Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Chiếc lá hai mặt

 Tiểu thuyết  của Hồng Giang

                   
                            
 1.

          Hân lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Thói quen của con mọt sách lại có dịp trở lại, mà trong phòng lại chẳng có lấy tờ báo hay cuốn sách nào. Những người ở cùng phòng với anh không có thói quen đó, hoặc đúng hơn, họ bận lo lắng nhiều công việc khác. Sách vở đối với họ gần như thứ gì xa lạ, chưa cần vào lúc này.

          Cuộc đời Hân đột ngột rẽ sang ngả khác. Hân chưa bao giờ nghĩ mình lại sống những ngày như hôm nay. Sống chỉ đơn giản: mua, bán,  ngủ, rồi ăn. .. Ngày nào cũng giống ngày nào . Khác chăng, chỉ là những áp lực của thị trường, nơi mà mối quan tâm hàng đầu của những người trong cuộc là mối lo LỢI –HẠI. Hân cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt. Anh  thấy cô đơn, lạc lõng giữa đông đúc xung quanh. Không có gì chán bằng theo đuổi những điều bản thân  mình không thích.

          Nhưng anh không chỉ có một mình, mà còn gia đình vợ con, và còn cả một quá khứ nặng nề, để lại bao nhiêu hậu quả mà lúc này đây không còn cách nào khác phải bắt tay vào. Tạm gác những gì bấy lâu theo đuổi để lo những việc không mấy mặn mà. Con người ta sống ở đời không thể nói mình không muốn mà không tròn bổn phận. Chỉ nghĩ là  làm tạm một thời gian, vậy mà đã mấy năm rồi. Hân hầu như lãng quên tất cả những gì một thời khát vọng ..

          Mấy hôm trước, chiếc Pho mầu đen, đưa Hân đến đây cùng hai gã đàn ông cao lớn, mang theo cặp số to tướng có khóa mạ kền sáng bóng.  Cả hai ăn mặc lịch sự, giống như những “ Việt kiều yêu nước”, gần đây thấp thoáng có mặt ở thị xã này.  Sự có mặt của họ thường cuốn theo cái nhìn thèm muốn của những kẻ xung quanh. Nó nổi bật trên cái nền cuộc sống. Còn thiếu thốn nơi đây: những gương mặt khắc khổ, bơ phờ, những quần áo cũ bạc màu, ba-lô lộn trái.
          Cả bọn vừa ăn cơm chiều ở một nhà hàng đặc sản  nằm kề sát bờ sông. Lối ra vào của hàng này quay ra mặt phố. Là nơi duy nhất có chỗ đỗ xe. Phải một thời gian tương đối lâu nữa sẽ quy hoạch mới , thị xã này nhà nghỉ khách sạn mới đua nhau mở. Còn bây giờ dọc hai bên dãy phố phần nhiều vẫn tạm bợ tranh tre nứa lá. Thành ra nhà hàng này nổi bật thể như cô sơn nữ giữa đám bà già. Lại thêm mấy cô nhân viên tươi trẻ nên lúc nào cũng đông khách. Từ hôm đến đây,ngày ba bữa mấy ông “chủ lá” đều ăn cơm ở đây. Tuy các món không phong phú lắm, nhưng cũng đủ thịt rừng, cá chiên, rắn, ếch.. Hai gã người Chợ lớn bảo giá cả rẻ hơn Hà Nội, lại tươi ngon nữa. Có lẽ do chủ nhà hàng  gốc gác người Tiều Châu, nên chế biến thức ăn hợp khẩu vị.

Nhận phòng xong một trong hai người rủ Hân ra quán gió uống cà phê. Hân viện cớ uống cà phê sợ mất ngủ, nên không đi. Nhưng thực ra vì Hân ngại những nơi như thế. Nơi mà hương vị cảnh sắc với anh đến lúc này vẫn chưa quen. Mà Hân lại không muốn tỏ ra mình là người vụng về. Dù sao với họ mình cũng chỉ mới quen biết ít ngày.

Mấy hôm trước ở Hà Nội, Hân đã một phen đỏ mặt khi cùng họ tới nhà hàng. Ở đó người ta tắm xông hơi rồi mát xa trị liệu. Thiết bị xông hơi Hân chưa bao giờ sử dụng. Đáng lẽ để các em nhân viên chuẩn bị cho mình, đằng này anh lại bảo họ lui ra tự làm lấy. Có lẽ là do lúng túng ngượng nghịu trước em gái quá trẻ, quá xinh, một phần cũng muốn tỏ ra mình thông thạo. Lóng ngóng thế nào, suýt nữa bị bỏng. May mà cô nhân viên tuy nghe Hân nói vậy, vẫn không dám bỏ hẳn ra ngoài nên vẫn kịp khóa vòi nước nóng cho Hân.

Đến công đoạn cuối cùng chính Hân lại làm cô gái người An Giang thêm ngạc nhiên. Anh cứng đơ như khúc gỗ khiến cô xoay giở rất vất vả mới làm xong phận sự của mình. 
Khi ra bàn uống nước Hân càng lóng ngóng, lay xoay mãi mà không mở được lon bia, khiến nhân viên chạy bàn rúc rích cười. Đến tiết mục Kara ô kê, Hân càng tỏ ra vụng về, cứ ngồi ngây ra như ngỗng đực. Cô gái ngồi cùng năn nỉ mãi Hân mới chịu cầm míc . Lúc đầu hồi hộp hát không ra hơi. Sau vài lon bia giọng cao vóng lên , chói cả óc. Không phải là hát mà như gào lên, tự dưng nổi hứng : “..Ta vượt lên đỉnh núi cao Trường Sơn..Đá mòn mà đôi mắt không mòn..” Làm cả bọn cười muốn vỡ ruột !
Cũng may nhờ men bia rượu Hân không nhận ra vẻ ngớ ngẩn của mình.
Tỉnh lại  Hân ngượng, ê ẩm cả mặt mày. Tự nhủ từ giờ trở đi mình sẽ không lai vãng tới những nơi như thế này nữa !

Quá nửa đời người Hân mới rơi vào hoàn cảnh như vậy. Hình như sinh ra  anh không có cái may mắn như những vị ngồi đây. Họ thuộc đẳng cấp khác, sinh ra để hưởng thụ, ăn trắng mặc trơn, có kẻ hầu người hạ.
Hân cảm thấy điều ấy có cái gì như là sự tủi thân, như điều sỉ nhục. Song rồi Hân lại tự trấn an mình “Nói cho cùng tất cả những thứ đó cũng chẳng đi tới đâu. Nó chẳng nâng thêm con người lên cao tới những ước vọng tinh thần , nếu không nói phần nhiều tới đây để đánh mất nhân phẩm”. Đấy là chưa kể tới sự tốn kém của những cuộc vui ngắn ngủi này.
Cuộc vui giành cho vài ba người đáng giá cả tấn thóc.  Người nông phu giãi nắng dầm mưa nửa năm trời may ra mới có được .

Cho dù bây giờ Hân không phải là kẻ mở hầu bao. Mọi thanh toán đã có người khác lo. Nhưng Hân không muốn như thế. Anh còn đủ liêm sỉ để không đến nỗi hứng thú khi được hưởng không của ai thứ gì. Ở đời rất ít khi người ta cho không nhau cái gì. Thường là nghĩ ngay đến chuyện “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Tốt nhất là chẳng nên nợ nần. Cho dù đó là món nợ chủ nợ không đòi. Cõi nhân sinh này đã nợ thì không trả cách này cũng phải trả cách khác. Không ai trốn được nợ nần.

Đó là lý do giờ này Hân vẫn ngồi đây.
Còn một lý do khác nữa khiến anh ngại ra đường. Không chỉ là chuyện mấy hôm trước bố con lão Tĩnh cho bọn đầu gấu chặn đường Hân ở ngoài bến sông. Hân còn ngại gặp người quen trong bộ dạng này. Lúc ở phòng lễ tân , Hân thấy trong tấm gương treo tường một kẻ lạ hoắc , chẳng giống mình chút nào . Một anh chàng đầu chải mượt ,áo cổ cồn (chỉ thiếu cà vạt), quần là cháy ly, thắt lưng đắt tiền dắt điện thoại di động. Và nhất là đôi giầy da ngoại giá bằng nửa tấn thóc. Trông Hân vừa có dáng một viên chức ưa chải chuốt, vừa giống một kẻ lừa đảo, trúng mánh mung ở đâu đó. Cái vẻ vừa bi vừa hài sau những gì anh đã trải qua trong cuộc đời kém may mắn của mình . Thứ trang phục như làm bằng thủy tinh đắt tiền nhưng dễ vỡ khiến Hân cử động thực khó khăn. Nó làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có trước mặt người quen. Đa phần trong số họ là lớp người bình dân, còn có thể gọi là tầng lớp dưới.
Tầng lớp trên anh ít có cơ hội tiếp xúc, có chăng qua người nọ người kia.

Ngay cả thời còn là sinh viên Hân cũng không ưa chải chuốt , ăn mặc thế nào cũng không chú ý lắm . Lúc đó bất quá quần xanh áo trắng, dù có sơ vin cho gọn ghẽ anh cũng không khác biệt bao nhiêu với xung quanh. Trên người thứ đáng giá hơn cả là đôi dép nhựa Tiền Phong.  Ở ký túc xá đêm ngủ Hân phải giấu thật sâu vào gầm giường vì sợ người khác xỏ nhầm.

Thoắt cái đã hơn chục năm kể từ ngày Hân rời công sở vì nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là “vấn đề phẩm chất”do một kẻ nào đó ngấm ngầm gán cho anh. Cộng thêm nữa là tai nạn hôn nhân sau ngày Hân mất việc làm đã làm cho Hân vô cùng chán nản. Đường công danh kể từ đây không còn hy vọng . Hân mất dần nhiệt tình hào hứng bước vào đời, chấp nhận cuộc sống thụ động, đẩy đưa do số phận mang đến. Hân đã làm đủ mọi nghề . Phần nhiều là những nghề vất vả, lầm than, lem luốc. Trôi giạt qua bao nhiêu miền để rồi về đây, có mặt trong gian phòng khách sạn này. Cái gì cũng lạ , cũng ngỡ ngàng . Toàn những thứ mà trước đây anh chỉ thấy qua phim ảnh. Ngay cả lúc sờ tận tay rồi vẫn chưa tin là nó có thực . Cứ như có sự nhầm lẫn nào đó, cảm thấy mình không còn là mình nữa. cảm giác chênh chao khiến Hân bất giác nhớ đến vợ con ở nhà..

Khi này ở nhà hẳn đã lên đèn, chiếc đèn tọa đăng thắp dầu ma dút luôn tuôn khói mù mịt, vặn hết cỡ cũng chỉ tỏa ra một chòm ánh sáng vàng đục. Cả nhà đang vây quanh mâm ăn bữa cơm chiều. Bữa chiều ở quê thường rất muộn vì còn phải tranh thủ công việc cuối ngày. Bữa ăn nếu may mắn có thêm đĩa cá mắm mặn nướng lên, không thì rau rớt, muối vừng. Có hôm độc món lá gừng kho tương, toàn là món ăn “truyền thống dân tộc”, kể gần như ăn chay. Chả trách từ thời Vũ Trọng Phụng nhà văn miêu tả dân ta hiền lành, nhút nhát, gần như ù lỳ, hay sợ sệt, là nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu. Nhận xét ấy có hoàn toàn đúng hay không Hân chưa lúc nào nghĩ cho thấu đáo. Nhưng có điều hiển nhiên chế độ thức ăn có ảnh hưởng đến tính cách con người. Điều này có thể thấy cả ở loài vật . Phàm giống nào chỉ ăn toàn rau cỏ thì hiền lành , giống ăn thịt thường hung dữ. Ai đó nói với Hân rằng : Người thành phố khôn hơn, hay xử tệ với nhau hơn người ở quê. Ngoài chuyện họ sống va chạm cọ xát với nhau nhiều còn có nguyên nhân họ được ăn nhiều thịt.
Ngày còn ở quê những lần Hân đưa bạn người thành phố về mẹ hay nói : “ Cẩn thận với người phố phường”.
Chủ hàng là gã trẻ tuổi gốc Hoa kém Hân vài ba tuổi. Gã ít nói, câu nào cũng chắc như cua gạch. Vẻ ngoài hào hoa dễ làm người ta lầm tưởng gã xuê xoa, sởi lởi. Kỳ thực gã rất dè dặt, thận trọng đến mức thái quá vì thế nhiều việc Hân góp ý gã lừng chừng chán mới chịu nghe. Đó là thói quen của người buôn bán lâu năm, lại là buôn thứ hàng ít người biết như hàng lá này.
Kinh nghiệm những ngày sống ở thành phố phía nam với những người như vậy cũng giúp Hân tránh được đôi điều trong cách cư xử.  Cái gì cần nói hãy nói, không thì thôi . Càng nói ít càng hay. Việc gì làm được hãy nhận, chớ nhận ào ào, nhận rồi bỏ đấy rất dễ mất tín nhiệm. Không như người mình, lỡ nhận chưa làm, chỉ vài câu thông cảm là xong. Thật tình với một số người Hoa , Hân có phần nể trọng . Không hiểu bên đại lục người ta sống với nhau thế nào ? Có yêu thương đùm bọc nhau như vậy không ? Hay đó chỉ là những biểu hiện của kiều dân, những kẻ ly hương dân tộc nào cũng vậy ?  Phiêu bạt sang đây, họ cư xử với nhau không thể chê được . Bất kể anh là ai, dù quen hay lạ đều được sự quan tâm chí tình ! Dù anh chỉ có cái giỏ không đeo ở sau lưng, không bà con thân thuộc, không tiền bạc giắt lưng, bất kể từ đâu đến. Những người đồng hương sẽ kẻ cho lon gạo, người giúp đồng tiền giúp đỡ cho anh, không đợi anh phải thỉnh cầu van vỉ. Người ta tìm mọi cách tạo cho anh có nơi ăn chốn ở, giúp tìm việc làm độ thân. Người ta làm tất cả những việc đó tự nhiên như việc nghĩa phải làm mà không đòi hỏi điều kiện kèm theo. Tuyệt nhiên không có sự nghi kỵ, lạnh nhạt hay chia rẽ. Không ai dò la tốt xấu thế nào, không nói xấu sau lưng, đàm tiếu xì xào. Tốt hay xấu tự anh gánh lấy trách nhiệm đời mình, quyền riêng tư được tuyệt đối tôn trọng. Có thể nhờ tập quán đó cùng những ưu điểm khác , người Hoa đi tới đâu cũng sớm ổn định cuộc sống và dễ thành công. Đa phần họ còn nổi trội, giàu có hơn cả người sở tại.

Nhưng dù sao họ vẫn có nhiều điều khó hiểu. Tính cách người Hoa cũng như lịch sử và văn hóa của dân tộc này nó vừa gần gũi lại vừa xa cách với người Việt mình. Người Trung Quốc đại lục kể từ 1945 đến nay với ta còn có chỗ gần gũi. Người Đài Loan gần đây ta mới qua lại làm ăn. Ngoài nhà chức trách ra, dân chúng còn nhiều xa lạ đối với họ. Họ sang đây có phần e dè, giữ ý. Thường thì họ thông qua người bà con ở Chợ Lớn để tiếp xúc với người sở tại. Vừa được sự tin cẩn trong làm ăn, vừa giải quyết được trở ngại ngôn ngữ bất đồng. Nói sao thì nói “ Người ta vẫn là người ta”. Không phải là mình . Càng về sau này, khi đã thông thuộc thung thổ rồi điều đó càng rõ. Không thể xem thường tính cách sâu xa của người Tàu.

Hân biết Trương qua một người bạn sống với anh những ngày ở phương nam. Cuộc gặp gỡ cũng thật tình cờ. Khi anh còn làm hàng chung với ông Tĩnh. Do chủ hàng cũ ép giá, lão Tĩnh nhờ anh đi tìm đầu ra. Hân về Hà Nội lang thang mấy ngày. Có người mách dưới Thanh Trì có một xưởng lá mai, Hân tìm đến. Không ngờ đây chính là nơi chủ hàng cũ của ông Tĩnh vẫn mang hàng về. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, biết Hân đang ở vùng lá mà công ty Trương đang chú ý, Trương đón tiếp rất long trọng. Buổi gặp ấy là cơ may cho cả hai người. Sau này biết thêm cả hai có chung một người bạn từ lúc ba đào, Trương càng quý Hân hơn.

Chính cái bộ dạng của Hân bây giờ là do chủ ý của Trương. Hắn chỉ nói vắn tắt: “Cho dễ làm ăn”chứ không giải thích lôi thôi gì hết. Nhưng Hân hiểu. Người ta
“gần thì sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Mà công việc của Hân bây giờ gặp nhiều người lạ, cũng phải có bộ cánh hẳn hoi để họ nể trọng, không thể ăn mặc xuê xoa như trước được.
Tưởng đâu cơ may giúp Hân thay đổi cuộc đời..
Nhưng xem ra mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Ông Tĩnh từ chỗ thân quen, đã từng làm ăn với nhau, chia tay nhau ngỡ đường ai nấy đi, thoắt cái trở thành đối thủ. Sự cám dỗ của đồng tiền cộng với lòng tham thái quá đã khiến họ không còn muốn nhìn thấy mặt nhau. Giết được nhau mà không sợ luật pháp, có thể cũng chẳng từ. Một ông giáo già về hưu tính cách mô phạm, lúc nào cũng hết sức mềm mỏng, lâu nay Hân nể trọng, hóa ra không phải thế ! Như người ta nói : “Biết người biết mặt mà chưa biết lòng” . Mấy chiêu vừa rồi của lão đã làm cho công việc của Hân đang trôi chảy, bỗng nhiên đình đốn. Như có bàn tay ma quái chọc gậy vào bánh xe đang chuyển động.
May nhờ mẫn cảm, Hân đã giúp công ty của Trương một bàn thua nặng nề. Trương lại càng thêm nể trọng Hân. Đó cũng là lý do anh được biệt đãi những ngày vừa qua. Tuy thế Hân không mấy hào hứng. Thà rằng người ta giúp anh bằng cách khác thiết thực hơn.
Ngày ngày ăn cơm đặc sản, ở khách sạn mà Hân chẳng thấy thú vị gì.
Bộ máy tiêu hóa của anh đã quen với dưa cà mắm muối, đã quen với đồ ăn nhiều chất xơ. Giờ toàn món khoái khẩu, dinh dưỡng cao nó lại không quen. Sinh hoạt như thế mà người cứ rạc đi. Hân giấu không nói với ai. Nhưng gã người Hoa tinh lắm, biết ngay anh đang bị “ Tào Tháo” đuổi. Chỉ một gói nhỏ biệt dược gã đưa cho là Hân khỏi ngay. Dù vậy mặt Hân vẫn vêu vao như người vừa ốm dậy.

Hân muốn xin về nhà ít ngày, Trương chưa nghe. Đất bắc vẫn còn nhiều bí ẩn đối với anh ta, một người quen tập quán khoáng đạt phương nam.
Hơn thế nữa là tính “Đặc thù” ở tỉnh miền núi Trương mới gặp lần đầu.
Nó có nét gì đó giống như tính cát cứ đặc khu cộng thêm những phức tạp của nền kinh tế vừa ra khỏi thời bao cấp, nhưng đôi chân vẫn còn xỏ dép râu.
Trương biết Hân còn nghèo, lại chả có chức tước quyền lực gì, nhưng người như anh ở nơi như thế này quả là không nhiều. Và quan trọng hơn anh là người tận tụy với công việc, tinh thần trách nhiệm cao. Đó là điều ít thấy ở những kẻ có hoàn cảnh kém may mắn như anh. Tuy không nói ra, Hân biết Trương có dấu hỏi trong đầu. Một người tháo vát, có đầu óc mà lại nghèo thì rất vô lý. Phải có duyên cớ gì đó ? Nhưng Trương không tiện hỏi. Có thiện chí với nhau thiếu gì cách ? Trong tình trạng hiện giờ Hân không nên ra ngoài nhiều, hay nghỉ trọ nhà trọ bình dân. Ở khách sạn cũng là cách bảo vệ cho Hân trong lúc thị trường nhốn nháo, mặc dù xem ra Hân có vẻ gò bó..

Hân đang ngồi lan man suy nghĩ, chợt có tiến gõ cửa .
- Cửa mở, xin mời vào !
Ngỡ là nhân viên khách sạn đến để dọn phòng, hóa ra không phải.
 Đó chỉ là do thói quen của hai gã ở cùng phòng.
Trương và Vĩnh lặng lẽ vào phòng. Một trong hai người còn quay lại cẩn thận xoay ổ khoá cửa. Hân nhận ra vẻ bất thường trên nét mặt hai người.
Trương mở khuy cổ áo ngoài, tìm lọ dầu xoa để trong cặp đưa cho Vĩnh. Chỗ xương bả vai của anh ta nổi lên một khối u  đỏ bầm, đang chuyển sang tím tái. Một vật cứng nào đó đã đập vào chỗ ấy..
Không lẽ hai người đi dạo ngoài bờ sông đã xảy ra chuyện gì ?
Vĩnh lẩm bẩm :
- Chút xíu nữa thì dính vô đầu !
-  Tụi nó nấp trong bụi lùm, liệng đá bất ngờ rồi bỏ chạy - Trương nói.
Hân bảo với hai người thị xã còn nghèo, nhiều chỗ đèn không đủ sáng. Ban đêm tốt nhất là không nên đến những nơi đó.
Trương phân trần :
- Tụi tui định kiếm một chỗ thuận lợi hơn mấy điểm cũ để bốc hàng. Mấy chỗ cũ vừa sình lầy, lại thêm mấy ông kiểm lâm dòm ngó, mệt thấy mồ !
Vĩnh phụ hoạ :
- Mình làm ăn chính đáng mà cứ như buôn lậu . Thuế thu ở đâu thì thu một chỗ cho rồi . Gặp đâu thu đấy, chỗ nào cũng thu, thiệt không biết ra làm sao !
Hân giải thích :
- Mặt hàng này mấy năm trước không thu  thuế vì nó chỉ là lâm sản phụ. Sau này thấy có giá, lão Tĩnh bày đặt nhờ người đưa ra hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị tỉnh ra lệnh cấm việc thu hái và chế biến lá mai, lấy cớ để bảo vệ rừng. Sau đó mới tạm cho phép khai thác nhỏ giọt và thu thuế nặng như bây giờ.
Trương cau mặt :
- Vậy sao tụi “Hoàng Long” nó vẫn làm như bình thường, không có chuyện gì ? Tụi nó đâu có bị cấm đoán như mình ?
- Các ông mới tới nên chưa biết. Từ ngày không làm ăn với công ty mình,
ông Tịnh quay sang hợp tác với bọn Hoàng Long. Bọn này rất nhiều quỷ kế. Nó lợi dụng mối quan hệ sẵn có trong công ty lâm sản của con cháu ông ấy, vận động với uỷ ban tỉnh ra cái quyết định oái oăm kia. Trên danh nghĩa là nhằm quản lý khai thác và bảo vệ rừng. Chỉ có công ty của nhà nước mới có quyền khai thác, không cho khai thác tự do. Thực ra thì là dành độc quyền cho bọn Hoàng Long thông qua người của ông Tịnh ở công ty lâm sản khai thác, vận chuyển. Mà ông Tịnh lại là con bạch tuộc bòn rút lâm sản lâu nay ở tỉnh này.

Hân định nói thêm về các mánh lới của ông Tịnh trong nghành lâm sản. Không mũi bè, chuyến xe nào vận chuyển lâm sản ra ngoài tỉnh không có bàn tay ông. Muốn đi đựơc, chủ bè, chủ xe phải qua ông để làm luật . Tất nhiên là ông kiếm chác được, có ai rỗi hơi mà làm cái công việc mờ ám này mà chẳng được gì ? Không phải ngẫu nhiên mà một ông giáo nghèo bỗng dưng trở thành đại gia ở tỉnh này . Nghề làm kẹo bánh gia công, rượu rởm, tiền lương công chức của mấy bố con chỉ là cách tạo vốn ban đầu. Giàu có lên được như ngày nay, chủ yếu ông Tịnh có được là nhờ nguồn lợi  từ rừng..  Những chuyện ấy Hân đã kịp giữ lại không nói. Chưa chắc Trương đã thích nghe. Vả lại đâu có phải sự thật nào cũng có thể nói ra được ? Nhất là những chuyện liên quan đến nhiều người, lại không phải người thường, muốn nói gì thì nói ?

Trương vừa băn khoăn vừa bực, cái mũi to gồ đỏ ửng lên:
- Chẳng lẽ ta chịu bó tay cho nó chẻ củi trên đầu sao ?
-  Tất nhiên là không phải vậy. Ta sẽ có cách đối phó lại, nhưng không thể
nóng vội. Ngay lúc đầu tôi đã nói nên giữ ông Tĩnh lại, để khi nào ổn định ông ấy muốn ra thì hãy cho ra. Tính ông này tôi biết, ông ấy xưa nay không chịu ai bao giờ, không được ăn là đạp bỏ chứ không chịu đâu !

Trương xua tay :
- Làm ăn với ông ấy ai chịu nổi ? Tham quá xá tham . Chuyến hàng nào cũng đòi tăng giá . Lá mai chứ phải vàng ngọc chi mà đòi tăng hoài ? Đã vậy hàng lại làm ẩu, lá rách tèm lem cũng ép người ta phải mua . Lá ẩm, lá mốc cả đống. Làm thêm nữa chắc tui phá sản quá ! Mà việc này tôi đâu có toàn quyền quyết định được, Còn ông chủ nữa chớ, ổng đâu có nghe ?

Thì ra vậy. Trương cũng chỉ là người được uỷ quyền, ông chủ thực sự ở mãi bên Đài Bắc kia. Chính vì lẽ ấy mọi giải pháp trên thương trường thường không kịp thời vì phải chờ liên lạc viễn liên, khó nói cặn `kẽ . Cộng thêm tính cẩn trọng thái quá của Trương nên công việc càng lúng túng, gần như bế tắc chưa có đường ra. Hân có góp ý họ cũng chuyển ý rất chậm . Suy cho cùng anh cũng chỉ là người làm thuê, quyền quyết định là do chủ, chỉ đạo ngược sao được ?

Thực ra chính Hân cũng là người có lỗi trong việc này . Anh đã đánh thức lòng tham ở bố con ông Tịnh . Thêm tay Chức phụ hoạ , ông Tĩnh đã nghĩ lá mai là mặt hàng siêu lợi nhuận , chỉ thua ma tuý ! Vì thế, ông đã tạm gác thói keo kiệt thường ngày, không tiếc công, của vận động mọi cách thực hiện cho được tham vọng trở thành chủ lá lớn nhất tỉnh  ! Hợp tác với anh em Bùi Kha trong công ty Hoàng Long cũng chỉ là giải pháp nhất thời . Thời gian sau này việc đó đã xẩy ra. Đáng lẽ phải phân hoá đối phương để bảo vệ mình trong khi họ không ngừng nói xấu mình khắp nơi nhằm tranh thủ khách hàng, Hân đã không làm. Anh không có thói quen dèm pha, nói xấu sau lưng người khác, kể cả kẻ đối địch với mình. Bản tính Bùi Kha anh không lạ. Hắn là con người cao ngạo, tự kiêu . Chỉ cần Hân khích mấy câu là cái liên minh ấy tan rã . Nhưng làm như thế Hân cảm thấy thấp hèn, bỉ ổi theo cách tiểu nhân .

Hân còn nhớ lời nhà bác học Anhstanh có nói đại ý rằng : "Tất cả chúng ta đều bị lừa. Chúng ta tưởng thế giới này mãi mãi như thế và bất biến . Kỳ thực là nó hư nguỵ và luôn biến đổi. Tất cả chỉ tương đối mà thôi” Có thể điều đó cũng đúng trong trường hợp này. Chẳng  lẽ thời " Đổi mới" rồi mà cơ chế vẫn lạc hậu, bế tắc mãi như thời "Bao cấp" ?..Sớm muộn gì tình trạng này cũng phải thay đổi ..

- Nghĩ gì mà ngây ra vậy, cha nội ? - Trương hỏi .
- À không, chỉ là nhớ thuốc lào !
Vinh vất bao "Ngựa trắng" ra bàn :
- Cái này cũng được, đậm không kém thuốc lào mà đỡ ống điếu rầy rà.
- Tôi thôi thuốc lá lâu rồi . Hút lại sợ ho . Mấy lại ở thôn quê thuốc lào dân dã hơn , lâu ngày thành quen, giờ hút thứ khác không được .

Nghe vậy Vinh liền bảo :
- Nè dưới lễ tân tui thấy có cái ống điếu nạm đẹp lắm à, ông xuống mượn thử coi ?
Hân vội đưa tay che miệng ra dấu cho Vinh:
- Cái đó của ai ông biết không ? Tôi vô tình đã hỏi rồi . Chẳng những không mượn được, còn phải nghe những lời không lọt lỗ tai !
Thêm lần nữa Hân ý tứ không kể cho hai người nghe câu chuyện về vị quan chức tỉnh này. Không hiểu vì sao những ngày nghỉ ông ta không về nhà, tới đây lúc nào cũng rất lặng lẽ, cái điếu này là của riêng ông ta. Phòng lễ tân cất nó trịnh trọng như vậy cũng đủ biết chủ của nó quyền biến như thế nào.. Nhưng đấy là chuyện của người ta. Hân chỉ bứt dứt vì gò bó không ra bên ngoài  được vào giờ này. Ở khách sạn cũng có cái bất tiện không thoải mái như trọ bên ngoài .

Khi này phòng lễ tân đã vắng . Cổng ngoài khách sạn đã đóng . Hân đành quay trở lên , đứng hồi lâu ngoài hành lang tầng ba .
Từ đây nhìn ra bờ sông thấp thoáng ánh đèn . Chỗ sáng nhất là nơi có cây cầu bê tông bắc qua sông  vừa mới khánh thành . Đèn chi chít như sao sa phản chiếu xuống mặt sông tạo cảm giác hư hư, thực thực.

Chỉ ít ngày nữa là đến rằm trung thu . Trăng đêm nay còn khuyết, nó vừa nhô lên sau ngọn Thổ Sơn . Người ta đồn nơi ấy thiêng lắm. Quang cảnh đêm nay thực là đẹp. Nhưng Hân chẳng còn bụng dạ nào để ý tới. Tâm trí anh còn bề bộn bao điều.

                                          ***

 ( còn nữa ..)













Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: