Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Những phút giây sinh tử của 34 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm trên biển Hoàng Sa


Hoàng Tuấn
6-5-2016
Thuyền trưởng Phạm Phú Thành (ở giữa) trong vòng tay người thân khi trở về đất liền. Ảnh: Hoàng Tuấn
Thuyền trưởng Phạm Phú Thành (ở giữa) trong vòng tay người thân khi trở về đất liền. Ảnh: Hoàng Tuấn
Sau cú đâm mạnh của tàu lạ, tàu cá của ngư dân Quảng Nam cùng nhiều tấn hải sản chìm xuống biển. 34 ngư dân chới với giữa biển trong đêm lạnh.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, tàu cá QNa 95959 TS do ông Phạm Phú Thành (SN 1966, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 33 ngư dân bị tàu không rõ số hiệu đâm chìm hồi 23h00 ngày 03/5/2016 tại vùng biển có tọa độ 19000N – 114000 E (phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 hải lý).
Chiều ngày 5/5, tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đã đưa 34 ngư dân về tới đất liền an toàn.
Ánh mắt rớm lệ, thuyền trưởng Phạm Phú Thành kể lại: Vào lúc 23 giờ ngày 3/5, khi đang đánh bắt trên biển khu vực biển Hoàng Sa thì bị một tàu lạ đâm va rồi bỏ chạy.
“Trong lúc tàu chìm tôi phát tín hiệu cấp cứu. Khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau được tàu QNa-94998TS của anh Phạm Phú Trung (cùng trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã cứu được 34 thuyền viên. Sau đó, tàu SAR 412 trực tiếp ra đưa ngư dân lên tàu chăm sóc sức khỏe, đưa ngư dân chúng tôi về bờ an toàn.
Tàu của tôi đã chìm hẳn, không lấy được thứ tài sản nào. Chuyến đi biển đã kiếm được hơn 30 tấn mực và tài sản con tàu tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng chìm xuống biển”, thuyền trưởng Thành nói.
H1Tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đưa 34 ngư dân về tới Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Tuấn
Được người thân dìu lên bờ, nhưng vẻ mệt mỏi và thất thần của ngư dân Nguyễn Tấn Tám (SN 1967, trú xã Bình Minh, Thăng Bình) vẫn chưa hết. Có lẽ chưa bao giờ ngư dân Tám đi một chuyến biển kinh hoàng như thế.
“Lúc đó, 31 anh em đi thuyền thúng ra xa tàu để câu mực. Tầm 23 giờ thì nghe tài công trên tàu báo qua bộ đàm là tàu đã bị đâm chìm.
Vì đang trong đêm tối, nên không ai nhìn rõ số hiệu cũng như tàu lạ đã đâm vào tàu cá của chúng tôi. Khi nghe kêu cứu, 31 ngư dân chúng tôi chèo thuyền thúng quay về tàu.
Khoảng 5h sáng hôm sau chúng tôi mới chèo thuyền thúng về tới vị trí neo tàu. Tất cả tài sản cùng con tàu đã bị chìm xuống biển. Chúng tôi bơ vơ, chới với giữa biển mà không biết làm sao.
May mắn được tàu cá cùng quê Quảng Nam đánh cá gần đó phát hiện và cứu giúp. Nếu không thì tất cả anh em chúng tôi không biết có chuyện gì sẽ xảy ra…”, ngư dân Tám kể, nước mắt chảy dài.
H1Ngư dân Nguyễn Tấn Tám bàng hoàng kể lại giây phút tàu bị đâm chìm. Ảnh: Hoàng Tuấn
Là người ở lại trên tàu cá cùng với cha, em Phạm Phú Nhuận (SN 1996, con trai thuyền trưởng Thành) chưa hết kinh hãi, kể lại em và anh Trung (trú cùng quê) mới đi biển lần đầu, phụ trách công việc hậu cần.
Thời điểm trên, cả 2 đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng va đập mạnh. Cả Trung và Nhuận bị văng người lên cao, đập đầu vào thành tàu bất tỉnh, không còn hay biết gì. Đến khi tỉnh lại, Nhuận thấy ba mình vừa ôm em, vừa kéo Trung đu trên nóc thuyền.
Được một lúc, tàu chìm hẳn, ông Thành mới yêu cầu cả 3 bu vào can nước. Do những ngư dân còn lại tham gia đánh bắt ở xa nên phải nhiều tiếng sau mới về đến thuyền, ứng cứu.
Trong đêm tối, mấy chục ngư dân chỉ biết bám quanh chiếc thuyền thúng chờ đợi phép nhiệm màu.
Ngư dân lâm vào cảnh khốn khó
Có mặt tại cầu cảng đón người thân trở về sau chuyến đi biển kinh hoàng, gia đình các ngư dân ai cũng mừng rơi nước mắt. Dù họ biết con tàu cùng tài sản đã chìm giữa biển khơi nhưng “người còn thì của còn”.
H1Người thân của các ngư dân khóc cạn nước mắt tại cầu cảng. Ảnh: Hoàng Tuấn
Bà Bùi Thị Luận (51 tuổi, vợ của thuyền trưởng Thành) nghẹn ngào cho biết: Cuối năm 2011, vợ chồng bà vay mượn, tích cóp mua lại con tàu này trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Đi biển nhiều năm, nợ vẫn chưa trả hết. Giờ tổng tài sản, trị giá con tàu hơn 8 tỷ đồng đã chìm xuống biển.
“Cuộc sống của gia đình và các ngư dân khác phụ thuộc vào con tàu, giờ nó đã bị đâm chìm, mất hết tài sản. Chúng tôi không biết làm sao đây…”, bà Luận vừa khóc, vừa nói.
Cùng đi đón con trai, cụ bà Nguyễn Thị Tấm (70 tuổi, trú Thăng Bình, Quảng Nam) khóc đến kiệt sức. Con trai cụ Tấm, anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) bị nạn trong chuyến đi biển lần này.
H1Bà Bùi Thị Luận (vợ của thuyền trưởng Thành) nghẹn ngào khi đón chồng và con trai, các anh em trên tàu trở về. Ảnh: Hoàng Tuấn
Vợ anh Thành đang mang bầu, lại chăm 2 con nhỏ nên không thể ra đón anh. Chồng bà Tấm lại già yếu, bà đành mặc kệ sức khỏe để cốt nhìn mặt đứa con sau hơn 2 tháng đi biển.
Cụ Tấm tâm sự, gia đình bà thuộc hộ nghèo, chồng đau ốm thường xuyên, các con phải đi làm thợ đụng để trang trải cuôc sống. 3 năm nay, 2 người con trai bà theo các tàu câu mực khơi xa, riêng anh Thành đi cùng với tàu của ông Phạm Phú Thành.
Mỗi chuyến đi thường 80 ngày, sau khi trừ chi phí, anh Thành được chủ tàu trả 10 triệu đồng. Số tiền trở thành nguồn sống của cả gia đình với 5 miệng ăn.
Tương tự hoàn cảnh bà Tấm, chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi) có chồng là anh Nguyễn Trần Anh (36 tuổi) tham gia đánh bắt trên tàu của ông Thành. Chị Hoa chua chát:
“Có chồng đi biển hồn treo cột buồm mà. Hơn 2 tháng mong ngóng thấp thỏm, giờ lại nhận tin tàu bị đâm chìm. Giờ cuộc sống khó khăn không biết làm sao…”, chị Hoa tâm sự.
H1Dù may mắn được cứu sống trở về, nhưng thời gian tới gia đình các ngư dân đối mặt với khốn khó vì con tàu và tài sản đã chìm giữa biển. Ảnh: Hoàng Tuấn
Để động viên, chia sẻ với gia đình các ngư dân, UBND huyện Thăng Bình trao mỗi ngư dân bị nạn 1 triệu đồng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng trao 1 triệu đồng cho mỗi ngư dân.
Công an tỉnh Quảng Nam và Bộ đội Biên phòng Quảng Nam mỗi đơn vị trao 17 triệu đồng cho các ngư dân.
Nghẹn lòng, xúc động tại cầu cảng, thuyền trưởng Phạm Phú Thành nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vươn khơi, bám biển dù bất cứ điều gì xảy ra. Bởi đó là biển của cha ông.
Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm để chúng tôi được đóng lại tàu mới, tiếp tục vươn khơi bám biển, hoạt động trên ngư trường truyền thống và chủ quyền của tổ quốc”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: