Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

lửa trên núi Voi Nằm

Đấy là quãng thời gian tôi nhận được quá nhiều những khái niệm mới về cuộc sống: “lửa của thế kỷ”, rồi “người của thế kỷ” (người của thế kỷ đã về ngự trên núi).
Chuyện bắt đầu từ một ngọn lửa nhỏ trên núi Voi Nằm. Có thể là có ai đó trong số những người làng tôi đã nhìn thấy thật. Đêm, có ai đó trong làng đã nhìn thấy ngọn lửa trên núi Voi Nằm. Có thể chỉ là như thế. Nhưng qua trí tưởng tượng của người làng, như một thứ cơ năng chẳng thể giải thích nổi, ngọn lửa nhỏ trên núi đã trở thành câu chuyện lớn. Người làng tôi gọi ngọn lửa ấy là lửa của thế kỷ.
Chuyện lửa thì đã quá lâu đời. Buổi hồng hoang lửa là câu chuyện vui và hệ trọng. Lửa ở ngoài trời làm sáng đêm tiền sử. Lửa trong lòng làm nảy sinh khả năng nghĩ ngợi và ngôn ngữ loài giống (nhưng bỗng có lúc con người lại muốn đem lửa thiêu rụi cả hiện thực cuộc sống).
Thật ra, khi tiếp nhận được khái niệm này tôi cũng chỉ lơ mơ nghĩ “lửa của thế kỷ” như một ẩn dụ về một sự bùng cháy lớn lao nào đó sau những dồn nén ngoài sức chịu đựng.
Nhưng người làng tôi bỗng kháo nhau rằng “người của thế kỷ đã về ngự trên núi”. Đấy là một ông lão, ông lão của thế kỷ, đêm đêm đốt lửa trên núi, lửa của thế kỷ, để cảnh báo điều hệ trọng sắp xảy ra.
Điều hệ trọng gì?
Không ai nói được.
Lửa trên núi bỗng trở thành truyền thuyết.
Nhưng núi vốn là truyền thuyết
Và làng tôi, cũng như núi, vốn cũng là truyền thuyết.
Truyền thuyết nói rằng thuở mới có trời đất, tổ tiên người làng tôi ở chung với chim chóc hươu nai voi thỏ trên núi Voi Nằm. Cũng có thể, chúng tôi, lớp hậu thế trong làng, là hậu duệ của những cuộc hôn phối giữa giống người hommo sapiens với các giống chim chóc hươu nai voi thỏ trên núi. Cho nên, ngày nay, ở trong làng, tôi thường hay buồn vui theo tiếng chim buồn vui trên núi Voi Nằm. Nhưng đấy là chuyện của tôi. Còn chuyện của núi của làng thì như một cuộc bùng nổ về địa linh nhơn kiệt. Tổ tiên người làng tôi xưa có người nghe được tiếng cựa mình của mặt trời mặt trăng, có người trò chuyện được với muông thú trên rừng. Ngôi làng dưới chân núi là nơi sản sinh những nhơn kiệt. Nhưng rồi tất cả như đã bị phá hỏng bởi sự ngu xuẩn tích tụ qua các thời đại lịch sử. Nhơn kiệt có vẻ chẳng còn là bao. Và cây trên núi Voi Nằm cũng có vẻ chẳng còn là bao. Núi ngày nay có thể gọi là một ngọn núi đá. Từ làng tôi nhìn về phía nam thấy núi con voi đá nằm buồn bã nhìn con người của thế kỷ.
Và đêm tôi lại ra hiên hè ngồi chờ lửa trên núi Voi Nằm. Thật ra, tôi chưa bao giờ nhìn thấy lửa. Nhưng trong trí tưởng tôi thì đã quá nhiều lần tôi nhìn thấy lửa. Đã quá nhiều lần tôi trò chuyện với ông lão của thế kỷ. Đó là một ông lão cười khóc bất thường.
Vậy thì điều hệ trọng gì sắp xảy ra?
Tôi hỏi.
Ông lão chỉ tay vào vầng trán của ông như thể muốn bảo tôi hãy suy gẫm sẽ biết. Tôi chợt nhìn thấy một bầu trời đang ấp ủ bao nhiêu là cơ duyên kỳ bí. Bầu trời lồng lộng ở trên đầu tôi.
Rồi một ông lão trong làng gặp tôi và nói:
Đêm hôm qua ta đã nghe thấy tiếng nói của ông lão thế kỷ.
Ông ấy nói gì? Tôi hỏi.
Khi chúng đến thì rừng biển ruộng vườn làng mạc không còn! Ông đáp.
Một thứ dụ ngôn trên núi. Tôi ngẫm nghĩ.
Và sau đó thì câu hỏi có tính định mệnh bắt đầu hình thành trong đầu óc dân làng. Ngày ngày gặp nhau, người làng tôi lại hỏi nhau: Chúng là ai? Hử?
Vào một đêm, tôi ra hiên hè ngồi chờ lửa trên núi Voi Nằm, thấy ông lão thế kỷ nhìn tôi cười. Và thứ khái niệm mới ấy xuất hiện trong đầu tôi:
Giặc!
Nhất định chúng là giặc. Tôi nghĩ.
Tôi biết khái niệm ấy hình thành trong nhận thức của tôi như hậu quả tất yếu của một cuộc sống luôn bị lệ thuộc quá nhiều vào những thứ thế lực đen tối, và luôn bị đè nén ở bên dưới quá nhiều những tầng áp bức.

Giã 11AM 1/7/2016



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: