Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Xứ Thanh đang “có biến”!


Hồng Quang/congluan.vn
DNO - Mối bất hòa giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa với Sở Xây dựng tỉnh này trong thời gian qua đã tạo nên ma trận thông tin trên mặt báo. Bên bảo đúng, bên nói sai nhưng điều mà dư luận nhìn thấy rõ ràng là “Xứ Thanh đang có biến”. Không biết lúc này, chính quyền tỉnh Thanh Hóa nghĩ gì khi mỗi lúc lại lộ ra thêm  sai phạm to như “con voi.”

Cả “núi” công trình không phép

Khởi đầu cho cuộc chiến công văn giữa Hiệp hội Doanh nghiệpThanh Hóa (HHDN) là vụ doanh nghiệp Huy Lâm tố Sở Xây dựng Thanh Hóa trả đũa sau khi tố cáo Sở này cố tình không cấp phép xây dựng cho dự án Khu bể bơi dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi thị trấn Kim Tân huyện Thạch Thành. Đại diện Sở Xây dựng Thanh Hóa khẳng định mình không “trả đũa” doanh nghiệp nhưng với những chứng cứ doanh nghiệp Huy Lâm cung cấp cho báo chí, cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa thì dường như “tố cáo” này là có cơ sở.

Để có cái nhìn khách quan về chất lượng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần phải điểm mặt những công trình gây nhức nhối dư luận. Điển hình là Khu nhà ở chung cư Tecco Towers 21 tầng (TECCO), có địa chỉ tại Lô CC2, Khu tái định cư đường vành đai Đông Tây, phường Đông Vệ đang xây dựng nhưng chưa đủ thủ tục hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động quản lý xây dựng thẩm định, cấp phép.

Nhưng không hiểu lý do gì, phía Sở Xây dựng Thanh Hóa lại “xé rào” cấp phép xây dựng cho chi nhánh Cty CP Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới tại Thanh Hóa làm chủ đầu tư tiến hành xây dựng công trình chung cư TECCO 21 tầng. Rồi hàng loạt trụ sở UBND xã ở tỉnh Thanh Hóa được xây dựng, thậm chí đưa vào sử dụng mà không hề có thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Đó là chưa kể tới nhiều công trình xây dựng to đùng ở tỉnh này mà Sở Xây dựng Thanh Hóa đã buông lỏng quản lý, có dấu hiệu “bật đèn xanh” đã bỏ bước bắt buộc là xin phép xây dựng. Điểm mặt qua những công trình trên để thấy trách nhiệm của ông Đào Vũ Việt Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, cũng như năng lực yếu kém của ông Việt đã để tràn lan nhưng công trình xây dựng trái và không phép.

Làm trái quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt

Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có Quyết định số 1982/QĐ – UBND ngày 10/6/2016 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho liên danh Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – Sông Chu ( Công ty Anh Phát – Sông Chu) làm chủ đầu tư. Mặc dù mới có Quyết định chấp thuận, chưa được cấp phép xây dựng, nhưng Công ty Anh Phát – Sông Chu đã khởi công.

Để làm sáng tỏ vụ việc trên, phóng viên mục sở thị công trình, và đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Mai Lâm và lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia được biết: “Chính quyền chưa nhận được thông báo khởi công? Lại một công trình không phép nữa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được khởi công mà không cần có giấy phép xây dựng, chính quyền cấp xã, huyện và thậm chí Sở Xây dựng dường như bị tê liệt. Nhưng đó chưa phải là sai phạm nghiêm trọng nhất.

Trong quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ở Khu kinh tế Nghi Sơn không có nhà máy nước Anh Phát – Sông Chu, tính pháp lý duy nhất của công trình này chỉ là Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngay cả Quyết định chấp thuận này cũng đã và đang làm “nát” quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nguy hiểm hơn là Nhà máy nước Bình Minh đang hoạt động theo đúng pháp luật, quy hoạch của Thủ tướng đang cung cấp đủ nước cho Khu tế Nghi Sơn, đang xây dựng tiếp giai đoạn 2, giờ đứng trước nguy cơ phá sản. Việc tỉnh Thanh Hóa quyết định “bừa” thêm Nhà máy nước Anh Phát – Sông Chu, đồng thời có văn bản xin cơ chế đặc thù: hạ chị tiêu nước, trợ giá… cho Nhà máy nước Anh Phát – Sông Chu gửi cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã làm xấu môi trường đầu tư xứ Thanh, đến nỗi, ông Kazutoshi Shimmuara Tổng Giám đốc Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn buộc phải có văn bản bác bỏ những yêu cầu vô lý này.

Cả trăm tỷ đồng ngân sách bị “thiêu rụi”

Đó là tiền mà UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư cho dự án xây dựng hệ thống đường cấp nước thô ở Khu kinh tế Nghi Sơn đã thất bại toàn diện sau nhiều lần đội vốn. Mục tiêu đầu tư là đưa nước thô từ hồ Yên Mỹ (Như Thanh) về hồ Đồng Chùa (ngay sát Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc về nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ phục vụ KKT. Ngày 23/4/2007, UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt đầu tư dự án với tổng mức ban đầu là 85 tỉ đồng cho tuyến cấp nước dài 22,23km.

Sau đó chừng 1 năm, UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 121,37 tỉ đồng, rồi đến tháng 7/2008 lại quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 150,8 tỉ đồng. Lý do tăng đầu tư cũng tương tự như lần trước là do thay đổi về giá vật liệu, do tính toán ban đầu chưa chính xác… Thế nhưng, tháng 2/2011 vừa chạy thử đường ống sợi thủy tinh và lõi tre này đã vỡ toang.

Hiện nay đường ống “tai tiếng” này vẫn vứt thành đống ở Khu kinh tế Nghi Sơn gây bức xức trong nhân dân. Cả trăm tỷ đồng ngân sách bị mất mà không có một cá nhân, hay tổ chức nào tỉnh Thanh Hóa phải chịu trách nhiệm, không kỷ luật nghiêm bởi vụ việc có nhiều dấu hiệu hình sự. Tiền thuế dân đã trôi mất theo quyết định thiếu khoa học và thiếu trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa. Nghiêm trọng như vậy mà vẫn “hòa cả làng”?.

Bộ máy chính quyền có vấn đề

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016. Ngày 18/7/2016, báo chí đưa tin Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Hải và bà Hoàng Thị Yến giữ chức Phó Giám đốc Sở NN&OTNT, trong khi Sở này đã có 8 Phó Giám đốc.

Dư luận cho rằng việc bổ nhiệm là trái với quy định hiện hành và có biểu hiệu của lợi ích nhóm. Tuy nhiên đó chưa phải là những con số cuối cùng cho sự kỳ quặc trong công tác nhân sự ở xứ Thanh. Theo tài liệu chúng tôi có được thì nhân sự ở Sở Y tế cũng đang có nhiều vấn đề cần thanh tra làm rõ, đơn cử như Phòng nghiệp vụ Y tế có 6 người thì 1 trưởng phòng, 5 phó trưởng phòng và 1 chuyên viên. Và còn rất nhiều những trường hợp kỳ là như vậy ở bộ máy chính quyền tỉnh Thanh Hóa, nếu Bộ Nội vụ làm quyết liệt đến cùng. Thừa một cấp, trưởng, phó dù chỉ ở cấp phòng cũng ngốn trái phép tiền ngân sách của nhà nước.

Nêu lên những thực trạng như vậy, để thấy phần nào nguyên do sai phạm diễn ra ồ ạt và “tấp nập” ở tỉnh Thanh Hóa trên nhiều lĩnh vực thời gian qua. Đặc biệt là xây dựng, môi trường đầu tư và công tác nhân sự. Hiếm có tỉnh nào HHDN buộc phải lên tiếng kêu khổ lên Thủ tướng vì bị chính quyền o ép và làm xấu xí môi trường đầu tư như Thanh Hóa. Bởi lẽ, doanh nghiệp vốn chỉ muốn có mối quan hệ tốt với chính quyền để được yên thân làm ăn và đóng góp cho ngân sách. Nhưng xem ra ở tỉnh Thanh Hóa “giọt nước đã tràn ly”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: