Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

THẾ GIỚI ĐANG THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tờ The Guardian cho biết, sinh viên tốt nghiệp khoa Anh ngữ Đại học Stanford, Jodie Archer, đã phát triển được mô hình máy tính có thể dự báo những tác phẩm bán chạy nhất của New York Times. Nghiên cứu này giúp Jodie Archer được tuyển làm việc ngay cho Apple iBooks và có thể tạo ra cuộc cách mạng ngành ấn loát. Những câu chuyện tương tự giúp thay đổi cuộc sống có thể thấy hàng ngày.
Thế giới đang đi tới với tốc độ chóng mặt. Năm 1998, khi Kodak có 170.000 công nhân và chiếm 85% thị trường phim nhựa toàn cầu, chẳng ai có thể hình dung rằng, chỉ ba năm sau, phim nhựa sẽ dần biến mất và Kodak sẽ phá sản. Ngày nay, không chỉ phim nhựa chết, máy ảnh gia đình cũng đã gần như mất tích. Năm 2007, khi lần đầu tiên chạm vào màn hình iPhone thế hệ thứ nhất, tôi không thể kìm được cảm giác kinh ngạc và thán phục. Cái gì thế này? Đây không phải là điện thoại. Nó là một “thiết bị” và nó rất thông minh. Nó hiển thị chính xác cả nơi tôi đang ngồi. Quả là kỳ diệu. Ngoài sức tưởng tượng.
Thế giới không dừng lại ở chiếc iPhone 2007. Năm nay, 2016, một máy tính đã đánh bại kỳ thủ cờ vây xuất sắc nhất thế giới – sớm hơn 10 năm trù tính. Bạn có bao giờ nghe đến hệ thống điện toán siêu thông minh IBM Watson? Hãy tìm hiểu về nó. Đặt theo tên Thomas J. Watson (CEO đầu tiên của IBM), hệ thống IBM Watson có thể giải đáp gần như mọi câu hỏi chuyên đề. Với IBM Watson, chúng ta có thể tìm được lời khuyên pháp lý chỉ trong vài giây với mức độ chính xác 90% so với 70% của giới luật sư tư vấn chuyên nghiệp! Ngay thời điểm hiện tại, IBM Watson có thể giúp chẩn đoán ung thư (chính xác gấp bốn lần y tá chuyên nghiệp). Cũng thời điểm hiện tại, Facebook đã có phần mềm nhận diện khuôn mặt chính xác hơn người!
Năm 2018, xe hơi tự hành sẽ xuất hiện chính thức ngoài thị trường. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người chết bởi tai nạn xe hơi khắp thế giới. Tính trung bình, mỗi 100.000 km có một tai nạn xe hơi. Với xe hơi tự hành, 10 triệu km mới có thể xảy ra một tai nạn. Dù khó có thể dự báo chừng nào có xe hơi in ba chiều (3D) nhưng ngày càng bắt đầu có nhiều sản phẩm in 3D. Tất cả hãng giày lớn đều đã tung ra giày 3D.
Tiến bộ nhanh nhất, có thể thấy từng ngày, là sự bùng nổ các phần mềm ứng dụng (app). Tôi vốn thích “vọc” app điện thoại. Sự xuất hiện liên tục các ứng dụng thông minh luôn mang đến sự kinh ngạc không có điểm dừng. Với “Photomath”, chỉ cần rọi camera vào một phương trình toán học, nó sẽ cho ra tức thì lời giải. Với “Camera Translator”, cũng chỉ cần rọi camera lên một hàng chữ Hoa, nó sẽ dịch sang ngôn ngữ yêu cầu (thông thường là tiếng Anh). Chưa bao giờ việc dạy kèm cho trẻ tiểu học đơn giản và tiện lợi hơn lúc này, bằng phần mềm ứng dụng. Nó không chỉ giúp thay đổi phương pháp dạy. Nó còn giúp thay đổi tư duy học. Nhờ các app như “Parrot Japanese”, “Minna No Nihongo”, “Japanese Fun Easy Learn”, tôi đã có thể giúp con mình học tiếng Nhật (nói và viết chữ Hiragana, thậm chí Kanji) một cách dễ dàng và hiệu quả.
Ngày nay, chúng ta có thể “gọi” taxi hoặc thậm chí xe ôm bằng app. “Hãng taxi” Uber không sở hữu một chiếc xe nào. Nó là một app và hiện là hãng taxi lớn nhất thế giới, hoạt động toàn cầu! Airbnb (đọc là “air+b+n+b” theo cách phát âm tiếng Anh) không có bất kỳ bất động sản nào nhưng nó là công ty dịch vụ khách sạn lớn nhất thế giới. Airbnb cũng chỉ là một ứng dụng. Amazon là siêu thị lớn nhất thế giới. Nó là một trang web.
Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Năm 1999, Bill Gates viết quyển sách mang tựa “Business @ the speed of thought”. Tốc độ tư duy ở đây là tốc độ của một cái nhấp chuột. Nó đòi hỏi phải tư duy liên tục và phải nắm bắt cơ hội với tốc độ một cái nhấp chuột.
Thế giới đang đi rất nhanh. Nó không chờ ai cả. Cách đây vài tháng, một số tờ báo Mỹ đã làm “lễ truy điệu” cho băng VHS. Loại video tape này, ra đời cách đây 40 năm, từng tạo ra cuộc cách mạng chấn động công nghiệp giải trí. Sài Gòn cách đây khoảng 30 năm từng có một thời bùng nổ cửa hàng cho thuê băng video phim quay lậu. Thế rồi DVD đánh bại VHS. Đến nay thì cả DVD cũng chết mòn. Nó được thay bằng BlueRay. Hơn nữa, người mê điện ảnh bây giờ hầu như chỉ thích xem phim online hoặc từ các app.
Cái chết của VHS, hoặc vô số trường hợp tương tự, là cái chết của kỹ thuật lạc hậu. Cái chết của lạc hậu là cái chết của tư duy cũ kỹ. Tự loại mình khỏi dòng chảy thời đại cũng là một cái chết luôn có thể nhìn thấy trước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: