Nhà phê bình Ngô Thảo nhận định: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết, các địa phương đua nhau đi bằng hình thức này hay hình thức khác. Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả. Các địa phương đua nhau, một thời khó khăn thì nhu cầu thư giãn là cần thiết, bây giờ đâu cần nữa, thành ra cái nơi lãng phí…. Sự thật là có những người đi trại một cách chuyên nghiệp mà tác phẩm chẳng có gì… Có những hình thức ngày xưa tốt thì bây giờ không tốt nữa. Cuộc sống cái gì cũng cần đổi mới, đừng ôm đồm cái cũ”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng cho rằng: “Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già. Họ đến đây chủ yếu nghỉ dưỡng, tán tào lao và trốn cuộc sống tẻ nhạt của các viên chức hưu”.
TRẠI SÁNG TÁC – CẦN HAY KHÔNG CẦN?
Mô hình trại sáng tác đã mở ra từ lâu và vẫn tồn tại, bất chấp sự thay đổi của thời cuộc. Đây là mô hình có tính bao cấp dành cho văn nghệ sỹ thuộc dạng hiếm hoi vẫn còn hoạt động hiện nay trên thế giới. Vẫn còn nhiều người hào hứng khi được “đi trại”. Song nhiều văn nghệ sỹ lại không hứng thú với mô hình này.
Đầu tư ít ỏi
Theo số liệu từ Trung tâm hỗ trợ sáng tác, trong 5 năm qua (2011-2015) đã có 307 trại được mở ra tại 5 Nhà sáng tác thuộc sự quản lí của trung tâm (Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà sáng tác Đà Lạt, Nhà sáng tác Nha Trang, Nhà sáng tác Tam Đảo, Nhà sáng tác Đại Lải) với tổng số lượt tác giả dự trại là 4.595, với tổng số tác phẩm thu được trên các lĩnh vực của văn học nghệ thuật là 18.011. Không có sự trồi sụt đáng kể về tác phẩm gặt hái được hay lượng tác giả tham gia trại sáng tác qua mỗi năm.
Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác cho biết: “Kinh phí hỗ trợ sáng tác do Bộ Văn hóa “rót”. Hiện nay Bộ Tài chính quy định chỉ cho 120 ngàn đồng/ ngày cho mỗi văn nghệ sỹ ở trại. Kinh phí nhìn chung rất khó khăn. Một số hội địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn hay những tỉnh miền núi phía Bắc khác, hoặc các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ chật vật về nguồn vốn, nên văn nghệ sỹ chỉ trông đợi vào nguồn của Bộ Văn hóa rót xuống thông qua Trung tâm hỗ trợ sáng tác, không nhận được đóng góp thêm từ các hội ở địa phương. Đối với các hội ở trung ương do kinh phí dồi dào họ có thể chi thêm cho anh em”. Theo tìm hiểu, Hội sân khấu hỗ trợ 30 ngàn đồng/ngày cho việc ăn ở của nghệ sỹ và chi thêm 70 ngàn đồng/ngày cho tiền tiêu vặt. Ở Hội Mỹ thuật tình hình có vẻ khả quan hơn. Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiết lộ: “Mỗi năm Hội Mỹ thuật tổ chức trung bình 2 trại sáng tác. Mỗi trại mời 15 họa sỹ, ăn ở hai tuần với suất ăn theo quy định. Mỗi họa sỹ được hỗ trợ sáng tác thêm 4 triệu đồng, trong đó 2,5 triệu là tiền vật liệu, 1,5 triệu là tiền tiêu vặt”. Trong số khoảng 30 tác phẩm thu được qua trại sáng tác, Hội Mỹ thuật sẽ chọn khoảng 5 tác phẩm để lưu giữ. Tùy theo chất lượng và kích cỡ tranh Hội sẽ tài trợ bổ sung từ 5 đến 8 triệu đồng cho mỗi bức.
Tại đa số thành phố nhỏ, mô hình trại sáng tác giản lược hơn. Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi, các hình thức trại của tỉnh đều không tập trung tức là nghệ sỹ nhận kinh phí hỗ trợ sáng tác rồi về nhà thực hiện. Hội VHNT Quảng Ngãi đượ c chính phủ cấp 460 triệu/ năm cho 210 hội viên trong đó có khoảng 30 họa sỹ. Mỗi họa sỹ tham gia trại được cấp 4 triệu đồng “tưởng nhiều nhưng với nghệ sỹ điêu khắc lại thành ít vì mỗi khối vật liệu có khi đã 3-4 triệu đồng”.
Nhìn chung, đời sống của anh em văn nghệ sỹ ở các trại sáng tác được ông Huỳnh Văn Ngàn xác nhận: “cực kỳ khiêm tốn!”. Nhiều năm qua, Ban lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ sáng tác cũng muốn kêu, song lại “không dám kêu vì kinh tế khó khăn, Bộ Văn hóa cũng khó khăn”.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác công khai con số cụ thể: 11 tỉ 300 triệu đồng là số tiền họ nhận được để duy trì hoạt động của 6 đơn vị bao gồm Trung tâm và 5 nhà sáng tác, tính bình quân mỗi đơn vị một năm được cấp chưa tròn 2 tỉ đồng.
Ít người sáng tác ở trại sáng tác
Nhắc đến trại sáng tác, người ta thường nghĩ ngay tới cánh nhà văn. Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với nhiều nhà văn có tên tuổi hiện nay ở Việt Nam. Họ đều cởi mở trả lời phỏng vấn. Tuy không đả phá nhưng nhiều vị không mặn mà lắm với việc “đi trại”. Tác giả “Đổ bóng xuống mặt trời” Trần Anh Thái thổ lộ vui vẻ: “Tôi chưa đi trại bao giờ. Tôi chỉ đến chơi chút với anh em ở trại rồi về thôi”. Lí do được Trần Anh Thái đưa ra: “Người ta tạo điều kiện cho anh em gặp gỡ nhau vui vẻ là tốt rồi, lo chỗ ăn chỗ ở nữa, càng tốt. Nhưng tùy tạng người. Có người viết xong tác phẩm muốn đến đó để hoàn thiện, có người đến để viết. Riêng tôi, tôi nghĩ người sáng tác nên “riêng một góc trời”. Tôi không bao giờ sáng tác ở trại sáng tác”. Đồng quan điểm với nhà thơ Trần Anh Thái, nhà văn Ma Văn Kháng cũng thật thà khai: “Tôi chưa đi trại sáng tác bao giờ”. Những tiểu thuyết nổi tiếng “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… hóa ra không được thai nghén từ trại. “Hồi ở trong ban chấp hành tôi có tham gia tổ chức thôi, còn đi với danh nghĩa hội viên thì chả đi bao giờ cả. Tôi cảm thấy hình như môi trường đó không thích hợp với mình. Viết ở nhà cần nhiều tài liệu lắm, đến đấy chỉ có cây bút và mấy tờ giấy, thế thôi. Tôi không có nhu cầu tạo cảm xúc mới từ môi trường, tôi thích một mình lủi thủi làm việc. Viết kín đáo, âm thầm, có góc riêng tư, bí mật không cho ai đọc”, Ma Văn Kháng chia sẻ.
Tác giả “Bến không chồng” cũng đã 10 năm chưa trở lại trại sáng tác. Nhưng anh khoe, từng hoàn thành tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” qua hai trại sáng tác ở Đại Lải (do Hội Nhà văn tổ chức) và Trại sáng tác ở Nha Trang (do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức). Cũng như nhà văn Dương Hướng, nhà văn Thái Bá Lợi ngót chục năm chưa trở lại trại sáng tác. Với anh, việc đi trại sáng tác hay không cũng… không quá quan trọng: “Thấy gọi thì đi thôi. Còn khi có hứng thì ở đâu chẳng viết được”. Những năm qua, Thái Bá Lợi vẫn được gọi đi trại nhưng “thấy không cần đi. Khi viết được thì ngồi đâu chẳng viết được”.
Tác giả Nguyễn Trí của “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” nằm trong số ít nhà văn hào hứng với trại sáng tác, tuy anh chưa từng được tham gia một trại sáng tác nào do Hội Nhà văn tổ chức, vì mới được kết nạp: “Tôi chỉ được đi trại sáng tác của Văn nghệ quân đội.
Nói chung rất thoải mái, các đồng nghiệp thân thiện, dễ chịu. Không khí tạo cho người ta nhiều cảm hứng để viết. Ở trại văn nghệ quân đội khác một điều, chẳng hạn họ mời tôi, nhưng không phải đợi tôi có tác phẩm mới mời, song khi đã tới trại thì phải nộp sáng tác cho trại. Khác với ở tỉnh nhà, họ yêu cầu tôi phải nộp tác phẩm trước, tác phẩm đạt thì mới cho đi trại, khi đi trại anh sẽ hoàn thiện tác phẩm đó”. Nhà văn Nguyễn Trí khẳng định đầy tin tưởng: “Không có tác phẩm tôi không đi trại, tôi đã đi thì không vì tình cảm nào hết. Mà dạng như tôi là phổ biến”.
Chỉ “béo” những người rảnh?
Có người nói trại sáng tác chỉ “béo” cho những người rảnh? Ý kiến của nhà văn Thái Bá Lợi: “Cũng tùy người. Có người đến sáng tác thật, cũng có người đến chơi”. Trước câu hỏi này, nhà văn Dương Hướng trả lời: “Cũng khó nói vì khi đi ai cũng bảo sẽ hoàn thành tác phẩm nhưng không hoàn thành thì ai bắt bẻ được đây”.
Nhà phê bình Ngô Thảo thẳng thắn: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết, các địa phương đua nhau đi bằng hình thức này hay hình thức khác. Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả. Các địa phương đua nhau, một thời khó khăn thì nhu cầu thư giãn là cần thiết, bây giờ đâu cần nữa, thành ra cái nơi lãng phí. Bây giờ cứ thử đi từng hội, hỏi các văn phòng năm nay có bao nhiêu trại, bao nhiêu tác phẩm, tác phẩm của họ đi đến đâu, tên của các các nhà văn đi trại có khi còn thay đổi chứ tên của các nhà sân khấu lấy đâu ra mà thay đổi. mỗi năm có ông đi mấy trại liền, 5 năm qua thử hỏi ông có tác phẩm gì đi vào dàn dựng thì biết ngay tính lãng phí”.
Kém hấp dẫn người trẻ, thu hút… cánh già
Nhà phê bình văn học Ngô Thảo, người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, có tới 3 nhiệm kỳ tham gia BCH Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, 2 nhiệm kỳ là Phó tổng thư ký thường trực Hội, cho rằng nên “xóa” trại sáng tác: “Trại sáng tác là tàn dư của thời bao cấp. Bây giờ điều kiện xã hội được cải thiện rồi, bây giờ không cần chỗ để sáng tác nữa mà vấn đề là vốn sống, cái tích lũy của người ta. Nên chuyển phần tiền đầu tư cho trại sáng tác vào việc khác, ai có những dự án sáng tác, đầu tư cho người ta sáng tác và công bố tác phẩm. Đây là sản phẩm lỗi thời, mức sống của nhà văn đã lên, điều kiện xã hội cần tác phẩm khác, không phải loại tác phẩm đi trại sáng tác mà thực hiện được. Nhiếp ảnh, mỹ thuật, dân tộc học cũng đi trại sáng tác như chia phần, có tác giả sân khấu một năm đi mấy trại, chỉ đi chơi thôi. Sự thật là có những người đi trại một cách chuyên nghiệp mà tác phẩm chẳng có gì”.
Nhà phê bình kết luận: “Có những hình thức ngày xưa tốt thì bây giờ không tốt nữa. Cuộc sống cái gì cũng cần đổi mới, đừng ôm đồm cái cũ”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng nghĩ như Ngô Thảo: “Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già. Họ đến đây chủ yếu nghỉ dưỡng, tán tào lao và trốn cuộc sống tẻ nhạt của các viên chức hưu”.
Hầu như các nghệ sỹ, nhất là những nghệ sỹ còn kiêm trách nhiệm quản lí, đều thấy việc xóa bỏ trại sáng tác là không nên. Tuy nhiên, họ cũng nhận định như nhà phê bình Ngô Thảo, trại sáng tác ở ta hoạt động chưa hiệu quả. Ý kiến của họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Nhiều hoạ sĩ không thể vẽ khi có người khác đứng cạnh nhìn hoặc ăn cơm theo kẻng. Có người than “vừa giơ cọ lên đã lại tới giờ đi ăn, lên muộn nhà ăn đóng cửa phải nhịn đói”. Từng xảy ra chuyện các thành viên trại xung khắc, cãi cọ, bỏ về sạch. Không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng làm ra tác phẩm đẹp trong không khí sinh hoạt tập trung”.
Có một hiện thực không thể phủ nhận, trại sáng tác rất thu hút những nghệ sỹ rảnh rang (đã về hưu) nhưng không thu hút lực lượng sáng tác trẻ hoặc những tên tuổi đang nổi: “Có một số ông nhàn nhã thì cứ đăng kí đi ầm ầm, những ông tài năng thì bận và hoạt động đơn điệu thì họ không tham gia”, ông Vy Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, phản ánh hiện trạng trại sáng tác trong giới hội họa. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng “tố” trại sáng tác của giới văn: “Các nhà văn trẻ cũng như các bạn trẻ thuộc các ngành nghệ thuật khác, họ rất bận không có chuyện nhà văn trẻ đi trại để… tán gẫu mất thời gian đâu”.
Chắc chắn phải thay đổi
Nhưng để ra được một đề cương hoàn chỉnh cho sự thay đổi hoạt động của trại sáng tác là một điều “cực khó”, Thứ trưởng Vương Duy Biên thẳng thắn nhìn nhận. Và khẳng định: “Nhưng chắc chắn phải thay đổi”. Thứ trưởng trăn trở: “Tại sao nước ngoài không có trại vẫn có tác phẩm tốt, ngày xưa văn nghệ sỹ sống trong bom đạn, cái chết cận kề vẫn có tác phẩm hay, cho nên tôi nghĩ yếu tố tinh thần là then chốt. Và tinh thần đó phải là tinh thần của xã hội vì không gian sáng tạo của nghệ sỹ chính là không gian xã hội”.
Thứ trưởng cũng chỉ ra sự hạn chế trong thời gian sáng tạo dành cho anh em văn nghệ sỹ ở trại: “Trại sáng tác chỉ tập trung mươi, mười lăm ngày, thời gian đó không đủ để sáng tạo tác phẩm, chỉ là thời gian để gọt giũa, hoàn thiện tác phẩm… Tất nhiên trong nghệ thuật có những tác phẩm chỉ sáng tác trong một phút, song không phổ biến”.
Theo thứ trưởng hướng đi của trại sáng tác trong tương lai gần sẽ là: “Phải tính ngoài việc mời các nghệ sỹ đến đó, mỗi người có không gian riêng để sáng tạo thì còn cần cung cấp thông tin cho họ. Thí dụ, một trại viết về chiến tranh cách mạng chẳng hạn, nên mời cựu chiến binh hay một vài người đã từng vào sinh ra tử ở các chiến trường để người ta kể lại những kỷ niệm, cung cấp thêm cho các nghệ sỹ, biết đâu từ những câu chuyện ấy gợi ra nhiều điều cho người sáng tác”.
Vừa làm công tác quản lý, vừa là họa sỹ, nhà điêu khắc nên ông Vương Duy Biên có cách lí giải riêng khi lực lượng người sáng tác trẻ ngại tham gia trại sáng tác: “Sáng tạo của nghệ sỹ trẻ bây giờ đề cao tính cá nhân rất cao. Tất nhiên trong tác phẩm tính cá nhân bao giờ cũng được đề cao nhưng phải hiểu đây là tính cá nhân trong cộng đồng. Cá nhân muốn làm gì thì làm, chỉ là cái cá nhân trong bốn bức tường, còn cá nhân đã ra với công chúng thì không thể bất chấp những cá nhân khác”.
Theo ông Vy Kiến Thành, chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại mô hình trại sáng tác: “Không nên nghĩ đến chuyện xóa bỏ nó mà nên nghĩ cách nào để thay đổi cách làm, chứ như hiện tại sẽ gây cảm giác không hiệu quả. Vai trò của nhà sáng tác hiện nay chỉ như một nhà nghỉ, như một khách sạn chỉ cho anh em tiền ăn, tiền ở, còn anh em làm gì, hoạt động gì trong đó thì không tính đến. Nói chung, chưa đúng nghĩa của khu sáng tác, một bà đỡ cho tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời”.
Ông Vy Kiến Thành gợi ý: “Trại không những để sáng tác mà phải có những hội thảo học thuật trong nước hoặc quốc tế, có tranh luận nghệ thuật, có sự tiếp xúc với nghệ sỹ quốc tế mới hấp dẫn… Tại sao không nghĩ tới mời những nghệ sỹ năng lực đến để trao đổi kinh nghiệm sáng tác hay tại trại sáng tác có thể dùng những những ngành nghệ thuật khác bổ trợ làm phong phú thêm kiến thức cho người sáng tạo? Thí dụ nhà văn đến trại sáng tác được xem phim, những bộ phim chất lượng của những nền điện ảnh phát triển. Nhưng một điều quan trọng là, phải chọn đúng đối tượng tham gia trại, có năng lực để làm, không biến thành chỗ ưu ái anh em đi nghỉ mát”.
Ông Vy Kiến Thành cũng chỉ ra một hiện trạng: “Tôi thấy khu sáng tác ở Nha Trang, Vũng Tàu chỉ có mùa hè có khách, còn lại vắng khách, nên thay đổi hoạt động từ nội dung đến hình thức kinh doanh, vận hành của trại sáng tác”.
Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng muốn có hiệu quả thực sự cần có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân như mô hình dự án “Nghệ thuật ở rừng” (Art In The Forest) 2015 tại Flamingo, Đại Lải. Khi tư nhân bỏ tiền đầu tư trại sáng tác, họ chọn ít nghệ sĩ nhưng tinh tuý và đảm bảo có tác phẩm xứng đáng.
Nhà điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh từng là một trong 15 nghệ sĩ điêu khắc tham gia trại điêu khắc Flamingo chia sẻ, ban tổ chức âm thầm chọn, gửi thư mời, rồi đón nhóm nhà điêu khắc lên chơi resort để cảm nhận không gian. Trong vòng 6 tháng, các nghệ sĩ tự lên ý tưởng, tự quyết phác thảo để có sự thống nhất cho nhóm tượng, nhà tổ chức hầu như không can thiệp. Sau đó, các nghệ sĩ chỉ cần một tháng ở tập trung tại không gian sáng tác để ra sản phẩm. Nhà tổ chức lo nguyên vật liệu và công thợ, nhuận bút cho mỗi tác phẩm là 90 triệu: “Nhuận bút cao cũng tốt nhưng cái sướng của nghệ sĩ tìm được không gian cho tác phẩm là không kể xiết. Trước Flamingo, ở Việt Nam chưa có một không gian điêu khắc nào thực sự ăn nhập với cảnh quan”, nhà điêu khắc trẻ nói.
HỒNG DIỆU – HOÀNG HOA – HẠNH ĐỖ - THANH HƯƠNG
Nguồn: Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét