Biên dịch: Đặng Thị Phương Thảo & Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Trung Quốc lại một lần nữa bị kìm kẹp trong sự sợ hãi chưa từng xảy ra kể từ thời Mao Trạch Đông. Từ phòng họp kín của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến giảng đường của các trường đại học và văn phòng của lãnh đạo các cơ quan, bóng ma của những lời buộc tội khắc nghiệt và những hình phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn đang rình rập giới tinh hoa chính trị, học giả và doanh nhân Trung Quốc.
Rất dễ dàng để nhận ra nỗi lo sợ đang lan tràn. Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng không khoan nhượng của Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động vào tháng 12 năm 2012, việc bắt giữ các quan chức chính phủ đã thành chuyện thường ngày, khiến những người đồng nghiệp và bạn bè của họ đều cảm thấy run sợ.
Giới chức cao cấp cũng chẳng được bảo vệ là bao, như 146 “con hổ” (những quan chức giữ những chức vụ tương đương bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh) mới mất chức đã nhận ra, họ thường bị hất cẳng mà không hề được cảnh báo. Thậm chí một cụm từ mới đã được bổ sung vào từ điển thuật ngữ tiếng Trung để miêu tả sự rớt đài đột ngột khi đang được trọng thị: “miểu sát” (秒杀), hay “giết ngay tức khắc”.
Nhưng nỗi lo sợ thậm chí còn tác động mạnh hơn tới các quan chức cấp thấp hơn, được minh chứng bằng số lượng các báo cáo tự tử (của giới chức này) ngày càng tăng. Truyền thông đã xác nhận có 28 trường hợp vào năm ngoái, cho dù con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Lo ngại về xu hướng này, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại đang giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng địa phương thu thập số liệu về các vụ tự tử của quan chức chính phủ kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu.
Không chỉ những kẻ tội phạm mới phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Với việc thường xuyên phải thông qua những dự án và yêu cầu có khả năng khơi gợi nghi ngờ, bộ máy hành chính của Trung Quốc đang tê liệt vì sợ hãi.
Ngoài bộ máy hành chính, các học giả, luật sư nhân quyền, blogger và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng phải chịu trận. Ở các trường đại học, chính phủ chiêu mộ những người cung cấp thông tin tố cáo các giáo sư tán thành các giá trị tự do trong bài giảng; nhiều học giả lên tiếng thẳng thắn đã bị mất việc. Hàng trăm luật sư nhân quyền đã bị sách nhiễu và bắt giữ.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bị mất tích tạm thời, có lẽ là bị giam giữ bởi các nhà điều tra chống tham nhũng. Một trong số những trường hợp nổi trội nhất là vụ việc của ông trùm Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), người giàu thứ 17 ở Trung Quốc với tổng tài sản trị giá hơn 7 tỉ đô. Ông Quách đã bị bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái để “hỗ trợ một cuộc điều tra tư pháp”, và rồi ông xuất hiện trong cuộc họp thường niên của công ty một vài ngày sau đó mà không có lời giải thích nào được đưa ra.
Nhưng có lẽ ảnh hưởng đáng báo động nhất mà sự trở lại của việc cai trị dựa trên nỗi sợ hãi ở Trung Quốc gây ra là điều này đang gây ảnh hưởng tới ngay cả người ngoài. Không chỉ giới báo chí phương Tây, đại diện các tổ chức phi chính phủ và các giám đốc điều hành người nước ngoài đang sống trong nỗi sợ hãi, mà ngay cả các giám đốc điều hành, các nhà xuất bản và các biên tập viên ở Hồng Kong, những người không phải chịu quyền tài phán của Trung Quốc theo như thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” cũng phải đối mặt với điều này.
Năm 2013, một công dân Anh bị tuyên án 2,5 năm tù vì những cáo buộc mơ hồ liên quan đến công ty cung cấp dịch vụ điều tra ChinaWhys của mình; một năm sau, vợ ông và là đối tác kinh doanh, một công dân Mỹ sinh tại Trung Quốc, cũng phải nhận bản án hai năm tù vì những cáo buộc tương tự. Tháng 12 năm ngoái, một nhà báo người Pháp bị trục xuất khỏi Trung Quốc vì một bài báo về cách chính quyền đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Một tháng sau đó, nhân viên một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển cũng bị trục xuất, sau khi bị bắt và buộc tội “de dọa cho an ninh quốc gia”.
Những tập đoàn khổng lồ của phương Tây, từng được chính phủ Trung Quốc săn đón, hiện giờ cũng lo sợ những cuộc khám xét bất ngờ từ phía cảnh sát và các cuộc điều tra chống độc quyền. Hãng dược phẩm khổng lồ Glaxosmithkline đã bị phạt 500 triệu USD vào năm 2014 vì hành vi tham nhũng, một trong những khoản tiền phạt doanh nghiệp lớn nhất được Trung Quốc đưa ra. Công ty sản xuất chip điện tử Mỹ Qualcomm cũng từng phải chi ra gần 1 tỉ USD tiền phạt cho Trung Quốc vì hoạt động kinh doanh “độc quyền” vào năm ngoái ( 2015).
Đáng ngại hơn, năm chuyên viên xuất bản sách và biên tập viên tại Hong Kong làm việc cho nhà xuất bản Mighty Current chuyên đăng những chuyện giật gân về các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã biến mất trong vài tháng gần đây. Hai trong số đó rõ ràng là đã bị bắt cóc và bị đưa tới Trung Quốc dù họ không hề muốn. Một trong hai người, một công dân Thụy Điển, đã buộc phải xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc, và khẳng định một cách đáng ngờ rằng anh ta đã tự nguyện rời Thái Lan để trở về Trung Quốc và yêu cầu mọi người không cố giúp đỡ mình.
Rõ ràng, sự kiểm soát dựa trên nỗi sợ hãi vẫn không kết thúc cùng với cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1976 như nhiều người nghĩ. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Cho dù nền kinh tế Trung Quốc đã được hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ, hệ thống chính trị của quốc gia này vẫn duy trì những đặc tính chuyên chế cốt lõi: một nhà nước được miễn trừ khỏi các quy định pháp luật, một bộ máy an ninh trong nước với những đặc vụ và người cung cấp thông tin ở hầu hết mọi nơi, sự kiểm duyệt rộng rãi, và (cơ chế) bảo vệ quyền cá nhân yếu kém. Không những không bị bác bỏ, những di sản về thể chế của chủ nghĩa Mao Trạch Đông vẫn được giữ nguyên để sử dụng và sẽ được tăng cường bất cứ khi nào giới lãnh đạo thấy phù hợp, như hiện nay chẳng hạn.
Điều này chắc hẳn sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh ở phương Tây. Thực chất, thay vì đơn thuần coi việc trở lại của sự cai trị dựa trên sợ hãi ở Trung Quốc như một nhân tố định hình sự can dự với quốc gia này, các nhà lãnh đạo phương Tây nên phát triển những chiến lược buộc Trung Quốc phải suy nghĩ lại về con đường của họ. Với tầm ảnh hưởng quốc tế đang lên của Trung Quốc hiện nay, sự khôi phục lại những chiến thuật gây sợ hãi của chế độ chuyên chế có ảnh hưởng sâu rộng và cực kì đáng lo ngại đối với châu Á và toàn thế giới.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư về Quản trị Chính quyền tại Claremont McKenna College và là nghiên cứu viên không thường trú của Quỹ Marshall Đức ở Hoa Kỳ.
Copyright: Project Syndicate 2016 – China’s Rule of Fear
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét