Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

TÌM TÌNH

H G
( Vừa đi..vừa lảm nhảm )

Phật lịch năm 2556, Hùng Vương lịch 4888.
Dương lịch kỷ thứ hai mươi mốt..
Thứ bảy ngày 5/8 hay ngày 17 âm, năm con rồng lộn.
Một ngày Thăng Long nóng kinh người. Nhiệt độ ngoài đường có chỗ xấp xỉ ba chín độ hoặc hơn. Nắng đến đỗi nhựa đường xùi lên dính cả vào lốp xe. Lớp khí mặt đường  dập dềnh như ngọn lửa không màu. Lại chen chúc những người là người kề vai thích cánh trong cuộc kiếm tìm miếng cơm, manh áo, đồng tiền. Cảnh ngộ kể không biết sao để nói. Nỡm bật cười một mình nhớ lại cách đây ít phút. Lúc đấy ngồi buồn chờ chủ nhà vừa mới ngủ dậy tráng mặt, pha nước. Có tay nhà thơ nào đó viết một bài thơ dài. Thơ thì không hay lắm, nhưng ý tưởng rất là ngộ ngĩnh. Y nói về giấc mơ vơ vẩn của y. Mơ rằng ước gì ngủ dậy sau một đêm Hà Nội biến thành Ba Lê, kinh đô của Pháp quốc Tư bổn, cực kỳ thối nát về chế độ, nhưng môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa và cả môi trường đạo lý, môi trường học tập lại vô cùng thân thiện.. vẫn còn khối điều hơn hẳn ta, khiến cho ta phải lác mắt, rỏ rãi thèm thuồng. Rồi y lật lại vấn đề giả sử sau một đêm, Ba Lê biến thành Hà Nội của ta thì sao nhỉ?  Chắc là người Pháp sẽ phải di tản đến một thành phố khác. Không phải người Pháp nào cũng chịu nổi vẻ bát nháo chi khươn như ở đây. Ngoài đường trừ các bà các ông ngồi xế hộp, còn người xe máy, xe đạp và cả người đi bộ đều bưng khẩu trao kín mặt, chỉ hở hai con mắt để dò đường, như thám tử bịt mặt, hoặc quân khủng bố. Nhiều lúc đàn ông đàn bà, già trẻ cũng khó phân biệt vì các kiểu thời trang nhố nhố nhăng nhăng, màu da mầu tóc. Tỷ dụ người già tóc đen rưng rức nhờ nhuộm lại trong khi đó đám trẻ ranh lại thích vài ba chòm tóc trắng bạc xung quanh đầu theo nhiêu mốt mới.
Ngay hồi chiến tranh phá hoại của người Mỹ cũng không bụi bặm, khó thở như bây giờ. Thời ấy thành phố chưa đến ba triệu dân. Hầu hết lại đã đi sơ tán về các vùng quê cả. Chỉ có rất ít người có “trách nhiệm”, chức năng mới ở lại thành phố. Nhờ thế thành phố những lúc không bị không kích rất vắng vẻ, thanh bình. Có lúc còn nghe rõ cả tiếng lá rơi trên vỉa hè. Lấy đâu ra xe máy ô tô nhiều như bây giờ?
 Được cái dân thủ đô ngày nay chịu khổ lâu rồi, dần dần hóa quen. Như truyền thống ngàn năm tằn tiện và cam chịu. Có chịu thêm nữa cũng chả sao. Chả gì bằng ù lì, nhẫn nhịn là cái kinh nghiệm đời cha truyền xuống đời con. Thế hệ này trao cho thế hệ khác.

Phải có đến hàng vạn chiếc xe liên tục xả ra hàng ngàn tấn khí độc hại ra thành phố mỗi ngày. Chả thế nước da của người thành phố không đỏ đắn, sáng màu như người chỗ Nỡm. Trắng thì trắng thật, nhiều mỹ phẩm trắng da dùng hàng ngày sẵn sàng như thế, không trắng có mà là da trâu, là da bò hay sao? Chưa kể đến các loại máy cạo lông hiện đại đang rao bán khắp các siêu thị, nhà hàng.
Nhờ võ vẽ chút thuốc nam, nhìn người, Nỡm biết. Người thành phố rất ít người vô bệnh tật. Không béo phè béo phẹt cũng gút, cũng tiểu đường.. Không gan thì mật, không trong ruột cũng ngoài da. Nói thành phố của bệnh hoạn thì hơi quá. Nhưng quả thật người thành phố ngày nay sức khỏe rất có vấn đề.  Chưa kể nhìn nét mặt biết ngay nhiều ông bà bị trầm cảm, tâm thần không nhiều thì ít, đều có sự tổn thương. Nếu đồng loạt chạy chữa không biết bệnh viện tâm thần lấy đâu ra giường?
Còn biết bao nhiêu bệnh kín, bệnh hở, đã và chưa đi xét nghiệm? Người ta nói nhiều đến bệnh sida, nhưng số người vong mạng các loại bệnh khác còn lớn hơn rất nhiều lần.. Thống kê cho đầy đủ các loại tai vạ có lẽ phải viết hẳn cuốn sách dày tương đương cỡ như tiểu thuyết “Vỡ Bờ” của cụ Nguyễn Đình mới tàm tàm đủ!!
Nhưng người Hà Nội lại cũng nhiều khát vọng..
Trong các các tạp chí bán chạy nhất bây giờ là tạp “Vàng&Tiền”. Lúc còn ngồi trong nhà, Khảo Cứu đưa cho Nỡm một tờ mới nhất, như thể muốn khỏe với Nỡm sự nhanh nhạy, thời thượng của mình.
Y giở cho Nỡm vào ngay trang nói về các lâu đài nạm vàng trên thế gian này. Một tay người Hán, ngụ ở Hồng Kông có cái tên là Sai Wing nào đó giát vàng lâu đài của y gần bảy tấn vàng. Kinh khủng khiếp nhất là cái bồn cầu vàng nguyên khối nặng hai tấn rưỡi. Không hiểu sự khác nhau khi ngồi ị cái bồn cầu bình thường với cái bằng vàng nguyên khối này như thế nào? Cái cục phân hẳn sẽ thơm chứ không thối nữa! Nếu không thế phí phậm cả đống vàng vào đó làm gì? Thời gian khủng hỏang vừa rồi, y tạm gỡ hơn một tấn vàng 24kara ở những nơi không cần thiết, nhưng dứt khoát không đụng đến cái toalet của mình.
Nỡm chợt nhớt đến bà thím mình ở quê cưới con gái. Hai vợ chồng chú thím phải đi cầm sổ đỏ sắm cho cô em họ ba chỉ vàng bước lên xe hoa. Mới biết giàu nghèo bây giờ cách nhau đến nửa vòng trái đất, như địa ngục và thiên đường.
Sự đời kể từ thời đức vua Hùng dựng nước tới nay, bao giờ cũng vậy, có “ổn” mới “yên”, mới thành “Yên ổn”.. Chỉ nghĩ đến đấy thôi đã thấy sợ, thấy buồn..
**
Không phải lối đi của con người.. Không phải đường, không phải ngõ, càng không phải hẻm. Một cái gì đó giống như cái hang, rất hẹp và dài, hai bên tường cao vài mươi mét. Chỉ lọt vừa vặn một chiếc xe Drem. Mỗi bên tay lái chỉ cách hai bên tường vài milimet. Người tay lái non, run tay rất có thể đánh lửa bằng đít, bằng vai. Đường như thế tất nhiên là đường một chiều cho mỗi một người. May, Khảo ra vào khu này nhiều nên quen không bị đánh lửa lần nào. Nỡm không ngờ trung tâm kinh thành lại có một lối đi như thế. May nữa, giờ là thời hiện đại! Giả dụ thời trước đi lại bằng voi, bằng ngựa, hay ngồi kiệu chắc hẳn không qua lại được chỗ này.
Khảo bảo:
- Nói dại, nếu xảy ra hỏa hoạn, động đất lối đi như thế này chắc chết!
Nỡm không nói, vì y sợ chứ không phải không nghe thấy. Chỉ cần ông bạn vàng cao hứng, thiếu tỉnh táo là cả hai rất dễ bị lỗ mũi ăn trầu, hay vai bở như dưa ngay. Y thừa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tình huống tên bạn vừa nói. Người sẽ đạp lên nhau, cả kẻ mạnh đến người yếu khó lòng sống sót. Dân mình chứ đâu phải dân Nhật mà bảo bình tĩnh chờ đợi nhau, nhường nhịn nhau, giúp dập nhau.. trong cơn hoạn nạn?
Nhờ trời vẫn còn thương vạn dân khổ sở, điều đó chưa xảy ra!
Nói là đi “bia cỏ”, có gặp gỡ một số văn nhân cao cấp của Hà thành, sao lại đi lối này? Chẳng hay các vị ấy giờ đây ở ẩn, ở tút lút mãi phía bên trong cuộc đời, bên ngoài hiện thực của văn minh xã hội?
Hóa ra không phải. Vào để đón một vị nữa cùng đi. Một nhà chiêm tinh học, kiêm nhà thơ vừa mới nổi, nhờ một nhà tài trợ khá đặc biệt. Thời buổi kinh tế nói mẹ ra là phá sản, xuống dốc. Chả cần văn hoa “Suy thoái”, “Suy trầm”, dài dòng văn tự làm gì. Vậy mà ông trùm công ty đó xuất hẳn mấy chục triệu cho nhà thơ in sách, lại in theo chuẩn cao cấp, giấy trắng, bìa đẹp và dầy với số bản khá đông! Nỡm cũng được nhà thơ tặng cho một cuốn. Thơ thuộc loại khá hay. Ngôn từ đèm đẹp vào hạng “hai không, bốn tốt”.
Nhà chiêm tinh ngoài việc bấm độn, xem lá số tử vi, còn có hiểu biết về phong thủy khá sâu sắc. Ông vừa lên Tây bắc về sau cuộc xem xét phong thủy cho một tượng đài sắp sửa được dựng nay mai. Tỉnh đó mấy năm trước xây tượng đài kỷ niệm chiến thắng lẫy lừng thế giới. Làm thế quái nào đấy, mới khánh thành được mấy hôm thì bị nghiêng, suýt đổ. Chúa tỉnh và tỉnh trưởng bị một phen tái mặt. Có bảy vía tán mất năm vía, cả năm sau mới hoàn hồn, mới tụ lại được các vía thất lạc. Cả hai bị khiển, suýt nữa bị về quê phụ một tay mẹ đĩ chăn gà.
Đó là bức tượng bằng đồng, tầm cỡ chưa từng thấy của quốc gia. Nó nặng đến nỗi đường lên Tây bắc xa xôi không có phương tiện nào thích hợp. Phải chọn giải pháp chở bằng tàu thủy, “tăng bo” qua thủy điện sông Đà bằng cần cẩu ngoại cỡ của nước bạn Liên Xô để lại từ thời bao cấp, đi một khúc nữa đến bến vào nông trường Chiềng Sung. Từ đó hai xe đại xa kết với nhau đưa thêm hàng trăm cây lô mếch vào địa điểm. Công phu như thế hỏi tính chất của nó sao lại không nghiêm trọng?
Hồi ấy Nỡm đang công vụ ở khu này nên biết khá rành rẽ. Chuyện ồn ào cả nước, đủ loại phượng tiện. Báo nói, báo in, báo hình. Thôi thì cứ như biến cố kinh dị, động đất, sóng thần xảy ra!
Cho nên lần này chúa tỉnh rút kinh nguyệt. Rất ư là thận trọng. Nhà thơ nhờ thế mà có giá trị, được quan tâm, chú ý, ưu đãi đặc biệt. Không cần nói thêm, mọi người chắc cũng biết. Có được những ân sủng ấy, không phải nhờ “giá trị văn chương đích thực” của anh ta. Cái chính là nhờ vào cái tài lẻ, nửa công khai, nửa bí mật của thuật chiêm tinh kết hợp kinh nghiệm phong thủy của nhà thơ. Phàm là những người làm kinh doanh thường chu đáo, tính đếm từng đồng. Mấy ai ném tiền qua cửa sổ để “ Tôn vinh văn hóa đọc” một cách rộng rãi như thế?
**
Chủ nhà bảo :
- Các pak đã đến đây thì ở lại đây! ( Ý ngầm là bao giờ tốt lá, xanh cây mới về! ) Thế thì chết bỏ mẹ. Mình đâu có nhàn tản? Lại lỡ mất cuộc gặp cụ Kh. Một người mà Nỡm đặc biệt kính trọng. Cuộc đời cụ thật gian nan. Hồi trẻ đã có lần Y gặp cụ ở ngõ Bảo Khánh, cổng sau bệnh viện VĐ. Cụ đi cùng với một đoàn người thuộc chi hội “té me”. Mỗi tháng một lần, gặp gỡ trao đổi với khoa huyết học của bệnh viện này. Chả có nghiên cứu khoa học hay bàn soạn chuyên môn gì hết. Chi hội chầu trực đổi máu lấy cơm ăn. Đấy là  thời cuộc khốn khó nhất trong cuộc đời cụ. Người ta bảo đói ăn vụng, túng làm càn. Nhưng kẻ sĩ ngay cả lúc khốn khó nhất cũng không thể làm theo thói thường ấy được. Cứ mỗi tháng hai kỳ, một ở Hà Nội, một Thái Nguyên, hay Bắc Ninh gì đó. Bán máu của mình mà sống qua ngày, mà mua sách vở, tài liệu, mà viết những dòng bất hủ người đương thời bây giờ ca tụng.
Đó là cái hồi Nỡm làm gia sư cho một ông lớn ngõ Hành Hành. Y chỉ biết rất sơ sài về cụ. Theo cái nhìn chính thống lúc bấy giờ, thấy cụ y còn có chút kỳ thị. Một tình cảm khốn nạn mà về sau y phải lấy làm hối tiếc. May mà cụ không biết được ý nghĩ lúc bấy giờ của y. Cụ còn bao nhiêu chuyện cần quan tâm, để ý đến thằng nhãi nhép, vô danh tiểu tốt như y làm gì? Cũng may, Cụ về già “Tài vượng lão lai”. Có người nói với Nỡm “ Cụ í khoe, suốt cuộc đời cầm bút của cụ ấy đến nay đã được “tổng tiền nhuận bút” ngót nghét một tỷ!”. Số tiền ấy so với các công việc khác thời nay chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Người ta kinh doanh bạc tỷ mỗi năm là chuyện hết sức bình thường. Chưa kể bọn ăn lúa ăn mạ, chỉ vài ba tháng kiếm trăm tỷ, ngàn tỉ như bỡn!
 Nhưng sự khác ở đây đó là tiền sở hữu tài năng, trí tuệ mà có nó. Nó là tiền xương máu, tiền vía, tiền hồn. Sang trọng và giá trị gấp trăm vạn lần những thứ tiền khác theo kiểu một miếng giữa làng chính đáng, không cãi vào đâu được!
Bỏ lỡ một cuộc gặp như thế là một thất bại trong đời. Nhưng biết làm sao khi chủ nhà không muốn đi nơi khác. Ông ta bảo vợ nướng cho mấy con mực. Lại hỏi bia hay rượu nào? Khảo bảo uống bia cho nó lành. Nỡm có thích thì dùng rượu. Mao Đài hay Nã Phá Luân cổ rụt có cả. Nhà lý số đang được mùa mà.
Nhà thơ khoe vừa cùng với ông X, ông P đi khuyến thiện về nên mệt không muốn ra ngoài. Hỏi từ thiện ở đâu? Nói Ông TV vừa ốm. À cái ông nhà thơ tính cách rất đặc biệt ấy nỡm có lần đã gặp, cũng qua Khảo dẫn đi. Ông bán nhà mặt phố vào lang, rồi lại bán nhà trong làng vào trong ngõ sâu. Rượu tít cung mây, thơ như ma làm, đọc câu nào sướng câu ấy. Người ấy đau ốm, anh em đến hỏi thăm, chia sẻ là rất phải. Nói cho cùng bạn văn với nhau chả có gì đáng giá bằng tình tri kỷ. Mọi thứ khác chẳng là gì.
Nhân bàn chuyện sướng khổ ở đời.Chiêm tinh hỏi:
- Hai pak có đọc kinh dịch không?  Cái quan trọng nhất để dẫn đến thành công hay thất bại ở đời là “Thời” và “Vị”. Nhiều người tài năng xuất chúng không gặp thời, không có vị cũng chẳng nên trò trống gì. Gia Cát Lượng hô mây hoán vũ, tài thao lược không ai bì, rút cục cũng không cứu vãn được cơ đồ nhà Hán. Hay cụ Phan Chu trinh ở ta, trí lự hơn người, nghĩ ra con đường tồn vong, cứu nguy dân tộc mà “thời” không gặp, “vị”không có cũng đành uổng một đời!
Nỡm bảo:
- Chuyện thời thế lúc này phức tạp bỏ mẹ, nói ra dễ bị “Nhạy cảm”. Cái nhà bác họ TH. ấy vừa bị người ta gõ cửa. Thơ gì mà gay gắt, đụng chạm qúa, không khéo còn khốn nữa.. Thôi cứ chuyện thơ cho nó lành!
Nhà lý số cười nhạt. Ý chừng ông ta muốn bảo: “ cầm bút mà lẩn tránh thời cuộc, không dám ngẩng mặt nhìn thẳng vào sự thật thì viết cái con mẹ gì?”
Khảo bao giờ cũng biết cải thiện và lèo lái tình hình. Nói ngay:
- Hôm trước tôi với ông vẫn chưa ngã ngũ tranh luận  về sự thành công hay thất bại của thơ. Hôm nay ông nói rõ hơn về cái TINH, cái THẦN. cái KHí và cái HỒN cuối cùng nó là cái gì, mối liên hệ giữa chúng ra sao?
- Thì cứ cụng cái đã, rồi sao thì sao. Cái này chẳng qua là ý của riêng tôi. Luận triết thì nói thế, chứ thằng nào dạy được thằng nào? Chẳng qua là ăn may, tập thơ của tôi vừa rồi vào tý giải chứ mình tài cán gì. Đừng bắt tôi đóng vai thầy bà gì. Biết đâu nói đấy thôi..

Trước lúc cùng Khảo đến đây, Nỡm gặp một nhân vật nom dáng kỳ dị. Y ngồi rất lâu dưới gốc cây đa già, phía sau tượng đài “Thủ đô kháng chiến”. Đó là pho tượng tạc mấy anh vệ quốc đoàn đang ôm bom ba càng lao về phía quân thù. Một thời kỳ lãng mạn đơn sơ trong ký ức mọi người. Thời đó đầu óc người ta thanh thản, ý chí hào hùng, bất chấp hiểm nguy vì tin vào lý tưởng sáng ngời mà dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể hình dung cụ thể rồi đây nó sẽ ra sao? Không bức bối, trầm ngâm như bây giờ.
Nhân ấy ngồi chăm chú đọc sách. Nỡm không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy tên sách ghi ở bìa : “ Lao động nhà văn”. Sách này in từ bốn mươi mấy năm trước, từ khi Nỡm còn chưa chập chững vào đời. Giấy in là thứ giấy đen xỉn, gáy sách đã sờn. Cứ tưởng loại sách lý luận văn học ấy bây giờ không còn ai đọc. Vậy mà nhân này đọc rất say sưa. Thỉnh thoảng nhân này gỡ cặp mắt kính dày như đít chai đặt sách lên cái rễ cây xù xì nổi gồ trên mặt đất. Có lẽ đây cũng là một kiểu thằng rồ. Có khi học cho lắm vào, chữ nghĩa ám, giờ không giống ai. Cũng có thể nhân ấy nghiện. Nỡm biết có nhiều người, kể cả bản thân y, cũng mắc nghiện đến nỗi trước lúc đi ngủ phải đọc vài trang sách, giấc ngủ mới say nồng. Trong mọi thứ nghiện ngập, có lẽ cái sự nghiện này không bị người đời lên án. Nỡm đoán tay này ít nhiều có viết lách, nếu không sáng tác cũng làm lí luận văn học. Nhìn cái mặt ngơ ngơ, đôi mắt như để trên thiên đình của nhân ấy, thì biết. Bà hàng chè chén cơ động đã sắp sửa dọn hàng về mà nhân ấy không chú ý. Bà chỉ bán đến tầm ba giờ chiều.Buổi tối bà bảo đi chỗ khác, ở đây ban đêm không được sáng và ít an toàn. Nhân ấy khẩn khoản bà ngồi lại thêm chút nữa. Nhân bảo: “ Về nhà giấc này nóng như ở trong chum dấm chuối. Ngồi đây nhờ có chút hơi mát dưới hồ tỏa lên nên đỡ hơn”. Bà cụ không nói gì nhưng đứa cháu gái cứ cầm cái chổi quét thu lá đa rụng quanh đấy. Hình như người này cũng sợ bụi như Nỡm, vội vàng trả tiền, cum cúp ôm cuốn sách trước ngực. Cuốn lí luận văn học cũ mèm, Nỡm từng đọc và thấy trong đó ẩn chứa nhiều điều không ổn. Nhất là gần đây, chủ nghĩa lí luận văn học không được thế giới tán thành và hâm mộ. Cái đẹp của văn chương không thể mổ xẻ như mổ tử thi. Mọi thứ lí luận đều khập khiễng và không bao giờ đủ. Nó là thứ hương thơm, ánh sáng chỉ có thể cảm nhận chứ không thể kẻ vẽ bằng những đường nét sơ sài của mọi thứ lí luận nói chung..
Đúng là ngày có Văn xương, văn khúc trực chỉ. Đi chỗ nào cũng thấy lí luận, nghe cứ mụ cả người. Tinh với chả vi, nghề nào không cần? Không nghệ tinh thì thân vinh thế chó nào được? Rồi còn cái THẦN, cái KHÍ nữa. Văn học nước mình còn lâu mới đủ tư cách bàn đến chuyện này. Người làm sao chiêm bao làm vậy. Văn nhân nước mình xem ra còn thảm lắm. Thảm về nhiều mặt, mấy ông có “khí”? Có “Phách” như người ta mong mỏi bây giờ? Kể cả Nỡm nữa. Ta cũng là một tên hèn, một tên đểu về nhân cách. Câu đáng nói có há miệng ra được đâu? Chữ đáng viết vẫn chưa thấy viết. Vẫn cứ dối lòng mình chờ đến “Thì tương lai, bây giờ chưa phải lúc”. Nhưng thì ấy là nào? Bao giờ tới?

Chuyến đi này Nỡm muốn đi TÌM TÌNH. Không chỉ riêng cái tình trai gái mới gọi là tình. Còn nhiều cái tình lắm, hầu như Nỡm còn thiếu rất nhiều. Y muốn trước hết hẵng tìm chốn bạn bè, người quen. Sau đó về quê hương bản quán. Nếu không được thì ra những chỗ như chỗ gốc đa, gần tượng đài ban nãy. Gặp một thằng rồ chữ cũng được. Còn hơn là trống trải, hoang vắng trong não trạng và trong tâm trạng đến thế này!
Khảo và nhà chiêm tinh hình như không nhận ra thái độ thờ ơ của Nỡm. Hai ông ấy đang đến cái đoạn Mai a.. hay là Sô Lô Khốp thì phải..
======



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: