Nhưng tôi lại nghĩ khác, có lẽ nền kinh tế đã thất thủ trước quy hoạch và nhân dân "thất thủ" trước chính mình. Trước hết phải khẳng định không chỉ có TP.HCM ngập! Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên- Huế,... cũng "thất thủ" trước những cơn mưa trong năm 2016.
Bao nhiêu cuộc hẹn làm ăn bị hủy khiến hợp đồng chậm lại? Bao nhiêu chiếc xe chìm trong nước phải sửa chữa? Bao nhiêu đồ đạc người dân hay công trình công cộng sẽ bị nước làm hỏng hay giảm tuổi thọ? Bao nhiêu thời gian của người dân mất đi để tìm cách vượt ngập hay đi vòng qua khu ngập về nhà?.v.v..
Tất cả những câu hỏi trên hoàn toàn có thể ước tính tương đối chính xác bằng khảo sát khoa học. Và có thể tính tương đối chính xác số tiền mà đất nước sẽ mất đi trong những ngày ngập. Xin nhớ cho, thực trạng ngập không phải hôm nay mới có.
Năm 2015, trả lời trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam, thừa nhận mưa, lũ và triểu cường đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng ngập úng cho đô thị TPHCM nhưng đó không phải là các nguyên nhân chính.
Theo ông, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát mới là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ngập lụt ở TPHCM hiện nay.
Xu hướng phát triển đô thị về phía Nam (vùng đất thấp, yếu) và phát triển tự phát sát hai bờ sông Sài Gòn phía thượng nguồn (làm biến mất hàng ngàn héc ta diện tích chứa nước), cùng quá trình đô thị hóa vùng ven đô (vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp) mới chính là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt ở TPHCM.
Nó cũng tương tự như một dãy bờ sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa (có các cống thoát nước) đã bị lấp để làm dự án phân lô bán nền. Điều này góp phần làm tăng mức độ ngập của đô thị loại 1 Biên Hòa (mới lên từ đô thị loại 2).
Hay khu vực thoát nước tự nhiên của Hà Nội (vùng trũng Thanh Trì, Nam Từ Liêm,.v.v..) đã "thất thủ" vì đô thị hóa. Độ chênh mặt nước giữa hồ, sông và đất nền thủ đô là rất thấp và mặt đất bị beton hóa khiến cách ngấm nước tự nhiên coi như không còn.
Tôi tin rằng đại đa số các dự án được phê duyệt đều có sự tham gia của nhiều ban, ngành, cơ quan chức năng địa phương hay thậm chí đến bộ, ngành Chính phủ. Nhưng ngập vẫn hoàn ngập dù hàng trăm nghìn tỉ ngân sách đã chi ra trên toàn quốc. Nếu tính luôn thiệt hại của người dân và doanh nghiệp thì con số ấy lớn hơn rất nhiều.
Mới đây, tôi vừa tiếp xúc với hơn 70 hộ dân ở Biên Hòa về việc họ chịu ngập mấy năm nay vì quy hoạch treo. Không có những tờ đơn khiếu nại, kiến nghị nào mà chỉ có những lời nhờ vả báo chí hãy nói với chính quyền.
Liệu người dân "thất thủ" trước sự tắc trách của chính quyền? Hay người dân đã "thất thủ" trước chính bản thân họ vì đến quyền lợi chính đáng của bản thân mình, gia đình mình họ cũng không dám nói.
Nhân dân đang "thất thủ" trước chính mình?
Mai Quốc Ấn
(Dân Việt)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét