Sài Gòn tháng tư nắng nóng như đổ lửa. Nắng rát mặt từ sáng sớm. Nắng chói chang rọi vào mắt. Trưa mà có việc phải chạy xe gắn máy ngoài đường, sẽ có thể không phải là cảm nhận mà như “sờ mó” được những luồng hơi nóng đậm đặc phả vào mặt, vào má, vào mũi, vào hai cánh tay, hai bàn chân. Người ngắc ngoải, thở dốc như con cá bị ném lên bờ. Lúc đó mới thấy thèm làm sao một bóng cây xanh, mới thấy giá trị của cây xanh ở thành phố nhiệt đới chói chang này.
Khi đi trên những con đường rợp bóng cây, lòng thầm cảm ơn những người đã trồng, đã dưỡng những hàng cây và những tán lá xanh. Ảnh: TLTBKTSG
Một bữa, tình cờ chạy qua đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Cao Thắng, bỗng thấy hai bên đường hai hàng cây bằng lăng đang lớn, nhiều cây nở hoa tím ngát giữa tán lá xanh. Cái màu tím hoa bằng lăng giữa trưa bỗng mang lại cảm giác nắng nóng như thiêu như đốt cũng dịu lại. Cũng như vậy khi đi trên những con đường rợp bóng cây me, cây sao, cây dầu, cây xà cừ. Trong lòng thầm cảm ơn những người đã trồng, đã dưỡng những hàng cây và những tán lá xanh.
Ấy vậy mà ngày 29-4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phải gửi văn bản lên UBND TPHCM đề nghị điều tra, xử lý nghiêm một số vụ xâm hại cây xanh ngày càng phổ biến và phức tạp như đốn hạ trái phép, chặt ngang thân hoặc sử dụng hóa chất để đầu độc cây xanh. Mới đây nhất là vụ 6 cây keo tây liền nhau trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình đang phát triển tốt thì đồng loạt bị rụng lá và chết dần, trong khi các cây khác trên tuyến đường vẫn sống bình thường. Qua kiểm tra, người ta phát hiện dưới các gốc cây này có mùi hóa chất, cỏ trồng xung quanh bị héo, chết. Chẳng thể nào hiểu được ai đã đang tâm giết hại những cây keo này, nhằm mục đích gì, nhưng phải gọi đó là những tội phạm môi trường.
Dẫu sao, Sài Gòn dù nóng vẫn còn có điện, có nước, có máy lạnh xài thoải mái. Cái nắng nóng của Sài Gòn chẳng thấm vào đâu so với hạn hán ở Tây Nguyên, hạn mặn ở miền Tây và biển chết ở Bắc Trung bộ. Nắng nóng Sài Gòn cùng lắm là gây khó chịu, hoặc một số bệnh nhẹ; nhưng hạn hán ở Tây Nguyên, hạn mặn ở miền Tây thì không như thế. Đó là cuộc sống, là thu nhập, là đói no của hàng triệu người.
Chỉ tính đến giữa tháng Tư, toàn tỉnh Gia Lai đã có gần 22.000 héc ta diện tích cây trồng bị thiệt hại. Các hồ chứa thủy lợi nhỏ, đập đang cạn kiệt nguồn nước. Tại Daklak, 20.160 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 36.961 héc ta cây trồng bị hạn, các hồ chứa nhỏ phần lớn đã cạn, 118 hồ khô hoàn toàn. Tại Kon Tum, hơn 2.100 héc ta cây trồng bị khô hạn, trong đó 900 héc ta bị mất trắng, 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ở nhiều tỉnh, trâu bò đã lăn ra chết hàng loạt vì thiếu nước, thiếu ăn. Còn ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu vào đất liền ở nhiều tỉnh, nhiều con rạch cạn khô, nhiều cánh đồng lúa khô nứt nẻ, nhiều vườn cây ăn trái chết đứng, dân nhiều nơi thiếu cả nước ngọt cho sinh hoạt.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 6-5-2016 tổng thiệt hại kinh tế do hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đã vào khoảng 8.892 tỉ đồng.
Nhưng không chỉ có hạn hán ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở miền Tây, mà nguyên nhân có phần do biến đổi khí hậu, do tự nhiên. Các tỉnh Bắc Trung bộ đang đối mặt với một đại hạn khác có thể là do bàn tay con người. Đó là cá chết hàng loạt, là biển chết. Còn hơn đại hạn, đó là một đại nạn và không chỉ cho người dân trong vùng, không chỉ trong hiện tại. Ngoài hàng chục tấn cá tầng đáy chết tấp vô bờ đã ba đợt, nếu những gì mà một số thợ lặn quay được dưới đáy vùng biển Quảng Bình vừa rồi được xác nhận là đúng thì hệ sinh thái biển đã bị tổn thương nghiêm trọng và chưa biết đến bao giờ mới có thể phục hồi. Người dân đang chờ đợi đưa ra ánh sáng tội phạm môi trường đã gây ra đại nạn này.
Trên thế giới, nhiều quốc gia sau khi tàn hại môi trường sống đã trở nên giàu có và quay lại nỗ lực phục hồi hệ sinh thái, nhưng không phải tất cả đều có thể phục hồi nguyên vẹn. Còn ta, chưa giàu mà môi trường, hệ sinh thái đã bị tổn hại, mất mát nghiêm trọng. Nhiều quan chức luôn mở miệng nói không hy sinh môi trường đổi lấy tăng trưởng kinh tế, nhưng xem ra nói thì dễ hơn rất nhiều so với khi đặt bút ký phê duyệt các dự án.
Sài Gòn nóng. Nhưng chẳng là gì so với cái nóng của những vấn đề về môi trường trong khắp cả nước.
http://www.thesaigontimes.vn/146227/Sai-Gon-nhung-ngay-nong-rat-mat.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét