Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

THANH THẢN



Truyện ngắn của Hồng Giang

Thực lòng mà nói, tôi không ưa và cũng không muốn tin chuyện Triệu Xanh nói là có thật. Nó là tên ba hoa. Ngồi chỗ nào cũng ra vẻ thông thạo nhiều tin mật. Nào chuyện biên giới, chuyện biển đông, biển tây, đài Pháp, đài Mỹ nói gì? Lại cả chuyện anh điếu bát sắp bị đem ra xử gì đấy..Toàn là những chuyện tầm phào, ở chốn đồng rừng này, người ta quen dửng dưng với mấy thứ đấy, mấy ai quan tâm? Người ta để ý đến giá cả thị trường, chuyện làm đót hơn hay là cấy ngô? Ai để ý đến chuyện của nó? Nhất là khi thằng đó rượu, mặt đỏ tưng bưng, “tràn đầy” hơi men. Con người ta, rượu vào, lời ra, con ma rượu dễ lũng đoạn tâm hồn, độ tin cậy của lời nói phỏng còn được bao nhiêu?

         Nhưng có một chuyện nó làm tôi chú ý, có lẽ chuyện đó vô lý đến khó tin. Khi tôi hỏi thăm về một thằng bạn, ngày rước có học chung với tôi mấy năm, chặc lưỡi, nó bảo: “ Hỏi cái thằng mắt ma ấy làm gì? Phải người khác đã nhảy xuống vực hoặc đâm đầu vào vách đá, chết mẹ cho xong rồi. Sống làm gì cho nặng quả đất?” Rồi nó xua tay, ý chừng không muốn nhắc đến chuyện này nữa.
Gặng mãi, nó mới thêm: “ Nó bây giờ có bạc tỷ. Nhưng mà vợ nó chỉ có một còng thôi. Ông hỏi nó làm gì? Hay muốn học tập kinh nghiệm của nó?” Tôi bực, nhưng vẫn cười. Học gì thì học. Vợ chỉ có một còng lấy gì làm hay? Nó ghé tai tôi như thế như thế. Giọng rượu lào khào, nghe chả đến đầu đến đũa, lại càng thêm chú ý. Vẫn biết tò mò là thói xấu của người ta, nhưng việc này vẫn không bỏ được.
Mấy tháng trước tôi có việc ngang qua cái thằng nhân vật trong câu chuyện  Triệu Xanh vừa nói. Nó vừa làm ngôi nhà sàn to lớn vào bậc nhất nhì mấy tỉnh phía bắc này. Nhà sàn mà làm hai tầng là chuyện hiếm đã đành. Lại rất hiện đại, nửa theo kiểu Nhật, nửa kiểu Thái, mái lợp toàn bằng tôn loại một chứ không phải lá cọ như người trong vùng xưa nay thường làm. Mái nhà nó cong cong trông rất điệu đà, cột cả vòng tay ôm, đánh vẹc ni sáng bóng. Trước nhà kê đôi độc bình tiện bằng gỗ nghiễn đen bóng như sừng tê giác. Thật là của độc chưa từng thấy ở đâu. Thợ mãi bên Đồng Kỵ, nó đón về nuôi và trả công rất cao. Hỏi giá nó bảo “ cỡ khoảng hai trăm”. Áy là giá của riêng đôi độc bình! Nội thất trong nhà khỏi nói. Các đại gia thích chơi trội, chơi sang chắc cũng phải ghen tỵ.
Hôm tôi đến, nó đang cầm phất trần, phẩy phẩy lau bụi cho cái tủ cổ họa tiết cầu kì, nom rối cả mắt. Toàn những long, ly, quy, phụng.. Miệng nó ngân nga một câu trong bài ca của một bộ phim hài vừa ra lò:
“ Giông gió qua rồi, quê nghèo thay áo.. Được mùa ngô lúa tốt tươi.. mình nay đổi đời”
Mà nó đổi đời thật. Nó là con ông An Điệp nghèo khó ở cái bản Gốc Đa này, tôi đâu có lạ gì? Còn nhớ lần ông ấy xuống nhà vay bố tôi mấy chục bạc, cả chục năm trời lúc nào gặp, cũng nhăn như khỉ ăn gừng. Lúc nào cũng “hoàn cảnh”. Lúc nào cũng “hai bác thương em”. Đến lúc ông ấy mất cũng chưa trả nổi. Bố tôi bảo: “ Người ta có khốn cùng lắm mới phải chịu nợ như thế. Công nợ đến chết vẫn chưa hoàn toàn được là cái nhục, chả ai muốn mang lên cõi trên kia”. Rồi cũng thôi. Không ai nhắc nhở. Tôi vẫn nhớ, nhưng không đả động đến chuyện này. Tiền tiền, bạc bạc, nói ra rất dễ mất lòng nhau! Với lại “bố làm bố chịu, con làm con chịu”, nó đâu vướng mắc mình?
Tôi vẫn coi nó là bạn, như chưa từng xảy ra việc gì. Cho đến ngày nó đột nhiên, nhờ đứa em gái lấy chồng Đài gửi tiền về nhiều như nước máng xối, tôi cũng thôi luôn. Chuyện cũ, nhắc lại làm gì?
Nó dẫn tôi vào, “trình và thiệu” đủ thứ. Nào tủ, nào giường. Thứ nào rẻ cũng chục “chai” đổ lên. Thực sự là tôi choáng! Giàu có không dám so với nơi khác, ở cái đất đồng rừng này thì đến thế là cùng. Vợ nó mặc minizyup mỏng, phấp phới đi ra đi vào như để minh họa, trang điểm cho câu chuyện của nó đang nói với tôi. Công bằng mà nói, nàng đẹp chỉ đến bực trung bình.Quê tôi là miền gái đẹp nổi tiếng, quốc nội, quốc ngoại đều biết. Có lần vào mãi trong Huế, một ông nhà thơ gìa lắm rồi vẫn cứ tắc tỏm hỏi thăm. Ông ấy bảo: “vẫn ước ao có lần nào đó nữa được ra thăm thủ đô gió ngàn, ngắm đặc sản gái” quê tôi. Nói thế để biết  nàng như vậy chưa là cái đinh gì. Nhưng được cái tiếng nàng trong, người Tày mà nói tiếng “Cần Keo” như thế thật đúng là “Chuẩn không cần chỉnh”. Vừa ru dương, vừa lãng mạn làm sao. Không biết bạn tôi tu từ kiếp nào mà phúc lớn đến như vậy? Tôi thầm ghen với nó!
 Mấy ngày sau, nhân vật, nhân dân này về phố mua xe. Nhân ấy ghé nhà tôi. Cái xe bốn chỗ, đen bóng đậu ngoài cửa. Đi cùng còn có cô ả đẹp trung bình, gặp bữa trước gọi là vợ, đi theo. Lúc ấy tôi mới chợt nhớ đến chuyện hôn nhân của “nhân dân” đại gia này, nhờ xâu chuỗi nhiều câu chuyện xung quanh về y mà tôi còn nhớ được.
Nhân “mặt đẹp” quả là có phúc. Vợ cũ của nhân cũng là “Hoa khôi bản mường”. Nói thế cho văn vẻ! Mà quả là thị đẹp thật. Không biết bao nhiêu trai làng từng mơ tưởng để rồi thất vọng, thất tình, thất linh tinh nhiều thứ khác.
Vậy mà nhân là người may mắn, thành công nhất trong cuộc đấu so găng, đọ tình này. Nhà Nhân như đã nói, ngày trước nghèo không có gì ngoài ba gian nhà cột gỗ mốc meo, mấy cái giường đóng ngoãm, cửa “đại sảnh” đan bằng phên liếp.
Ông bố “Nhân”là người Việt gốc “cây” như hồi đó dân gian thường hay gọi. Ông ta đa tài và cũng đa duyên phận.
Người ta bảo mỗi tỉnh ông có một bà vợ. Hành tung rất bí hiểm..
Nhưng đấy là lời đồn.
Ông buôn giỏi, mua rẻ bán đắt nhưng lại không có hậu. Toàn câu sông.. bỏ bể. Kiếm được ở chín nơi lại bị lừa ở nơi thứ mười.
Nơi ấy là quê hương bản quán của ông mãi mù tắp. “Cái vùng dân tộc ngô nhĩ, khoai nhĩ phải gió nào ấy..” như bà vợ ông thường cẳn nhẳn mỗi khi ông gặp xui xẻo, tay không trở về nhà.
Năm 79 là năm trai đẹp cắp sách đến trường, cũng là năm biến động, cơn đen vận bí. Một chuyến hàng đánh từ bên kia về, ông bị người ta bắt giữ trọn gói vì nghi là hàng “tâm lí chiến”, may còn người. Thực ra đó là hơn chục cái đài Xing Mao mang về định bán kiếm lời. Từ đó vận nhà đi xuống, không có đường lên. Nhiều rắc rối đến với gia cảnh của ông sau vụ mua bán khả nghi nọ..

Nhân vật bước vào tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình trong bối cảnh đời người kém may mắn như vậy. Nhưng nhân là “trai đẹp”. Trai đẹp có nghèo vẫn có sức quyến rũ với phái khác như thường.
Người vợ cũ mấy tao lên bổng xuống trầm vẫn một lòng một dạ. Hai người ra riêng, làm ăn khá dần lên. Khi ấy bố mẹ anh em chẳng giúp được gì. Đột nhiên một bữa lại thêm việc người cha ra đi không trở lại. Không ai biết là ông đi đâu?
 Mãi sau này mới biết ông về bên kia, lấy vợ khác rồi ở bên đó. Cỡ đến chục năm sau, ông lại đột ngột trở về như khi đột ngột ra đi.
Lần này về ông xủng xỉnh hầu bao. Xây được nhà cho vợ con. Ngôi nhà cấp bốn gần chỗ gốc đa, tường quyét vôi vàng. Bây giờ ngồi trên gác nhà sàn của “nhân dân” này cũng nhìn thấy rất rõ. Nhưng việc ấy cũng không to tát bằng việc ông lo được một xuất lao động ra nước ngoài cho cô em gái khúc trên, khúc dưới của nhân. Ai nói gì thì nói, “dù bưng bô, móc cống xứ người cũng chán vạn hơn làm công việc khác sạch sẽ xứ mình” theo cách nói của nhân.
Vào đúng khi ấy, khi không còn nỗi lo cơm áo,  nỗi nghi ngờ  hành tung cũ của ông có phần loãng dần, ông lại mắc một sai lầm nghiêm trọng. Nếu trời cho sống lại làm người ông chắc cũng không bao giờ dám nghĩ đến, chứ đừng nói là tái phạm!
Miếu thành hoàng gần chỗ gốc cây đa có bát nhang cổ, thấy bảo lâu đời lắm rồi. Hình như thời nhà Lý, cách nay cả ngàn năm thì phải? Có lão dưới Phòng lên đặt giá, ông định lấy về bán cho lão. Đêm hôm, trời tối đen như mực. Miếu thờ thành hoàng im lìm dưới tán lá, rễ cây lòa xòa. Ông vừa bước ra đến cửa, dẫm ngay phải con hổ gầm nằm phục tự bao giờ. Giỏi thuốc rắn như ông mà không kịp chữa cho mình. Thật đúng là dao sắc khó gọt được chuôi!
Đám ma ông tuy không rầm rộ, rước sớ linh đình gì, nhưng dư âm, tai tiếng để mãi về sau. Chỉ khi nhân vật này khá lên rồi, những lời thị phi mới bớt dần, rồi quên hẳn. “Miệng kẻ sang, chả có gang cũng có thép”. Ai dại gì “thách nhà giàu húp tương”? Có sao bây giờ nhân ấy cũng đã có máu mặt trong vùng. (Người ta chả bảo: Kẻ anh hùng chớ dây, kẻ có của đừng động vào, đấy là thói thường dân gian).
Ông bố qua đời, Nhân đóng vai chủ chốt trong nhà, tuy đã ra riêng. Mẹ và các em nhất nhất việc gì cũng phải thông qua Nhân. Quyền huynh thế huỵch, một tay nhân lo cả hai nơi. Một nơi trú ngụ của mẹ cùng các em và một nơi là chỗ  ở của mình.
Cô em về sau lấy chồng giàu, gửi về cho anh trai cơ man nào là của. Một lão “hàng ngoại” ngoài năm mươi, lấy vợ trẻ bằng tuổi con mình, lão bù đắp cho đằng vợ như thế, cũng là lẽ phải chăng, hợp thời. Còn hơn là lão cứ ở quê hương nhà có lẽ độc thân, cô độc mãn đời! Quê lão có nỗi khổ riêng. Tiền của cứ mỗi ngày mỗi lên, mà lấy vợ mỗi ngày mỗi khó.
Nhân đã khá, giờ càng khá hơn. Người ta bảo nhân có bạc tỷ chôn dưới sàn nhà, còn vàng không còn chỗ để đeo. Vợ chồng mỗi người kéo sợi dây xích đúng hơn là gọi bằng dây chuyền. Hệt  như sợi dây thừng quấn chão, tròng vào cổ. Chỉ còn mỗi chân và đầu không có chỗ để đeo.
Và cũng chính sự sung túc đó đã nảy sinh lắm chuyện.
Nhân thường vắng nhà luôn. Nay Hà Nội, mai Sài Gòn, vừa kết hợp du lịch với công việc kinh doanh. Tất nhiên Nhân không đi một mình. Đường xa phải có bạn. Số nhân lại đào hoa, toàn những “nữ đẹp” trở lên tháp tùng.
Người vợ thủa mò cua bắt ốc nuôi nhau, giờ nhan sắc đã gần tàn. Khách đến chơi nhà nhân toàn giới thiệu đấy là “bà chị con ông bác về chơi”.
Vợ Nhân ức và nghi lắm.

Công bằng mà nói, của cải có được không phải tất cả đều từ cô em gái nhân gửi về. (Dù có giàu có đến đâu, tình cảm và của cải cũng đều có giới hạn ). Nhưng đó là cái ngấm ngầm bên trong, không tiện nói ra ngoài..
Một hôm cô Én vợ của nhân vào hang Thẳm Hon lấy phân rơi về bón lúa. Tình cờ cô nhận ra một lối đi bí mật, từ lâu người trong vùng không ai biết. Mưa gió nhiều năm nay bỗng nhiên sạt lở, lối đi này bây giờ mới lộ ra. Trong góc tận cùng của hang có mấy bộ xương người, lâu ngày đã đổi sang màu trắng xỉn, sắp sửa hóa thạch..Không có vàng bạc châu báu, chỉ có một thứ sạn to hơn hạt cát, nhiều màu, sáng lấp lánh rất đẹp. Cô lấy lá gói đem về một ít, để trong một cái chai thủy tinh, để ngay dưới gậm bàn thờ.
Khách quen của ông bố chồng đến chơi như mọi bữa vẫn đến. Ông ngồi hút thuốc lào bằng cái điếu ục to gần bằng bắp chân. Tình cờ ông nhìn thấy cái chai đựng thứ cát kỳ quái kia. Khách hỏi. Cô bảo như thế, như thế.. nhưng không nói là ở đâu? Khách nói: “ Lấy về, có tiền đấy!”. Nghe theo, Én mang mỗi lần mang về một ít, như kiểu mang bắp, mang sắn trên nương về. Cô sợ có người biết, hớt mất vận may của mình.Ông khách đến lấy, trả tiền rồi  đi. Ông cũng không nói nó là thứ cát gì và để làm gì? Mãi về sau này Nhân vật trong chuyện này mới biết. Đó là thứ xỉ thải ra từ mỏ đá quý, từng hạt, từng hạt nom nhỏ li ti hình mắt cua. Người ta dùng làm tranh đá quý, thường mua với giá rất cao nếu là thứ xỉ đá quý nhiều màu..
( Chuyện đến đây không cần nói nữa ).

**
Sáng hôm ấy Én về nhà. Các con nàng đi học vắng. Cửa nhà nàng vẫn cài chốt bên trong. Bỗng nhiên nghe có tiếng động, tiếng rì rầm trong nhà. Nàng đẩy cửa bước vào. Mùa lạnh mà chồng nàng cởi trần, trán lấm tấm mồ hôi. Thế là sao? Nàng nhìn vội phía cửa sau. Cánh cửa mở, còn rung nhẹ. Rõ ràng vừa có người đi qua lối này. Én bước vội đến, nàng nhìn rõ hai bờ vai trần lộ ra sau mái tóc đen, dày của ai đó đi rất vội sau vườn. Cô ta vượt con dốc gần như dựng đứng, nhiều bậc, theo lối tắt lên lối bệnh xá, chứ không theo đường.
Thế là rõ. Đã có người nói với Én dạo này cô Mỷ y sĩ trên trạm hay xuống nhà chơi khi cô vắng nhà. Én không tin là ngoài việc đến chơi, không có ý tứ gì khác. Cô ta người ngoài tỉnh, ngoài mấy nhà gần đây đâu có quen biết ai? Khi rỗi việc “quan hệ quần chúng”, “gần gũi với dân”, việc ấy có gì là lạ? Nhưng hôm nay tận mắt Én nhìn thấy, cô không còn hồ nghi gì nữa.
Chuyện gì phải đến đã đến. ÔNg ăn chả thì bà ăn nem, ai hơn ai kém ai? Chiến sự xảy ra ngay trong ngôi nhà sàn đẹp nhất tỉnh này.
Chán không buồn đánh ghen. Sau nhiều tai tiếng ầm ĩ, hai người chia tay. Gần đây nàng vướng vào vụ kiện cáo, cướp giật.. Không biết có hay không? Nhưng đấy là chuyện của nàng..
Đó là khúc giữa câu chuyện, được nhân ý kể bổ sung cho tôi nghe trong bàn rượu nhà hàng “Cây Bàng” . Cuộc “rửa xế hộp” của nhân chỉ có vài người. Chả hiểu tại sao chả thân gì mấy, nhân dân này lại nhớ đến, mời tôi? Nhân dân này kể lung tung, chỗ nhớ, chỗ quên đoạn đầu đoạn cuối đan lẫn vào nhau, tôi phải sắp xếp lại, tạm thời nó mới được như trên. Về nhà đến mấy hôm, tôi mới biết. Thì ra đó là cách nhân muốn trình bày khéo mọi sự rối rắm của đời mình cho bọn tôi và đặc biệt là cho cô nàng Mỷ nghe. Như kiểu người ta làm “Sách trắng ngoại giao” vậy.

***
“Cô Mỷ kể cũng lạ. Việc nhân duyên của cô ý lại muốn giống y chang cỗ xe song mã, hai ngựa kéo. Kiểu xe bò của miền đông Nam bộ, thắng bò cả cặp. Con nào con ấy đều vâm vao sức vóc, đều như đũa một đôi. Như thế xe mới cân, mới chạy được đường dài..” Triệu kết một câu như thế. Tôi bảo gã: “ Thế không còn chuyện gì khác nữa sao mà lần nào gặp, mày cứ nói mãi chuyện này?” Hắn tức. Tại hôm nọ mày hỏi tao mới nói. Không nói thì thôi. Nói phải có đầu có đuôi chứ? Cái đoạn hay nhất là tao chưa kể đâu đấy, mày lại gạt phăng đi, rõ là.. Không đợi hỏi thêm, nó tiếp:
- Mày có biết cô này nguồn cội như thế nào không?
- Ai để ý đến chuyện người ta làm gì? Mà mày cũng hay rỗi hơi. Mấy lần “Ủy” gọi ra cảnh cáo về tội phát ngôn bừa bãi, xâm phạm đời tư người khác vẫn không chừa!
hắn bĩu môi, làm như không thèm chấp, không thèm để ý, tiếp luôn:
- Nó là con gái bà Hà. Cái bà “đệ nhật vợ”có hai ông chồng ngoài tỉnh đấy, mày biết không?
À. Cái bà có hai ông chồng, một ông sửa xe, một ông cúp đầu ai không biết? Nhưng sao cái cô Mỷ lại con của bà ấy nhỉ? Phải chăng là có gen di truyền?
Hồi còn làm nghề Thạch Sanh đốn củi, tôi thường hay đậu bè trước cửa nhà bà ấy gần bến sông con, dưới tỉnh. Bà có ngôi nhà lá ba gian. Bà ở gian giữa, hai ông ở hai gian bên . Thiên hạ kháo nhau tối nào bà cho phép ông thợ cạo thì bà treo áo ở gian thợ cạo. Nếu chọn ông sửa xe, xâm xẩm tối bà treo áo con của mình ở gian ông sửa xe. Hôm nào đến tháng, không làm việc được là “bế quan tỏa cảng”, không treo áo ở bất cứ gian nào. Hai ông cứ theo dấu áo mà thi hành.
Chuyện nghe một hai lần còn thấy lạ, nghe mãi cũng nhàm. Bao nhiêu chuyện kinh thiên, động địa nghe mãi đâm quen, chả muốn nghe. Thời buổi nhiều chuyện, nghe làm gì lắm cho mệt người? Tôi bảo nó thế để kết thúc câu chuyện. Mình đâu có nhiều thì giờ.
Nghe chừng nó hiểu:
- Tao biết mày chả muốn nghe. Nhưng chỗ bạn bè hôm nào bảo nó một tiếng. Giàu có như nó lấy đâu chả được gái tơ? Thóc đâu bồ câu đấy, có thiếu gì? Tội gì phải lấy chung vợ với người ta? Đàn ông con trai mà chịu cảnh như ông thợ cạo, ông sửa xe thì nhục. Ai lại ngày chẵn nó về với chồng cũ, ngày lẻ mới ở với mình? Chung gì thì chung, chung vợ là không có được.
Tôi định kể cho Triệu nghe về cái “mốt” của thời bây giờ rất nhiều cái ái oăm. Câu chuyện “câu lạc bộ Swing” đổi vợ cho nhau trong Sài thành người ta đang bàn tán rần rần.
Nhưng nghĩ lại, không nên. Gặp cái thằng ba hoa sít tốc này, có một nó nói phụ họa thêm mười, có khi chả tốt. Lúc khó khăn này, kín miệng vẫn hơn. Đành bảo:
- Ừ để tao xem đã. Nhưng biết hay dở thế nào mà góp ý?
Triệu “chó lợn” ( Chả biết sao quanh xóm gọi cho gã cái biệt danh này?) cau mày, ra vẻ giận giữ:
- Mày đúng là ngậm miệng ăn tiền. Thế mà cũng đòi tập tọng viết mới chả lách!
Tôi giận, định choang cho nó một hồi. Nhưng  nó đã vội phóng xe dong thẳng.. Thằng này cay cú thế chắc phải có mắc mớ gì? Nếu không cũng là ghen ăn, tức ở, kèn cựa đây! 
Hay là nó cũng là nạn nhân cuộc tình ngày trước, bị vợ cũ của nhân vật đá đít, bây giờ cay?
 Người với người, không dưng mang chuyện của nhau ra nói làm gì?

Nghĩ thế, tự nhiên hết bực, lòng thanh thản lạ lùng!


==========

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: