Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Trích đoạn TT"Khát":

..Từ nhà ông Phụng bản Na Mèo lên tới thác nước chừng hơn ba cây số. Quãng này lòng suối hẹp, đá gập gềnh, dây nhợ chằng chịt rất khó đi. Những những bụi nứa dai xen giữa các tảng đá to chắn ngang dòng nước, bắt con suối chảy ngoặt bất ngờ, có lúc như chui tọt vào vách đá. Ngấm ngầm chảy sâu trong lòng đất rồi bất ngờ con suối lại xuất hiện ở một chỗ khá xa, không ai ngờ.
Khanh nhớ hai bên bờ suối quãng này mọc dày những cây kè đá, gỗ chắc chả khác gì sắt nguội. Chặt vào nó chỉ có thể dùng rìu lưỡi thật bén. Dao quắm hay dao tư đụng vào không mẻ cũng quằn.
Thứ cây không ai trồng mà lại sống rất dai. Người già nói đã từng thấy có cây sống lâu bằng ba bốn đời người. Gỗ của nó chôn dưới đất hàng chục năm vẫn không mục, mối mọt chịu chết đừng hòng sơ múi, xâm phạm được.
Chỉ có điều nó không cao lớn, cổ thụ như những cây khác. Cây to cũng chỉ bằng cột nhà dù đã mọc lâu năm. Soàn soàn, thẳng muốt to bằng bắp chân là nhiều hơn cả. Thỉnh thoảng bắt gặp một cây khô, áng chừng tự chết già từ bao giở bao giờ không ai hay biết. Cành lá cây này trụi hết, cây vẫn vô tư đứng lại một mình. Nếu không có bàn tay của con người, hay vụ cháy rừng ngẫu nhiên nào đó, chưa biết nó còn đứng đó đến bao giờ?
Mùa chim sinh nở, ngọn cây trơ vơ này thường có chim sáo đen chọn nơi làm tổ. Không thì cũng là nơi trú ngụ của tắc kè hoa. Con nào con nấy béo nùng nục, nặng gần hai lạng. Thời gian nan, chính những chú tắc kè hoa này đã giúp Khanh qua khỏi thời thiếu đói khi bắt đầu lập nghiệp. Cứ chập tối, không rõ mặt người nữa là lúc tắc kè bò ra từ bọng cây kiếm ăn. Chỉ cần cái móc sắt nhỏ hươ hươ sát miệng bọng cây kè khô là y như rằng con vật nhanh như sóc ấy dính vì tưởng nhầm là côn trùng . Nó đã ngậm vào là khó có thể nhả ra, y như người ta nói “đười ươi nắm được tay người”. Phải lấy tay gỡ miệng nó ra mới lấy được cái móc sắt ra khỏi miệng. Cứ ba con như thế có giá ngang bằng một cân thịt lợn loại ngon. Nhờ vậy mà lán của Khang ở sâu trong rừng chả khi nào hết mỡ ăn. Còn thịt thì tuần hai buổi người trên lán về qua chợ là có ngay chất tươi liên hoan chộn rộn cả góc rừng.
Còn rau thì đủ loại. Từ cà Lào quả to vật như cái bát tộ trồng quanh lán, rồi bí xanh bí đỏ, râu muống chả thiếu thứ gì. Nhưng hảo vị nhất vẫn là các loại rau rừng. Bây giờ thì người ta coi rau bao, tên chữ “bồ công anh” là cây thuốc quý và cực hiếm, chứ bấy giờ mọc nhiều như cỏ dại. Thứ rau có vị đăng đắng này là thứ ăn được lâu không chóng chán. Nhưng lúc đó chưa mấy ai biết đến những tính năng chữa gần như bách bệnh của nó. Có lúc Khanh còn phải cho người dẫy bỏ đi vì nó mọc dày quá, lấn át các loại cây trồng khác!
Những ngày có mưa rào, cua đá bò cả vào trong lán. Đem luộc hay rang lên ăn có vị hơi nồng nồng như mùi vôi, ăn nhiều hay đau bụng đi ngoài. Người làm nương, sống ở rừng chả mấy ai thích, chỉ khi nhỡ bữa, mưa gió không kiếm được thứ khác mới dùng đến nó để thay thế. Ít ai ngờ rằng đến bây giờ lại là thứ đặc sản quý hiếm, mấy chục ngàn đồng một cân. Có khi người bán tính tiền từng con một. Không ai dám cho ai từng chậu từng sô vô tư như hồi nào.
Quả cây chín trong rừng cũng khá nhiều chủng loại, nhiều loại là vị thuốc quý sau này, chữa khỏi cả căn bệnh nan y. Những trái dâu rừng tím mọng, trái bồ quân hay trái dâu da đỏ thắm.. Nhiều loài trái cây chỉ còn trong ký ức người già, lớp trẻ sau này không hề hay biết đã từng có chúng.
Người ta nói thời gian tạo nên lịch sử. Có những lịch sử hay ho, huy hoàng sáng chói. Nhưng cũng có những khúc, những khía cạnh ký ức lịch sử buồn.
Lịch sử môi trường sinh thái của vùng đất này không thể nói khác được. Đó là ký ức để nhớ để buồn.
Chỉ chừng hai chục năm, chính con người đã tạo ra nó. Từ môi sinh trong trẻo, thanh khiết, phong phú đến nhóng nhánh đã thành ra trơ trụi, cằn cỗi và đơn điệu. Thậm chí có chỗ, có nơi trở thành độc hại, tranh chấp, đối đầu với sự sống con người.
 Không còn nhiều rừng cây xanh lá, dòng suối rì rầm, bầu không gian mát ướt che chắn cho sinh thái nơi này..
Tự dưng Khanh cảm thấy buồn cho áp lực dân số đè nặng lên môi trường. Những dự án kế hoạch thô thiển, thiếu tầm nhìn xa trông rộng, lồng vào đó là sự ích kỷ tham lam của không ít thế hệ quản lý xã hội, quản lý rừng tạo nên.
Vừa đi dọc theo con đường xi măng dọc bờ suối cạn, Khanh vừa băn khoăn suy nghĩ: Liệu rồi những gì đã mất có còn tái hiện trở lại trên đất đai này? Hay có thể làm được điều gì để cứu vãn, khôi phục nó?


**
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: