị động. Lại nữa, trước mặt thằng con nhà giàu này, gã không muốn nói nhiều.
Gã bần thần nhìn cô ngồi phía sau xe máy khuất dần sau những bụi tre cúi ngọn ven đường. Tự nhiên thấy lòng trống trải. Có một khoảng nào đấy rất khó có thể lấp đầy.
Mây ở đâu về, trời xám xịt, thấp dần.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: