Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

“Nhân nào quả ấy”: khi Vương Trí Nhàn dùng đôi mắt sắc nhìn những chuyện đời thường


Thông tin từ BTC
THÔNG TIN RA MẮT – NHÂN NÀO QUẢ ẤY
Thời gian: 9h30 sáng Chủ nhật 28. 8. 2016
Địa điểm: Hiệu sách Nhã Nam, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1
Khách mời: Nhà phê bình Vương Trí Nhàn và Nhà văn Võ Diệu Thanh
Tiếp nối thành công của Những chấn thương tâm lý hiện đại, nhà phê bình Vương Trí Nhàn trở lại và tiếp tục đưa các vấn đề đời thường vào lăng kính phân tích thấu đáo của mình.
Bìa sách “Những chấn thương tâm lý hiện đại” của Vương Trí Nhàn
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu tới các bạn độc giả tập phiếm luận Nhân nào quả ấy. Không mô phạm, không hằn học. Như một người kể chuyện khéo léo, ông tìm hướng tiếp cận những vấn đề vĩ mô bằng những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản: Nên đón Tết thế nào? Làm thế nào để chọn một cành mai đẹp? Sống sao trong những ngày vui?
Nhân dịp ra mắt sách mới, Nhã Nam tổ chức một buổi gặp gỡ nói chuyện cùng tác giả Vương Trí Nhàn, tạo một không gian trao đổi với các bạn độc giả những thác mắc, suy nghĩ về Nhân nào quả ấy.
VỀ TÁC PHẨM
Báo chí hàng ngày một vài năm gần đây đầy rẫy những bài vở tin tức có liên quan tới các hiện tượng mà ta quen gọi là tiêu cực xã hội: đó là ăn cắp, tham nhũng, hối lộ làm hàng giả, gian lận, dối trá. Là chơi bời hưởng lạc lãng phí. Là tham lam vụ lợi, làm bất cứ việc gì có thể làm miễn sao có tiền – triết lý thực dụng này mở đường cho cách sống vô cảm tàn nhẫn lan ra trên phạm vi rộng. Đó cũng là tình trạng mất lòng tin sâu sắc dẫn đến mê tín dị đoan, và mở rộng ra là hiện tượng tha hóa, tức tự mình thấy mình bị làm hỏng, mình đang xấu đi – một điều chắc chắn khiến cho những người còn chút lương tri cảm thấy có lỗi mà không biết cách nào thay đổi.
Nhiệm vụ của báo chí là đưa các hiện tượng ra ánh sáng.
Văn chương – trong nghĩa cao đẹp của nó – đảm nhiệm một việc khó khăn hơn là lôi cuốn con người vào việc suy nghĩ và lý giải các hiện tượng nói trên, từ chiều sâu của kinh nghiệm lịch sử và văn hóa.
Bìa sách “Nhân nào quả ấy”
Nhân nào quả ấy tập hợp những bài tiểu luận của nhà phê bình Vương Trí Nhàn từ báo chí, nêu rõ các vấn đề nhức nhối của xã hội, bên cạnh đó cũng nêu ra nhiều thói hư tật xấu của người Việt. Cách tiếp cận của ông Vương Trí Nhàn đặc biệt ở chỗ ông không chỉ viết phiếm luận từ góc nhìn lý trí đơn thuần mà còn sử dụng các điển tích lịch sử, các dẫn chứng từ văn học của các nhà văn nổi tiếng để gợi mở vấn đề và đi tìm câu trả lời.
VỀ TÁC GIẢ
Vương Trí Nhàn sinh năm 1942 tại Hà Nội, là một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học. Ông gắn bó nhiều năm với ngành xuất bản, đã từng công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Ông đã chấp bút nhiều bài báo, bài nghị luận sâu sắc phê phán các thói hư tật xấu của xã hội.
Ban đầu ông chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề văn học hiện đại, rồi đến văn học sử. Nhưng khoảng từ đầu thập niên 1990, ông thấy có hứng thú với các vấn đề văn hóa và đã theo đuổi đề tài này cho đến hiện nay.
Hiện ông đang sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả Vương Trí Nhàn
ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO CHÍ
“’Nhân nào quả ấy’ thực sự là một liều thuốc đắng nhắc nhở ta nhìn lại mình, nhìn lại thực tại mình đang sống. Hình thức phiếm luận của cuốn sách là một mảnh đất hào phóng giúp tác giả mặc sức bày tỏ những suy nghĩ, đánh giá của mình về văn hóa đương thời, quan trọng hơn, nó là cái cách hiệu quả để ông phác thảo những vấn đề then chốt từ những lượm lặt ý tưởng chi tiết mà tránh được sa vào lối thuyết giáo định hướng nặng nề.” – vnexpress.net
“Trong số những cây bút phê bình lý luận Việt Nam hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy.” – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
TRÍCH ĐOẠN
Sự thiêng liêng bị pha tạp – có thể không sợ hàm hồ mà nói về phong trào đi hội hiện đang rầm rộ như vậy. Bên cạnh những người đến với lễ hội với tình cảm tôn nghiêm và có suy nghĩ, thì còn không ít người đi theo kiểu đua đả, hoặc ngấm ngầm tính chuyện cầu lợi, đặt việc cúng bái cao hơn mục đích tham quan và hiểu biết. Đã gọi đua đả tức ăn theo, học đòi, không có hiểu biết gì chắc chắn về mảnh đất mà mình bỏ công thăm viếng. Còn đi để xin lộc thì chỉ cần có chỗ thắp hương, và trình ra món lễ vật hậu hĩnh chứ chùa chiền hang động thế nào cũng được! Cả hai loại người này gặp nhau ở sự dễ dãi vô nguyên tắc. Bằng cách đó, họ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh đồ giả. Với tính nhạy cảm của kẻ sống bám vào di tích, đám người chuyên đứng ra làm công việc gọi là phục vụ người đi hội này hiểu rằng đối tác của mình chẳng có gì đáng trọng; đứng trước di tích, họ chỉ thuộc loại gà mờ, dễ bị bịp. Nói ra thì hơi quá, song suy cho cùng, phải thấy sự dễ dãi và kém hiểu biết của dân đi hội đã là một sự mở đường, sự tiếp tay để một số người ở địa phương đi xa mãi trong hành động giả dối trục lợi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: