>> Không cấm nhà báo viết trái ý cơ quan trên mạng xã hội
>> Hồ sơ Panama tiết lộ: Thành Long với những người siêu giàu Trung Quốc
Hà Chính
(Chinhphu.vn) – Tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng là sẽ “làm đến cùng và quy trách nhiệm cụ thể” trong việc triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đã ghi rõ: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung trực tiếp chịu trách nhiệm nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết. Đây cũng là điểm đầu tiên trong phần nội dung về trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong Nghị quyết.
Có nơi “coi Nghị quyết như phong trào”
Thực tế, thực thi chính là vấn đề luôn được cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm khi các Nghị quyết số 19 liên tiếp được ban hành hằng năm từ 2014 đến nay.
Sau hai năm triển khai các Nghị quyết 19, Chính phủ ghi nhận một số Bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã tích cực triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên ở những lĩnh vực này môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng.
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi (năm 2015 chỉ có 10 Bộ, cơ quan và 15 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo theo quy định). Người đứng đầu một số Bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, lãnh đạo chưa nắm được cụ thể mục tiêu và nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
“Phải trả lời đến nơi, đến chốn những kiến nghị của doanh nghiệp. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không”, Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra.
Thủ tướng yêu cầu sau khi Nghị quyết được ban hành, phải biến chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể của mỗi cán bộ, công chức thực thi công vụ. Thủ tướng cũng yêu cầu hàng loạt biện pháp quyết liệt, như các bộ ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết 19 cùng với Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sắp được ban hành. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hằng quý, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp, thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lập các Đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19.
Tất cả các thành viên Chính phủ phải vào cuộc
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là thuế, ngân hàng, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương mà rất nhiều bộ ngành như Y tế, KHCN, LĐTB&XH đều liên quan.
Vì vậy, điểm mới đầu tiên của Nghị quyết 19 năm 2016 là yêu cầu tất cả các bộ, ngành, thành viên Chính phủ đều phải vào cuộc, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, trước đây nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng mới chỉ dừng lại ở mức văn bản, bây giờ phải làm sao để không còn khoảng cách giữa văn bản, thông tư, nghị định với thực tế thực thi.
“Các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc, cùng nhau làm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chọn từng việc, làm đến cùng và quy trách nhiệm cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, điểm quan trọng nhất trong Nghị quyết 19 năm 2016 là Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức một diễn đàn tiếp thu mọi ý kiến từ doanh nghiệp để xử lý rốt ráo từng vấn đề vướng mắc, các kiến nghị và giám sát việc thực thi cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp không có điều kiện phát biểu, “ngại nói” nên thông qua diễn đàn này, chúng tôi bảo đảm tiếp thu tất cả các ý kiến nhưng không làm phiền doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng “sau 2 năm triển khai Nghị quyết 19 vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “Bộ KHĐT cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình trong những năm tới đây”, trước hết là triển khai tích cực các hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức nhà nước và cả nền hành chính.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban ngành và địa phương. Việc tăng cường giám sát sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét