Trung Quốc đang sẵn sàng "được ăn cả, ngã về không" khi lựa chọn đúng thời điểm cho "vở kịch" nhằm đạt mục đích bá quyền khu vực, và sau đó là toàn cầu.
Đó là nhận định được đưa ra trên tạp chí National Interest (NI, Mỹ) bởi tiến sĩ Jerry Henrix, cựu Đại úy Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu của Chương trình Đánh giá và Chiến lược quốc phòng, thuộc Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS).
Học giả Mỹ: Trung Quốc sẽ lập "vùng cấm" ở biển Đông
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng trái phép hàng loạt hangar (nhà chứa máy bay) được gia cố trên 3 thực thể mà nước này xâm chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sacủa Việt Nam, ngoài ra còn có sự xuất hiện của những "cấu trúc chưa xác định" khác mà theo ông Henrix thì nhiều khả năng là bệ đặt ổ phóng tên lửa.
Ông cho rằng, tất cả những dấu hiệu này cho thấy việc Bắc Kinh tiến tới tuyên bố môt "vùng cấm về kinh tế và quân sự" trên biển Đông chỉ là vấn đề một sớm một chiều.
Thời điểm đó sẽ không ngẫu nhiên, và các nhà chiến lược của Mỹ phải sẵn sàng để bảo vệ một hệ thống quốc tế do Mỹ làm chủ đạo, đã được thiết lập 70 năm qua từ sau Thế chiến II, hoặc phải chấp nhận "sự đào thải hiển nhiên" bởi Trung Quốc.
Theo hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố, số lượng hangar mà Bắc Kinh xây trái phép trên đá Chữ Thập và đá Subi đã gần hoàn thành, trong khi các hangar trên đá Vành Khăn đang ở giai đoạn ban đầu.
Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) của CSIS, ông Gregory Poling xác định, số lượng hangar kể trên khi hoàn thành sẽ cho phép Trung Quốc bố trí 72 máy bay chiến đấu với nhiều kích cỡ khác nhau.
Tiến sĩ Henrix bình luận, số lượng máy bay vượt trội cho phép Trung Quốc nắm giữ ưu thế trên không trong một thời gian dài.
Ngoài ra, việc Mỹ cáo buộc Bắc Kinh triển khai (phi pháp) các hệ thống tên lửa như YJ-62 hay HQ-9A ở biển Đông cũng làm dấy lên quan ngại về căng thẳng leo thang trong khu vực khi các máy bay và chiến hạm của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải đối diện với đe dọa lớn hơn từ Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc đi xa hơn tới mức bố trí tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D trên các đảo nhân tạo(trái phép-PV) thì Hải quân Mỹ sẽ bị mất khả năng tiếp cận với căn cứ ở Singapore và bị đẩy về Australia, Trân Châu Cảng và Nhật Bản," Jerry Henrix viết trong bài phân tích trên NI.
Học giả người Mỹ hình dung: "Một khi các hangar và bệ phóng hoàn thành, máy bay cùng tên lửa của Trung Quốc sẽ được chuyển tới và lắp đặt trong đêm, sau đó thông báo đến Tổng thống Mỹ bằng một cuộc điện thoại lúc 3h sáng."
Đã đến lúc "được ăn cả..."
Henrix tin rằng Trung Quốc sẽ không dại "kéo cò" hành động mạo hiểm này trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, bởi điều đó sẽ biến Bắc Kinh thành mối quan ngại hàng đầu sau cuộc chạy đua vốn đã khó dự đoán kết quả.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không đợi đến khi Tổng thống tiếp theo của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017.
Theo Henrix, chính sách ngoại giao bị động theo lối "thao túng từ phía sau" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến ông trở thành "đối tác đắc lực" trong sự bành trướng toàn cầu của Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể sẽ thúc đẩy những động thái mạnh bạo vào giai đoạn chuyển giao quyền lực sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 và quá trình thành lập chính phủ mới, nhằm tạo ra "sự đã rồi" mà chính quyền sắp mãn nhiệm của Obama sẽ không ca thán.
Chiến thuật bành trướng của Trung Quốc thường dễ thành công khi khi dư luận quốc tế ít chú ý đến họ nhất.
Tuy nhiên, hành động của nước này sẽ gặp khó khăn hơn nhiều bởi phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã tuyên bố Bắc Kinh "không có chủ quyền lịch sử" ở biển Đông, đồng nghĩa với hoạt động xây dựng và quân sự hóa của họ trên các đảo nhân tạo chính thức bị xác định là phi pháp.
Học giả Henrix khuyến cáo Washington củng cố hành động ngăn chặn Trung Quốc thông qua việc xem xét áp đặt một chuỗi lệnh cấm vận về kinh tế và công nghệ lên Bắc Kinh, giống như những gì Mỹ đã làm để chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cuối cùng, quân đội Mỹ cần kết hợp với các đối tác và đồng minh để tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự liên tục ở vùng biển quốc tế, đặc biệt là tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá bị Bắc Kinh chiếm trái phép, nhằm gửi một "thông điệp đa quốc gia" rằng Trung Quốc mới là kẻ xâm chiếm ở biển Đông.
Jerry Henrix cảnh báo, sự thất bại trong triển khai các phương án kể trên sẽ "bật đèn xanh" cho Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Đến khi đó, chỉ còn lại 2 lựa chọn cho Washington: Chiến tranh, hoặc hòa bình "tạm bợ" bởi sự suy giảm quản lý trong trật tự quốc tế ngày càng trở nên độc đoán.
"Đã đến lúc nhận ra đây là thời điểm 'được ăn cả, ngã về không' với cả hai bên (Mỹ và Trung Quốc) trong cuộc cạnh tranh này," ông kết luận.
theo Thế giới trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét