Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Tư liệu:

Báo Việt Nam rút bài về Nguyễn Hữu Đang

BBC
Image copyrightARCHIVES
Image captionNhân vật Nguyễn Hữu Đang vẫn đang gây tranh luận
Một tờ báo ở Hà Nội vừa gỡ bỏ tư liệu vừa đăng tải về ông Nguyễn Hữu Đang, trụ cột của phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Hôm 5/8, báo điện tử Dân Sinh thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội gây bất ngờ khi khởi đăng loạt bài 30 kỳ với chủ đề ‘Nguyễn Hữu Đang – Bi thương và cay đắng’.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, báo này đã gỡ bài. BBC chưa liên lạc được với tổng biên tập báo để làm rõ nguyên nhân.
Giới thạo tin ở Hà Nội cho hay ông Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Dân Sinh, có thể bị kỷ luật vì đăng bài tư liệu này.
Hôm 6/8, ông Phong nói với BBC sở dĩ ban biên tập quyết định đăng bài về ông Nguyễn Hữu Đang vì tin rằng ông Đang “là nhân vật mà mọi người muốn tìm hiểu, nghe nhiều về ông”.
“Chúng tôi quyết định đăng tư liệu về ông Đang nhân dịp Cách mạng tháng 8 vì cuộc đời của ông có nhiều nỗi niềm trong giai đoạn này”.
Loạt bài dự định sẽ kéo dài kỳ này được trích từ cuốn sách ‘Người đeo lục lạc’ chưa ấn hành của nhà văn Võ Bá Cường, tác giả cuốn sách ‘Chuyện tướng Độ’ do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2007.
Loạt bài được viết theo dạng ‘tiểu thuyết tư liệu’, theo đó nhà văn tiếp xúc với những nhân vật thật và tư liệu để xây dựng lên câu chuyện ‘có một phần yếu tố hư cấu nhưng gần với đời sống’.
Khi được hỏi có quan ngại việc loạt bài về ông Đang có thể bị Bộ Thông tin – Truyền thông tạm dừng giữa chừng hay không, ông Phong nói: “Tôi tin là sẽ không có ai ngăn cấm đăng bài về ông Đang. Báo chí ở Việt Nam không có kiểm duyệt. Chúng tôi có quyền lựa chọn nhân vật và câu chuyện để đăng. Và chúng tôi chịu trách nhiệm về những gì mình đăng tải”.

Nhân vật tranh cãi

Nguyễn Hữu Đang là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Là cột trụ của phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông Đang đã bị bắt, bị cầm tù, quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 59 năm, từ tháng 4/1958 đến tháng 2/2007, khi ông mất.
Lâu nay, các tư liệu về ông Đang cũng như những nhân vật khác trong phong trào Nhân văn Giai phẩm bị cho là chủ đề ‘cấm kỵ’ trên mặt báo.
Trong lời mở đầu về loạt bài, báo Dân Sinh mô tả “Nguyễn Hữu Đang có một số phận đặc biệt:
Từ người dựng lễ đài, Trưởng ban tổ chức Lễ Độc Lập, để ra mắt quốc dân đồng bào Chính phủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, là người đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài, nâng ấn kiếm của chế độ phong kiến lên cho Cụ Hồ để Cụ Hồ tuyên bố: “Lưỡi kiếm này để trừng trị những tên hại dân, phản quốc”.
Vậy mà sau đó, Nguyễn Hữu Đang lại “vướng” vào vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, bị kết án tù 15 năm, ra tù tiếp tục bị quản thúc hơn 15 năm nữa. Cuối đời, Nguyễn Hữu Đang được phục hồi chế độ “Lão thành cách mạng”. Câu chuyện Nguyễn Hữu Đang mang đến cho chúng ta rất nhiều chiêm nghiệm và những bài học thấm thía…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: