Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Viết làm gì cho khổ?

Cái họa chữ nghĩa
GiadinhNet - Thầy Đặng Quang Liễn viết câu đối Tết và gặp họa chữ nghĩa. Câu đối Tết của thầy Liễn năm đó như sau: “Hoan Diễn hào hùng nghìn Tết trước. Hồng Lam ấm áp vạn xuân sau”.
Hoan là Châu Hoan ngày xưa, nay là Hà Tĩnh. Diễn là Châu Diễn ngày xưa, nay là Nghệ An. Hồng là núi Hồng Lĩnh, thuộc Hà Tĩnh. Lam là sông Lam thuộc Nghệ An. Khi câu đối của thầy Liễn ra đời, Hà Tĩnh và Nghệ An đang chung là một tỉnh gọi là Nghệ Tĩnh. Câu đối của thầy Liễn chỉ nhằm ca ngợi truyền thống quê hương. Nhưng người ta bắt bẻ rằng, trước thì hào hùng, sau mới ấm áp, còn hiện tại thì chẳng có gì, phải chăng tác giả muốn phủ định hiện tại? Tưởng chỉ người làng Nho Lâm cậy có chữ bắt bẻ nhau vậy thôi, không ngờ công an triệu tập thầy Liễn lên chất vấn và giữ lại cho hết giao thừa mới được về. Thầy Đặng Quang Liễn thoát họa là may nhờ có nhà thơ Trần Hữu Thung bênh vực. Khi cơ quan công an hỏi nhà thơ Trần Hữu Thung có nhận xét gì về câu đối của thầy Liễn thì ông Thung nói: “Câu đối hay và chỉnh quá. Hoan Diễn đối với Hồng Lam. Nghìn Tết trước đối với vạn năm sau. Hai vế đối rất chỉnh. Nếu bây giờ chẳng có gì thì vạn năm sau làm sao mà ấm áp được. Tấm lòng của tác giả thật trong sáng”. Thế là thầy Liễn được tha.
Năm 1986, tôi cũng dính họa chữ nghĩa. Lúc đó tôi viết bài Bút ký văn học Đêm trắng và gửi in trên báo Văn nghệ. Cảm hứng của tôi để viết bài ký đó là tiếng chày giã gạo: “Ịch ình, ịch… Tiếng chày gỗ nện vào cối đá, vang trong đêm không trăng sao, nghe đâu từ thuở hồng hoang vọng về. Đằng sau những tiếng ịch ình ấy, có bóng dáng một người đàn bà, kiên nhẫn đạp bàn chân trần vào cần cối, chúi người về phía trước, dồn hết trọng lực vào đầu cần bên này để buộc đầu cần bên kia phải nổi lên, rồi buông chân ra cho cái chày rơi vào lòng cối. Thuở bé, tôi đã từng ngồi đếm những tiếng chày của mẹ tôi. Thường thì cứ khoảng hai nghìn tiếng ịch ình như thế là trắng một cối gạo.
Và hôm nay, tôi đi dọc con đường lổn nhổn đá cứt sắt, đếm tiếng chày giã gạo đêm của làng”… Tôi bị bắt bẻ ngay từ đoạn mở đầu của bài bút ký. “Làng Nho Lâm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp 30 năm rồi. Phong trào sản xuất đang lên mạnh.
Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết như vậy. Sao Khánh Hoàng lại dám ví tiếng chày giã gạo của làng như từ thuở hồng hoang vọng về? Vài hôm lại thấy công an về hỏi mẹ tôi chuyện nọ, chuyện kia khiến mẹ tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Mẹ viết thư bảo tôi: “Con viết cho hay là được, đừng chống đối ai cả”. Khi tôi về nhà, mẹ hỏi: “Bài văn Đêm trắng con được thưởng bao nhiêu”. “Bốn mươi nghìn đồng, mẹ ạ!”. Thế thì chẳng bằng mẹ nuôi lợn. Viết làm gì cho khổ”.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: