Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

nền tảng văn hoá được tập nhiễm ngàn đời đã tạo thành tập quán tư duy, tạo nên những thang giá trị "nhân cách kẻ sỹ" có điểm khác biệt, nên tinh thần sống khác biệt


Thưa các anh chị, trong tập BÌNH LUẬN VĂN CHƯƠNG mà tôi đang làm, tập chia làm 3 phần, trong đó Phần III dành cho những bài vấn/đáp về thơ.
Và dưới đây là bài trả lời phỏng vấn, giữa tôi với nhà thơ Nguyễn Giáng Vân. Bài đã được gt trên Văn Việt. Trân trọng gt với các anh chị:
*
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ GIÁNG VÂN
1/ Thưa nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, với mọi người thì việc đọc đã rất quan trọng, với anh, việc đọc dường như là sự sống còn của đời sống cá nhân?
- Vâng, đúng vậy. Như chị đã biết, tôi sớm phải nghỉ học. Việc được học bài bản, hệ thống trường lớp là con đường tiếp thu tri thức một các nhanh chóng và đầy đặn. Tất nhiên, nếu thấy thoả mãn với kiến thức trường lớp trang bị thì ai đó chỉ có thể thành một công chúc cạo giấy, ăn lương. Người "học trò cuộc đời" muốn có được sự trưởng thành ngày một lớn hơn, sống giầu ý nghĩa hơn thì họ đều phải tiếp tục tự học không ngừng. Nghĩa là đọc và suy nghiệm, đúc kết. Tôi không được may mắn để có được cơ sở ban đầu là học qua hệ thống trường lớp, tôi hoàn toàn phải tự học bằng cách sống và đọc. Một chặng đường mò mẫm, nhiều lúc loanh quanh, u u minh minh. Rất mất thời gian và có thể nói kiến thức thu được khá chắp vá, ít ỏi. Tôi là kẻ trên đường văn học với cây gậy yếu bấy và duy nhất, là niềm kinh hãi trong sự lưu lạc, côi cút của phận người trong cõi người, kiếp người. Tôi là kẻ luôn bị cuộc đời dồn đuổi, không một cư trú an toàn, chị ạ. Vì thế mà nhiều khi tôi gấp gáp, lại cũng khi tôi trở lên u lì, gan góc hơn trước những cảm thức buồn thương về sự lưu lạc, dồn đuổi ở thế gian này. Không rõ đấy có phải là lòng can đảm, là nghị lực như người ta thường nói không? Nhà thơ lớn người Nga, Boris Leonidovich Pasternak viết "Lòng can đảm - cội nguồn cái đẹp", quả vậy thì tôi cũng có ít nhiều hy vọng đạt được đôi chút mảnh vỡ của "cái đẹp" thơ ca vào một ngày đẹp trời nào đó chăng?
2/ Các học giả, các nhà nghiên cứu, họ có rất nhiều kho kiến thức trong đầu, họ thường dùng những thứ họ có để soi vào văn chương, cái mà một người không may mắn như anh không dễ gì có được. Vậy anh đã đọc và tiếp nhận bằng cách nào?
- Con đường văn học của tôi, khởi đầu có lẽ chỉ là do niềm yêu thích, bản năng hồn nhiên. Tôi đọc sách để "giết thời gian", giải khuây trong những ngày đau bệnh triền miên. Sách với tôi khi ấy là giải trí, như một con thuyền giúp tôi chuyên tải dòng thời gian buồn thương và trỗng rỗng. Sau dần dần niềm yêu thích đọc sách lớn thành khát vọng viết sách. "Con thuyền" bản năng, vô tư kia ai ngờ lại hoá thành phương tiện chở tôi sang bờ. Ý thức sáng tác xuất hiện đồng nghĩa việc tiếp thu kiến thức cho công việc này, lúc đó tôi đã tích luỹ được ít nhiều. Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1983 - 1984, năm đó tôi 23, 24 tuổi và đã nằm liệt giường dăm năm, sau khi xem một cuốn tiểu thuyết được viết thời chống Mỹ, một người hỏi "Khơi thấy thế nào?" thì tôi bảo "Tôi cũng có thể viết được…". Và thế là tôi viết thật. Những câu chuyện, dạng truyện ngắn lần lượt ra đời. Hiển nhiên, không hoàn toàn như tôi chủ quan nghĩ, những tác phẩm đầu tay đó, chừng mươi cái, được viết trong vài ba năm, chưa phải là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Phải mất dăm năm sau, truyện ngắn "Hồng y bảo ngọc" được viết và được báo Văn nghệ đăng trên số Tết, mục dự thi và vào tới vòng Chung khảo thì mới được xem là một tác phẩm. Về thơ, tôi viết thơ sau viết văn xuôi, nhưng ngược lại, trước khi có truyện ngắn đăng báo thì tôi đã có thơ được báo Văn nghệ trao giải Nhì. Con đường sáng tác văn học quả là một con đường dài và đầy khó khăn. Phải mất khoảng 20 năm sau đó nữa, tôi mới tin là mình có thể đi được trên con đường này. Và cũng cần xác định thêm, yếu tố năng khiếu cũng là một đảm bảo lớn. Dường "năng khiếu trời cho", trong sâu thẳm bản thân nó có ẩn chứa, được tích hợp kiến thức tự… bao giờ. Nó là cõi tâm thức, vô thức, là thứ báu vật được mang từ tiền kiếp chăng...?
3/ Vâng, chính là anh đã chạm tới một phạm trù triết học, triết học về thế giới bên trong của con người, về những bí ẩn của tâm linh, như những vũ trụ thu nhỏ, và chỉ khi chúng ta đi sâu vào bản thể mình, lắng nghe bản thân thì mới thấu thị được bản chất thế giới. Điều này không lạ với tư duy phương Đông, trong Thiền học. Bản năng, sự hồn nhiên dường như giúp chúng ta đi thẳng đến bản chất sự vật, không cần một trợ giúp nào. Một đứa trẻ dễ dàng nhận ra kẻ giả dối với nó hơn những người lớn đầy kinh nghiệm, bởi vì nó trong suốt. Một thi nhân, bởi sự nhậy cảm của bản năng, nên anh ta buồn đau trước khi người khác thấy buồn đau, thấy cái đẹp trước khi người khác thấy… Ánh sáng soi rọi hơn mọi thứ tri thức, chính là ánh sáng bên trong. Thưa nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, đọc thơ anh, tôi nhìn thấy rất rõ thứ ánh sáng này. Dường như, sự đọc, sự học của anh cũng thấm đầm tinh thần phương Đông?
- Thưa chị, quả là tôi sớm được làm quen với sách vở cổ điển phương Đông, với không gian nhà chùa, và không khí lễ hội ở làng quê Việt, vùng Châu thổ sông Hồng. Về gia đình, ông nội tôi có bà vợ hai, bà ở với ông nhưng không được người con nào và bà thường ở chùa làng. Thuở ấu nhi tôi thường ngày được cùng bà ra chùa làng chơi và cụ Hoà thượng trụ trì ở chùa cũng hay vào nhà tôi chơi. Cái không khí, không gian hương khói nhà Phật len thấm trong tôi từ đấy. Tuy nhiên kinh pháp nhà Phật thì phải sau này, khi đã lớn khôn, nếm trải nhiều nhọc nhằn số phận, hiểu hơn về lẽ bể dâu, mất còn nhân thế, điều Phật gọi là sắc, uẩn, là giải thoát, phải tới khi này tôi mới dần dà thâm nhập vào thế giới nhà chùa và cả những phương diện Đông phương học khác.
Trong Phật học, chữ "Tâm" chính là điều căn cốt nhất. Phật tại Tâm. Thảy mọi lẽ sống thế gian đều khởi từ Tâm. Khi Tâm định trụ thì sự vật không biến đổi, cuộc sống được an lạc, viên toàn. Tâm định thì Tuệ khởi. Cái "ánh sáng từ bên trong" mà chị coi trọng, chính là cái ánh sáng nguyên nhất, tinh khôi, trinh huyền này. Nó không thể bị vẩn đục, bi khúc xạ, bị chia chẻ. Vậy "Tâm" trong quan niệm này chính là tính nguyên thuỷ, nguyên lý của mọi vận động, của bản chất thế gian. Khi Tâm an định thì ánh sáng tuệ giác sẽ phóng chiếu mang lại cho ta những nhận thức tới chân lý, chân giá trị đích thực. Và, với người sáng tác văn chương khi tu tập cho mình được cái Tâm này, tất anh ta có cơ hội tiếp cận và trình bày được về cái đẹp, điều chân lý của thời đại, cao hơn của nhân loại, của kiếp người trong cõi thế. Xuất phát từ lý do đó, với tôi, giá trị Đông phương học mang trong nó sơ đồ cấu trúc thế gian, cấu trúc vũ trụ. Vấn đề còn lại với người làm sáng tác, là giải mật, giải thiêng cấu trúc này thế nào, với phương thức nào cho mới mẻ, phù hợp với ngôn ngữ thời đại anh đang sống và với nhiệm vụ riêng, không kém phần căn cốt, là tạo ra được hệ ngôn ngữ thi ca của mình. Qủa khó khăn, phải không thưa chị? Và để làm được những việc này, từ tiếp nhận đến chuyển hoá, dường như sức một con người trong một lần sống, chuyển hoá là chưa đủ. Nó còn được tích hội từ đâu đó nữa, phải chăng là điều mà chúng ta vẫn nói với nhau rằng "trời cho", là thứ siêu văn bản chăng?… Loanh quanh tôi lạ trở về "đổ lỗi" cho tâm linh, cho chữ "kiếp"…
4/ Vâng, thưa anh, tôi nghĩ rằng, trực giác, một thứ siêu tâm thức, bản thân mỗi người ít nhiều đều được trời cho, nhưng, mỗi người trong đời sống của họ, nếu không thường xuyên sử dụng như một cách nuôi dưỡng đều bị mất đi, bị lẩn khuất ở đâu đó. Nhưng có một nghịch lí rằng, khi ta có được một thành tựu, một kinh nghiệm, một vốn tri thức nào đó, dù rằng, nhờ trực giác, nhờ siêu tâm thức ta đạt tới, thì ngay lập tức, các kinh nghiệm, các thành tựu đó đã trở thành vật cản, thành giới hạn của chính bản thân mình. Anh có khi nào cảm thấy điều đó?
- Câu hỏi rất lý thú. Thưa chị, tôi luôn cảm thấy, nghiệm thức rõ về điều này. Trong sâu thẳm mỗi con người đều còn ẩn chứa bao tiềm năng. Bộ não, tâm thức chúng ta dường như một vũ trụ, một lòng đất sâu bí hiểm. Còn bao mỏ quặng, bao nguồn năng lượng chưa được biết tới…? Và rồi những rào cản lại được dựng lên mỗi khi những nguồn năng được khai mở. Ấy là khi cái gọi là "giá trị" được xác lập. Bởi trong lòng mỗi giá trị đều có tính tự mãn, kiêu hãnh của nó. Và đó là khi tri thức, kinh nghiệm bắt đầu trở nên rào cản cho việc tiếp cận nguồn trí năng khác nó, ngoài nó, mà trong khi "sáng tạo", bản chất của nó là làm ra cái mới mẻ, khác lạ, cái chưa từng có.
Tôi luôn ý thức được về đòi hỏi này trong công việc, vì vậy mà tôi rất ủng hộ những tác giả mới, có cống hiến về sáng tạo. Nhưng về bản thân thì không phải "cứ muốn mà được", tôi cũng luôn trong cảm giác bất lực khi đối diện với cây bút, trang giấy. Có lẽ, vượt qua chính mình, qua những thành công của mình cho những giá trị mới mẻ hơn, cao hơn luôn là "vật cản" với tất cả những ai có tinh thần sáng tạo, tìm đường…
5/ Anh đã vượt qua những rào cản của chính bản thân trong việc đọc và tiếp nhận như thế nào?
- Khi ta còn khát vọng cho cái mới, cho những tầm cao của chính mình thì ta còn đấy năng lực, bản lĩnh cần thiết để ra đi.
Về bản thân tôi, có vẻ tôi ít phải đối đầu với thách thức này. Vì tôi bản năng chăng? Tôi ít "tích luỹ" được kiến thức chăng? Kiến thức có trong tôi, không giấu gì chị, quả thức còn rất ít ỏi. Như những người bà con làng xóm, nông dân bên mình, tôi vừa làm vừa học. Học qua chính bài làm, trên "cánh đồng" của mình. Mà bài làm hôm nay, giống như cây lúa, nó chỉ là sản phẩm trả nợ cho mồ hôi công sức ngày hôm trước, khó đem ra trả nợ cho ngày sau đó nữa, nên mỗi kết quả đều có một giá trị hạn hữu. Nhưng với đời sống "sách vở", "phố phường", thì có điểm khác, tôi thường thấy không ít gương các tác giả bị vướng mắc khá nặng nề vì chính những thứ bài bản, "đại tập thành" mà họ có được. Điểm cần được vượt qua nhất cho công việc sáng tác - sáng tạo, là hai chữ "bài bản" chăng? Nói chung đây còn là một nhận thức ngoài tôi. Tôi khó trả lời chị cho thấu đáo được câu hỏi này.
6/ Như vậy, tôi vẫn cứ phải nói điều tôi thấy về anh là "anh cũng đã học được khá nhiều đấy. Khó thể nói khác". Điều khác là, nghĩa là, dù anh đã đọc khá nhiều, đã tích lũy được khá nhiều, nhưng để tiếp nhận các giá trị khác, anh lại phải gạt sang một bên những xác tín? Việc này hẳn nhiều khó khăn, vẫn cần được "tò mò", thưa nhà thơ ?
- A, thật khó, thật khó. Vâng, nói theo logic câu chuyện của chúng ta, là, rất khó khăn. Vì, như ta đã biết, mỗi giá trị là một trở ngại. "Gía trị" do tích luỹ được từ sự học hay do ta đạt tới được bằng sáng tác, dưới bất cứ hình thức nào, khi nó càng to lớn thì khả năng để vượt qua nó càng thêm bội phần khó khăn. Trừ khi ta đạt được những giá trị trong tính không, từ tính không. Song đây lại là vấn đề cách biệt nhau, vấn đề của các cơ sở nguyên lý. Còn khi trong lòng kiêu mạn của ta, "giá trị" lớn thành một trái núi thì vượt qua nó sẽ là điều không thể. Thế mới có khái niệm học để mà quên, học để tự làm rỗng mình. Và nữa, còn phải tính tới những trở ngại do tuổi tác, sức khoẻ, điều kiện sống nữa chứ.
6/ Anh có sự quan sát việc này ở những người khác không? Và có thể kể đôi điều những gì anh thấy được?
- Quan sát ư? Tất nhiên rồi, như trên tôi đã trình bày. Và thực tế, không cần mất nhiều công sức, sự tinh tế gì cho lắm, chúng ta đều dễ dàng nhận ra điều, rất nhiều, rất nhiều bạn đồng hành của chúng ta họ đã dừng lại trước những rào cản cuộc sống; phần do môi trường xã hội quẩn quanh, tù đọng, phần lớn hơn do căn bệnh tự thoả mãn với cái mình đã có. Đáng tiếc là trong số họ có cả người từng được xem là có tài.
Cũng cần phải nói thêm, có một điều gây cho tôi suy nghĩ nhiều. Hoàn cảnh, môi trường xã hội, thời đại, như biết, luôn có tác động, áp lực lên sáng tác của nhà văn xưa nay, dù ở Đông hay Tây là không hề nhỏ, thậm chí nó như một thứ quyết định luận. Thế nhưng, cũng là sống dưới một bầu xã hội, thể chế chính trị chung, ví như giữa Việt Nam với Liên Xô một thời. Vậy sao trong những năm 1950 - 1960, ở Liên Xô vẫn có được các tác phẩm, như Bác sĩ Zhivago, Trái tim chó, Nghệ Nhân và Margarita, Lolita.v.v.., dù là các tác phẩm này xuất bản thời gian nào, ở đâu, với thứ tiếng nào, trong khi ở nước ta thì không nhà văn nào viết được các tác phẩm như vậy? Vì sao? Do đâu? Câu trả lời, do Tài năng, Bản lĩnh, và nền tảng văn hoá được tập nhiễm ngàn đời đã tạo thành tập quán tư duy, tạo nên những thang giá trị "nhân cách kẻ sỹ" có điểm khác biệt, nên tinh thần sống khác biệt chăng? Qủa thế thì chúng ta phải làm thế nào để thoát ra, sống khác đi? Thưa chị, tôi rất trăn trở, nhiều khi thấy đau đớn, nhức nhối về điều này.
GV - ĐTK

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: