Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

THẾ MỚI BIẾT CUỘC ĐỜI THỰC LÀ BẠC BẼO


Nhà thơ Thái Bá Tân từng được biết đến là "kẻ đốt đền" với những vần thơ 5 chữ mà khi mới ra đời nó đã khiến ông trở thành một hiện tượng: Chửi Đảng bằng thể thơ 5 chữ. 
Nhà thơ Thái Bá Tân (Nguồn: Internet). 

Và trước khi thoát thai ra những vần thơ như thế, Thái Bá Tân cũng không quên nói cho những người quan tâm biết được cái tâm thế của ông khi đó: “Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy trách nhiệm công dân thì mình phải nói”. Và có thể kể ra những vần thơ như thế: 
“Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?Chính vì khôn, “biết sống”
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì.”
Trích: “Mắng con”
“Chứ nói chung là nhục
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét
Lãnh đạo thì ngu đần
Riêng hai chữ Cộng sản
Đã đú nói phần nào
Làm thằng dân Cộng sản
Có gì mà tự hào?”
Rồi tới 04 câu thơ nói về cái khẩu hiệu "Còn đảng còn mình" của lực lượng Công an: “Vứt mẹ cái khẩu hiệu/ Còn đảng là còn mình/ Thế mai kia đảng chết/ Không lẽ mày quyên sinh?”. 

Sau dạo ấy, những bài thơ của ông ra đời cứ thế là sốt xình xịch, được cộng đồng mạng lan truyền với những lời khen có cánh. RFA đã nói về thơ của Thái Bá Tân thời điểm đó như sau: "Từ hơn 5 năm trước thơ Thái Bá Tân được cộng đồng chia sẻ và mức lan tỏa của nó phải nói là khá lớn. Người ta thích thú vì ông viết xoáy vào các chủ đề xảy ra hàng ngày. Tính thời sự trong thơ ông rất rõ, kèm theo đấy ông bày tỏ thái độ của mình và chính điều này đã làm nên Thái Bá Tân". Nghĩa là rất nhiều người đã thích thú, hân hoan và không ngại ngần đưa ra lời khen dành cho Thái Bá Tân. Thậm chí, trước việc Thái Bá Tân bị lên án rất đông đảo cá nhân đã lao vào bênh vực ông (Thái Bá Tân) mặc cho những điều nói ra là hết sức vô nghĩa lý và không chứng minh được cái gì.

Vậy nhưng, trong khi rất đông trong số họ nghĩ rằng, Thái Bá Tân mãi mãi là người đối lập với chế độ, với Đảng Cộng sản thì bỗng một ngày nọ Thái Bá Tân đã tự thoát thai để trở thành một con người khác. Ở đó, Thái Bá Tân không chỉ biết biết ơn Đảng vì đã đổi mới, mà ông còn công khai khen ngợi những nhà lãnh đạo hiện tại: ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết không hề tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng năng nổ và đi đến kết luận: đại cục không phải xấu đi mà đang tốt lên (Những điều trên đây được Thái Bá Tân thể hiện trong stt với tựa "Đôi lời" trên FB cá nhân). 

Có lẽ do bản thân ông cảm thấy chưa đủ nên Thái Bá Tân đã viết thêm một bài thơ để diễn tả cái tâm trạng của chính mình có tên: "Ghi nhận": 
“Các bác thử tưởng tượng,
Nếu đảng ta trước đây
Không mở cửa, đổi mới,
Sẽ thế nào hôm nay?
Hôm nay ta chắc chắn
Như dân Bắc Triều Tiên.
Không được nói, được chửi,
Không cơm ăn, không tiền.
Không có internet,
Không được đi nước ngoài,
Không có chiếc xe đạp,
Không có cả chiếc đài.
Không được mặc quần xoọc,
Cắt tóc theo ý mình.
Không khách sạn, nhà nghĩ,
Không có cả ngoại tình…
Chắc chắn là như thế.
Các bác cứ tin đi.
Nếu đảng không đổi mới,
Hỏi ta biết làm gì?
Và trong khi diễn tả sự "Ghi nhận" của bản thân về Đảng, về chế độ Thái Bá Tân đã không quên nói lên những sự băn khoăn mà chính ông đã từng gặp phải và ông cũng kết luận về những điều băn khoăn đó:
Định vùng lên lật đổ 
Rồi thoát khỏi thằng Tàu? 
Đừng đùa với cộng sản. 
Không có chuyện ấy đâu.
Ông cũng khuyên răn chính ông, những người đã từng như ông và không quên hướng tới những cách ứng xử tích cực, nhân văn và đúng đắn hơn: 
Cho nên chửi cứ chửi,
Nhưng cũng phải phân minh.
Biết lượng sức mà tiến,
Biết người và biết mình.
Đảng có gì không đúng
Thì nói, ta, người dân
Việc mình làm thật tốt
Để mọi cái tốt dần.
Và hình như dự cảm được những điều không hay ho cho lắm đang đến với bản thân mình sau "Đôi lời" nên trong bài thơ "Ghi nhận", Thái Bá Tân đã nói thêm rằng: "Tôi không ưa cộng sản/ Cả xưa và cả nay/ Nhưng đảng đã đổi mới/ Thì ghi nhận việc này”. Nói khác đi, Thái Bá Tân đã chủ động cho những người từng coi trọng ông, những người từng ủng hộ ông biết được rằng, bản thân ông không hề ưa cộng sản, ông không thay đổi tâm thế trước những điều đã đến; và có chăng ông chỉ ghi nhận những cái điểm tốt của chính chủ thể đó chứ không ghi nhận tất cả những gì thuộc về nó. Đó là sự rạch ròi mà ông muốn nói tới. 

Ấy vậy nhưng, cái dự cảm về những điều xấu nhất của Thái Bá Tân đã xảy ra. Và điều đáng nói là tất cả sự phân trần của Thái Bá Tân đã không thèm được để ý đến. Người ta chỉ quan tâm đến những điều Thái Bá Tân nói ra để phản kích lại ông và đổ vấy lên ông những điều xấu xa và tệ hại nhất. Facebooker Dương Hoài Linh đã dùng chính cái thể thể 5 chữ đặc trưng của Thái Bá Tân để chỉ trích sự "vô lý" trong những điều được ông nói ra: 
"Bá Tân ơi Bá Tân 
Chẳng lẻ tôi đã lầm? 
Thì ra cái hai mặt . 
Không của riêng người nào". 
Không chỉ thể hiện sự bực tức trước sự thay đổi của Thái Bá Tân, chủ FB này đã không ngần ngại quy kết, thóa mạ "Đôi lời" của ông là hành động của kẻ hèn: 
Nhẫn nhục mưu việc lớn 
Là việc rất đáng khen. 
Nhẫn nhục để khỏi chết 
Là thứ nhẫn nhục hèn.” 
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Võ Văn Tạo dù thận trọng hơn khi cho rằng "khi chưa hiểu tường tận câu chuyện lại đánh giá nặng nề nhà thơ là việc không nên làm": “Tôi rất ngạc nhiên đồng thời tôi cũng thấy có nhiều ý kiến nặng nề thóa mạ bác một cách quá đáng. Theo tôi nghĩ đánh giá một con người thì có cả một quá trình. Mình đã đọc nhiều tác phẩm của bác. Bác là một dịch giả, nhà văn viết rất hay và đặc biệt những bài phê bình thể loại thơ 5 chữ rất dí dỏm mang tính chất phê phán nhẹ nhàng đối với tiêu cực xã hội hiện nay, đột nhiên lại có một status đi ngược với điều đó thì cộng đồng người ta shock là điều dễ hiểu nhưng tôi cho rằng bác là con người tử tế chứ không phải là loại cơ hội sớm đầu tối đánh như một số bạn nóng nảy kết án". Tuy nhiên qua cách nói của mình, nhà báo này cũng không dấu sự bất ngờ và thất vọng về Thái Bá Tân, có điều chưa đủ cứ liệu để đi tới quy kết như Facebooker Dương Hoài Linh đã nói ở trên. 

Đó cũng là lí do dù không nói trắng phớ ra nhưng từ câu chuyện mới xảy ra trong gia tộc Thái Bá Tân, nhà báo Võ Văn Tạo đã đặt ra giả thuyết: Phải chăng Thái Bá Tân "quy hàng”, "chiêu hồi" và là "nạn nhân của an ninh khiến ông phải quay lại chĩa ngòi bút mình vào nhân dân, những người từng nhiệt tình kính trọng ông trước đây?". 

Võ Văn Tạo viết: 
“Tôi xin kể câu chuyện mà tôi là người trong cuộc đó là vụ tháng Năm vừa rồi cá chết. Hôm mùng một tháng Năm cô em họ tôi là Hoàng Thị Minh Hồng, trước đây cô đi Nam cực thám hiểm hai lần cổ có thời gian làm đại sứ cho UNESCO và Trưởng đại diện cho Quỹ bảo vệ động vật hoang dã của thế giới. Cô là người của công chúng cho nên khi ngày 1 tháng 5 cô xuất hiện ở cuộc biểu tình với tấm bảng đề là “con tôi cần nước sạch, không khí sạch, thực phẩm sạch, chính quyền sạch” Cái hình ảnh đó rất ấn tượng và không hiểu sao hai tuần sau, ngày 15 tháng 5 cô ấy xuất hiện với cái bảng “đả đảo Việt Tân”.

Nhiều người dự đoán cô bị sức ép hay có cái gì đấy. Tôi rất ngạc nhiên và gọi cô ấy nhưng rất khó liên lạc cho tới khi liên lạc được thì cô nói thật do bị sức ép của an ninh nên buộc lòng cổ phải làm việc ấy.

Cô kể hết sự tình ra là an ninh đã đe dọa cô ấy thông qua nhân viên của tổ chức cô ấy làm việc, đồng thời gửi e-mail nặc danh dọa giết cháu Giang là con của hai vợ chồng cô. Chúng còn biết cháu học ở trường nào nữa cho nên cô rất sợ cuối cùng đi đến việc làm dở như thế.

Có khả năng chứ không dám khẳng định: bác Thái Bá Tân cũng rơi vào tình trạng đó do có một cái ý mà bác nói “cảm ơn đảng, chính phủ qua cái việc chủ trương đổi mới” bác nói “quá nghèo mà được như thế này là tốt lắm rồi!” Tôi thấy nó giống như giọng lưỡi an ninh mà mỗi lần tiếp xúc làm việc với tôi cũng nói những câu như thế của dư luận viên và tôi không thể tin được đó là cái đầu hay cái cách của bác”. 
Hay nói cách khác, có một thực tế đang xảy ra xung quanh Thái Bá Tân là không ai tin rằng, đó là sự chuyển đổi thái độ có tính tự thân của ông. Từ sự thất vọng, hoang mang, họ đã tiến tới phản kích, bêu rếu ông như một kẻ hèn nhát và không đáng được tôn trọng. Chính RFA trong bài viết "Hiện tượng Thái Bá Tân" dù đã chỉ ra không ít ý kiến trái chiều về Thái Bá Tân song ở đoạn kết cũng không thể thoát ra khỏi những ý nghĩ hết sức tiêu cực, không hài lòng với sự thay đổi của Thái Bá Tân: "Trong xã hội nhiều tầng nấc trái ngược và điều gì cũng có thể xảy ra như hiện nay, nên chăng hãy để câu chuyện Thái Bá Tân ngủ yên với cái nó vốn có. Lịch sử còn dài và trên từng trang viết của nó không ai có thể trốn tránh, nhất là khi đã tự chọn cho mình là người của công chúng". 

Đó có thể xem là cái cách RFA kêu gọi tẩy chay Thái Bá Tân thay vì chờ đợi sự thay đổi ở ông như thuở ông được gọi là "kẻ  đốt đền" trước đó. 

Ở góc nhìn của một người ngoài cuộc, một người đọc rất kỹ những "tuyên ngôn" của Thái Bá Tân trước mỗi vần thơ và từng động thái dù nhỏ nhất. Người viết hoàn toàn cảm thông, hiểu được cái gì đang diễn ra trong con người Thái Bá Tân. Hiểu rằng, cách nhìn của ông về chế độ, xã hội đã thực sự thay đổi khi ông cảm nhận thấy những dấu hiệu "tích cực" của chính chế độ, xã hội đó. 

Và với sự nhạy cảm, bao dung của một người nghệ sỹ, một tâm hồn biết yêu, cảm cái đẹp, Thái Bá Tân đã dũng cảm đón nhận nó, dũng cảm thay đổi dù trước đó là những điều mà có lẽ ở thời điểm hiện tại có mơ ông không dám nghĩ đến, chứ đừng nói là hiện thực. Và cái điểm ông khác với những người lên án ông chính là lòng dũng cảm của một "kẻ sỹ Bắc Hà" như danh xưng ông từng nhận về mình trong một số lần hiếm hoi trò chuyện với báo giới. Người viết cũng tin chắc rằng, cùng với những dự cảm không lành sau "Đôi lời", Thái Bá Tân cũng đã nghĩ đến những gì đã xảy ra trong thời điểm hiện tại và đấy cũng là lí do tôi đặt niềm tin ở ông sẽ không bị lung lay theo chiều gió, bị xu hướng đám đông lôi kéo và trở cờ thêm một lần nữa! 

Sự việc xảy đến với Thái Bá Tân thêm một lần nữa cho thấy, làm một con người bình thường vốn dĩ đã khó, làm một người nổi tiếng và thuộc về phe nhóm nào đó trong xã hội càng khó. Khi Thái Bá Tân đến với họ (những người đối nghịch với chế độ, xã hội đương thời) họ đã tung hê ông, xem ông là một hiện tượng..., một người mà khi về với họ sức mạnh của tổ chức sẽ tăng lên bội phần; sẽ làm cho xu hướng "cấp tiến" thắng thế và nhanh chóng giành được những địa vị trong xã hội. Họ cũng ngợi ca không tiếc lời và mời anh vào những vị trí vốn chỉ dành cho minh chủ, đấng sáng lập... Nhưng mọi thứ sẽ bị đảo lộn, thậm chí sẽ biến dạng đi khi chính ông (Thái Bá Tân) nói khác đi, cảm nhận khác đi dù về bản chất, lập trường ông không có gì thay đổi. Họ đã đưa ông ra đấu tố như thế ông là một tên gián điệp được cài cắm trong tổ chức của chúng. 

Và lúc này đây, Thái Bá Tân đã cảm nhận sự bạc bẽo mà cuộc đời, con người xung quanh đang dành cho mình. Ông cũng hiểu thêm không phải ai tung hê mình, ngợi ca mình cũng đều thực tâm với mình mà có chăng họ đang lợi dụng mình mà thôi. Chính sự vững tin, tiếp tục thể hiện quan điểm dù cho nó không được ủng hộ chính là cách ông giữ cho mình cái khí tiết, sự dũng cảm của một kẻ sỹ trong thời tao loạn này! 

An Chiến

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: